Cuộc đua tìm kháng thể chống COVID-19
Mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học Phân tử và Tế bào của Phân viện Siberia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã được kháng thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19. Bà Olga Dorokhova, cố vấn về các dự án triển vọng của Chủ tịch Phân viện Siberia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: "Để làm điều đó, chúng tôi đã sử dụng các mẫu máu của các bệnh nhân đã được chữa khỏi và một công nghệ độc đáo để sắp xếp các tế bào lympho B đơn lẻ".
Theo bà Olga Dorokhova, các kháng thể thu được có khả năng ngăn chặn sự tương tác của virus và protein màng tế bào ACE2, kết quả là ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào người. Nghiên cứu sâu hơn theo hướng này sẽ giúp tạo ra các loại thuốc cụ thể.
Các phòng nghiên cứu tại nhiều nước đang chạy đua tìm ra kháng thể chống virus SARS-CoV-2. |
Theo tiến sĩ y khoa Anatoly Altstein, kháng thể trung hòa sẽ giúp bảo vệ con người khỏi bị lây nhiễm. Càng nhiều kháng thể trung hòa càng tốt, nhưng phải là loại trung hòa, chứ không phải là loại bất kỳ khác. Kết quả mà các nhà khoa học ở thành phố Novosibirsk thu được là một thành tựu nổi bật. "Vấn đề ở đây không phải là việc lấy kháng thể từ máu người. Các nhà khoa học đã nhân bản tế bào lympho B tạo ra các kháng thể trung hòa như vậy.
Đây là một thành tựu công nghệ thú vị. Các kháng thể này có thể được tách ra trong phòng thí nghiệm, thu đủ số lượng để điều trị cho người. Nhưng rất khó để có được các kháng thể này với số lượng rất lớn. Chúng có thể được sử dụng để phòng bệnh. Ví dụ, có một người bị lây bệnh, trong gia đình còn ba hoặc bốn người nữa. Nếu họ được tiêm kháng thể như vậy, họ sẽ có đề kháng chống COVID-19.
Nói chung, vaccine và kháng thể là những thứ khác nhau. Các kháng thể được hình thành trong cơ thể để đối phó với vaccine hoặc lây nhiễm. Còn vaccine là một loại thuốc để hình thành các kháng thể đó. Các kháng thể có tác dụng điều trị hoặc tiêm phòng trong một thời gian ngắn”, ông Anatoly Altstein nói
Trước đó, một nhóm các nhà khoa học từ Bệnh viện Đại học Cologne và Trung tâm Nghiên cứu Nhiễm trùng Đức (DZIF) đã xác định được 28 kháng thể có tiềm năng cao để vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2. “Mục tiêu của chúng tôi là hiểu rõ hơn về đáp ứng miễn dịch với SARS-CoV-2, đồng thời, xác định các kháng thể tiềm năng cao có thể được sử dụng làm thuốc để tiêm chủng thụ động hoặc điều trị COVID-19”, ông Florian Klein, Giám đốc dự án, Viện trưởng Viện Virus học tại Bệnh viện Đại học Cologne, nói.
Các nhà khoa học Đức phối hợp chặt chẽ với các nhà nghiên cứu từ Israel để tập trung vào tìm kiếm 12 kháng thể đối với virus trong máu của những người đã được chữa khỏi COVID-19. Họ đã kiểm tra hơn 4.000 tế bào B đặc hiệu trong máu của bệnh nhân được điều trị ở mức độ của từng tế bào và do đó giải mã được một phần cơ chế hình thành kháng thể.
Sau đó, họ tái tạo lại 255 kháng thể trong phòng thí nghiệm và bắt đầu nghiên cứu hiệu quả của chúng trong việc vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2. Hiện tại, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các đặc tính của kháng thể kết hợp với công ty dược phẩm Boehringer Ingelheim. Nếu có thể thì trong năm nay đã có thể tiến hành các thử nghiệm lâm sàng.
Trong khi đó, vào giữa tháng 6-2020, các nhà nghiên cứu Chile cũng tuyên bố đã phát hiện kháng thể ''mạnh nhất thế giới'' có khả năng chống lại virus SARS-CoV-2. Kháng thể trên do một loài lạc đà không bướu sản sinh ra và có thể đưa vào cơ thể người để trung hòa virus SARS-CoV-2 thông qua một ống hít qua đường mũi.
Theo bác sĩ Alejandro Rojas, Trưởng phòng thí nghiệm công nghệ sinh học y tế tại Trường Đại học Austral của Chile, kháng thể này có thể ngăn chặn hiệu quả khả năng sao chép của virus. Những người được tiếp nhận kháng thể này có thể tự sản sinh ra nhiều kháng thể hơn về lâu dài trong khả năng miễn dịch của họ.
Sau khi phân lập thành công kháng thể từ loài lạc đà không bướu, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Austral còn phải chứng minh khả năng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 của loại kháng thể này. Bác sĩ Rojas cho biết chi phí để thử nghiệm kháng thể mới có thể lên đến 2 triệu USD và nhấn mạnh rằng đây là "một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu".
Vào đầu tháng 5-2020, nhóm các nhà nghiên cứu từ ĐH Utrecht và Trung tâm Y tế Erasmus ở thành phố Rotterdam (Hà Lan) đã tìm ra một loại kháng thể sau khi tiêm vào tế bào chuột thí nghiệm các phiên bản virus Corona khác nhau, bao gồm cả loại gây nhiễm bệnh SARS và MERS. Tế bào bên trong những con chuột sau đó đã tạo ra kháng thể trung hòa, các nhà nghiên cứu đã chiết xuất ra và đem thử nghiệm, nhằm vô hiệu hóa virus gây dịch COVID-19 và cả virus gây nên bệnh SARS. Thông thường kháng thể trong các loại thuốc chống virus được dùng để điều trì sẽ ngăn chặn mầm bệnh, không cho bám vào tế bào cơ thể.
Còn tại Singapore, một nhóm các nhà khoa học cũng tuyên bố đã tìm ra 5 kháng thể có thể ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Thử nghiệm trên người đối với kháng thể đầu tiên AOD01 có thể sẽ được tiến hành trong vài tháng tới.
Cho tới lúc này, vẫn chưa biết ai sẽ là người về đích trước tiên. Tuy nhiên, những cố gắng của các nhà khoa học cũng cho thấy vai trò của các nhà khoa học trong cuộc chiến chống dịch bệnh toàn cầu.