Bình luận viên bóng đá: Nghề toát mồ hôi

Chủ Nhật, 20/08/2006, 08:25
Ngô Quang Tùng kể: "Có khi đang bình luận, chợt có… nhu cầu. Ôi thôi, lúc đó chỉ còn nước bấm bụng, cầu cho trọng tài nhanh nhanh thổi còi mãn cuộc…".

Reng! Reng! Reng! Chuông điện thoại giật ngửa, tôi nhấc máy. Đầu dây bên kia là một giọng quen quen của người bạn đang sống ở miền Nam: "Này, dư luận ngoài ấy đánh giá về mấy bình luận viên bóng đá truyền hình ra sao?". Lạ! Sao tự nhiên anh bạn lại cật vấn như thế, tôi hỏi lại: "Có chuyện gì hả ông?". Tiếng anh bạn sang sảng: Thôi, cứ vào mạng ttvnol đi, rồi nói chuyện tiếp…

1. Ừ thì vào! Theo đúng chỉ dẫn, tôi đánh địa chỉ http://ttvnol.com/thethao.ttvn, xem qua một lượt (mới chỉ là tiêu đề của các cuộc trao đổi thôi) mà… tá hỏa tam tinh. Trước mắt tôi là những cuộc trao đổi  cực kỳ sôi nổi. Mà nội dung của nó thì khỏi nói hẳn bạn cũng đoán biết: kể tội các bình luận viên. Tất nhiên là tôi không làm cái công việc nhàm chán là ghi lại những lời kể tội ấy, nhưng có lẽ cũng phải "múa giáo vài chiêu" để những ai chưa kịp check mạng có thể biết người ta đã chê gì.

Hỡi ôi! Phải nói là trăm thứ bà dằn, nào là tính bảo thủ của Vũ Quang Huy (cứ bênh đội Anh chằm chặp), nào là giọng đọc như "đeo đá" của Ngô Quang Tùng (đặc biệt là anh này cứ luôn nhắc đi nhắc lại cụm từ "có thể nói" trước mỗi phát ngôn), là giọng "nhà quê", ngọng líu ngọng lô, không phát âm chuẩn những chữ có dấu ngã, dấu hỏi (được lý giải là do lưỡi ngắn) của Tạ Biên Cương, rồi cái thói bình luận kiểu dạy khôn, kiểu "xoa đầu" khán giả của Thành Lương…

Những lời chê này, tất nhiên có chỗ đúng và có chỗ chưa đúng. Nhưng vấn đề là sự tức giận, thái độ trịch thượng, xếch mé, thậm chí là có phần xúc phạm được biểu hiện trên từng câu chữ. Vì sao lại thế? Nguyên nhân nằm ở "tính văn hóa" của người chê? Hay là các bình luận viên đã mắc "tội" "tày đình", khiến người xem không còn giữ được bình tĩnh nữa?

2. Ngổn ngang với những suy nghĩ như vậy, tôi thẳng tiến về 43 Nguyễn Chí Thanh, và nhân vật "bị tóm" đầu tiên là cây bình luận gạo cội Ngô Quang Tùng. Gặp Quang Tùng, tôi quyết định "đánh phủ đầu" bằng cách liệt kê  những lời "kết tội" về anh.

Thực ra, trước khi làm cái việc thiếu tế nhị ấy, tôi đã tự hỏi mình: Không biết phản ứng của anh sẽ thế nào? Sẽ đỏ mặt, ánh mắt long sòng sọc vì giận dữ? Sẽ mắng sa sả người đối diện? Hay là anh chẳng nói gì ngoài câu: "Xin lỗi, tôi đang rất bận, không thể tiếp chuyện anh"? Phải đặt ra những giả thiết ấy (để mà còn kịp ứng phó) bởi vì ai cũng thế thôi, đâu có dễ gì "tiêu hóa" những lời kết tội mình.

