Khởi nghiệp: Thích chút liều lĩnh

Thứ Năm, 10/11/2016, 11:24
Thung lũng khoa học Silicon từng lôi cuốn nhiều người khởi nghiệp đầy tham vọng vào những không gian làm việc chung và nhanh chóng hoạt động, hứa hẹn với họ cơ hội lập nên những Google, Facebook hoặc Uber kế tiếp.


Nhưng thực tế là đa số công ty khởi nghiệp đều thất bại, một nguy cơ ngày càng tăng vì dòng vốn - từng đổ ào ạt vào thị trường công nghệ bùng nổ-bắt đầu giảm tốc, theo vài chuyên gia nhận định. Đối với các nhà sáng lập và người lao động, hậu quả có thể rất kinh hoàng. 

Tiến sĩ tâm lý Michael Freeman thuộc Đại học Chicago chuyên nghiên cứu - tư vấn cho người khởi nghiệp, nói về giấc mộng thành công ở Thung lũng Silicon (bang California, Mỹ): “Trên giấy tờ thì rất hay, nhưng thực tế rất khác. Năm 1849, nhiều người đổ xô đến California tìm vàng. Vài người tìm được nhưng nhiều người không thể tìm ra”. 

Tiếc nuối công sức

Ngày nay, những nhà thầu thuộc nhóm “không đào được vàng” đang tạo nên những tin nóng. Ví dụ Skully, công ty sản xuất mũ bảo hiểm thông minh cho người đi xe máy ở San Francisco, đã cạn vốn, phải đóng cửa hồi tháng 8-2016, sau khi những nhà sáng lập bị buộc tội dùng tiền vốn mua xe sang, nghỉ hè và xem vũ thoát y. Vài tuần sau, Diễn đàn việc làm  WrkRiot ngưng trực tuyến, sau khi một cựu nhân viên tố cáo những nhà sáng lập tạo chuyển khoản trực tuyến giả, vì họ không còn có thể trả lương cho nhân viên.

Những thất bại trên có thể nghiền nát người lao động, không chỉ vì họ bị thất nghiệp. Carlos Rodriguez, cựu Phó chủ tịch bán hàng-tiếp thị của Slully, nói “cái chết”của Skully rất đau đớn, vì đích thân ông đầu tư vào mục đích phòng chống tai nạn xe máy của công ty. Ông từng làm việc 80-90 giờ/tuần, vài đêm ngủ khách sạn để gần nơi làm việc. Các con ông dán logo Skully lên laptop của chúng. Khi công ty tan rã, Rodriguez đang cùng vợ đi Pháp kỷ niệm ngày cưới.

Ông kể: “Hay tin xấu, tôi nhìn ra cửa sổ máy bay, lầm bầm, tiếc cho khác hàng, tiếc cho những việc tôi làm để phát triển sản phẩm này, tôi tiếc cho thời gian tôi xa cách gia đình”.

Nay, Rodriguez làm cố vấn cho một vài công ty công nghệ khác, nhưng họ đền bù cho ông chủ yếu bằng cổ phiếu, buộc ông phải sống nhờ vào nguồn tiền tiết kiệm trong khi ông tìm việc làm khác. Dù đã có kinh nghiệm “đắng lòng” ở Skully, hiện ông đang xem xét khả năng làm cho một công ty khởi nghiệp nhỏ khác.

Ảnh hưởng không nhỏ đến khách hàng

Maren Kate Donovan, nhà sáng lập - Giám đốc điều hành Zirtual (ở San Francisco) cũng cảm thấy mất mát lớn,khi công ty khởi nghiệp của bà phải đóng cửa hồi năm ngoái. Bà nói: “Đó là cái chết của những hy vọng, ước mơ, cái chết của một cộng đồng mà tôi cùng các đồng sáng lập đã bỏ ra nhiều năm xây nên. Đó là một trong những điều tệ hại nhất mà tôi đã trải qua”.

