Kỳ thú nghề "săn" mật ong rừng

Chủ Nhật, 30/07/2017, 13:03
Hơn 4h sáng, rừng Nam Cát Tiên đã nhộn nhạo tiếng chim. Cả nhóm choàng thức sau giấc ngủ sâu được trợ giúp của một loại rượu lên men bằng lá cây rừng tối hôm trước. 7 người, được chia thành 3 nhóm, chúng tôi bắt đầu ngày mới bằng việc tìm tới những cây cổ thụ to lớn nhất trong vùng hoặc các kẽ đá ở chênh vênh trên vách núi, nơi đó thường là nhà của các loài ong cho mật...


Trước mùa hoa tàn 

Đã cuối tháng 7, nhóm thợ “săn” mật ong rừng phải chạy đua với thời gian để tìm tổ ong, chỉ còn ít tuần nữa, ong sẽ cạn mật. Để có được mật ong rừng, thật khó tin nổi nhóm thanh niên người Mạ ở huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) phải chịu khổ cực, nguy hiểm như thế nào.

Rừng nguyên sinh ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho các hoạt động của con người, đẩy đàn ong mật bay về phương nào không rõ. Trong suy nghĩ của cộng đồng người Mạ nơi đây, loài ong mật từng ăn đời ở kiếp với họ chưa bao giờ lại trở nên khan hiếm đến vậy.

Xưa kia, vào mùa ong mật chia đàn, làm tổ, bà con người Mạ sống ngoài bìa rừng có cách lấy mật nhàn hạ, dễ như trở bàn tay. Họ đem mấy ống tre, nứa lớn treo quanh ngôi nhà lợp bằng lá cỏ tranh hoặc gốc cây to là ong tự về, chui vào làm tổ. Cứ vài ngày lại mở ống tre, nứa ra lấy mật một lần.

Muốn lấy nhiều mật hơn, họ đi vào cánh rừng già phía Nam, trong những hốc của gốc cây cổ thụ, ong mật từng đàn, mật nhiều vô kể. Có tổ ong cho tới 5-6 lít mật không phải là hiếm. Người và ong, cộng sinh hòa thuận với nhau như thế suốt hàng trăm năm. Nhưng, cách lấy mật ong kiểu đó từ lâu đã thành chuyện không tưởng ở xứ rừng núi này. 

Cơn mưa chiều bất chợt từ đâu kéo tới, cả nhóm buộc phải nép vào căn chòi lá bên đường. Tất cả nhìn nhau ái ngại, họ chờ KTim (57 tuổi), người có hàng chục năm kinh nghiệm lấy mật ong rừng, đưa ra quyết định cuối cùng. KTim đưa mắt đảo nhanh qua bầu trời bất chợt quay sang hỏi tôi hôm nay là ngày bao nhiêu.

Hóa ra, với những con người quanh năm lầm lũi với núi rừng chẳng mấy ai để ý đến chuyện ngày tháng. Chỉ khi nào từ bên kia cánh rừng, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai mặt trăng to đùng lồ lộ hiện ra, họ mới biết bây giờ là thời điểm giữa tháng, còn giữa tháng mấy đôi khi chẳng ai bận tâm.

Với người Mạ ẩn mình trong những cánh rừng Nam Cát Tiên này, ngày tháng ít mang nhiều ý nghĩa. Được tôi cho biết ngày, tháng, KTim cười lớn, quả quyết đây chỉ là cơn mưa bóng mây. Điều đó có nghĩa chuyến kiếm mật ong rừng hôm nay sẽ vẫn diễn ra.

Đúng như tiên đoán của KTim, chỉ khoảng 10 phút sau mưa tạnh hẳn. Ánh nắng hoang hoải lại ló qua những đám mây bàng bạc còn sót lại. Cả nhóm tiếp tục lên đường. Thông thường, những người đi kiếm mật ong sáng đi chiều về, nhưng đó là chuyện của những năm về trước. Bây giờ, muốn kiếm được nhiều mật, chuyến đi của họ có khi kéo dài tới vài ngày, cũng không phải là hiếm. Và, đã từng có người ra đi vĩnh viễn!..

Mặt trời tắt hẳn cũng là lúc chúng tôi đã vượt qua 3 cánh rừng, KTim xác định đoàn đã bước vào khu rừng nguyên sinh, thuộc sự quản lý của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tối nay, chúng tôi sẽ ngủ lại ở rừng trong những túi ngủ tự chế, được khâu lại từ những bao tải lớn. Sẽ chẳng bao giờ nhóm thợ rừng lại để cho đêm trôi qua một cách vô nghĩa. Điều kỳ thú sắp diễn ra, đêm nay nhóm sẽ soi đèn đi bắt chim, chuột… làm mồi nhậu và ăn với cơm đùm bằng lá chuối đem theo.

