Vấn nạn "cái chết karoshi" ở Nhật Bản

Thứ Hai, 31/10/2016, 18:53
"Cái chết karoshi" (hay còn gọi là cái chết do làm việc quá sức) đang ở mức báo động ở Nhật Bản. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong xã hội hiện đại, Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều sức ép từ vấn đề dân số như tình trạng già hóa dân số, tình trạng độc thân trong giới trẻ tăng cao, tự tử vì áp lực công việc…


Cái chết của Joey Tocnang, thực tập sinh 27 tuổi tại một công ty ở miền trung vì suy tim gây rúng động Nhật Bản những ngày gần đây. Cái chết của Joey Tocnang được xác định là do áp lực công việc.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin, Joey Tocnang đã phải làm thêm giờ lên đến 122,5 giờ/tháng. Ba tháng trước khi được đoàn tụ với vợ và con gái ở Philippines, Joey Tocnang đã phải "chạy đua" với lịch làm việc dày đặc.

Thực tế cho thấy, người lao động Nhật Bản vẫn có số lượng thời gian làm việc nhiều hơn so với người lao động ở các quốc gia khác.

Bạn bè và đồng nghiệp của Joey Tocnang cho biết, gần như toàn bộ số tiền kiếm được từ công việc thực tập sinh, Joey Tocnang gửi về cho vợ Remy và con gái Gwyneth, 5 tuổi, ở quê nhà.

Vài ngày trước khi qua đời, Tocnang nói với một đồng nghiệp rằng, anh có kế hoạch đi siêu thị để mua món quà đặc biệt tặng con gái vào cuối tuần.

Joey Tocnang không phải trường hợp duy nhất là nạn nhân của "cái chết karoshi" ở Nhật Bản. Một kết quả khảo sát mới công bố cho thấy, một trong năm người lao động Nhật Bản có nguy cơ tử vong do làm việc quá sức.

Hàng trăm ca tử vong do làm việc quá sức từ đột quỵ, đau tim và tự sát cùng với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe được báo cáo hằng năm ở Nhật Bản. Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, trong năm nay, đã có 93 trường hợp tự tử hoặc cố gắng tự tử có liên quan trực tiếp từ áp lực công việc.

Cơ quan Cảnh sát quốc gia và Văn phòng Nội các cho rằng, áp lực công việc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến 2.159 vụ tự tử trong năm 2015.

Gần đây, Matsuri Takahashi, 24 tuổi, nhân viên của công ty quảng cáo hàng đầu Nhật Bản Dentsu đã tự tử do căng thẳng trong công việc kéo dài. Bạn bè của Matsuri Takahashi nói rằng, trước khi tự tử, cô đã chia sẻ những dòng cảm xúc chán nản, u uất trên các phương tiện truyền thông xã hội như: "Tôi muốn chết", "Thể chất và tinh thần của tôi đang vỡ ra từng mảnh"…

Bà Yukimi, mẹ của Matsuri Takahashi nói rằng, cái chết của con gái đã cho thấy, một số công ty đặt lợi ích kinh doanh lên trên phúc lợi của nhân viên.

"Con gái tôi nói với bạn bè, đồng nghiệp rằng, nó  chỉ có 10 giờ để ngủ trong một tuần và điều mong muốn duy nhất của con bé là được ngủ một giấc dài", bà Yukimi nói với phóng viên Đài truyền hình TBS.

Takahashi làm việc trong bộ phận quảng cáo của Dentsu. Cô thường xuyên phải làm thêm hơn 100 giờ mỗi tháng, bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần.

Mặc dù các công ty Nhật Bản đang nỗ lực thiết lập sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho người lao động nhưng thực tế cho thấy, người lao động Nhật Bản vẫn có số lượng thời gian làm việc nhiều hơn so với người lao động ở các quốc gia khác.

22,7% các công ty được khảo sát trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12/2015 và tháng 1/2016 cho biết, phần lớn nhân viên của họ làm thêm 80 giờ mỗi tháng - "ngưỡng tiềm năng" dẫn đến cái chết vì áp lực công việc.

Trung bình, mỗi người Nhật làm việc 49 giờ hoặc cao hơn mỗi tuần, cao hơn 16,4% so với Mỹ, 12,5% so với Anh và 10,4% so với Pháp.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản, yêu cầu bồi thường vì "cái chết karoshi" tăng cao đến mức đáng báo động. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội ở Nhật đang gặp tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.

Ông Hiroshi Kawahito, một chuyên gia nghiên cứu về karoshi cho biết, con số thực về cái chết karoshi còn cao hơn nhiều so với con số mà Chính phủ cung cấp.

"Chính phủ đã tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, trực quan về vấn đề này nhưng tất cả mới ở khâu tuyên truyền. Vấn đề cốt lõi là phải giảm giờ làm ngay lập tức", ông Kawahito nói.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.