Lễ hội của người Dao đỏ dưới chân Tây Côn Lĩnh
Bao đời nay người Dao đỏ ở chân núi Tây Côn Lĩnh vẫn bảo tồn được phong tục truyền thống qua lễ hội Quỹa Hiéng. Lễ hội với ý nghĩa thể hiện lòng tôn kính với các bậc thần linh, tổ tiên, cầu mong cuộc sống bình an cho muôn nhà và khát vọng ấm no, hạnh phúc của đồng bào Dao đỏ nơi dẻo cao này.
Theo ông Triệu Quầy Và ở thôn Quang Vinh, xã Hồ Thầu: Ngoài việc tổ chức cúng Bàn vương (tức Bàn Hồ - tổ tiên của người Dao) thì lễ hội Quỹa Hiéng năm nào cũng được tổ chức trọng thể ở gia đình các trưởng tộc, trưởng họ vào dịp cuối năm theo một trình thức nhất định. Điều này trùng hợp với các truyện cổ tích của dân tộc Dao đỏ ở đây, trong đó có chi tiết kể rằng:
Trên đường thiên di xuống phía Nam, đoàn người Dao đã gặp không ít khó khăn như mưa gió, sông sâu, vực thẳm, thú dữ... khiến nhiều người phải bỏ mạng dọc đường. Trong một chuyến đi, đoàn người bị dòng nước cuốn trôi, bị đói khát trong vài ngày.
Trước tình cảnh như vậy, họ đã bắt được một con cào cào (Sá ló pò) là thứ duy nhất có thể ăn được, họ liền cử ra một người lập đàn lấy con cào cào làm lễ vật để kêu khấn tổ tiên với lời hứa con cháu sẽ đời đời thờ cúng khi tìm kiếm được miền đất mới.
Được sự phù hộ của thế giới tổ tiên, họ đã vượt qua được muôn ngàn khó khăn và tìm được nơi ở mới. Vì vậy, hàng năm sau mùa thu hoạch lúa họ lại tổ chức cúng bái tạ ơn các thế lực siêu nhiên đã từng giúp đỡ họ.
Các nghi lễ được thực hiện tại lễ hội Quỹa Hiéng. |
Lễ hội Quỹa Hiéng được tổ chức vào những ngày cuối cùng của năm cũ và thông thường diễn ra tại nhà trưởng tộc, trưởng họ, chỉ một số ít được tổ chức ở nhà các thầy cúng. Để chuần bị cho lễ hội này, ngay từ 27 - 28 tháng 12 âm lịch mọi nhà đã nhộn nhịp sắm sửa dọn dẹp lại nhà cửa và chuẩn bị đồ ăn thức uống cho vài ngày.
Ngày 30 Tết đồng bào tập trung tại nhà trưởng họ, tại đây được lập 3 đàn lễ gồm: Bứa Híeng, TSáng Chà Phin, TSáng Háng với những đồ lễ như gà, lợn, rượu, gạo…
Trong số các lễ vật dâng cúng, có một số vật phẩm không thể thiếu, đó là bát gạo gói trong một mảnh vải mộc màu trắng phía trên có để một chiếc vòng tay bằng bạc như một lời tạ ơn với tổ tiên, trời đất. Chủ nhà mời 3 thầy cúng (gọi là Sài ông) đến kêu khấn mời tổ tiên và các thần linh về dự lễ.
Theo truyền thống của dân tộc Dao, tổ tiên là những người có công sinh ra các dân tộc của cộng đồng người Dao thì được dự ở mâm Bứa Híeng – mâm cúng trang trọng nhất được lập ngay dưới bàn thờ tổ tiên ở gian giữa.
Thấp hơn về phía bên phải là mâm Sáng Chà Phin là mâm cúng ông bà cha mẹ từ 9 đời trở lại, còn mâm TSáng Háng – tức mâm cúng cơm được lập ở phía trước và là mâm thấp nhất – là mâm dành cho các vong hồn những người vô danh không, nhà không cửa và tổ tiên của nghề thầy cúng (gọi là Sài tía).
Thầy cúng mang theo một chiếc tù và bằng sừng trâu, một chiếc chuông nhạc, một cuốn sách cúng chữ Nôm – Dao và hai chiếc chũm choẹ bằng đồng dùng để hành lễ. Ngoài ra còn có trống, củi, chuông nhạc... Các con cháu ngồi xung quanh các đàn lễ và thầy cúng thực hiện những nghi thức truyền thống (khoảng 60 phút).
Trong các bài khấn, thầy cúng kể chuyện về sự hình thành trời đất vũ trụ với bốn mùa: Xuân - hạ - thu - đông, kể về sự ra đời, phát triển của loài người trong đó có các tộc họ người Dao xã Hồ Thầu. Kể lại và tỏ lòng biết ơn những người đã có công giúp người Dao đỏ chống lại ma tà quỷ dữ, bảo vệ cuộc sống…
Sau phần lễ là đến phần hội. Mở đầu là hoạt động ăn uống, thức ăn được dùng trong lễ hội Quỹa Hiéng của người Dao đỏ xã Hồ Thầu gồm bánh chưng (Dùa pêu), Bánh dầy (Dùa chông), thịt lợn, thịt gà (Chay o, Tùng o), Cơm (Hiéng), Rượu (Tiw)…
Vào buổi tối, không khí ngày hội lại được thăng hoa, men rượu lại thêm chếnh choáng cũng là lúc trò chơi nhảy lửa được tổ chức. Bên đống củi lửa đang cháy rừng rực giữa sân một lớp thanh niên trai tráng tham gia trò chơi ngồi xung quanh trên những chiếc ghế thấp để thầy cúng làm phép cầu xin tổ tiên phù hộ. Khi cảm giác hưng phấn đến cao độ thì họ hét lên một tiếng và nhảy vào đống lửa đang cháy rừng rực để đùa rỡn trước sự chứng kiến, cổ vũ của mọi người xung quanh cổ vũ.
Người Dao ở xã Hồ Thầu vốn di cư sang Việt Nam muộn. Vì vậy trong bản sắc văn hoá của họ mang rất nhiều những nét đặc trưng riêng biệt. Mặc dù có sự giao thoa với vốn văn hoá của những người bản địa, nhưng sự giao thoa đó lại đem lại những giá trị văn hoá độc đáo mới, đặc biệt là lĩnh văn hoá tinh thần, điều này được thể hiện rõ trong lễ hội Quỹa Hiéng.