Gặp lão nông "chê" triệu đô vì bản quyền trò chơi
"Có lẽ tôi đã bị ma nhập"
Xuất thân trong một gia đình truyền thống nho học, tuy nhiên ông Bảy lập gia đình khi mới 12 tuổi, làm bố khi vừa bước vào lớp 7. Làm bố khi còn quá trẻ, ông Bảy bị bạn bè cùng lớp trêu chọc. Cuối cùng ông đành phải nghỉ học để cùng cha mẹ chăm lo tổ ấm của mình. Dù phải xa ghế nhà trường nhưng chưa khi nào ông xa rời sách vở. "Ngày còn trẻ tôi ham đọc sách lắm, vớ quyển nào có chữ tiếng Việt là tôi đọc. Cứ làm ra tiền, gặp đâu cũng mua sách, tôi như người nghiện đọc sách vậy" - ông Bảy tâm sự.
Ngồi đối diện với ông, từ cách nói chuyện, sự hiểu biết ít ai nghĩ ông chỉ là một lão nông, một nghệ nhân tạc tượng. Để sáng tạo được trò chơi cờ toán đặc biệt này, chủ nhân phải là người rất uyên thâm. Việc cho ra đời cờ toán không phải là sự tình cờ, may mắn mà là cả một quá trình trăn trở của một người mang trong mình lòng tự hào dân tộc.
Ngay từ khi còn nhỏ ông Bảy đã ham mê đánh cờ, khi ấy cậu nhóc Bảy gần như không có đối thủ ở trong làng. Khi lớn lên, ông lúc nào cũng ấp ủ, mình phải sáng tạo ra một loại cờ "có một không ai" trên thế giới. Ông đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu hai môn phổ biến là cờ vua và cờ tướng.
Ông Bảy hướng dẫn cách chơi loại cờ đặc biệt này. |
Ông Bảy nói: "Tôi thấy 2 loại cờ này còn rất nhiều hạn chế không phù hợp với xã hội như: Mất tướng thì không thể thua hoàn toàn hoặc vua này mất sẽ có vua khác lên thay thế. Hay trong việc quy định nước đi cũng có nhiều điểm chưa hợp lý, quân tượng và quân mã cùng là loại có 4 chi nhưng được đi lại hoàn toàn khác nhau. Quân tốt có thể coi là chiến sĩ trên bàn cờ thì lại chỉ có thể đi tiến…".
Ông Bảy đã kế thừa, cải tiến và sáng tạo nên một loại cờ mới, hợp lý về tính logic và đặc biệt nó mang đậm bản sắc của dân tộc ta. Những con số và các phép tính đơn giản đã được ông Bảy lựa chọn làm quân cờ và luật chơi. Ví dụ như quân 0 thì không thể di chuyển, quân 1 được di chuyển một nước trở về và cứ thế đếm đến 9.
"Tôi quy định như vậy bởi nó chịu sự quy định của khoa học và tính trật tự trong xã hội. Cách bắt quân sẽ dùng hai quân cờ sát nhau để thực hiện phép tính với nhau, đếm số sẽ là những quân cờ được ăn"- ông Bảy giải thích.
Năm 1971, ông bắt đầu ấp ủ cho ra đời môn cờ vừa giải trí vừa vận động trí óc. Tuy nhiên, cho đến năm 1982, môn cờ mang bản quyền của ông Bảy mới chính thức được ra đời sau nhiều vất vả, mày mò. Ông bắt đầu phổ biến cho anh em, bạn bè quanh làng chơi, ông rất ngạc nhiên vì được nhiều người đón nhận.
So với các môn cờ khác, cờ toán có cách chơi khá "dị". Người chơi phải là người am hiểu kiến thức xã hội sâu rộng, đơn giản cơ sở để tạo ra những thế cờ hay xuất phát từ những câu thành ngữ, tục ngữ trong kho tàng văn học của dân tộc.
Ông Bảy cười sảng khoải: "Các cụ ta đã dạy rằng sai một li là đi một dặm. Mọi bước đi cần phải cân nhắc thật kỹ; tính một đường, đi một nẻo; hoặc một vợ có cỗ mà ăn, hai vợ bỏ làng mà đi, ta có thể coi đó là phép cộng; chia ngọt sẻ bùi là phép chia, chồng tới vợ lui, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê...
Thế cờ dẫn thủy nhập địa, đắp đập be bờ dành cho nông dân. Còn thương gia thì có thế năng nhặt chặt bị, đếm cua trong lỗ. Trong quân sự thì có thế tấn công từ xa, từ bên này sang bên kia. Thế tấn công biên, trung lộ được áp dụng trong bóng đá. Tùy từng đối tượng chơi mà vận dụng từng câu thành ngữ một cách hợp lí.
Ngoài ra còn những thế cờ như lấy dân làm gốc, phòng thủ chặt, phản công nhanh...vv". Đây là thể loại cờ "mở", mọi người chơi có thể tự do thỏa thuận với nhau về phép tính và luật chơi hoặc có thể thêm luật cho phù hợp.
Gần đây ông Bảy được đứng trên bục giảng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để truyền đạt cho những sinh viên về những giá trị quý báu của trò chơi cờ toán của mình, một loại cờ chính người Việt sáng tạo ra. Ông Bảy tự hào: "Chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi là toàn thế giới sẽ biết đến trò chơi cờ toán của Việt Nam. Nó không chỉ là một trò chơi mà còn là một môn học rất bổ ích cho các em học sinh".
