Những doanh nhân Việt kiều nặng lòng cùng đất nước:

Chuyện về ông "vua rác" trên đất Mỹ

Thứ Ba, 01/12/2009, 22:30
Diễn đàn này còn là một mốc dấu quan trọng trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta. Đây có thể coi là một "hội nghị Diên Hồng" với quy mô lớn nhất và số lượng Việt kiều đông đảo nhất trở về từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thành phần tham dự cũng rất đa dạng, bao gồm các chuyên gia, trí thức, doanh nhân, lãnh đạo các hội đoàn, các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, văn nghệ sĩ, người có công, thanh niên, sinh viên… đại diện tiêu biểu cho các tầng lớp, thế hệ người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn ở xứ người. Vệt bài "Những doanh nhân Việt kiều nặng lòng cùng đất nước" là sự minh chứng sinh động cho ý chí, nguyện vọng của bà con Việt kiều đồng lòng hướng về đất nước.

Ở bang California, bây giờ nhiều người mỗi lần nhắc đến anh David Dương - một Việt kiều đang sinh sống và làm ăn trên đất Mỹ là "ông vua rác". Điều đó xem ra đúng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Kết thúc năm 2008, một tổ chức bảo vệ môi trường ở Hoa Kỳ đã làm cuộc bình chọn và trao thưởng cho 100 công ty hàng đầu ở nước Mỹ có nhiều đóng góp cho cộng đồng về lĩnh vực môi trường thì công ty của anh David Dương - một doanh nghiệp duy nhất của người Việt đứng thứ 37.

Thứ hạng trên đủ nói lên những gì mà David Dương và các đồng nghiệp của anh đã phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt để tạo dựng cơ nghiệp như ngày hôm nay. Có lẽ vì thế mà David Dương là một trong số 15 doanh nhân Việt kiều tiêu biểu được Nhà nước ta vinh danh tại Hội nghị lần thứ nhất người Việt Nam ở nước ngoài. Anh cũng được cộng đồng doanh nhân người Việt ở Mỹ bầu giữ cương vị Chủ tịch Hội doanh nhân Việt - Mỹ.

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng

Anh David Dương (người thứ 3 từ trái qua) tại lễ vinh danh những doanh nhân Việt kiều tiêu biểu.

Trong câu chuyện với tôi bền lề Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài tại Cung hội nghị quốc gia, David Dương bảo: Anh sinh ra và lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh. Cha anh, ông Dương Tài Thu, ngày trước nhiều người dân Sài Gòn vẫn thường gọi ông là "ông vua phế liệu". Nói là "ông vua phế liệu" cho sang chứ thực ra thì như cậu con trai David Dương bây giờ, cả cuộc đời ông Dương Tài Thu lăn lộn với nghề thu gom và xử lý rác.

Sau ngày miền Nam giải phóng, tích cóp được chút tiền, vợ chồng ông chi hết cho chuyến vượt biển để sang định cư tại bang California (Hoa Kỳ). Sau một chuyến đi bão táp và hãi hùng, đặt chân đến đất Mỹ, tài sản của gia đình ông chỉ là con số không tròn trĩnh. Không chịu đầu hàng số phận, sẵn có nghề truyền thống là "nhặt rác" khi còn ở trong nước, sau vài tuần nghỉ ngơi lấy lại sức và tìm hiểu, vợ chồng ông cùng các con trong gia đình tiếp nối ngay cái nghề gom rác ở xứ người. David Dương bảo: Rất may là cái nghề này hồi đó ở Cali rất ít người làm nên gia đình tránh được sự "cạnh tranh". Nhưng để thu gom được rác, phân loại nó và đưa đến bán cho các cơ sở chế biến rác ở Mỹ lại là một đoạn trường không mấy dễ dàng.

