Ngày xuân, trở về với Lễ hội "Trâu rơm bò rạ"
- Lễ hội "Quảng Nam - Hành trình di sản văn hóa"
- Hội rước pháo Đồng Kỵ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lẽ dĩ nhiên, nhà nhiếp ảnh Phạm Ánh cũng có mặt trong buổi trao giải hôm đó. Không ngờ rằng, tác giả của bộ ảnh đã ở tuổi trên dưới 60, khác hẳn với cảm nhận của người ngoài giới, tưởng rằng tác giả còn đang sung sức hoặc một tác giả trẻ tuổi nào đó.
Phạm Ánh, trong vòng vây của báo giới, ông không trả lời được bao nhiêu, bởi cùng một lúc rất nhiều cảm xúc ùa về. Nhưng hơn hết, người xem cảm nhận ở ông một sự khiêm tốn. Có lẽ niềm vui của ông được giấu vào bên trong.
Để hiểu và cảm nhận rõ nhất về lễ hội truyền thống của làng quê nào đó, ít nhất phải là người đã từng sống ở miền quê ấy, có một tuổi thơ trong làng quê ấy, bởi những ký ức trẻ thơ vốn khó phai mờ. Từ những đứa trẻ 2, 3 tuổi đã được ông bà hay bố mẹ cõng lên lưng đi xem hội, thì sự cảm nhận, sự thích thú còn dư âm đến tận sau này khi lớn lên. Nhưng có lẽ với những người không sống ở miền quê ấy, không có ký ức tuổi thơ, thì sự cảm nhận hay niềm thích thú, sự tự hào khi đi xem hội giảm đi nhiều.
Vốn là một người mê lễ hội, nhưng để cảm nhận và thích thú chung với niềm vui của người dân làng, thì nhiếp ảnh gia Phạm Ánh phải rất am hiểu về lễ hội ấy, làng quê ấy. Hà Nội, nơi ở của ông cách Vĩnh Phúc không bao xa, nhưng có lẽ không phải ai cũng biết về "Lễ hội trâu rơm bò rạ" ấy, và qua những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Phạm Ánh, người xem sẽ hiểu hơn về lễ hội của vùng quê này.
Tương truyền Đinh Thiên Tích, vị tướng có công đánh đuổi giặc Ân thời Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh tan giặc Ân đã đem trâu về làng Bích Đại mổ trâu ăn mừng. Vị tướng tài của Vua Hùng đã lập và dạy con dân nơi đây làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, dệt vải... Để tưởng nhớ công ơn khai sáng của Đức Thánh, người dân xây đền thờ Phụng, cứ mùng 4, mùng 5 tháng Giêng tổ chức "Lễ hội trâu rơm bò rạ". Họ tết những con trâu bằng rơm rạ, nam đóng giả nữ, nữ đóng giả nam; ngoài ra còn có những trò trí dân tư nghiệp: nông dân, thầy đồ, học trò, thợ mộc, tượng trưng cho 4 tầng lớp: sĩ, nông, công, thương, tất cả đều tham gia, bày trò nơi sân đình, tạo nên bức ranh xuân rộn ràng.
Những tác phẩm trong bộ ảnh “Trâu rơm bò rạ” của tác giả Phạm Ánh đoạt Giải đặc biệt của cuộc thi "Hành trình di sản 2015". |
Một vùng quê thuần nông, sống bằng nền nông nghiệp lúa nước, cũng như nhiều vùng làm nông nghiệp khác, người dân làm lúa phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, và luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và những vụ mùa bội thu. Niềm tin vào tín ngưỡng, người dân đầu năm mở hội cầu mong một mùa màng bội thu. Những đồ vật gần gũi nhất với nhà nông là con trâu, con bò, cái cày...
Và "ngày hội xuống đồng" của người dân hai làng Đồng Vệ và Bích Đại (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) được tổ chức vào ngày mùng 4 và mùng 5 tháng Giêng Âm lịch. Trong không khí năm mới tưng bừng, người dân vẫn không quên công việc mùa màng. Cái không khí xuống đồng vui nhộn, rộn ràng, tiếng cười nói râm ran khắp cánh đồng. Với những lễ hội khác là người dân ăn mặc đẹp, áo dài khăn đóng, thì những người nông dân ở đây vẫn quần áo cánh thâm, răng đen, mặc váy thâm mang cày mang cuốc, "mang trâu bò" được tết bằng rơm rạ đi "xuống đồng".
Những con trâu được tết bằng rơm nếp, sợi rơm thật dai và vàng óng tượng trưng cho con trâu thật được những thanh niên đội lên đầu, được người đi đằng sau cầm cày điều khiển. Cũng chịu sự điều khiển của người đằng sau, sang phải sang trái, nhiều lúc những "chú trâu" lại hứng khởi trêu chọc, húc nhau khiến mọi người xem bên ngoài rất vui vẻ, hứng khởi.
Đám ruộng giữa sân kho hợp tác, những người phụ nữ chít khăn mỏ quạ, tay bưng thúng thóc đi gieo mạ, vãi khắp sân. Các chị em cũng vui vẻ chào nhau, tiếng nói, tiếng cười, tiếng nói chuyện í ới, tiếng hỏi thăm nhau râm ran cả một cánh đồng. Một không khí thật rộn ràng, như đang vào mùa vụ. Một niềm tin thật đáng trân trọng.
"Lễ hội trâu rơm bò rạ" cũng có những phần thi, gồm 3 đội thi đấu với nhau. Ban tổ chức sẽ chấm giải trâu rơm được bện đẹp nhất, đội hình người tham gia không khí nhất, phấn khởi nhất. Và họ cùng có chung một niềm tin chiến thắng, niềm tin vào một vụ mùa bội thu. Chính niềm tin đó, niềm tin cùng về một hướng đó khiến người ta gần gũi nhau hơn, cuộc sống thật bình dị biết bao.
Nhiếp ảnh gia Phạm Ánh chia sẻ với báo giới trong buổi nhận giải thưởng. |
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ánh vốn là một họa sĩ, nhưng mấy năm gần đây, ông thích chụp ảnh, ông cũng là thành viên của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, ông cũng đoạt giải Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc EVAPA. Ông yêu thích lễ hội, sống trong không khí lễ hội và chớp được cái thần của lễ hội, tinh thần của người tham gia lễ hội, ông muốn nhìn thấy những góc mà ít người nhìn thấy. Chính vì vây, tác phẩm của ông, về đề tài thì không mới, nhưng luôn có một cái gì đó riêng biệt toát lên. Và ở bất cứ lĩnh vực nào, như thế cũng là thành công.
Ông yêu những người nông dân, yêu sự chân chất, mộc mạc của họ. Những người nông dân hiện lên rất đẹp trong tác phẩm của nhiếp ảnh Phạm Ánh. Hy vọng, cũng thông qua bộ ảnh của ông, những lễ hội độc đáo của Việt Nam sẽ được giới thiệu rộng rãi hơn ra với thế giới.
Ngày xuân, trong không khí của mùa xuân mới tưng từng, cùng về với "Lễ hội trâu rơm bò rạ", về với lễ hội xuống đồng của người dân Vĩnh Phúc, qua những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Phạm Ánh, chúng ta như được về với một miền quê yên bình, với những người nông dân, với những vật dụng làm đồng thân thuộc của người nông dân, với một niềm mơ ước, một niềm tin tưởng tuyệt đối.