Giấc mơ có thật của người đàn ông nhiễm HIV

Thứ Hai, 09/01/2017, 13:55
Sau những lầm lỗi của tuổi trẻ, những tưởng đôi vợ chồng Vũ Đình Tuấn, Phạm Thị Liên (phường Thái Học, thị xã Chí Linh, Hải Dương) dính vào ma túy, mang căn bệnh thế kỷ ấy sẽ chẳng có tương lai.


Thế nhưng tình yêu đẹp của họ cùng đứa con ra đời không mang theo virut chết người ấy chính là động lực, là cầu nối để họ yêu thương nhau hơn.

Lấy vợ, có con như một giấc mơ của tôi

Đôi bàn tay xù xì, gương mặt đen sạm, góc cạnh của một người đàn ông từng trải, ra tù vào tội nâng niu đứa con nhỏ khiến chúng tôi dâng trào một cảm xúc khó tả. Chẳng ai nghĩ người cha đang cưng nựng đứa con ấy đã trải qua quá nhiều biến cố, quá nhiều bi kịch cuộc đời.

Anh Vũ Đình Tuấn (40 tuổi) cười với chúng tôi: "Cuộc đời tôi tưởng như đã bỏ đi, có chết tôi cũng không thể tưởng tượng được mình lại lấy được vợ và có con. Ông trời cũng còn thương tôi khi mà đứa con nhỏ không bị lây truyền HIV từ tôi, đó là ân huệ cuối cùng mà cuộc đời ban cho".

Anh Tuấn luôn cố gắng hết mình để lo cho tương lai của con trai.

Sau ngày mãn hạn tù, anh Tuấn như đã thấm thía được nỗi bất hạnh của cuộc sống giang hồ buông thả. Anh quyết tâm lao vào làm việc, những mong sẽ từ bỏ được ma túy, thoát khỏi những cơn vật mà "nàng tiên nâu" hành hạ mình.

Bập vào ma túy dễ bao nhiêu thì từ bỏ nó khó bấy nhiêu, dù quyết tâm có thừa nhưng càng cai thì Tuấn càng bị nặng hơn. Lúc này anh mới nhận ra rằng, những lúc vật vã, đớn đau thì chỉ có gia đình mới là nơi xoa dịu được nỗi đau ấy. Anh quyết định về quê, cai nghiện bên người thân.

Được sự động viên của cha mẹ, ngày ngày anh lên Trung tâm Y tế thị xã Chí Linh dùng thuốc methadone, cai nghiện rất nghiêm túc. Cũng chính những lần đi lấy thuốc, anh đã gặp chị Liên, đây có thể coi là cuộc gặp định mệnh, bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Tuấn.

Anh kể lại: "Lần nào tôi lên Trung tâm uống thuốc cũng gặp Liên, cô ấy thường đi bộ một mình. Thấy thương thương, tôi cho cô ấy đi nhờ xe và chính những câu chuyện trên quãng đường đi chúng tôi đã hiểu nhau hơn".

Hai con người cùng cảnh ngộ đã hiểu nhau qua từng câu chuyện, rồi họ yêu nhau lúc nào cũng chẳng hay. Ai cũng hiểu lòng mình nhưng cũng chẳng ai dám nói ra. Họ đều có những nỗi khổ tâm riêng, cảm thấy mình tự ti với đối phương.

Rào cản lớn nhất khiến hai người không dám tiến sâu hơn đó là bệnh tật của cả hai, Tuấn và Liên hiểu rằng nếu lấy nhau họ sẽ không có tương lai. Tự nuôi bản thân còn khó nay lại bìu díu nhau, lấy gì mà sống?

Tuấn cầm tay người yêu mà nói, anh không tự tin để yêu em, anh đã từng có một đời vợ, bản thân lại đang mắc nghiện, đặc biệt hơn anh còn bị nhiễm HIV. Lấy nhau e rằng cả hai đều khổ, sẽ trở thành gánh nặng cho em.

Anh Tuấn bất ngờ nhận được lời đồng ý từ Liên, cô chẳng quan trọng điều gì cả, cô luôn tin rằng nếu có tình yêu thì sẽ vượt qua được tất cả. Vậy là họ đến với nhau, mặc cho bao lời đàm tiếu của thiên hạ, bao ý kiến của họ hàng.

