Nhà gác quê Mường

Thứ Sáu, 25/09/2020, 08:02
Mẹ kể khi vừa được một tháng tuổi tôi đã về quê ngoại, một bản nhỏ thuộc Mường Thàng. Nơi có dòng suối róc rách lấp lóa nắng từ rặng mận, nhà sàn thấp thoáng vườn cây trái xum xuê bốn mùa. Câu đầu tiên học nói là "cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui"...


Sau lớn, biết câu thành ngữ ngắn ngủi thâu tóm trọn vẹn đời sống căn cốt nhà Mường và nhà gác, tức nhà sàn Mường, gắn bó suốt tuổi thơ, day dứt  đi theo cuộc đời và nhắc nhở món nợ với quá khứ.

Cả năm chị em tôi đều mê mẩn quê ngoại, nơi có ngôi nhà sàn đẹp nhất bản. Về quê bỏ dép, tung tăng khắp cái nhà sàn "dài như một tiếng chiêng" mỏi nhừ đôi chân bé thơ. Tôi nhớ cái vân gỗ loang ra như vệt khói ám trên cột cái lên nước bóng loáng đượm màu thời gian, đủ một vòng tay ôm tuổi thơ. Tôi thuộc từng cái mắt gỗ to và nhỏ từng tấm gỗ lát  mặt sàn rộng thênh thang, những mắt gỗ ngỡ ngàng ký ức. Tôi phân biệt được cái lỗ thủng nào là do con mọt cần mẫn  gặm cót két suốt ngày đêm, cái lỗ thủng nào là do nứt vỡ, và cái lỗ thủng nào là do bác dâu khoét ra để nhổ nước cốt trầu.

Tính bác Cả cẩn thận, tấm gỗ sàn nào bị mọt gặm thủng là thay ngay, nhưng vì chiều bác dâu, nên riêng tấm gỗ khoét lỗ không bao giờ thay. Bác dâu đã thân thiết chung sống với tấm ván khoét lỗ, bên cửa vóong nhà sàn để ăn trầu, đến 85 tuổi về trời. Nhìn tấm ván khoét lỗ, tưởng đâu bác dâu đang lụm cụm giã trầu, vừa đứng lên đi vào bếp.

Thèm được duỗi dài chân, gối đầu lên lòng bác dâu, hít hà mùi thơm thơm nồng hắc của trầu và cau trong cái cối trầu bằng đồng có những hoa văn tinh xảo. Nhớ tiếng ngoáy trầu phát ra âm thanh rin rít. Đôi khi bác dâu nhờ giã trầu hộ, rồi nói  giã trầu không ngon, con gái vụng thế sau này chỉ có ế chồng.

Một xóm nhỏ người Mường.

Tôi thích quẩn quanh bên bác dâu, quanh bác rất nhiều hộp đan bằng cật tre, mà cái nào cũng óng chuốt nuột nà như eo lưng ong thiếu nữ. Những thứ hộp và ớp này đều do bác Cả tự tay chuốt từng nan cật tre đực và đan. Nghĩ lại tôi đồ rằng bác Cả đan bằng tình yêu "lạt mềm buộc chặt" đến nồng nàn. Tôi lục lọi với niềm thích thú, trầu cau, thuốc lào, chỉ thêu, các mảnh vải vụn xanh đỏ, ước mong có những hộp đan ấy để chơi bày hàng.

Con dao cau nhỏ xíu sắc lẹm cùng bộ xà tích bạc trên cạp váy  dệt con  hươu của bác dâu, theo nhịp tay ngoáy trầu, phát ra âm thanh lanh canh reo vui. Mẹ kể cái cối trầu và bộ xà tích này là của quan Lang, bác Cả mang một trâu vực cày đổi lấy để tặng bác dâu. Rằng suốt thời con gái, mẹ đã ước mong một bộ xà tích như vậy. Mẹ thở than đầy tiếc nuối khi anh trai con bác Cả đã bán bộ xà tích sau vài năm bác dâu về cõi.

