Không có gì mà ầm ĩ cả

“Lạy thánh mớ bái” mùa World Cup

Thứ Tư, 11/07/2018, 16:59
Thời World Cup, mỗi mâm nhậu, quán nước đều là xới để các “bình loạn viên” tranh tài. Không ít người than thở vì việc phải nghe bình luận viên (BLV) của nhà đài.

Một đôi tình nhân đang đà vui vẻ. Tiệc tùng đã tan thì anh đưa nàng về nhà. Trong phòng ngủ, nàng nằm ềnh ra giường bảo: “Bây giờ em cho phép anh muốn làm gì tùy thích”. Thế là gã biến mất luôn. Té ra gã này đi xem World Cup với lũ bạn.

Thời World Cup, mỗi mâm nhậu, quán nước đều là xới để các “bình loạn viên” tranh tài. Không ít người than thở vì việc phải nghe bình luận viên (BLV) của nhà đài. Rằng tốn kém mua bản quyền World Cup mà không được hưởng sóng sạch, ai ngờ phải “ăn kèm” 90 phút nói đến nhức đầu của BLV.

BLV luôn bỏ qua diễn biến trận đấu mà chỉ nhăm nhăm phán xét về ý đồ chiến thuật, tâng bốc hoặc “xoa đầu” các danh thủ.

Lại thèm được nghe tường thuật viên thập kỷ 70 - 80. Thời ấy chưa có thói quen gọi là BLV nhưng có thể gọi họ là tường thuật viên (TTV). Nổi bật nhất là trên sóng đài phát thanh. Nam phụ lão ấu ngồi gật gù bên cái đài để đón lời TTV rồi tự mở ra trí tưởng tượng của mình mà vỗ đùi đánh đét. Giọng TTV liên tục và sôi nổi mô kể những gì ông ấy thấy trên sân. Bắt đầu từ thời tiết “Hôm nay trời nắng gió nhẹ” đến diễn biến của cầu thủ: “Cao Cường đang có bóng, anh chuyền cho Thế Anh. Không. Anh không chuyền cho ai mà đột nhập vào cấm địa. Sút... Vào... Không vào... Rất tiếc thưa các bạn. Và bây giờ Công an Hà Nội đang phản công, Hiển đang có bóng... Hiển chuyền cho ai?”.

Minh họa của Tả Từ.

Đúng nghĩa chữ tường thuật.

Khi xem trực tiếp World Cup 1986 trở đi. TTV truyền hình không nói quá nhiều vì có hình rồi. TTV chỉ đọc tên cầu thủ trong mớ hỗn độn đen trắng. Kiểu như “Maradona... Valdano... Buruchaga... Sút... không được rồi ... Mathaus, Rummenigge... Voller...”. TTV không hề “chém” về những thông tin bên lề sân cỏ. Khoảng trống giữa cái tên cầu thủ là tiếng hò reo cầu trường.

Khoảng cuối 199X trở đi, phong cách tường thuật được nâng cấp thành bình luận. BLV ít quan tâm đến tên cầu thủ với diễn biến trên sân mà chỉ huyên thuyên những thông tin sưu tầm trước trận đấu. Có BLV được phong “thánh.” 

Xin trích vài câu trong hàng chục câu thánh từng phán: “Vâng đá bóng là thế, bất cứ bộ phận nào cũng có thể ghi bàn, không phải đầu thì là đầu gối, đều là đầu cả”; “Lewandowski sinh ra trong một gia đình thể thao. Cha anh là vận động viên Judo, mẹ anh là vận động viên bóng chuyền. 

Hai người muốn đặt cho anh một cái tên thật dễ nhớ và dễ gọi, cho nên đặt anh là Lewandowski…”; “Hôm qua Maradona đã chứng tỏ mình là một huấn luyện viên rất đàng hoàng, không hút xì gà, không mặc quần áo và chạy lung tung”; “Vâng, đó là một cú sút bằng đầu không thể cản phá”; “Czech đang tập trung đánh vào… hai cái khe của Hy Lạp”; “Tất cả các khán đài được lấp hết chỗ kín”; “Như vậy là lưới đã bay vào bóng, xin lỗi, bóng đã bay vào lưới...”.

Lạy thánh mớ bái! Hỡi anh em BLV, hãy quay lại đọc tên cầu thủ thời 198X cho thiên hạ được nhờ!

Bị chỉ trích dữ dội trong nhiều năm thì nhà đài cải tiến, mời dàn hốt gơn (hot girl) lên ghế bình luận. Khán giả “khóc lóc”: “Hãy trả lại cho chúng tôi những huấn luyện viên sói già vào mục bình luận chứ không phải người đẹp ngây ngô!” Nhà đài cho dàn hốt gơn lui ngay và mời nữ sĩ vừa bình luận vừa làm thơ. Khán giả “đập đầu vào tường”: “Chúng tôi sai rồi, hãy trả lại Hốt Gơn cho chúng tôi!”. 

Đến đây, xin cho phép tôi được trích thơ Bằng Việt: “Biết làm sao! Chúng ta quá nhiều lời /Ngay ở chỗ lẽ ra cần nói ngắn!... / Khi phần nói lấn hết phần được sống... Liệu còn gì vang vọng nữa trong nhau?...”.

Theo bạn. Nói nhảm có được coi là một loại tặc không?

Lê Tâm
.
.
.