Biết chồng mình bị nhiễm HIV nhưng khao khát có con giữa hai người chưa bao giờ vơi. Thế rồi chị Liên có bầu, tin này nhanh chóng là chủ đề được người dân quanh vùng bàn tán xôn xao.

Ảnh cưới hạnh phúc của cặp vợ chồng từng lầm lỡ.

Họ bảo rằng, đã bệnh tật nuôi nhau còn không được lại bày đặt đẻ con; Thật độc ác khi sinh ra một đứa nhỏ nhiễm HIV, sẽ làm khổ nó cả cuộc đời… Rất nhiều người khuyên chị Liên không nên giữ thai vì sợ lây nhiễm từ bố.

Dù hoang mang nhưng vợ chồng anh Tuấn vẫn tin sẽ có điều kỳ diệu đến với mình. Khi thai nhi được 3 tháng tuổi, anh Tuấn đưa vợ đi xét nghiệm và siêu âm với tâm thế tràn đầy hy vọng nhưng cũng không giấu được sự lo lắng. Hai vợ chồng như vỡ òa sung sướng khi các bác sĩ kết luận vợ mình không bị nhiễm HIV.

Thế nhưng nỗi lo về đứa con trong bụng vẫn là điều canh cánh trong lòng. Và rồi khi cháu Vũ Đình Tuấn Mạnh chào đời thì Tuấn mới thở phào nhẹ nhõn, anh như từ cõi chết trở về. Họ hàng nội ngoại, làng xóm mừng cho vợ chồng anh. Ai cũng nói đó là ân huệ cuối cùng mà ông trời ban cho đôi vợ chồng lầm lỡ.

"Có lẽ đó là lần hạnh phúc, sung sướng nhất cuộc đời tôi. Ngoài cảm giác được làm bố thì điều kỳ diệu đã đến với vợ chồng tôi. Đứa con là sợ dây gắn kết vợ chồng tôi, chúng tôi nguyện sẽ sống thật tốt để nuôi dạy cháu nên người", anh Tuấn nghẹn ngào.

Niềm vui vô bờ ấy đồng nghĩa với bao khó khăn ập đến với vợ chồng Tuấn khi cả hai đều không có nghề nghiệp ổn định. Họ chẳng ngại việc gì, miễn sao kiếm được tiền nuôi gia đình nhỏ. Nhiều lần, vợ chồng anh đi xin việc nhưng đều bị từ chối vì họ biết cả hai đều nghiện ma túy.

Rồi cả những kỳ thị mà vợ chồng Tuấn phải hứng chịu. Xót xa hơn, cậu con trai đến tuổi đi lớp bị người đời ghẻ lạnh. Nhà trường miễn cưỡng nhận trông bé, phụ huynh tuyệt nhiên không cho con mình tiếp xúc với bé. Họ còn dè bỉu, bố mẹ HIV làm sao con không bị, rồi động vào nó lây nhiễm cả ổ Si - đa vào người.

Chỉ đến khi có giấy chứng nhận từ cơ sở y tế xác nhận cháu bé không bị nhiễm HIV từ bố thì mọi người mới yên tâm. "Cũng may là cháu không bị nhiễm HIV từ tôi, khi nhận giấy từ các bác sĩ, tôi mới thực sự sung sướng, như mình từ kiếp trước trở về vậy. Cháu ngày một khỏe mạnh và rất ít ốm đau cô chú ạ", anh Tuấn vui mừng kể.

Sẽ nuôi con nên người

Nói về hiện tại, mơ về tương lai với niềm hạnh phúc bao nhiêu thì khi nhớ lại quá khứ, anh Tuấn đau đớn bấy nhiêu. Nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại những tháng ngày bị "cái chết trắng" hành hạ, anh vẫn lạnh sống lưng.

Là con út trong gia đình có tới 5 anh em, vì quá nghèo Tuấn phải bỏ học khi vừa học xong cấp 2 để đi khai thác than. Nhờ sự liều lĩnh lại thông minh, Tuấn kiếm tiền như rác, nhiều người nhìn vào còn mơ ước. Cuộc sống vốn vất vả từ bé, khi có đồng tiền Tuấn càng khó khăn giữ mình.

