Karoshi: Chết vì “làm quần quật”

Thứ Tư, 07/12/2016, 10:57
Karoshi, một từ tiếng Nhật, chỉ bệnh đột tử do làm việc quá sức. Từ lâu hiện tượng này đã phổ biến do người Nhật quá “chăm làm”. Nó đang gây lo ngại cho xã hội Nhật và chính phủ nước này đang tìm cách kéo giảm “lao động quần quật”.


Nhật có thuật ngữ “karoshi” để chỉ người lao động chết vì bị làm việc đến kiệt sức,  thường là do họ tự tìm đến cái chết. Từ hàng chục năm qua, Nhật Bản nỗ lực kéo giảm “đạo đức làm việc” cực đoan vốn lưu cữu ở các công ty tập đoàn.

Gần 23% các công ty, tập đoàn báo cáo một số nhân viên của họ phải làm việc thêm giờ những hơn 80 giờ/tháng, theo Sách trắng về “karoshi” do Chính phủ Nhật công bố trong tháng 10 qua. Báo cáo nêu năm ngoái ở Nhật có 24.000 vụ tự sát, trong đó có 2.159 vụ có thể liên quan những vấn đề ở nơi làm việc.

Vấn nạn “công ty gia đình” buộc nhân viên tận tụy

Kazunari Tamaki, một luật sư đại diện các gia đình tin con cái họ là nạn nhân của “karoshi”, nói các công ty Nhật thường hoạt động theo kiểu “chú-cháu” và đòi hỏi nhân viên phải tận tụy, trung thành với công ty. Văn hóa “công ty là gia đình” này dẫn đến một môi trường đầy áp lực, trong đó nhân viên cảm thấy mình phải làm việc quá sức “để đáp ứng sự tin yêu của lãnh đạo”. 

Vị luật sư nói: “Nói về điều kiện làm việc và giờ làm việc, Nhật Bản có khuynh hướng phớt lờ sự ý thức nền tảng về nhân quyền”.

Ngày 14-10, Sở Lao động Tokyo và Cục Thanh tra tiêu chuẩn lao động (MITA) đã khám xét trụ sở và nhiều chi nhánh của “khổng lồ” ngành quảng cáo Dentsu Inc. Họ nghi công ty này cẩu thả, không ý thức về  số giờ làm thêm của nhân viên, dẫn đến hậu quả là không kiểm soát được việc nhân sự bị bắt làm thêm giờ một cách quá đáng, dẫn đến tình trạng nhân viên chết vì “karoshi”.

Kế hoạch của hai cơ quan nêu trên  là điều tra chi tiết các điều kiện lao động ở Dentsu, nghi ngờ công ty này buộc nhân viên làm việc quá nhiều giờ, tức vi phạm Luật Tiêu chuẩn lao động. Nếu phát hiện sai phạm liên quan việc làm thêm giờ, và nếu tòa án tuyên các hoạt động này là “ác tâm”, lãnh đạo Dentsu có thể bị ngành công tố truy tố hình sự.

 Việc ép buộc làm quá giờ  này thường xuyên xảy ra ở Dentsu vốn có trụ sở ở quận Minato, Tokyo. Công ty này thừa nhận những cái chết nhưng từ chối bình luận. Người phát ngôn nói công ty thừa nhận việc giám sát việc làm thêm giờ “không hiệu quả”, hứa sẽ cải thiện điều kiện lao động. Chủ tịch Dentsu, ông Tadashi Ishii xác nhận với nhân viên về khả năng bị truy tố hình sự, và ông “cảm thấy rất xấu hổ”.

“Giám đốc” chê “nhân viên”

Cuộc điều tra được mở vì ngày ngày 30-9, MITA xác nhận việc nữ nhân viên tập sự Matsuri Takahashi, 24 tuổi, tự tử ở nhà trọ dành cho nữ nhân viên Dentsu  là vì “karoshi”, sau khi phải làm việc quá tải khiến cô bị suy nhược.

Vài ngày sau, một quan chức chính phủ cũng xác nhận cái chết của một nam nhân viên 30 tuổi hồi năm 2013 cũng là do làm việc quá sức. Năm 1991, một nam nhân viên 24 tuổi tự sát vì “karoshi”, trong năm làm việc thứ hai ở công ty này. Sau khi gia đình nộp đơn kiện, hồi năm 2000, Tòa án tối cao Nhật Bản tuyên “cơ quan chủ quản”phải chịu trách nhiệm về cái chết của anh.

Báo cáo nêu năm ngoái ở Nhật có 24.000 vụ tự sát, trong đó có 2.159 vụ có thể liên quan những vấn đề ở nơi làm việc.

Cha mẹ Takahashi trưng di ảnh con gái để cáo buộc Dentsu.

