Gia tăng bệnh tâm thần và bạo lực vì… COVID-19

Thứ Năm, 21/05/2020, 16:21
Các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 đang được thực hiện ở nhiều quốc gia gián tiếp làm khủng hoảng bệnh tâm thần và gia tăng bạo lực gia đình.


Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khi số ca tử vong ngày một tăng. Trong khi đó, các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội đang được thực hiện ở nhiều quốc gia dù mang lại hiệu quả về ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhưng lại gián tiếp làm khủng hoảng bệnh tâm thần và gia tăng bạo lực gia đình.

"Hạt giống của tâm thần"

Bà Devora Kestel, Giám đốc sức khoẻ tâm thần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết sự cô lập, sợ hãi, không chắc chắn và bất ổn kinh tế xung quanh đại dịch COVID-19 đều có thể gây ra tâm lý đau khổ rồi từ đó phát triển lên cuộc khủng hoảng sức khoẻ tâm thần lớn trên toàn cầu. 

Trình bày một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), bà Devora Kestel khẳng định, một số nhóm người nhất định bao gồm nhân viên y tế tuyến đầu, người già, những người có tình trạng sức khỏe kém từ trước, phụ nữ và trẻ em đang thể hiện sự đau khổ tâm lý liên quan đến COVID-19. 

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hiện tại cũng như sau này của người dân và nó cần được ưu tiên để giải quyết khẩn cấp ở mọi quốc gia. 

Cũng theo lời Giám đốc sức khoẻ tâm thần của WHO, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp tiên tiến trong việc cung cấp hỗ trợ sức khỏe tâm thần trong vài tháng qua nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết nhu cầu của đại đa số người bệnh.

“Nếu trước đây, nền kinh tế toàn cầu phải tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD/ năm cho bệnh trầm cảm thì này, trong đại dịch COVID-19, nguy cơ thiếu hụt chuyên gia về sức khoẻ tâm thần ngày càng lớn. 

Con số thiệt hại có thể tăng gấp chục lần. Hiện cứ 10.000 người thì chỉ có một chuyên gia về sức khoẻ tâm thần trong khi bệnh trầm cảm vì COVID-19 đang ảnh hưởng đến 264 triệu người trên toàn thế giới”, bà Devora Kestel cho biết.

Nói thêm về ngân sách của thế giới dành cho việc chữa trị căn bệnh tâm thần này, bà Devora Kestel khẳng định, 2% ngân sách là con số quá nhỏ nên WHO kiến nghị các quốc gia phát triển tài trợ cho các kế hoạch chuyển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần sang các dịch vụ cộng đồng. 

Ngoài ra, cũng nên đảm bảo bảo hiểm cho các điều kiện sức khỏe tâm thần trong các gói bảo hiểm y tế và xây dựng năng lực nguồn nhân lực để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chất lượng trong cộng đồng. 

Một báo cáo từ Ủy ban Lancet gửi LHQ trước đó cũng tiết lộ rằng, từ năm 2018, các vấn đề về sức khoẻ tâm thần trên thế giới đã gia tăng và trong mùa COVID-19, những người đã có tình trạng sức khỏe tâm thần có thể trải qua một tình trạng xấu đi hoặc suy giảm các chức năng. 

Một nghiên cứu được thực hiện ở Ethiopia hồi tháng 4 cũng ước tính rằng 33% người dân có triệu chứng trầm cảm, cao gấp ba lần so với trước khi xảy ra đại dịch. 

Báo cáo cũng cảnh báo rằng, để đối phó với sự căng thẳng của đại dịch, nhiều người đã tìm đến rượu, ma túy, hút thuốc hoặc dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động gây nghiện như chơi game trực tuyến. 

Một nghiên cứu cho thấy, 1/5 số người Canada trong độ tuổi 15-49 đã uống rượu nhiều hơn trong 3 tháng qua. Vì thế, WHO kêu gọi các nước đưa sức khỏe tâm thần vào trong kế hoạch phòng chống COVID-19.

Theo thống kê của WHO, đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến 264 triệu người trên toàn thế giới.

Lo lắng gây ra bạo lực

Theo Hãng tin Reuters, báo cáo từ các cuộc phỏng vấn với bác sĩ và y tá ở Mỹ cho thấy, nhiều bệnh nhân và cả đồng nghiệp của họ cho thấy sự kết hợp của hoảng loạn, lo lắng, đau buồn, tê liệt, khó chịu, mất ngủ và ác mộng. 

Người dân thì phần lớn đau khổ vì những tác động sức khỏe tức thời và hậu quả của sự cô lập về thể chất, trong khi nhiều người khác sợ bị nhiễm trùng, chết và mất người thân trong gia đình… 

Đó là chưa kể đến hàng triệu người đang phải đối mặt với bất ổn kinh tế, bị mất hoặc có nguy cơ mất thu nhập và sinh kế. Rồi những thông tin sai lệch thường xuyên và những tin đồn về đại dịch cùng sự không chắc chắn về việc nó sẽ kéo dài bao lâu đang khiến mọi người cảm thấy lo lắng và vô vọng về tương lai.

Tinh thần hoảng loạn cùng với sự bức bối vì cách ly, không được ra ngoài cũng đã làm nảy sinh tình trạng bạo lực gia đình. Như ở Mỹ, lệnh phong tỏa thành phố đã khiến hơn một nửa các vụ tấn công nghiêm trọng là bạo hành gia đình, tỉ lệ cao đáng kể so với bình thường. 

Nhiều quan chức thực thi pháp luật đã bày tỏ lo lắng về xu hướng bạo lực gia đình và không biết điều gì sẽ xảy ra khi lệnh "phong thành" được dỡ bỏ hoặc kéo dài quá lâu. 

Trong khi đó, WHO cho biết, các dịch vụ trợ giúp khẩn cấp trên khắp châu Âu đã ghi nhận số cuộc gọi liên quan tới bạo lực gia đình tăng đột biến. Riêng trong tháng 4, các nước châu Âu đã ghi nhận số cuộc gọi khẩn cấp tìm kiếm sự trợ giúp từ những người phụ nữ bị chồng hay bạn tình bạo hành tăng tới 60%. 

Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) cũng ước tính sẽ có thêm 31 triệu trường hợp bạo lực gia đình trên thế giới nếu các biện pháp phong tỏa vẫn được duy trì trong 6 tháng tới. 

Tình trạng này khiến Tổng thư ký LHQ António Guterres phải viết trên Twitter kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp để chống lại sự gia tăng bạo lực gia đình, đặt sự an toàn của phụ nữ và trẻ em lên hàng đầu.

Chi Anh
.
.
.