Nhưng may thay, tất cả những giả thiết này đều không diễn ra. Sau đòn phủ đầu của tôi, anh Tùng ngồi lặng im khoảng 2 phút (hình như hơi "choáng") và trong khoảng lặng ấy, hình như một chút tức giận hé lộ trong mắt anh. Nhưng rồi rất nhanh, anh cười nhẹ, lấy lại sự trầm tĩnh: "Tôi hiểu suy nghĩ của người xem truyền hình. Nhưng trước khi lên án chúng tôi, có lẽ họ nên hiểu về chúng tôi một chút. Thế này nhé, bạn hãy thử đóng kín phòng lại, ngồi một mình trước gương, thuyết trình về một vấn đề gì đó. Lúc ấy bạn sẽ thấy được những cái khó của chúng tôi". Câu trả lời này khiến tôi nảy lên một suy nghĩ là xin được xem anh bình luận trận Pháp - Bồ Đào Nha sắp tới. Anh Tùng gật. Và thế là cuộc "thám hiểm" của tôi bắt đầu.

3. Cabin bình luận là một phòng rộng chừng 12-13m2. Trận Pháp - Bồ Đào Nha hôm đó anh Tùng bình luận cùng Tạ Biên Cương. Tôi chăm chú quan sát công việc của họ. Hai con người, tai đeo phone, miệng hướng vào màn hình tivi. "Sau đây là đội hình hai đội"... "Pháp được hưởng quả penalty, Zidane bước lên"... "Vào, vào rồi"... Cứ như thế, từng phút một trôi qua...

Chẳng biết có phải vì lạc lõng hay không mà ở trong cabin bình luận, cảm giác về sự cô đơn cứ xuất hiện trong tôi. Và tôi hình dung đến những hôm anh Tùng, anh Cương hay ai đó phải làm việc một mình: một mình trong phòng vắng, một mình đối diện với chiếc tivi, một mình nói, một mình nghe... lúc ấy họ có cô đơn không nhỉ? Và lúc ấy, hỡi ôi! Nếu có người đẹp ngồi bên thì sự cô đơn liệu có giảm đi không?

Nghĩ vui vui thế, tôi rời cabin, đến phòng của Trưởng ban Thể thao Phan Ngọc Tiến, đem theo một câu hỏi: "Có phải VTV hiểu được sự cô đơn của bình luận viên nên mùa World Cup này đã để người đẹp Thúy Hằng bình luận cùng Ngô Quang Tùng?". Biết là bị "chọc", anh Tiến cười: "Đấy chính là một bước đột phá của chúng tôi". Tôi tấn công: "Nhưng sự đột phá ấy không đạt hiệu quả. Thúy Hằng luôn đưa người bình luận cùng mình vào thế khó bằng những câu hỏi rất không đâu?". Anh Tiến trả lời: "Chúng tôi biết. Nhưng phải làm mới vỡ ra chứ. Nếu vì sợ mà không làm thì sẽ chẳng bao giờ đổi mới được".

Hỏi tiếp: "Nhưng sau khi đổi mới thất bại, Thúy Hằng đã không xuất hiện nữa?". Trả lời: "Không phải, Hằng nghỉ là do có bầu, chứ nếu không chúng tôi vẫn để Hằng làm…". Suốt cuộc nói chuyện, anh Tiến với một vẻ thân thiện, dễ mến đã tạo cho tôi cảm giác tin tưởng rất cao. Nhưng riêng cái vế "chứ nếu không" này thì tôi nghĩ là anh đã không nói thật (?).

4. Tiếp xúc với các bình luận viên, tôi luôn hỏi: "Trong suốt quá trình bình luận, các anh chị có gặp những sự cố gì không?". Người thì tảng lờ bằng câu: "Tôi không nhớ", người thi lảng sang chuyện khác, nhưng cũng có người rất thật lòng tâm sự. Một trong số đó là Thành Lương.