Tôi nhớ đến bác dâu thật nhiều bởi đó là người đàn bà Mường đặc biệt. Theo cách nghĩ của tôi bác dâu như chiếc cầu thang của ngôi nhà sàn Mường. Có lẽ ít ai biết, linh hồn nhà sàn Mường truyền thống là chiếc cầu thang. Nhà quan Lang được làm cầu thang 9 bậc; nhà lang Cun, người giúp việc cho Lang, được làm cầu thang 7 bậc; dân thường được làm cầu thang 5 bậc; còn hạng nghèo hèn, mẹ góa con côi chỉ được làm cầu thang 3 bậc. Vào bản Mường, nhìn bậc cầu thang là biết địa vị cao quý, hay thấp hèn. Cả đời, bác dâu tôi được coi như chiếc "cầu thang 9 bậc" của ngôi nhà, trong chín bậc tình yêu của bác Cả.

Cũng ít ai còn nhớ nhà sàn Mường có 2 cầu thang. Cầu thang dành cho ông chủ nhà và khách đặt ở đầu hồi phía Đông Nam, nơi đón mặt trời lên. Chiếc cầu thang này dẫn khách đi vào gian nhà chính, nơi đặt bếp khách lúc nào cũng đỏ lửa, ấm sực. Chiếc cầu thang và bếp này bác Cả dùng thường xuyên. 

Cầu thang dành cho đàn bà trong nhà đặt ở phía Tây Bắc, nơi giáp sàn nước. Cầu thang này dẫn vào bếp dành cho đàn bà  nấu ăn hằng ngày. Vậy chủ nhân của bếp này là bác dâu ư? ồ, không phải đâu, bác Cả cũng làm chủ bếp này luôn. Khi về quê, tôi thường thấy bác bận rộn ở căn bếp này, và tôi được ăn những món ngon nhất. Qua nửa đời người, tôi vẫn muốn được bé bỏng lại để hít hà món canh thịt gà nấu mộc nhĩ, nấm tươi vừa hái, thơm ngọt ngào hương rừng xanh.

Trên kia tôi nói chỗ ngồi ăn trầu của bác dâu là cây cột cái, bên cửa voóng. Ở nhà sàn, cửa vóong là  cửa sổ hai bên gian thờ hướng chính Tây, là nơi linh thiêng nhất của ngôi nhà. Đàn bà không được ngồi ở 2 ô cửa voóng này vì đó là lối đi ra đi vào của ông bà tổ tiên. Khi người đàn ông của gia đình đi về Mường Ma thì quan tài cũng được đưa ra ngoài bằng cửa voóng. Vậy mà bác dâu của tôi, suốt hơn nửa thế kỷ sống ở nhà chồng, chỗ ngồi ăn trầu của bác dâu chính là nơi cửa voóng này. Tôi nghĩ, bác dâu là phong thủy, là linh hồn, là chiếc cầu thang, là cửa voóng nhà sàn. Sau cùng, bác dâu là chín bậc tình yêu của dòng họ nhà tôi, và tôi hiểu vì sao mẹ coi bác dâu như thế thân của bà ngoại.

Còn bao nhiêu là niềm yêu với  cái hành lang bao quanh nhà sàn. Những khi giỗ chạp thì cái mặt sàn rộng cũng trở nên chật hẹp, thì cái hiên rộng ấy  đủ chỗ cho chị em tôi đùa nghịch mà không làm quẩn chân người lớn. Khi lớn thêm chút nữa, hiên nhà  lại là nơi tôi thập thò rình các chị đi chơi với bạn trai, là nơi tôi chẩu mỏ ngồi hóng hớt khi các chị cùng bạn bè cười đùa rúc rích với những chuyện dưới đất trên trời mà một  đứa bé con chả hiểu gì. Năm tháng trôi  miên man vẫn còn lại nơi hàng hiên ấm áp  như tình yêu thương trìu mến thời  trẻ dại trong veo.

