Indonesia:

Đổi vỏ chai nhựa dùng rồi lấy vé xe buýt

Chủ Nhật, 09/12/2018, 08:15
Surabaya – thành phố lớn thứ 2 của Indonesia đã đưa ra một cách mới để khuyến khích người dân tái chế chất thải. Đó là cung cấp các chuyến xe buýt miễn phí để đổi lấy chai nhựa đã qua sử dụng. Đáng chú ý là ý tưởng này đã được một số quốc gia thực thi, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.


Chương trình này đã được chính quyền thành phố Surabaya thực hiện từ tháng 4 và cho thấy kết quả khá tốt. Theo đó, hành khách có thể đi xe buýt màu đỏ trong thành phố bằng cách thả chai nhựa tại các thiết bị đầu cuối hoặc trực tiếp “trả tiền” một giá vé bằng vỏ chai. Mỗi vé xe buýt hai giờ tốn 10 chai nhựa nhỏ hoặc 5 chai nhựa to (tuỳ thuộc vào kích thước trọng lượng của chúng”.

Chính quyền thành phố Surabaya đang hy vọng hành động này sẽ giúp họ đạt được mục tiêu đầy tham vọng về việc giảm lượng rác thải nhựa để tái chế vào năm 2020. Đến nay, Surabaya - thành phố nằm ở mũi phía đông của Java, là nơi đầu tiên ở Indonesia thực hiện kế hoạch này và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. "Rác, giống như chai nhựa, chồng chất trong khu phố của tôi.

Người dân Surabaya rất hào hứng với ý tưởng đổi vỏ chai nhựa dùng rồi để lấy vé xe buýt.

Vì vậy tôi mang nó đến đây để môi trường không chỉ sạch hơn mà còn giúp giảm bớt khối lượng công việc của những người thu gom rác", Linda Rahmawati – một cư dân Surabaya nói. Một cư dân khác tên là Sulastri – một cái tên khá quen thuộc ở Indonesia cho biết: “Chúng tôi có thể giảm lượng rác thải để không bị chồng chất ở nhà vì chúng tôi có thể tận dụng chúng một cách tốt”.

Thống kê của thành phố Surabay cho thấy 15%, hay gần 400 tấn, chất thải hàng ngày ở đây là nhựa. Và bằng việc đổi vé xe buýt, mỗi chiếc xe buýt có thể thu thập tới 250kg chai nhựa mỗi ngày, hoặc khoảng 7,5 tấn trong một tháng. Sau khi thu thập, nhãn và nắp chai được lấy ra khỏi chất thải và nó được bán đấu giá cho các công ty tái chế.

Tiền kiếm được từ cuộc đấu giá được hướng tới việc đầu tư cho điều hành các hoạt động xe buýt và tài trợ cho không gian xanh trong thành phố. Irvan Wahyu Drajad, người đứng đầu bộ phận giao thông của Surabaya cho biết: “Indonesia là một trong những nước có chất thải nhựa lớn nhất thế giới và thông qua sáng kiến này, chúng tôi hy vọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến rác thải”.

Hơn nữa, Indonesia, một quần đảo của hàng ngàn hòn đảo, được ước tính là nước có đóng góp lớn thứ hai trên thế giới về chất thải nhựa trong các đại dương (chỉ sau Trung Quốc), theo một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Science. Quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới này cũng là nơi có diện tích rừng mưa nhiệt đới rộng lớn nhất châu Á, và đang phải vật lộn với giao thông bị quá tải ở các thành phố.

Vì vậy, việc dùng vỏ chai nhựa dùng rồi để đổi lấy vé xe buýt được coi là hành động vừa có lợi cho môi trường, vừa giúp tăng lượng người sử dụng phương tiện công cộng, giảm ách tắc giao thông vì sự quá tải của các phương tiện cá nhân.

Được biết, tại Hội nghị lần thứ 24 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) đang diễn ra tại thành phố Katowice, Ba Lan, các chuyên gia về môi trường đã gửi một bản báo cáo lên Liên Hợp Quốc cho thấy, mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.

Rác thải nhựa chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người vì chúng rất khó phân hủy nhưng lại dễ sản xuất. Loại rác thải này có tuổi thọ cao hơn chúng ta rất nhiều, thậm chí gấp 10 lần chúng ta.

Những chai nhựa đựng nước bạn uống hằng ngày có thể tồn tại lên đến 10 thế kỷ. Và khi chúng bị phân rã không có nghĩa là đã bị loại trừ hoàn toàn, chỉ là từ một mảnh lớn bây giờ chúng tách thành những mảnh nhỏ xíu và tiếp tục phá hủy đại dương từng chút một.

Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy cần từ 500 - 1.000 năm.

Mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương. Theo các chuyên gia, với mức độ sử dụng như hiện nay, sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

Linh Oanh
.
.
.