Để nhân rộng môn cờ độc đáo này, ông Bảy đã đến Bảo tàng Dân tộc Việt Nam giảng dạy và ủng hộ hàng trăm bộ cờ. Các lễ hội trên địa bàn tỉnh, ông in cả nghìn bộ cờ phát miễn phí cho du khách. Không những vậy, ông còn dạy và tặng cờ miễn phí cho các em nhỏ ở Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội.
Từ chối 1 triệu đô la Mỹ để giữ lại môn cờ của người Việt Nam. |
"Nhiều em còn rất nhỏ nhưng đã có những nước cờ vô cùng sáng tạo, độc đáo. Tôi rất vui khi chứng kiến các em hào hứng chơi môn cờ này. Muốn chiến thắng ở môn cờ này, người chơi phải biết cách chia rẽ quân đối phương, còn quân mình phải luôn là một khối thống nhất. Phải chơi đến thế kỷ 22 thì trí tuệ con người mới chơi hết môn cờ này, vì con số 8.787 nước của cờ toán không phải là nhỏ. Có lẽ tôi đã bị ma nhập khi sáng tạo môn cờ này".
Gian nan đi xin bản quyền
Sau khi trò chơi cờ toán của ông Bảy được nhiều người biết đến, đã có một đoàn người Trung Quốc đến tận nhà trả giá 1 triệu đô để mua lại bản quyền của ông. Nếu không đồng ý bán, họ sẵn sàng đưa ra đấu giá, giá khởi điểm là 1 triệu đô, nếu không ai trả cao hơn bản quyền thuộc về họ. Nếu trong trường hợp có ai trả cao hơn bao nhiêu thì họ sẽ mua cao gấp lên bấy nhiêu.
Số tiền quá lớn, lớn đến nỗi ngày đó ít ai tính ra tiền Việt là bao nhiêu tỷ. Có mơ thì người nông dân như ông Bảy cũng không dám nghĩ đến. Với số tiền quá khủng đó, ông Bảy đã thấy lấn cấn trong lòng. Thế rồi người thân trong nhà, bạn bè khắp nơi gọi điện khuyên ông nên bán lại.
"Khi trao đổi lại, người ta ra điều kiện là thay quy ước là những dấu chấm trên mặt quân cờ bằng những con số nhất, nhị, tam, tứ… và kèm theo chữ số. Nếu thay đổi như vậy thì mấy chục năm công sức của tôi sẽ coi như không còn.
Đã là môn cờ "độc" của Việt Nam thì phải là những quy ước mà chúng ta mới có. Vì tự hào dân tộc tôi không cho phép mình thay đổi, không cho phép mình bán". Với ông Bảy, tiền vô cùng quý nhưng không phải cái gì cũng có thể mua được bằng tiền. Với suy nghĩ, môn cờ toán phải là của dân tộc Việt Nam chứ không phải của dân tộc nào khác trên thế giới, dù có trả bằng giá nào cũng không thể bán đi được.
Ông Bảy trong một lần đi giảng dạy môn cờ toán tại Đại học Bách khoa Hà Nội. |
"Nếu họ muốn hợp tác, phổ biến cờ toán Việt Nam ra toàn thế giới thì được, tôi ủy quyền miễn phí nhưng với điều kiện không được in logo, biểu tượng, khẩu hiệu trên bàn cờ là không được phép thay đổi. Chỉ cần nhìn vào biểu tượng của bàn cờ: trên là khối óc, giữa là trái tim, dưới là bàn tay vàng. Như vậy ai có thể đi bán bàn tay, khối óc và trái tim mình?" - ông Bảy phân tích.
Những tưởng mấy chục năm mày mò tìm ra loại cờ có một không ai ở Việt Nam đã là điều kỳ diệu, nhưng việc đi đăng ký bản quyền cho nó lại là cả một hành trình gian nan. Khi môn cờ toán ra đời, ông Bảy ấp ủ sẽ mang về vinh quang cho dân tộc, nào ngờ ông đã vấp phải hàng loạt trở ngại trên con đường đăng ký sở hữu bản quyền. Hồ sơ của ông được gửi lên Sở Khoa học Công nghệ thì nhận được câu trả lời:
Là người nông dân thì phải sáng tạo ra các loại giống lúa mới, vật nuôi tốt. Đây ông đi nghĩ ra trò cờ bạc, đúng là dở hơi dở hồn. Ông nhận lại hồ sơ với cái lắc đầu ngán ngẩm. Một thời gian sau, ông Bảy tiếp tục gửi hồ sơ lên Ủy ban Khoa học Nhà nước để xin sở hữu bản quyền. Cứ nghĩ cấp cao hơn thì phát minh của mình sẽ được nhìn nhận thấu đáo.
Một lần nữa ông lại thất vọng ra về với lý do con số 8.787 nước cờ của loại cờ toán này không thể tính được. Thời điểm đó, dù đã nhờ đến máy tính hiện đại nhất của khối Vacxava cũng không thể cho ra kết quả của phép tính 8.787. Sau này khi Việt Nam gia nhập Công ước Bern, Ủy ban Khoa học Nhà nước mới tìm lại hồ sơ của ông Bảy.
Xét thấy đây là một loại cờ độc đáo, có một không ai, có giá trị trí tuệ to lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Năm 2005, ông Bảy mới hoàn thành tâm nguyện và được nhận Giấy chứng nhận bản quyền cho phát minh cờ toán vô cùng đặc biệt này.
Chia tay chúng tôi, ông Bảy nói: "Tôi chỉ có một mong mỏi là có một người đủ tâm, đủ tầm, mang cờ toán của tôi đi quảng bá trên toàn thế giới. Khi ấy cờ toán của Việt Nam sẽ thành môn thể thao phổ biến, khắp năm châu đều biết đến".