Vốn là dân bình luận phát thanh, khi chuyển sang truyền hình, Thành Lương không khắc phục được cái tật "nói nhanh như gió, nói nhiều như mưa", cộng thêm việc lúc nào cũng "bình" về đấu pháp (thậm chí đôi chỗ có phần "dạy khôn") hệt như giọng của một ông HLV nên Thành Lương không phải là một giọng bình "ăn khách". Và thực lòng, tôi cũng là một trong số những người không thiện cảm với Lương. Nhưng càng tiếp xúc với anh, càng thấy dễ chịu.--PageBreak--

Tôi khoái, phải nói là rất khoái cái cách anh sẵn sàng nhìn vào những hạn chế của mình. Anh bảo: "Trận Mexico - Argentina, rõ ràng là bàn thắng được ghi ở phút thứ 98, vậy mà không hiểu sao mình cứ nói đi nói lại là phút 108. Nhưng “quê” nhất phải là hôm làm trận Ba Lan - Costa Rica. Hôm ấy có một trận nữa diễn ra cùng giờ là Đức - Ecuador. Mình làm trận thứ nhất, nhưng phải bám sát diễn biến trận thứ hai. Mình đang giới thiệu: "Lúc này đã có một số đội lọt vào…" (định nói là "lọt vào tứ kết") thì bất ngờ nhìn sang trận kế bên, thấy Đức đang đưa bóng vào vòng 16m50 của Ecuador, thế là nói nhịu luôn: Lúc này đã có một số đội lọt vào vào vòng 16m50. Nói xong mà tái cả người".

Ở cái nghề này, những lỗi nói nhịu, nói vấp như thế là hầu như không thể tránh khỏi. Nhưng sự cố dưới đây của bình luận viên Vũ Quang Huy thì đúng là không thể tưởng tượng nổi. Chuyện diễn ra đã lâu, nhưng anh Huy còn nhớ mãi: "Mùa giải 1998 - 1999, theo lịch tôi sẽ bình luận trận Arsenal - Charlton, và đã chuẩn bị mọi tư liệu về trận đấu này. Thế nhưng không hiểu sóng vệ tinh trục trặc thế nào mà lại đưa về hình ảnh trận West Ham - Middlesborough. Thế là thôi, phải bình cái trận mà mình không hề chuẩn bị". "Vậy anh ứng phó thế nào?". Quang Huy đáp: "May mà trong túi tôi luôn có thông tin về tất cả các đội bóng của mỗi giải đấu. Nếu không, hẳn đã có một phen không biết nói gì…".

Nghề bình luận đòi hỏi một khả năng phản ứng. Nếu không phản ứng nhanh trước mỗi tình huống, mỗi thay đổi, mỗi sự cố thì người bình luận rất có thể sẽ biến mình thành một trò hề. Tôi "tổng kết" như vậy, và nhận được sự gật gù của Ngô Quang Tùng. Anh Tùng còn bổ sung thêm: "Có khi đang bình luận, chợt có… nhu cầu. Ôi thôi, lúc đó chỉ còn nước bấm bụng, cầu cho trọng tài nhanh nhanh thổi còi mãn cuộc…".

5. Chắc hẳn đã có lần bạn hỏi: "Bệnh nghề nghiệp của mấy tay bình luận là gì?". Xin thưa, mỗi người có một kiểu "bệnh", nhưng nhìn chung đều liên quan đến tai, đến họng và thanh quản…

Như Quang Tùng đấy, bình luận nhiều giờ đây anh mắc bệnh nói to. Trong các cuộc giao tiếp, nhiều khi chuyện chẳng có gì, nhưng chỉ vì cái âm lượng quá cỡ mà Quang Tùng khiến người ta hiểu lầm là anh đang nổi giận. Còn với Quang Huy, họng anh dị ứng với tất cả những gì liên quan tới đá. Biết vậy, tôi liền hỏi anh câu khó: "Trong những dịp bia hơi, Cả tụi phải nâng cốc 100%, Quang Huy làm thế nào?". Anh đáp: "Những lúc đó mình thường gọi một chai bia không lạnh, nâng lên rồi 100% với bạn bè…".

