Chuyện lạ về… "vua rác tái chế"
"Kho vàng" rác tái chế
Ở tuổi 67, ông Tống Văn Thơm có trên 40 năm gắn bó với… rác. Đời ông cho đến lúc chết cũng chỉ quẩn quanh với rác mà thôi, bởi nếu ông không làm thì mấy ai làm. Ông đã khẳng định như vậy khi có ai đó hỏi về tương lai. Rác không làm cho ông giàu có nhưng mang lại niềm vui và kiêu hãnh, biến ông thành "nhà sáng chế rác" có một không hai.
Trong lúc nói chuyện với chúng tôi, ông Thơm vẫn cặm cụi chế tạo chiếc đèn sân khấu xoay vòng, có ánh sáng lấp lánh không hề thua kém dàn âm thanh, ánh sáng ở những sân khấu lớn. Lúc đầu, ông Thơm lượm được chiếc mô tơ. Sau đó, ông lượm thêm trái bóng sắt rồi hòn bi khổng lồ để lắp ghép vào đèn.
Chiếc điện thoại từ lon bia. |
Ông tâm sự: "Tôi làm bằng vốn kiến thức tích lũy được trong thời gian làm kỹ thuật ở cảng Sài Gòn cùng với niềm đam mê mày mò, sáng tạo, chứ tôi không hề được học qua trường lớp nào. Cái quan trọng là ý nghĩ của mình, mình nghĩ nó xoay như thế nào, vận hành ra sao thì cứ thế mà làm. Lần đầu thất bại thì làm tiếp, đến khi nào được thì thôi".
Quê ông Thơm ở Bến Tre, gia đình rất nghèo nên ông chỉ được học đến lớp 3. Lớn lên, ông bươn chải khắp nơi. Từ Campuchia về TP Hồ Chí Minh, rồi xuống Cần Thơ, Hậu Giang... Thời điểm ấy, ông theo học trường bách nghệ của Pháp nên cũng có một chút kiến thức kỹ thuật "lận lưng" nhưng vẫn không có đất dụng võ, ông Thơm quay về Cần Thơ làm công việc trục vớt sà lan.
Làm được một thời gian, ông lên Đồng Nai lắp ráp xe ủi, xe nâng. Những năm 1970, ông xin được một chân vào làm công nhân đóng tàu ở Sài Gòn. Do sức khỏe yếu, lại thường xuyên phải lặn sâu dưới nước nên ông Thơm không thể trụ được. Ông quyết định chuyển sang nghề gom rác.
Bà con khu phố vừa thương, vừa khâm phục bởi ông gom rác bằng sự nhiệt tình và cái tâm của nghề. Ông tới từng nhà lấy rác, nếu thấy phía ngoài cửa có nhiều rác vương vãi, ông lấy chổi quét, hốt cho bằng sạch. Chẳng ai nhờ, cũng không ai cho tiền, ông làm vì thói quen "ở sạch" của mình.
Xong công việc gom rác, ông Thơm chạy xe về nhà và bắt đầu "mê mệt" với vựa ve chai khổng lồ của mình. Để có kho rác tái chế này, ông Thơm đã dành ra 20 năm bền bỉ góp nhặt rồi "hóa thân" cho chúng thành những vật dụng có giá trị, có ý nghĩa.
Ông Thơm kể, ông thu gom rác từ cuối năm 1970, đến năm 1998 khi thành phố phát động phong trào vì môi trường xanh sạch đẹp ông mới nảy sinh ý định "hồi sinh" rác. Một phần ông nhặt được trong quá trình đi gom rác, phần khác ông mua lại từ những vựa ve chai, chủ yếu là các thiết bị điện tử bị hư hỏng hoặc cũ kỹ người ta không dùng nữa vứt bỏ hoặc bán rất rẻ. Ý định của ông Thơm lúc đầu chỉ là muốn giảm tác hại môi trường từ phế thải.