Công ty khởi nghiệp Zirtual kết hợp các chủ doanh nghiệp nhỏ với những trợ lý hoạt động qua mạng. Zirtual được phục hồi sau khi sáp nhập vào Startups.co, nhưng Donovan không ở lại. Thung lũng Silicon đã không chuẩn bị cho Donovan biết trước sự thất bại. Bà nói, người ta ít khi nói về chuyện những nhà khởi nghiệp không thành công. Nay bà khuyên các nhà thầu khác: nên có một bác sĩ trị liệu.

Sự thất bại không chỉ tác động đến người sáng lập và nhân viên, khách hàng của một công ty khởi nghiệp cũng phải trả giá khi công ty sụp đổ. Luật sư Emilie Fairbanks đã mở một công ty tư vấn luật thuê nhà ở thủ đô Mỹ, đã  sử dụng một trợ lý qua mạng của Zirtual suốt 3 năm, trước khi bà nhận được thư điện tử báo Zirtual không còn hoạt động. 

Bà Fairbanks, đổi mật khẩu mà người trợ lý sử dụng, tạo thẻ tín dụng mới và cố gắng hạn chế thiệt hại cho các thân chủ đã quen gởi thư điện tử đến thẳng trợ lý của bà, nên nay bà thấy các e-mail của họ bị trả về, khiến bà sợ bị đánh giá không chuyên nghiệp. Từ đó, bà thật sự không muốn sử dụng các dịch vụ của những công ty khởi nghiệp.

Đến Thung lũng Silicon chuốc liều

Dù vậy, gần như sự thất bại là điều phải xảy ra ở Thung lũng Silicon. Công ty in ấn kỹ thuật số Mode Media từng trị giá 1 tỉ đô-la vài năm trước được đồn là sắp trở thành công ty niêm yết, đã là một sự thất bại khác ở Thung lũng Silicon hồi tháng 9 vừa qua. 

Mode Media đạt được những thỏa thuận quảng cáo giữa các tay viết blog với những công ty bên thứ ba, dán quảng cáo vào các trang blog và chuyển tiền cho các chủ trang. Khi phải đóng cửa, nhiều tay viết blog đã kiện công ty này nợ họ hàng ngàn đô-la, ví dụ bà Jeanine Macintosh nói Mode Media nợ bà 1.300 đô-la, một khoản tiền có thể nuôi gia đình đông người của bà được 3 tuần.

Công ty khởi nghiệp Zirtual.

Đôi khi, nhân viên công ty khởi nghiệp cũng bị “xù” tiền. Cựu nhân viên Penny Kim đã tố Diễn đàn việc làm  WrkRiot bắt cô phải dài cổ chờ khoản tiền lương vốn chẳng bao giờ đến, vì công ty này đã cạn vốn và người sáng lập chỉ đưa ra những lời hứa suông. Đấy là một dạng phàn nàn phổ biến ở Thung lũng Silicon.

Shikhar Ghosh, giáo sư Đại học Harvard và là một chuyên gia về khởi nghiệp, ước tính khoảng từ 70 đến 75% công ty khởi nghiệp không thể hoàn tiền cho các nhà đầu tư. Họ thất bại vì không có thị trường cho sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, công nghệ của họ không hiệu quả hoặc vì họ phát triển quá nhanh hoặc quá chậm. 

Nhưng đôi khi cũng vì tính cách cá nhân: người khởi nghiệp thường thích liều lĩnh, có một cấp độ tự tin cao và khuynh hướng hung hăng, theo lời Tiến sĩ tâm lý Freeman. Các tính cách này có thể hiệu quả khi làm ăn, nhưng chúng cũng có thể khiến một người sáng lập không chịu thỏa hiệp, không chịu lắng nghe ý kiến của các thành viên. Đó là những yếu tố có thể khiến một công ty “nổ banh xác”.

Các tính cách cá nhân ấy cũng có thể khiến vài người khởi nghiệp bị tổn thương, thất bại. Sau khi Zirtual sụp đổ, bà Donovan đã nghĩ đến chuyện làm việc cho các tập đoàn lớn. Nhưng cuối cùng, bà nhận làm cho Roam, một công ty khởi nghiệp chuyên cho thuê chỗ ở. Bà nói: “Tôi vẫn thích làm điều gì đó có chút liều lĩnh, và tôi thật sự thích những gì tôi đang làm”.

Anh Thao (theo San José Mercury News)
.
.
.