Anh nhanh chóng sa ngã vào những thú vui điên loạn, ăn nhậu, cờ bạc, rồi cả chơi ma túy. "Khoảng năm 1995, tôi làm nghề khai thác than kiếm tiền triệu không phải là quá khó khăn. Ban ngày đi làm, đêm đến buồn buồn lại rủ anh em đi chơi thuốc phiện.

Lúc đầu chơi thấy phê phê, tinh thần sảng khoái, ngày hôm sau đi làm không biết mệt. Tôi cũng chẳng biết ma túy là gì cả, chỉ biết càng chơi vào thì càng khỏe, ngừng cái là thấy người mệt mỏi. Nghiện ngập lúc nào cũng chẳng ai hay, làm được đồng nào lại đổ hết vào ma túy".

Sau những phút giây đắm chìm trong làn khói miên man của may túy, Tuấn chợt nhận ra mình phải từ bỏ, phải lấy lại cuộc sống trước đây. Anh quyết định vào Nam làm phụ vữa mong có ngày đoạn tuyệt. Nhưng rồi quyết tâm ấy không đủ lớn, Tuấn lại tái nghiện, thậm chí còn nặng hơn.

Sau mỗi lần phê pha với thuốc, Tuấn lại như con thú điên muốn nhanh chóng cắt đứt sợi dây xích vô hình quấn chặt lấy mình. Anh lại đi, hết về Đà Nẵng, Tây Nguyên rồi Nghệ An, làm đủ nghề, bụng thì muốn cai nhưng cái đầu không bảo được, bao nhiêu tiền kiếm được vẫn chỉ dùng để mua thuốc.

"Năm 2000 tôi có đi cai được 6 tháng nhưng lại tái nghiện. Năm 2004 tôi lại tiếp tục cai, nhưng có vẻ nghị lực của tôi chưa đủ lớn để từ bỏ khói thuốc trắng", anh Tuấn nhớ lại. Sức khỏe ngày một yếu đi, liều dùng lại cao hơn, tiền không kiếm được, Tuấn bắt đầu lao vào con đường tội lỗi. Năm 2006, sau một chuyến đi hàng lậu thuê, Tuấn đã bị lực lượng chức năng bắt giữ, anh bị phạt 6 tháng tù giam.

Ra tù chưa được bao lâu con đường nghiện ngập lại được anh bước tiếp. Mãi khi sức khỏe quá yếu Tuấn mới nhận ra rằng chỉ có về nhà, nơi có người thân bên cạnh mình mới làm lại được cuộc đời.

Chính thức đến năm 2011, anh dứt được cơn vật thuốc khi dùng menthadone. Nhắc đến chuyện của chồng, chị Liên cũng không cầm được nước mắt nói về cuộc đời trôi nổi của mình: "Sau khi lên Hà Nội tôi làm nghề cắt tóc, chán nản vì nhớ nhà, đua đòi bạn bè rồi cũng bị nghiện ma túy. Đau đớn nhất là khi tôi có thai thì người yêu đã phụ tình bỏ đi".

Bụng mang dạ chửa lại nghiện ngập, Liên trở về quê ở Hải Phòng tiếp tục làm nghề cắt tóc, kiếm tiền nuôi con và thỏa mãn cơn nghiện của mình. Khi sức lực không còn, tiền không kiếm được, chị Liên tự tìm đến trung tâm cai nghiện. Chính từ đây đã nên duyên vợ chồng với anh Tuấn.

Anh Tuấn hào hứng làm ngôi nhà đồ chơi cho con trai.

Nhìn đứa con nhỏ đang chơi đùa cùng bố, chị Liên khóc nức nở: "Ngày buồn nhất của tôi lại chính là cái ngày anh Tuấn mang lễ hỏi tôi. Khi đó chỉ có hai mẹ con anh Tuấn mà chẳng có lấy họ hàng anh em nào.

Mãi sau này anh ấy mới kể, mẹ có nhờ vài người đi cùng nhưng không ai nhận lời, đơn giản vì họ không đồng ý cho chúng tôi đến với nhau. Từ lúc ấy, tôi thấy thương anh Tuấn, thương yêu gia đình hơn. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng vượt qua tất cả để sống tốt hơn, nuôi con nên người".

Phong Anh
.
.
.