Duy nhất một cuốn
- Thẩm định SGK: "Đông người nhặt thì chắc chắn "sạn" sẽ bớt đi"
- SGK lớp 1 mới đã được cung ứng tới các tỉnh, thành
Tập 2, học vần "anh", "ách". Một đoạn văn nhan đề "Tủ sách của Thanh" gồm 60 từ thì 12 từ có vần anh, ách (Thanh, nhanh, tranh, lành, ảnh, sách). Tác giả đã sáng tác ra một đoạn văn sao cho nhiều "anh", "ách" nhất có thể.
Kiểu ra sức tập hợp các vần có chủ đích vào một đoạn văn sẽ tạo ra một trật tự kỳ dị mà chúng ta thường thách nhau nói được những câu xoắn lưỡi như: "Chị nhặt rau rồi luộc em nhặt rau luộc rồi", "lên núi lấy lá non về làm nón", "Nếu nói lầm lẫn lần này thì lại nói lại.
Nói lầm lẫn lần nữa thì lại nói lại. Nói cho đến lúc luôn luôn lưu loát hết lầm lẫn mới thôi". Thật may mắn, não ta luôn chỉ đạo môi răng, lưỡi chúng ta tự nhiên không bao giờ bị xoắn lại như vậy.
Người viết không muốn tiếp tục mổ xẻ cụ thể cuốn sách trên mà muốn bàn về triết lý giáo dục của các bộ sách giáo khoa đã và sẽ xuất hiện. Gần đây xuất hiện các môn phái giáo dục tân kỳ, họ tạo "bí kíp" theo quan điểm chắt lọc để giảm tải cho học sinh.
Ngay khởi đầu, triết lý của những cải cách kiểu này đã được ngầm hiểu rằng trẻ em là dạng đối tượng chậm hiểu. Nên họ lược câu thành siêu ngắn "trơ xương". Đó là đánh giá thấp đối tượng ngay từ đầu. Vậy sách làm sao tốt được. Nhiều người lo thế thì trẻ con học sao được.
Xin thưa. Chẳng có sách nào trẻ con học không nổi. Thực tế thì một đứa trẻ 2 tuổi đã có thể sử dụng khoảng 1.000 từ một cách thoải mái. Không có lý gì một đứa trẻ 6 tuổi lại gặp khó khăn khi học tiếng mẹ đẻ và những thứ khác.
Minh họa Lê Tâm |
Cách dạy tiếng Việt từ 1945 tới cuối những năm 1990 rất rõ mục tiêu:
1: Biết đọc biết viết; 2: Làm quen với mỹ cảm và ký ức dân tộc.
Mục tiêu số 1 nếu làm theo phương pháp trò chơi ghép âm bây giờ thì một học sinh có thể đọc, viết tốt trong khoảng non một học kỳ. Học theo kiểu đánh vần cũ thì học sinh yếu nhất cũng đọc thông viết thạo sau 1 năm vỡ lòng.
Mục tiêu số 2 là mỹ cảm. Nếu như những sách cải cách gần đây "bội thực" vần tự chế thì các sách Tập đọc xưa trích những áng văn, bài thơ giản dị trong veo. Thí dụ vần "ênh" vẽ cái thang kèm câu thơ "Cái gì cao lớn lênh khênh/ Đứng mà không tựa ngã kềnh ngay ra". Vần "Ao": "Cào cào giã gạo cho nhanh/ Ai nhuộm áo đỏ áo xanh cho cào". Học sinh lớn lên không chỉ là con người lao động mà còn là con người dân tộc. Sự tồn vong của dân tộc chính là ở những yếu tố văn hóa.
Khi cải cách liên miên về sách giáo khoa, chúng ta thần thánh hóa bộ sách như bí kíp trong tay các môn phái. Thực ra với người thầy dạy bằng phương pháp tốt thì vai trò của bộ sách là thứ yếu. Chúng ta kêu áp lực các con lớn quá. Thực ra bộ não trẻ em không có áp lực gì nếu được tham gia vào những giờ học thú vị. Điều phụ thuộc vào thầy.
Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên lãnh đạo dài nhất, gần 29 năm từ 1946 tới 1975. Thời đó học sinh chỉ phải làm quen với 2 đợt điều chỉnh nhỏ nhưng sách giáo khoa khá thống nhất trong nhiều năm. Trong gia đình, các em nhận kế thừa sách của anh chị, khỏi phải mua. Bây giờ ngành giáo dục không chịu làm theo cách đó, thật khó hiểu.
Bây giờ ta giả định có "luật chơi" mới. Không cho phép các nhóm nghiên cứu được có lợi ích từ thương mại bộ sách nữa. Như vậy lợi ích nhóm nếu có cùng nhóm biên soạn cẩu thả không còn chỗ đứng.
Bộ Giáo dục kêu gọi các trí thức cống hiến các công trình của mình miễn phí thì chắc chúng ta sẽ nhận được những công trình có giá trị. Thí dụ như cụ Hoàng Xuân Hãn một thân một mình thực hiện công trình "Danh từ khoa học" không cần ai tài trợ.
Đây là người mà các hậu sinh vô cùng biết ơn, bởi ông là người mở đường dịch những thuật ngữ khoa học sang tiếng Việt như đạo hàm, quy tắc tam suất… khiến dân ta không phải học gián tiếp qua thứ tiếng tây nào khác.
Tạo ra nhiều bộ sách - lợi hay hại? Một số dân tộc khá đồng nhất như Nhật và Hàn thì người ta thoải mái tăng số đầu sách giáo khoa, nhưng những quốc gia quá nhiều dân tộc thì việc dạy tiếng nên thống nhất quy về một cuốn.
Ngôn ngữ là sự kết nối quốc gia và dân tộc. Nhiều nước có xu hướng xây dựng dân tộc (Nation Building) là phục vụ mục tiêu hội tụ. Chúng ta có tới 54 dân tộc anh em cơ đấy. Chẳng lẽ sẽ có 54 cuốn sách khác nhau?