Tin này khiến tôi háo hức, sự uể oải, mệt nhoài nhường chỗ cho nỗ lực leo núi, vượt rừng. Dọc đường, tất cả các thành viên trong nhóm đều căng mắt quan sát. Điều họ quan tâm không hẳn là những con ong mật xuất hiện nhiều hay ít mà chính là các loại hoa rừng vùng nào đang nở nhiều.

Trèo chênh vênh trên cây cao để tìm bắt ong mật.

Điều đó ảnh hưởng tới vị trí làm tổ và chất lượng mật của bầy ong. KTim cho biết, ở Nam Cát Tiên có 4 loại ong cho mật. Phổ biến nhất là ong mật, người địa phương thường gọi là ong dông. Tiếp đó là ong ruồi, rồi ong khoái, cuối cùng là ong dú.

Quý hiếm nhất phải là ong dú, kế đó là ong khoái, rồi mới tới ong ruồi, và cuối cùng là mật ong dông. Độ quý của mật ong sẽ được đo đếm bằng giá trị đồng tiền. Riêng ong dú, nếu may mắn kiếm được chỉ cần đánh tiếng là có người kéo đến giành nhau mua, giá bán chưa bao giờ dưới 2 triệu đồng/lít ngay tại rừng.

Đánh cược tính mạng

Hơn 4h sáng, rừng Nam Cát Tiên đã nhộn nhạo tiếng chim. Cả nhóm choàng thức sau giấc ngủ sâu được trợ giúp của một loại rượu lên men bằng lá cây rừng tối hôm trước. 7 người, được chia thành 3 nhóm, chúng tôi bắt đầu ngày mới bằng việc tìm tới những cây cổ thụ to lớn nhất trong vùng hoặc các kẽ đá ở chênh vênh trên vách núi, nơi đó thường là nhà của các loài ong cho mật.

Nhưng trước tiên, họ phải tìm tới những vùng có nhiều loại hoa rừng nhất để xác định hướng đi của đàn ong mật. Ong mật thường rời tổ đi lấy phấn hoa từ rất sớm, nhiều khi mới hơn 5h sáng là chúng đã quay trở về tổ, hoàn thành chuyến làm việc đầu tiên trong ngày.

Sau khi xác định được hướng bay của những con ong mật nhỏ xíu mà nếu không tinh mắt và nhiều kinh nghiệm thật khó có thể nhận ra chúng, tôi theo KMát (27 tuổi), KNiêm (29 tuổi) trèo lên một cao điểm, có tầm nhìn thoáng hơn để xác định điểm có tổ ong mật.

Bên kia cánh rừng là một cây cổ thụ to lớn, cao khoảng 30m, nổi bật giữa rừng già, KMát, KNiêm quả quyết đó sẽ là nhà của những bầy ong mật đang đi lấy phấn hoa này. Hơn 30 phút vượt rừng, khi chúng tôi tới được vị trí cây cổ thụ trên, KTim, KLiệp cũng đã có mặt.

Họ xác định trên lưng chừng cây cổ thụ này có một tổ ong khoái lớn, giăng từ cành này sang cành kia, trông giống như một chiếc võng lơ lửng trên trời cao. Trong các loại ong, ong khoái là kẻ gây khó khăn nhiều nhất cho người đi tìm mật. Thấy được tổ nhưng chưa chắc đã lấy được mật của chúng.

Loài ong này thường làm tổ trên cao, cách mặt đất có khi tới 30m, đặc biệt, chúng rất hung dữ. Với tổng đàn ong lên tới hàng triệu con, nếu bất cẩn, người lấy mật ong khoái sẽ phải trả giá đắt, thậm chí là bỏ mạng. 

Tổ ong khoái này cách mặt đất khoảng 20m, sẽ trở thành bất lực đối với những người thiếu kinh nghiệm lấy mật ong rừng. Tuy nhiên, với nhóm người đi rừng như KTim, đó chỉ là một thử thách nhưng cũng tỏ ra hết sức cẩn thận, chỉ cần một sai sót nhỏ, ở độ cao 20m, nếu rơi xuống hậu quả chắc chắn sẽ là điều cực kỳ tồi tệ.

Việc ôm cây hàng trăm năm tuổi kia để leo lên là điều không thể. KTim kể, trong vùng đã có người khi bắt ong khoái, bị hàng trăm con ong quây lại chích khiến người này rơi từ trên cao xuống tử vong tại chỗ.

