Những cô gái 9X "đánh thức" vẻ đẹp của bản làng để khởi nghiệp
1.Giờ đây, mỗi lần du khách đến với Làng Văn hóa du lịch thôn Hạ Thành, xã Phương Độ, TP Hà Giang, cũng đều biết tới homestay Hợp tác xã (HTX) Đồng Quê của 7 cô gái trẻ dân tộc Tày lập ra. Sau một thời gian đi vào hoạt động, đến nay HTX Đồng Quê đã trở thành điểm lưu trú quen thuộc của khách du lịch khi đến với thôn Hạ Thành.
Từng tốt nghiệp chuyên ngành Kế toàn, cô gái trẻ sinh năm 1992 Nguyễn Thị Tiện không tìm được cho mình công việc như ý. Với cá tính quyết đoán, thích tự do, Nguyễn Thị Tiện đã cùng 6 người bạn lập ra HTX Đồng Quê để làm du lịch homestay.
Các thành viên trong HTX Đồng Quê chụp ảnh lưu niệm với du khách. |
Nguyễn Thị Tiện chia sẻ: "Ban đầu mình mở một cửa hàng nhỏ tại nhà để kinh doanh các sản phẩm thủ công truyền thống, tuy nhiên trái ngược với lượng du khách đến với thôn Hạ Thành rất đông, nhưng người mua hàng của mình rất ít. Đang trăn trở suy nghĩ thì tình cờ mình được tham gia vào lớp tập huấn hướng nghiệp cho thanh niên của Đan Mạch do Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức.
Từ đó, mình có hướng đi mới trong bước đường khởi nghiệp tại quê hương. Và HTX Đồng Quê ra đời, đi vào hoạt động từ năm 2016, với số vốn góp ban đầu của 7 thành viên lên tới gần 1 tỷ đồng. Số tiền khá lớn so với bọn mình, nhưng tất cả không lo lắng mà luôn đồng lòng, tin tưởng vào quyết định. Nhìn vào lượng khách đến thôn ngày một nhiều, chúng mình tin rằng không sớm thì muộn mô hình này cũng sẽ thành công".
Để bắt đầu kế hoạch, đầu tiên HTX Đồng Quê cho xây dựng một nhà sàn nghỉ dưỡng với đầy đủ tiện nghi, kết hợp cải tạo không gian đồng ruộng, dòng suối chảy qua ngôi nhà tạo cho du khách cảm giác thư thái, bình yên.
Không gian ngôi nhà sàn của HTX Đồng Quê được thiết kế đặc sắc với tầng 1 là những gian hàng trưng bày sản phẩm địa phương, gian phòng may các sản phẩm thổ cẩm, không gian trên tầng là các ô nhỏ để du khách nghỉ dưỡng.
Cũng từ mô hình kinh doanh tổ hợp của HTX Đồng Quê, bà con trong thôn đã có nơi tiêu thụ các sản phẩm thủ công truyền thống. Đặc biệt là chiếc túi lưới làm bằng dây sắn được nhiều du khách lựa chọn, có những tuần bán được hàng trăm chiếc, giá mỗi chiếc lên tới 300 nghìn đồng.
Du khách rất ấn tượng với những mỏ nước thiên nhiên tại bản Khéo. |
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX Đồng Quê đã có lượng khách ổn định, những ngày cao điểm có cả trăm khách đến ăn nghỉ và qua đêm. Nắm bắt được xu thế phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, HTX Đồng Quê còn đăng tải thông của mình lên cách trang web du lịch cho khách có thể tìm hiểu và đặt phòng.
Một du khách đến từ Ấn Độ chia sẻ: "Tôi đến khám phá vùng đất Hà Giang cùng 2 cô con gái, chúng rất thích ở tại Đồng Quê Homestay. Nơi này chỉ cách TP Hà Giang 6km, không gian rộng, có nhiều cảnh đẹp, thức ăn ngon và rất phong phú, thật tuyệt vời".
Để xây dựng nên không gian đẹp như hiện nay, 7 thành viên của HTX đã tự tay thiết kế và ngày ngày tân trang, từng bước hoàn thiện không gian khu nghỉ dưỡng. Nhóm gồm 7 thành viên, mỗi người nắm một vai trò khác nhau, người phụ trách phần nấu nướng, người đảm nhận vai trò tập luyện văn nghệ, người kiêm mảng kế toán… cứ thế họ gắn trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình để xây dựng HTX Đồng Quê có quy mô ngày một lớn hơn.
Từ số vốn hơn 900 triệu đồng, giờ đây các thành viên trong HTX Đồng Quê đã có thu nhập bình quân 15 - 20 triệu đồng một tháng, đặc biệt HTX Đồng Quê đã mua thêm được mảnh đất kế bên để tiếp tục xây dựng thêm ngôi nhà sàn thứ hai mở rộng mô hình HTX.
Chị Nguyễn Thị Tiện bật mí, trong thời gian tới không chỉ ngôi nhà sàn của HTX Đồng Quê đón khách mà sẽ đón thêm khách tại chính nhà của các thành viên trong HTX, để du khách được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của một gia đình truyền thống người dân tộc thiểu số.
