Mùa xuân của trẻ nhỏ vùng cao
Những vẻ đẹp dung dị
Lạ lắm. Đặt chân đến vùng cao, trong tôi chất chứa những hình ảnh, câu chuyện đời sống giản dị nhưng thật đẹp. Trong điều kiện thiếu thốn, trẻ em vùng cao không hề được người lớn mua cho những món đồ chơi đắt tiền. Một sân chơi cho trẻ em luôn là ước mơ xa xỉ.
Đang tuổi học tuổi chơi, nhiều em đã phải gánh vác công việc của người lớn. Như ở vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát – Lào Cai), những đứa trẻ lấm lem đang tuổi ăn tuổi học nhưng vẫn vào rừng hái măng, thậm chí lên nương trồng cây, trỉa bắp, chăn trâu cắt cỏ giúp cha mẹ.
Nhỏ hơn một chút, các em phải cõng em oằn lưng và lủi thủi nơi những con suối nhỏ. Ngày chợ phiên thì xuống chợ, chơi một ván quay, đá một ván cầu, sau đó ăn một que kem, một cái kẹo, rồi lại tấp tểnh vượt cả chục cây số về nhà.
Nhiều em tự chế được những cỗ xe bằng gỗ, có thể ngồi lên, đổ dốc. Khi lên dốc lại oằn lưng đẩy xe. Những cỗ xe gỗ là một trò chơi thú vị mà trẻ em ở Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang… coi như những món đồ chơi bổ ích. Nhìn những chiếc xe đạp hoàn toàn được chế bằng tre và gỗ, khá đơn giản, vậy nhưng đủ để mang đến hơi ấm của những vùng đất khó, giúp các em nhỏ yêu đời hơn.
Sắc màu vùng cao. |
Một lần “phi” xe máy về Y Tý, tôi bắt gặp một nhóm trẻ trên đường đi chợ về “phát hiện” ra một trò chơi là trượt ở rãnh nước ngay bên đường. Rãnh nước được Nhà nước đầu tư để thoát nước.
Mùa nước trên núi về, rãnh nước ấm, độ dốc cao, chảy mạnh và có thể ngồi lên đó mà trượt xuống. Đây là một trò chơi khiến các em thấy sảng khoái. Nếu là trẻ em dưới xuôi, không quá khó để tìm kiếm một chiếc cầu trượt.
Nhưng ở vùng cao này, cầu trượt là thứ xa lạ mà trẻ em chỉ nhìn thấy trên tivi. Các em rủ nhau thi xem ai trượt nhanh hơn. Chiều ấy biến thành một buổi tổ chức đua nho nhỏ, đủ để cười một phen thoải mái. Các em vui chơi theo cách và điều kiện của mình.
Vào những ngày Tết, các em cũng tham gia chơi hội. Ở đó, những trò chơi được tổ chức khá vui nhộn. Từ kéo co, chơi quay, đánh chuyền, ném pao tới cả trò bịt mắt bắt dê, bập bênh, cà kheo...
Sau đó nhiều em đã tách ra chơi hội của riêng của nhóm. Như tại huyện Yên Minh (Hà Giang) dễ dàng bắt gặp cảnh các nhóm bạn nữ chơi nhảy dây, còn nhóm trẻ nam “đua xe”.
“Xe” của các em chính là những chiếc lốp xe máy đã hỏng nhưng còn nguyên hình tròn. Mỗi lần đua từ hai đến bốn người. “Xe” sẽ được dựng ở một điểm xuất phát, rồi các em dùng tay lăn để bánh xe chạy trên mặt đất, còn các em chạy theo rồi hò hét. Ai chạy nhanh, bánh xe không đổ thì sẽ thắng. Những tiếng cười giòn trong tiết xuân non.
Các em vào cuộc đua. |
Để xuân thêm ấm áp
Trẻ em Y Tý thích mùa xuân. Bởi xuân đến thì có hội, chợ đông hơn và đỡ rét buốt hơn. Đây cũng là mùa nhiều nhóm thiện nguyện “chở xuân” đến với những bản làng xa xôi, cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Có những nhà báo, phóng viên đi khắp nơi các vùng gian khó để chụp ảnh trẻ em vùng cao chơi hội, chơi những món đồ tự chế.