Sau đó có một số đoàn giáo viên dẫn học sinh tới vựa của ông tìm hiểu những món đồ xưa cũ, ông lại nảy ra ý nghĩ phải sưu tầm thật nhiều, tái chế thật nhiều làm "bảo tàng" quá khứ cho thế hệ trẻ. Nhận thấy việc làm tốt đẹp của ông Thơm, Tổ chức hành động phát triển môi trường (ENDA) đã nhiều lần vinh danh ông.
Đàn xếp cổ có tuổi đời trên 70 năm được ông Thơm nhặt về sửa lại chơi. |
Ông Thơm được Tổ chức ENDA giới thiệu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn vệ sinh dân lập quận 5. Tháng 5 năm 2014, ông được mời tham dự Ngày hội tái chế rác thải tổ chức tại công viên Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh).
Tại đây, những sản phẩm rác thải tái chế của ông Thơm được đông đảo người dân ủng hộ và học tập. Nhiều người nhận ra ông đã hết sức ngạc nhiên, bởi trước đó họ nghĩ ông bị khùng, suốt ngày chạy xe lang thang ngoài đường ngó nghiêng, lượm lặt rác mang về nhà.
Rác thải ông thu lượm, loại nào sửa được ông mày mò chắp ghép cho hoạt động trở lại. Loại nào không thể sửa được nữa, ông biến thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo trang trí khắp nhà. Bạn bè đến nhà, ông mở karaoke ra hát.
Ai cũng trố mắt khi thấy dàn âm thanh, ánh sáng của ông là một chiếc bình đựng xăng dầu vẫn còn nguyên nắp. Thật ra, ông đã rửa sạch, khoét một miếng phía ngoài rồi đưa mô tơ, loa, dây điện vào trong. Chỉ có mặt loa và các nút điều chỉnh ông để lộ ra. Dàn karaoke độc đáo này hát trong veo, âm thanh ầm ầm khiến mọi người vô cùng thích thú.
Một vận dụng khiến ông tự hào nữa là chiếc đèn thần kỳ phát ánh sáng bằng tay người. Bản thân ông cũng không hiểu tại sao lại như thế. Đế đèn được lấy từ đèn sạc, kết hợp linh kiện của tivi. Chóa đèn là bóng cao áp, bên trong là giấy bạc.
Tất cả đều được ông nhặt về khi đi gom rác. Khi chạm tay vào, chiếc đèn sẽ "búng" ra những tia sáng cực kỳ đẹp mắt và chuyển động khi ngón tay di chuyển. Ông Thơm giải thích, đó là hiện tượng cảm ứng "da người".
Trong hơn 2.000 món đồ tái chế của ông Thơm, có khoảng 1.000 sản phẩm được nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng ông chưa nghĩ đến việc bán chúng. Ông Thơm ước đạt "vựa ve chai" của mình có giá trên 1 tỷ đồng.
Với ông Thơm, việc mày mò sáng tạo biến rác thải thành vật có giá là cả một quá trình cần mẫn, kiên trì và đam mê. Những lúc mệt mỏi, ông Thơm lấy chiếc đàn phong cầm ra ôm trước ngực kéo. Âm thanh vui nhộn của tiếng đàn khiến ông lấy lại được cảm hứng sáng tạo.
Đây là cây đàn của Pháp, ra đời từ năm 1945, cũ đến mức màu sơn đã bong tróc, thanh kéo bị mục nát. Chủ nhân vứt vào sọt rác, thế là ông Thơm nhặt về mày mò nối dây, vặn lại ốc, mua thêm dụng cụ điều chỉnh. Ông mất 7 tháng mới sửa xong chiếc đàn. Sau đó có người tới hỏi mua nhưng ông không bán.
Một vật giá trị nữa ông Thơm tái chế được là chiếc quạt trần kết hợp với đèn cảnh. Xuất thân của chiếc quạt chỉ có 5 cánh, đã bị hỏng, không hoạt động được. Ông Thơm mang về để góc nhà một thời gian nhưng chưa có ý định làm gì.
Sau đó, ông nhặt được miếng nhựa của chiếc xe hơi, ông xẻ nó ra thành 3 miếng để làm quạt 8 cánh. Vì quá nhiều cánh nên ông phải suy nghĩ làm sao cho cân đối, hoạt động được.