2.Cũng như 7 cô gái ở Hà Giang, chị Hoàng Thị Ngọt (24 tuổi) sinh ra và lớn lên ở bản Khéo, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, người dân tộc Tày cũng bắt tay "đánh thức" một bản làng đẹp đã "ngủ quên" để khởi nghiệp.
Hoàng Thị Ngọt chia sẻ: "Ở bản tôi, nơi có cảnh quan thiên nhiên rất kỳ thú. Những nếp nhà sàn ẩn dưới chân núi đá trùng điệp. Bao quanh bản làng là những hang động kỳ bí và những mỏ nước, thác xả tràn, tạo ra những hồ bơi với dòng nước trong, mát lành…
Một số sản phẩm thủ công truyền thống của người dân tộc Tày. |
Tuy nhiên, những cảnh đẹp này chưa được nhiều du khách biết đến, nên nơi đây được ví như một thung lũng bị bỏ quên. Bản Khéo có tới 98% là người dân tộc Tày với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhưng những năm gần đây, nghề này đã bị mai một. Cả xã Lâm Thượng trước những năm 1990 cứ trung bình mỗi gia đình có 1 chiếc khung cửi để dệt vải, nhưng những năm 2.000 trở lại đây, số lượng người dệt vải giảm mạnh, và hiện nay chỉ có 2 nghệ nhân vẫn còn dệt, có thể tạo hoa văn trên khung cửi để dệt vải.
Từ ngày còn ngồi trên ghế giảng đường đại học mình đã trăn trở, làm thế nào để bảo tồn nghề dệt của cha ông và phát triển kinh tế trên quê hương. Sau khi hoàn thành 4 năm học về Quản lý văn hóa của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, mình quyết định về quê khởi nghiệp với dự án phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cha ông".
Chị Ngọt cùng người dân địa phương khôi phục lại nghề dệt và xây dựng không gian du lịch cộng đồng. Sau đó sẽ phát triển du lịch và sản xuất thổ cẩm phục vụ du khách và bán ra thị trường. Hiện chị Ngọt đang trong quá trình bảo tồn và sưu tầm các khung cửi dệt và tu sửa nhà truyền thống của bản Tày.
Chị Ngọt cho biết, nhà truyền thống sẽ đón khách tham quan và chỉ đón lượng khách ở theo mô hình homestay dành cho những khách đặc biệt muốn tìm hiểu văn hóa. Còn hệ thống homestay ngay sát bên, ngăn cách bởi hàng rào hoa râm bụt, có lối thông với nhà truyền thống. Tại các ngôi nhà sàn này sẽ được thiết kế theo kiểu hiện đại: Có lát sàn, cánh cửa, đệm, rèm… đủ tiêu chuẩn đón khách.
Hiện chị Ngọt đã khôi phục và thử nghiệm thành công nhuộm thổ cẩm chàm và đã có sản phẩm là vải chàm truyền thống. Có 1 homstay đã nhận bán sản phẩm. Đồng thời, bản Khéo đang phát động phong trào "nhà sạch, bản đẹp", mỗi nhà sẽ đăng ký là nhà sạch có trồng hoa, rau... Toàn bản đã ra quân trồng hoa ven đường quanh bản với mục tiêu cùng nhau giữ gìn bản sạch đẹp để đón khách du lịch.
Khách đến bản Khéo sẽ được trải nghiệm những hoạt động thú vị như: ăn, ngủ, nghỉ tại nhà dân, làm việc cùng người dân, leo núi khám phá hệ thống hang động, tắm mỏ thác, đạp xe quanh bản… Và đặc biệt là hoạt động tham quan nhà truyền thống, nghề dệt thổ cẩm và mua đặc sản tại không gian tiêu thụ nông sản…
"Phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại bản Khéo là một trong những mục tiêu quan trọng để bảo tồn nghề dệt vì khi cả cộng đồng làm du lịch, có thu nhập, họ sẽ hiểu được giá trị và tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Đặc biệt, dự án sẽ giải quyết việc làm bền vững cho các đoàn viên thanh niên và phụ nữ trong xã, đồng thời là cánh cửa để giải quyết đầu ra nông sản cho người dân địa phương", chị Ngọt cho biết thêm.
Dự án khởi nghiệp của chị Ngọt đã được bình chọn là 1 trong 60 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo toàn quốc, khi tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức.
Đánh giá về dự án, bà Hoàng Thị Sới, Tổ trưởng tổ phụ nữ của bản Khéo, cho biết: "Người dân địa phương rất ủng hộ đề án của chị Ngọt vì nó giúp ích cho cộng đồng. Đây là dự án khả thi và được chúng tôi ủng hộ nhiệt tình. Vừa qua, chúng tôi đã kêu gọi được một nhóm thiện nguyện đến cải tạo cảnh quan, trồng hoa ven đường để hỗ trợ dự án".
Chứng kiến thành quả của những cô gái 9x người dân tộc Tày, chúng tôi thật khâm phục ý chí của họ. Những cô gái dám nghĩ, dám làm và bằng sự đam mê không ngại khó khăn, họ đã vượt qua tất cả để đến thành công trên con đường lập nghiệp ngay tại quê hương mình.