Những đứa trẻ Rohingya khuyết tật trong trại tị nạn ở Bangladesh
Với trẻ em khuyết tật hay thiểu năng trí tuệ trong trại tị nạn, việc chẩn đoán và chăm sóc y tế gặp nhiều khó khăn.
Những đứa trẻ khác thường
Anayetullah và mẹ Zohura Khatun, 39 tuổi, là người Rohingya không quốc tịch đến từ Myanmar. Kể từ cuối những năm 1970, bạo lực tôn giáo xảy ra đã khiến người Rohingya chạy trốn sang Bangladesh. Hiện nay, hơn 900 nghìn người Rohingya đang sống ở Bangladesh. Bên trong căn nhà tạm bợ ở Kutupalong, trại tị nạn người Rohingya lớn nhất ở Bangladesh, Anayetullah an toàn nhưng cô độc vì là là người khuyết tật.
“Thằng bé không có bạn. Anayetullah tìm cách kết bạn với những đứa trẻ khác nhưng chỉ sau thời gian ngắn, bọn trẻ cũng rời xa thằng bé”, Zohura Khatun nói. Trẻ khuyết tật về tinh thần và thể chất luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Với trẻ em Rohingya sống trong các trại tị nạn, khó khăn nhân lên gấp nhiều lần bởi tình trạng quá tải, thiếu thốn thức ăn, nước sạch và chăm sóc y tế.
Zohura Khatun cho biết, khi Anayetullah lên 7 tuổi, cô đã nhận thấy sự khác thường ở con trai. "Thằng bé hay nhìn lên mái nhà hoặc khu vực trên cao. Sau đó, cơ thể bắt đầu run rẩy, Anayetullah ngã xuống và không thể di chuyển cơ thể. Tuy nhiên, việc tìm bác sĩ để khám và điều trị là việc không đơn giản trong các trại tị nạn", Zohura Khatun nói.
Zaynab Bahar, 16 tuổi cũng rơi vào tình trạng tương tự như Anayetullah. Zaynab Bahar ít nói, giao tiếp với bố mẹ chủ yếu bằng cách chỉ tay. Mẹ em, Fatema Khatun, 54 tuổi cho biết, cảm thấy lo ngại về tình trạng của Zaynab Bahar từ rất sớm.
"Một đứa trẻ bình thường có thể nói khi lên 2 hoặc 3 tuổi nhưng con bé chỉ có thể nói một số từ như bố, mẹ. Khi Zaynab Bahar lên 5 tuổi, tôi nhận rõ sự bất thường. Con bé ít nói, không thể làm những thứ bình thường như những đứa trẻ khác”, Fatema Khatun nói.
Những đứa trẻ Rohingya khuyết tật trong trại tị nạn ở Bangladesh |
Đối mặt với sự kỳ thị từ cộng đồng
Zaynab Bahar nói thêm rằng, sự kỳ thị trẻ khuyết tật trong các trại tị nạn rất lớn. "Người Rohingya khác trong trại ghét con gái tôi. Họ nói, tôi đã sinh một đứa trẻ bất thường, một đứa trẻ bị điên hay ngu ngốc. Tôi đã khóc suốt ngày vì không có ai giúp vợ chồng tôi chăm sóc con gái”, Zaynab Bahar nói.
Người Rohingya không phản đối việc thăm khám bác sĩ nhưng có xu hướng tìm đến những thầy lang hay pháp sư vì cho rằng, bệnh tật là do yếu tố thần linh tác động. Trường hợp của Jannatul Bokiya là một ví dụ. Khi Jannatul Bokiya 7 tháng tuổi, mẹ em - Hamida Begum, 31 tuổi nhận ra rằng, con gái có biểu hiện bất thường khi không thể ăn, ngồi hoặc di chuyển như những đứa trẻ khác. Sau đó, Jannatul Bokiya thường xuyên bị co giật.
Khi Jannatul Bokiya lên 5 tuổi, Hamida Begum đưa em đến gặp một pháp sư. Pháp sư đã cho cô bé vòng kim loại đeo trên cổ. “Con bé không thích đeo vòng cổ nhưng tôi tin rằng, chiếc vòng sẽ giúp con bé ổn định trở lại”, Hamida Begum nói.
Hơn 500.000 người Rohingya trong các trại ti nạn ở Bangladesh là trẻ em. Theo số liệu thống kê của Humanity & Inclusion (HI) - một tổ chức giúp đỡ trẻ khuyết tật trong các trại tị nạn người Rohingya ở Bangladesh và trên toàn thế giới, khoảng 3% trăm trẻ em “có vấn đề” về tinh thần, trí tuệ hoặc bị khuyết tật vận động. “Tuy nhiên, thật khó để có được con số chính xác. Mọi người che giấu tình trạng khuyết tật của con cái vì sợ bị kỳ thị. Với các dạng khuyết tật về tinh thần, cần phải tiếp xúc, trao đổi trực tiếp mới có thể nhận định chính xác”, Sophie Dechaux, người đứng đầu HI ở Bangladesh nói.
Bên trong các trại tị nạn người Rohingya ở Bangladesh, không có bác sĩ nhi khoa nào chuyên khám và điều trị cho trẻ em bị khuyết tật về thể chất và tinh thần. Randi Hagerman, một bác sĩ nhi khoa chuyên về lĩnh vực rối loạn phát triển tại Viện UC Davis Mind cho biết, trong các trại tị nạn, vấn đề mà mọi người quan tâm đầu tiên là làm thế nào để duy trì cuộc sống, có đủ nước uống, thực phẩm hàng ngày chứ không phải là y tế.
“Rất nhiều người tị nạn là trẻ em. Thực tế là tuổi thơ của các em diễn ra trong các trại này. Chúng ta sẽ mất cả một thế hệ nếu trẻ em không được chẩn đoán bệnh tật và điều trị kịp thời”, Simon Pickup, một chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nói.