Vậy là ông thiết kế thành bông hoa sen treo ngược, khi nối dây điện thử thấy "bông hoa" quay rất "ngọt". Để quạt hoa sen không lẻ loi trên trần nhà, ông Thơm thiết kế thêm một bông hoa dây bằng hàng trăm mảnh sò gắn vào giữ quạt. Khi quạt quay, tạo ra ánh đèn xanh đỏ tím vàng đẹp mê đắm.
Trong hàng ngàn món đồ ở nhà ông Thơm, mỗi cái một kiểu dáng khác nhau và hoạt động cũng khác nhau, bởi ông không hề có công thức cố định. Ông sáng chế theo ý thích của mình, mỗi ý thích chỉ áp dụng cho một vật dụng.
Tính đến nay, ông Thơm đã gắn bó với nghề được hơn 40 năm. Là Chủ tịch Nghiệp đoàn rác, cũng gọi là có tý "chức vụ" nhưng ông không có lương, nguồn thu chủ yếu là bán ve chai lượm được trong quá trình thu rác. Còn văn phòng làm việc, ông chỉ vào chiếc xe máy có gắn hộp đồ cứu thương, cười nói: "Văn phòng của tôi là cái hộp đó".
"Trạm y tế" di động
Ngày nào cũng ra đường, ông Thơm nhận thấy sự ngột ngạt chật chội ở khắp các con đường của thành phố luôn tiềm ẩn rủi ro về tai nạn giao thông. Ông suy nghĩ, phải làm điều gì đó hữu ích. Nhìn chiếc xe cà tàng của mình, ông nảy ra một sáng chế, biến nó thành "trạm y tế" di động.
Ông nghĩ, nghề gom rác nhiều khi va phải bơm kim tiêm hay mảnh vỡ thủy tinh sẽ gây chảy máu, nếu không được sửa rạch vết thương, băng bó kịp thời sẽ bị nhiễm trùng, rất nguy hiểm. Ông nghiệm ngay chính bản thân mình, có nhiều lần chảy máu tay chân mà không có ai giúp, cũng chẳng có gì băng bó. "Trạm y tế" của ông Thơm đưa vào hoạt động năm 2011.
"Trạm y tế" đi động đã cứu giúp nhiều người gặp nạn giữa đường. |
Ông đã giúp đỡ nhiều anh em bị thương khi gom rác và cứu giúp các trường hợp va quệt giao thông. Ông nhớ rất rõ là có lần ông sơ cứu cho một vị bác sĩ bị rách chân do đụng xe máy. Băng bó xong, vị bác sĩ nhìn ông một hồi rất lâu rồi hỏi: "Anh công tác ở bệnh viện nào?"
Ông gãi đầu ái ngại: "Tôi đi lượm rác, không phải bác sĩ đâu". Lúc ấy, ánh mắt vị bác sĩ có chút bối rối. Bẵng đi một thời gian, vị bác sĩ tìm tới gặp ông để cảm ơn. Trước khi chia tay, bác sĩ đã nắm tay ông Thơm, nói: "Tôi là bác sĩ mà không làm được như anh".
Thấy việc gắn "trạm y tế" trên xe giúp được nhiều người, ông Thơm vui lắm. Để tận dụng triệt để công năng của xe, ông Thơm gắn thêm hai bình chữa cháy mini ở hai bên ghi đông xe. Công tác sơ cứu và cứu hỏa đòi hỏi phải có gì đó đặc biệt, có lần chở một người bị thương đến bệnh viện, ông cứ la hét xin đường mà không ai chịu nghe, chẳng ai chịu nhường. Ông về nhà, chế ngay 3 chiếc còi hụ cùng đèn nhấp nháy gắn ở đầu và đuôi xe để khỏi phải dùng miệng la hét khi gặp trường hợp khẩn cấp.
Mỗi ngày ông ra đường là mang theo "trạm y tế, trạm cứu hỏa" khiến người đi đường ngạc nhiên. Có người nhìn ông cười cợt, nghĩ rằng ông bị điên. Ông mặc kệ, cứ mỉm cười tiến về phía trước.