Mỗi khi nằm dang rộng chân tay trên nhà sàn, tôi thường nhìn lên mái gianh được lợp dày đến cả gang tay kèm nỗi lo lắng lỡ mưa đá thủng mái nhà? Biết đâu cũng giống ngôi nhà chúng tôi ở nơi thành phố bị mưa đá đập vỡ mái ngói, dột trong nhà như ngoài sân. Mẹ kể có lần mưa bão sập mái gianh, mẹ bị cây nứa nhọn xuyên đỉnh đầu, bác Cả chui vào bới  cái mái gianh đã sập xuống để lôi mẹ ra. Di chứng để lại là vết sẹo to đùng, nhẵn bóng, lồi thành một cục trên đầu mẹ, tôi thường di ngón tay lên đó. Từ lần sập mái nhà ấy, bác Cả lợp gianh mỏng cho đỡ nặng mái. Tôi nghĩ cắt được cỏ gianh để lợp đủ cái nhà sàn cũng là một kỳ công rồi.

Nhà văn Phan Mai Hương (huongphanmaihb@gmail.com)

Không còn ngôi nhà sàn, nên không còn cái máng đẽo bằng gỗ, đựng đầy nước, trong lòng máng phơ phất làn rêu xanh mịn như nhung. Cái gáo bằng ống nứa để úp ngang miệng máng, dùng để múc nước rửa chân trước khi trèo lên nhà. Cái máng đựng nước dưới gốc bưởi, mỗi mùa hoa, hương thơm ngát thấm từng giọt nước. Hương thơm thanh tao ngan ngát của hoa bưởi thấm xuống phiến đá lót chân mòn vẹt vết thời gian. Hương bưởi loang ra ôm choàng ngôi nhà sàn như vòng tay bao dung hiền từ của  ông bà bao bọc lũ cháu từ thành phố, nghịch ngợm như quỷ con.

 Cái máng cạn trơ đáy, khô nẻ, lớp rêu bám khô cong cớn như miếng bánh đa nướng và chuyển sang màu nâu xỉn như có ánh mắt trách móc, dỗi hờn của người xưa lẩn khuất trong tán lá xanh. Khi cái máng bị phơi nắng mưa  nứt nẻ thớ gỗ thì nó bị chẻ ra thành củi đun bếp. Biết rồi mà lòng nhoi nhói hoài niệm xa xôi. Tôi vẫn cảm giác đau như dao cắt ruột khi nghĩ đến anh con bác Cả bán ngôi nhà sàn. Anh nói bán  nhà vì không hái được cỏ gianh lợp mái, tấm ván mọt gặm không có thay. Ờ, thì rừng nguyên sinh đã thành đồi bát úp trơ trụi như con gà bị vặt trụi lông.

 Anh  em tôi đã không giữ được ngôi nhà sàn đẹp nhất bản. Bên hàng xóm dần mọc lên những ngôi nhà mái bằng. Trong không gian bờ rào, bụi tre, vườn ngô và cây trái, đất đồi đỏ au, ngôi nhà vô duyên như  mặc com lê đi dép tổ ong. Tương lai gần, ngôi nhà sàn Mường sẽ mất tích, vì rừng không còn gỗ.

Năm tháng qua, chúng tôi dù ở quê hay phố, đều sống trong nhà mái bằng bê tông cốt thép vuông chằn chặn như hộp diêm, khác nào con dế nhốt trong hộp diêm. Nếu đi hết cuộc đời không nguôi cạn nỗi nhớ quê, và riêng tôi ngôi nhà sàn thênh thang nắng gió đã nuôi trong tâm khảm một nỗi tiếc đến khắc khoải. Hơn hết là nỗi lo thế hệ sau chỉ biết "cơm đồ nhà gác..." trong  sách nghiên cứu về một nền văn hóa đã mất.  

Phan Mai Hương
.
.
.