Lớp học gieo hy vọng cho các bệnh nhi ung thư
Bỏ lại nỗi đau
Như thường lệ sau mỗi đợt trị xạ, chị Hạnh lại cùng cô con gái nhỏ của mình là cháu Đ.T.H loanh quanh trong bệnh viện, chờ đợi những mũi tiêm tiếp theo. Đó là quãng thời gian không chỉ đau đớn mà còn vô cùng buồn chán của chị, cũng như bé H. bởi xung quanh chỉ là những cảnh tượng đầy ám ảnh của dây truyền và thuốc tiêm.
Chị Hạnh kể lại, từ ngày 29 Tết Nguyên đán vừa qua, khi gia đình thấy con có biểu hiện lạ nên đưa đi khám tại bệnh viện ở địa phương nhưng không ra bệnh. Sau khi qua nhiều bệnh viện khác có chuyên môn cao hơn, các bác sĩ phát hiện cháu H. có dấu hiệu bị ung thư. Quanh năm gắn bó với đồng ruộng, chẳng có mấy kiến thức về bệnh tật nhưng khi nghe bác sĩ nói con bị ung thư, chị Hạnh như chết đứng vì nghĩ rằng mọi thứ đã kết thúc với đứa con gái bé bỏng của mình.
Chị Oanh khoe bức tranh do con gái mình tự vẽ. |
Từ đó, cuộc sống của gia đình chị gắn liền với bệnh viện do mỗi đợt điều trị của con kéo dài một tuần. Mỗi ngày như vậy là nỗi đau của cả hai mẹ con, bé H. đau một thì chị Hạnh lại đau mười. Nỗi đau trong tâm can bóp nghẹt trái tim người mẹ khi nhìn cô con gái chật vật chống chịu qua những ngày điều trị. Nhìn cô con gái nhỏ không còn một sợi tóc và ngày càng gầy đi, chị Hạnh như đứt từng khúc ruột, chỉ mong mình có thể chịu thay căn bệnh quái ác của con gái.
Trong những ngày chống chọi với nỗi đau ấy, mỗi khi tỉnh táo, H. lại thủ thỉ với mẹ mong muốn được đến trường và câu chuyện về tương lai. Cô bé nhớ bạn, nhớ lớp, nhớ thầy cô và những ngày được chơi đùa trên sân trường. Khi đó, chị Hạnh chỉ biết động viên con cố gắng điều trị, khi nào khỏi bệnh sẽ lại được đến trường, đến lớp cùng các bạn. Nhưng trong sâu thẳm, chị hiểu rõ, ngày ấy sẽ còn rất xa bởi quá trình điều trị vẫn còn kéo dài.
Có lẽ, vì những mong muốn được đến trường của các bệnh nhi như bé H., “Lớp học hạnh phúc” được khai giảng vào đúng ngày 1-6. Với sự chung tay của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và các đơn vị từ thiện đã giúp xây dựng một lớp học ngay trong bệnh viện với đầy đủ trang thiết bị như đàn, máy tính, sách vở, đồ dùng học tập…
Trong ngày khai giảng, tiếng hát “Ngày đầu tiên đi học” của những bệnh nhi ung thư đã khiến nhiều phụ huynh cũng như người đi chăm bệnh nhân tại viện vô cùng xúc động. “Lớp học hạnh phúc” như đúng tên gọi của nó, đã mang đến cho các em hạnh phúc được đến trường, được chơi đùa cùng các bạn nhỏ khác và bỏ lại đằng sau nỗi đau mà các em phải trải qua.
Các học sinh của "Lớp học hạnh phúc". |
Và như vậy, từ thứ 3 đến thứ 6 hàng tuần, các con lớp Mầm (dành cho các bé từ 3 – 5 tuổi) và lớp Lá (6 – 10 tuổi) sẽ được các cô giáo dạy các môn học như các con được học ở trường. Ngoài ra, các cô còn dạy cho các con những kỹ năng sống, những câu chuyện về thế giới xung quanh để các bệnh nhi luôn thấy lạc quan và tự tin mỗi khi đến lớp.
Yêu đời, vui vẻ, thoải mái… đó là mục tiêu mà các giáo viên nhắm tới khi lên lớp dạy cho các bé chứ không phải cứng nhắc đi theo khuôn mẫu của các bài giảng trên lớp. Các bé được động viên tham gia các hoạt động của lớp, giao lưu, trò chuyện cùng các bạn tùy thuộc vào sở thích và khả năng của từng bé.
Tiếng cười và hy vọng
Sau khi “Lớp học hạnh phúc” khai giảng, cứ mỗi buổi chiều, chị Xoan (Hà Tĩnh) cùng cậu con trai 5 tuổi là bé T.L lại chuẩn bị đồ sang lớp học. Đây cũng là ngày đầu tiên cậu bé được đến lớp, được làm những công việc yêu thích sau hơn một năm điều trị ung thư.
Chị Xoan kể, từ năm 3 tuổi, cậu bé T.L đã được mẹ cho đến trường, nhưng sau 1 năm học, bé được chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào thần kinh giai đoạn 4 nên phải nghỉ học để theo mẹ đến Bệnh viện K Tân Triều để điều trị. Trong suốt quãng thời gian dài ấy, do sức khỏe không tốt, T.L vẫn chưa một lần được quay trở lại trường để được gặp các bạn.