Biên bản của MITA kết luận: “Công việc của cô Takahashi tăng lên đáng kể và số giờ làm thêm cũng tăng đến mức bi kịch”. Tổng thời gian làm thêm giờ của cô từ ngày 9-10 đến 7-11-2015 là 105 giờ/tháng, trong khi mức thời gian làm thêm giờ chỉ là 40 giờ.

Theo luật sư bào chữa, số giờ làm thêm này vượt quá xa định mức thời gian làm thêm mà Dentsu đã báo cáo với MITA. Nhưng theo báo The Wall Street Journal, Dentsu nói sẽ giảm số giờ làm thêm từ 70 giờ/tháng (tính từ tháng 11) xuống mức tối đa 65 giờ/tháng. 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo nổi tiếng, từ tháng 4-2015, Takahashi làm ở bộ phận quảng cáo trên mạng cho các hãng bảo hiểm xe hơi và các công ty bảo hiểm. Tháng 9-2016, Dentsu thừa nhận đã “tính tiền lố” đối với ít nhất 111 công ty, sau khi một số công ty giao tiền để nhờ quảng cáo nhưng Dentsu không chạy quảng cáo trên mạng. Công ty này đổ thừa nhân viên “làm việc quá tải” nên “tính tiền lố”.

Trên mạng xã hội Twitter, Takahashi tố cáo việc bị cấp trên bắt nạt. Một ông sếp chê cô: “Tóc em bù xù, mắt đỏ ngầu. Đừng đi làm với điệu bộ thế này nhé. Mình không còn có thể kiên nhẫn với mấy ông sếp nói mình thiếu nữ tính”. 

Cô cũng đề cập chuyện đi làm quá cực, làm việc quần quật 20 giờ/ngày. Ví dụ cô viết ngày 16-12-2015: “Mình lại phải đi làm cả thứ Bảy lẫn Chủ nhật. Ngày nào cũng căng thẳng và mình chỉ nghĩ đến cái chết. Mình đang rất muốn chết”. Và cô đã nhảy lầu tự tử ngày 25-12-2015.

Tại một cuộc họp báo, mẹ của Takahashi nói con bà chẳng thể sống lại được, dù đã có sự xác nhận Takahashi chết vì phải làm việc quá sức. Bà kêu gọi phải có sự cải thiện nghiêm túc trong quản lý lao động ở Nhật Bản, và đề nghị chính phủ giám sát các công ty một cách chặt chẽ, để tránh xảy ra những cái chết khác vì “karoshi”.

Bao giờ chấm dứt được “karoshi”?

Sở Lao động Tokyo nghi số giờ làm thêm của Takahashi vượt quá xa định mức tức vi phạm Luật Tiêu chuẩn lao động. Bộ trưởng Lao động - Y tế Yasuhisa Shiozaki nói: “Mất mạng sống vì làm việc quá sức là điều không được để xảy ra. Tôi cực kỳ tiếc là những chuyện này đã tái diễn ”. Và ông kêu gọi toàn quốc kiểm tra hoạt động của Dentsu.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nói quan tâm hàng đầu của ông là phải thay đổi cơ chế lao động, gồm khuynh hướng làm việc quá nhiều giờ. Ông nói một trong những mục tiêu của ông là tạo môi trường lao động thuận lợi cho phụ nữ có con và các nam-nữ nhân viên mà việc phải chăm sóc gia đình đã khiến họ không thể làm thêm quá nhiều giờ.

Năm 2014, Quốc hội Nhật “đưa vào cuộc sống” một luật mới nhằm ngăn chặn “karoshi”, bằng cách thu thập dữ liệu và đề cao sự ý thức của người dân. Các quan chức chính phủ nói, việc ngày càng có nhiều lao động “không thường xuyên” (nhân viên thời vụ hoặc bán thời gian, thường lĩnh lương thấp và không được hưởng nhiều quyền lợi bằng nhân viên toàn thời gian) đã khiến điều kiện làm việc “đi xuống ở nhiều lĩnh vực”.

Giới truyền thông địa phương thì đề cập “những công ty đen”, nhất là ở lĩnh vực nhà hàng ăn, là những nơi ép buộc nhân viên “làm việc như tù khổ sai vào những ca cuối tuần”.  

Một số công ty Nhật Bản đã bồi thường cho những vụ “karoshi”. Hồi năm 2008, một nhân viên của một dây chuyền nhà hàng ăn đã tự sát, dẫn đến một vụ kiện mà kết quả là Công ty Watami Co phải bồi thường 130 triệu yen (1,25 triệu USD) cho gia đình người chết.

Bích Ngọc (theo The Wall Street Joutnal)
.
.
.