Việc bị ong chích sưng mặt mày hay nhập viện cấp cứu là chuyện không phải hiếm. Nghe KTim nói, tôi rùng mình và hiểu vì sao khi bắt tổ ong trên cao, những người thợ rừng chuyên nghiệp này đều phải rất thận trọng.

Mỗi người một việc, họ đi chặt những cây tre cao vút, dùng dây rừng buộc chặt vào thân cây cổ thụ, tạo thành một điểm tựa lớn vươn với tổ ong khoái đang cheo leo trên cây cổ thụ kia. Khi cây tre được cố định vào thân cây cổ thụ cũng là lúc khói ngùn ngụt bốc ra từ hai bó hương được KMát đốt lên.

Ở tuổi 57, nhưng KTim vẫn xung phong leo cây chinh phục tổ ong khoái này. Khi bắt những tổ ong khoái ở trên cao, điều kiện bắt buộc là không thể thiếu khói. Khói sẽ có hiệu quả đáng kể trong việc xua đuổi bầy ong bay đi mà không làm tăng thêm sự hung hãn ở chúng.

Bó hương lớn được buộc vào sau lưng, KTim thoăn thoắt như một con sóc, tay bám vào cây tre, chân giẫm lên thân cây cổ thụ, cứ lên được khoảng 5m, anh dành chục giây để nghỉ.

Thành quả của một chuyến đi bắt ong mật.

Chẳng mấy chốc người đàn ông này đã đối diện với tổ ong mà đứng dưới đất, tôi chỉ xác định đó là một thứ màu đen, hình chiếc võng. KTim ngồi trên một cành cây nghỉ ngơi trước khi đương đầu với bầy ong khoái hung hãn với hàng triệu con sẵn sàng hi sinh để giữ tổ.

Gặp khói, bầy ong bay ùa ra cùng những tiếng đập cánh vo vo để cảnh báo kẻ đang tấn công chúng. Đã có kinh nghiệm, KTim vung bó hương đang bốc khói nghi ngút quay thành những vòng tròn quanh người để xua đuổi đàn ong đang giận dữ. Tưởng người đàn ông này là một cục khói, đàn ong sợ không dám lại gần.

Phát mất gần 30 phút tiếp cận tổ ong trên cao và phải đốt hết 4 bó hương, KTim mới xua đuổi được hàng triệu con ong khoái rời khỏi tổ, bay tứ tung vỗ cánh vo vo vang cả một khu rừng. Bất chấp những con ong hung dữ vẫn lao đốt, KTim nhanh tay tìm cách cắt lấy tổ ong khoái căng mọng mật cho vào thùng thả dây xuống phía chúng tôi.

Từng giọt mật ong đặc quánh, ứa ra khỏi tổ, thơm lừng. Hoàn thành công việc, KTim nhanh chóng tụt được xuống đất để tránh gặp phiền toái từ bầy ong. Thở hổn hển, anh mở túi xách lấy nắm lá rừng đã hái trước đó cho lên miệng nhá nhuyễn rồi xoa lên những vết ong vừa chích. Đó là cách những người đi rừng giảm đau và tránh mưng mủ do ong chích.

Tổ ong mật thứ hai chúng tôi tìm thấy cách mặt đất khoảng 5m, so với tổ ong khoái trước, tổ ong này tuy thấp hơn rất nhiều nhưng lại trong hốc cây. Để bắt được tổ ong này, nhóm thợ rừng phải dựng giàn giáo, dùng dao chặt, mở rộng hốc cây để thò được tay vào lấy tổ ong ra sau khi đã dùng khói đuổi đàn ong.

Trong lúc lấy tổ ong này, KLiệp trượt chân từ giàn giáo ngã xuống đất, điều may mắn là chỉ bị trẹo tay, sưng ú, nhưng đó cũng là điều cảnh báo nghiêm khắc cho những người lơ là, chủ quan khi lấy ong mật rừng. KMát phải leo lên tiếp tục nhiệm vụ bắt tổ ong mật trong hốc cây. 

Trời đã sang chiều, ai nấy đều nhễ nhại hồ hôi. Tổng cộng 4 tổ ong được nhóm “săn” ong mật tìm thấy và lấy thành công. Khoảng gần 3 lít mật đã được cho vào chiếc thùng đem theo. Chúng tôi tìm hướng rời khỏi rừng già trong niềm vui có được chiến lợi phẩm. Đó là thành quả xứng đáng dành cho những người gan dạ, nhiều kinh nghiệm trong việc săn ong rừng.

Kim Ngân
.
.
.