“Lớp học hạnh phúc” một lần nữa tạo ra niềm vui cho cậu bé, giúp T.L nhớ lại những ngày vui vẻ, còn khỏe mạnh đến trường. Nhìn con hào hứng với sách vở, bút vẽ và những món đồ chơi trong lớp học, chị Xoan lại rơm rớm nước mắt vì những gì cậu bé mong ước trong những ngày nằm viện đã thành sự thực.
Rụt rè hơn so với các bạn nên được mẹ dẫn tới lớp, bé H.T.N.B (Hòa Bình) tỉ mẩn tô vẽ từng bức tranh được các cô giáo phát cho bằng những hộp bút màu mà em chưa từng có. Trong suốt cả buổi học, bé chỉ mỉm cười khoe với mẹ khi hoàn thành xong bức tranh tô màu của mình, với những khối màu bắt mắt, hòa vào nhau một cách chỉn chu, gọn gàng.
Nhìn bức tranh của con, chị Oanh tự hào kể rằng, bé N.B rất có năng khiếu hội họa. Đã có lần, bé tự lấy giấy của anh rồi tự ngồi vẽ, sau đó dùng điện thoại của mẹ chụp lại. Khi mở máy ra xem, chị Oanh rất bất ngờ khi thấy bức tranh của con, đẹp hơn rất nhiều so với bức tranh của một đứa trẻ 6 tuổi có thể vẽ.
“Nhìn cháu nhỏ bé như thế thôi nhưng đã học lớp 1 rồi. Sau thời gian nghỉ điều trị rồi dịch bệnh COVID-19 mấy tháng qua, cháu cũng đòi trở lại lớp để được học, được vẽ. Tôi cũng cho cháu đến trường mấy buổi nhưng cháu mệt quá nên gia đình lại cho về”, chị Oanh ngậm ngùi tâm sự. Chị Oanh cho biết, gia đình phát hiện cháu N.B có khối u ở não từ Tết, khi phát hiện mắt phải của con có vấn đề. Sau khi gia đình đưa N.B đi khám tại viện mắt, phát hiện ra bệnh liền chuyển con đến khoa ngoại của bệnh viện Nhi rồi cuối cùng là Bệnh viện K Tân Triều. Khi đến bệnh viện, khối u trong não của N.B đã lớn 6cm.
Quá trình điều trị của N.B kéo dài nhiều ngày, có những khi phải truyền hóa chất từ sáng sớm cho đến nửa đêm. Đến sáng hôm sau lại tiếp tục truyền hóa chất trở lại cho đủ 5 ngày rồi mới bắt đầu 3 ngày tiêm.
Những món quà và lời nhắn động viên được gửi đến lớp học. |
“3 ngày tiêm cũng là lúc cháu được đến lớp vì khi đó con không trải qua quá trình truyền thuốc mệt mỏi. Cháu vốn dĩ ít nói, khi đến viện càng sợ hãi, ít giao tiếp với mọi người hơn. May mà viện mở lớp học hạnh phúc nên các con mới có nơi để học, giảm áp lực sau những ngày điều trị”, chị Oanh cảm kích.
Và cứ đúng 14h chiều, chị Oanh lại bế con đến “Lớp học hạnh phúc”, nơi có các bạn nhỏ khác đang chờ sẵn. Lớp học bắt đầu với việc giới thiệu bản thân, tập làm quen qua các bài hát, rồi được vẽ tranh, tô màu, cắt dán. Các em cũng có thể đề nghị những môn học mà mình yêu thích với cô giáo để được học, được chơi theo đúng những gì mong muốn.
Bởi theo các cô giáo, lớp học này không đặt nặng kiến thức truyền đạt mà chỉ mong muốn các em có những giờ vừa học, vừa chơi thật vui vẻ để quên đi những nỗi đau của mình và căn bệnh đang đeo bám. Những bức tranh được các em vẽ, cắt dán còn được các cô tập trung lại để bán trong những buổi đấu giá. Số tiền thu được sẽ dùng đễ hỗ trợ các em mua đồ chơi, đồ dùng học tập…
Nói về “Lớp học hạnh phúc”, PGS.TS Lê Văn Quảng - Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện K cho hay: “Ban lãnh đạo bệnh viện mong rằng, Bệnh viện K không chỉ là nơi điều trị mà sẽ trở thành ngôi nhà, lớp học thứ 2 của các con. Với sự động viên của các thầy cô, cùng các y bác sỹ và đoàn từ thiện thì ước mơ của các con sẽ sớm thành hiện thực ".
Còn theo bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện K chia sẻ, khi tổ chức ra “Lớp học hạnh phúc”, các y bác sỹ bệnh viện và nhóm từ thiện mong muốn sau giờ điều trị bệnh, các bệnh nhi có thể tham gia hoạt động học tập vui chơi, cũng là giúp các em vượt qua nỗi đau, nỗi sợ hãi để chống chọi với bệnh tật.
"Những người tổ chức rất hạnh phúc, thấy các bé đòi vào lớp, quá trình các bé học có thể nhìn ra phía ngoài có thể nhìn thấy ánh mắt của ông bà cha mẹ dõi theo, nhìn các bé bằng niềm hạnh phúc. Có thể các bé còn ngây thơ không biết nhiều về bệnh tật của mình, các bé cố gắng một thì phụ huynh ông bà cha mẹ cũng phải cố hàng 10, hàng trăm lần, để có thể đồng hành với các bé, có thể điều trị hiệu quả căn bệnh này. Lớp học này cũng là một sự tình cảm chia sẻ của cán bộ ngành y tế, thầy cô và nhóm từ thiện", bác sĩ Tĩnh cho biết.