Thực tế đã cho những tay săn ảnh bộ ảnh chân xác về cuộc sống, bởi trẻ em luôn phải nhọc nhằn kiếm sống. Nào chăn dê, chăn trâu, cõng củi, cày bừa, vớt cá dưới suối, xách nước…
Nhiều năm Y Tý còn có tuyết rơi. Từ trong mưa tuyết, nhiều đứa trẻ vẫn để đầu trần, đôi bàn chân đen đúa lội trên tuyết mà không hề đeo dép hay tất.
Em Giàng Thị Hơ, học sinh lớp năm, cho biết: “Ngoài lúc đi học thì em đi làm giúp bố mẹ ở trên nương. Em cũng thích các món đồ chơi chiếu trên tivi. Ở đây có chợ, cũng bán một số món đồ. Nhưng chúng em không có tiền mua. Để chơi, chúng em tết dây thun vào, chơi trò nhảy dây. Hay chơi cà kheo. Nhiều bạn đi cà kheo rất tốt đấy”.
Xuôi xuống các xã Dền Sáng, Mường Hum, Cốc Mỳ… dưới tán rừng già có nhiều con suối nhỏ. Mùa xuân cũng trở thành mùa chơi của các em. Ngoài giờ đến lớp, học sinh trong các bản thường ra suối đón nắng cùng người lớn, rồi lội xuống suối tắm. Đặc biệt, xã Dền Sáng trở thành điểm du lịch vì có con suối nên thơ, được quen gọi là Suối Tình.
Du khách đến đây khá đông, trẻ em quanh khu vực cũng được dịp “ăn theo” khi trở thành những nhân vật trong các bức ảnh kỷ niệm, ảnh phong cảnh. Trẻ em Dền Sáng hát khá hay, bởi văn hóa đặc trưng của họ là hát tặng khách đến chơi xuân. Do đặc điểm của vùng văn hóa nhiều suối nhỏ, từ bé các em đã được học hát đối, để lớn lên theo nhóm đi hội, liền trở thành tâm điểm chú ý của bạn khác giới.
Nhiều em sẵn sàng biểu diễn trước ống kính với những tiếng cười giòn tan. Tiếng cười của các em trang điểm cho núi rừng, như những bông hoa rừng khoe sắc, làm cho vùng núi xa xôi hẻo lánh thêm sức sống. “Chơi xuân, chơi trò chơi mà giỏi là lớn lên cũng đắt chồng đắt vợ lắm. Người ta bảo đó là năng khiếu mà. Nhiều khi tiết trời lạnh, các em phải chơi trò cho cơ thể ấm dần lên”, thầy giáo cắm bản ở Y Tý Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Nào cùng chơi quay cho ấm. |
Bao chuyến đi công tác, tìm hiểu đời sống người dân Sơn La, Lai Châu, Yên Bái… tôi hiểu thêm rằng, có nhiều món đồ chơi mà trẻ dưới xuôi không chơi nữa, nhưng cũng trở nên đặc biệt với trẻ vùng cao.
Ngày Tết, trẻ dưới xuôi được tặng quà, có quần áo mới với đủ thứ vật phẩm đắt tiền, thì trẻ vùng cao vẫn với đôi chân trần, nhem nhuốc. Song với những gì đã thấy, trong cái nghèo, trẻ vùng cao vẫn tìm cho mình được những niềm vui, hồn theo theo lứa tuổi của các em.
Đâu đó, còn vang lên tiếng cười, hình ảnh hồn nhiên nô đùa, ngộ nghĩnh của trẻ em bên những gốc chè cổ thụ, ruộng hoa tam giác mạch, phiên chợ… hay hình ảnh cô bé, cậu bé chăn trâu, địu củi là những hình ảnh khó quên. Nhiều đoàn thiện nguyện, các dự án đã và đang với tay đến với trẻ vùng cao.
Trong đó ngoài sách vở, áo ấm, chăn màn thì không ít món đồ chơi đã được chuyển tới tay các em nhỏ. Những bàn tay với nghĩa cử nhân ái, như hình ảnh các bạn trẻ đeo tất vào đôi chân đen đúa, nứt nẻ của em nhỏ ngày gió rét thật sự khiến mỗi ai cũng xúc động.
Hay một cái đĩa bay, một ôtô mô hình, mấy chục viên bi… được chuyển tới các học trò ở nơi quanh năm mây phủ một cách trân trọng, nâng niu đã giúp nhân lên nụ cười thân thương, là cách mang Tết đến với các em.
Chính những hành động nhân ái đó, đang tiếp thêm sức sống của những đứa trẻ, cũng là sức sống của núi rừng vượt lên trên đói nghèo.