Thành Lương có một cái bệnh… không giống ai. Rất nhiều lần, trước khi bình luận một trận đấu, Thành Lương thường đóng kín cửa phòng rồi hét ầm lên. Với anh, hành động đó giống như một cơn "thoát xác", giúp anh thoát khỏi cái vẻ trầm tĩnh đời thường để có thể cháy hết mình trong công việc...

6. Một bình luận viên phải có những tố chất gì? Theo tổng kết của Quang Huy thì có 5 điểm: Một là sức khỏe, hai là giọng nói truyền cảm, có duyên, ba là trí nhớ, bốn là phải biết đá bóng, và năm là phải đam mê, đam mê nghề nghiệp đến tột cùng.

Tất nhiên là mỗi bình luận viên có một phong cách riêng (Quang Tùng trội ở khả năng đọc trận đấu, Quang Huy giàu khả năng liên tưởng, Anh Ngọc luôn dạt dào cảm xúc…), nhưng tựu trung lại, nếu không đảm bảo được những tiêu chí trên thì không thể  trở thành một bình luận viên tốt. Thoạt nghe, bạn sẽ bảo 5 tiêu chí này… dễ ợt! Nhưng xin bạn nhớ cho trong đợt tuyển bình luận viên trước thềm World Cup vừa qua, từ 300 người, VTV lọc ra 15 người, từ đó lọc tiếp ra 2 người, vậy mà rốt cuộc chỉ chọn được duy nhất Tạ Biên Cương.

Khó vậy, nên muốn trụ lại ở nghề này bạn phải có một tình yêu đặc biệt. Như Tạ Biên Cương chẳng hạn, từ nhỏ anh đã mê sẽ được làm bình luận viên bóng đá. Mê đến nỗi, nhiều khi đi xe máy, hay ngồi rửa bát một mình, đầu óc Cương cứ tưởng tượng ra một trận đấu, và miệng thì cứ tự bình luận, tự mình nghe. Có một chi tiết thú vị, trước khi trở thành bình luận viên trên truyền hình, Tạ Biên Cương, và cả Vũ Quang Huy đều là những cây bình luận quen thuộc trong các trận đấu bóng ở làng, ở xã. Cương tâm sự: "Về xã Công Lý - Lý Nhân - Hà Nam, cứ hỏi "nhà bình luận Tạ Biên Cương" là ai cũng biết. Bình luận bóng đá làng có nhiều cái thú, nó cho phép mình phát huy tối đa sự hài hước. Đã có lần mình bình thế này: Anh chạy, chạy, và sút một quả hệt như Ronaldo… Thế là tất cả cười ầm lên".

Tất nhiên, khi đã bình luận trên truyền hình thì mọi thứ phải chỉn chu, chuẩn mực, nhưng phải chăng cái chất bình luận làng xã rất hài hước ấy, ở một chừng mực nào đó đã giúp Tạ Biên Cương, Vũ Quang Huy tạo ra những nét riêng của mình?

7. World Cup này, quả thực, những lời đánh giá, bàn xét về các bình luận viên nhiều chưa từng thấy. Một phần vì tính cạnh tranh giữa các nhà đài được đẩy lên tới mức gay gắt, từ đó dẫn tới nhiều bước đột phá mới, có người thích, có người không; phần khác vì trình độ công chúng bây giờ cao. Người ta xem các kênh nước ngoài (ESPN, Star Sports…) rồi quay sang trách "gà nhà" là bình luận thiếu tự nhiên, thiếu lưu loát hay những cái gì đại loại thế…

Nhưng nói như Vũ Quang Huy thì "phải biết lắng nghe và chấp nhận", bởi lẽ "cái nghề này nó thế", và cũng bởi lẽ "có mấy ai may mắn trở thành người của công chúng như mình…". Về phần tôi, sau khi tiếp xúc với các anh tôi mới ngộ ra rằng, những chuyện bếp núc sau màn ảnh hóa ra phức tạp hơn, "gian khổ" hơn mình nghĩ rất nhiều. Và tôi thấy mình nông nổi khi trước đây đã từng là một trong những kẻ to mồm lên án các anh

Trịnh Phan Phan
.
.
.