Theo David Dương thì cũng như ở Việt Nam, rác ở Mỹ cũng đủ các loại từ vỏ các loại nước uống, chai, lọ, kim khí, đồng, nhôm, bao bì, giấy thải, túi nilon đến các đồ thải ra từ các gia đình ở cụm dân cư. Khi rác được phân loại và bán cho các cơ sở chế biến phải là rác sạch. Điều đó có nghĩa là nếu là loại giấy thải thì không còn sót một chiếc ghim kim loại hay vết bột màu.

Để có nguồn rác, các thành viên trong gia đình anh phải chia nhau mai phục hàng đêm cạnh các thùng rác ở các cụm dân cư trong thành phố, bởi vì cũng như ở Việt Nam, thường vào các buổi tối, các gia đình ở Mỹ mới có thói quen quăng rác vào các thùng rác công cộng. Mùa hè đã vậy, còn mùa đông nhiệt độ ngoài trời ở Mỹ xuống rất thấp, thường từ âm 3 đến âm 5 độ, mặc mấy áo bông mà vẫn thấy buốt lạnh. Ban đêm sương xuống, đường phố đóng băng. Do chưa đủ tiền mua phương tiện vận chuyển rác nên các thành viên trong gia đình anh phải vác bộ đưa rác về nhà để phân loại và sơ chế.

Mặc dù kinh tế còn eo hẹp, nhưng David Dương, thời điểm ấy anh được bố mẹ ưu tiên cho đi học Anh ngữ. Tốt nghiệp một khóa học tiếng Anh, anh tiếp tục theo học đại học cộng đồng. Chuyện học hành vốn đã vất vả, thế mà đêm về anh lại cùng các thành viên trong gia đình vác bao đi nhặt rác!

"Nhiều đêm giá lạnh khiến bàn chân tê cóng. Thông thường thì lúc ra khỏi nhà là 7h tối, còn khi đưa những bao rác về đến nhà thì kim đồng hồ đã chỉ sang ngày hôm sau. Cơ thể rã rời, tôi chỉ kịp ăn qua loa rồi lăn ra ngủ. Những lúc như thế, tôi lại hồi tưởng về quê hương, đất nước. Trong đầu tôi chập chờn câu hỏi: Tại sao gia đình mình lại sang đây để dấn thân vào cảnh cơ cực thế này?" - David Dương nói.

Vất vả, cơ cực là vậy, thế mà thu nhập của các thành viên trong gia đình David Dương mỗi ngày chỉ kiếm được 40 - 50 USD. Tháng nọ, bù tháng kia, gia đình anh cũng có khoản tiền từ 2.500 - 3.000 USD. Với số tiền đó, ăn tiêu dè sẻn, sau 3 năm sống bằng nghề nhặt rác, gia đình anh cũng mua được chiếc xe tải nhỏ, loại 1 tấn rưỡi. Khi có phương tiện, khối lượng rác mà các thành viên trong gia đình anh thu lượm được đã tăng lên gấp nhiều lần; theo đó là các công việc phân loại và làm vệ sinh cho rác cũng tăng lên cấp số nhân.

Mệt mỏi vì phải đổ sức ra nhiều nhưng xem ra mọi người ai cũng cảm thấy vui vì khoản tiền kiếm được ngày một nhiều thêm. Với khoản tiền ấy, chỉ sau 1 năm kể từ khi tậu chiếc xe tải đầu tiên, gia đình anh đã mua tiếp 3 xe tải, năm sau nữa mua thêm 3 chiếc nữa, nâng tổng số xe tải mà gia đình anh sắm được lên đến 7 chiếc.

Do có phương tiện vận chuyển, địa bàn thu gom rác của gia đình David Dương không bị bó hẹp trong một quận mà mở rộng ra các địa bàn khác trong thành phố. Số lao động không dừng lại ở các thành viên trong gia đình mà thu hút thêm nhiều lao động là bà con Việt kiều ở bang California.

Năm 1982, tức là sau 14 năm kể từ ngày định cư trên đất Mỹ, gia đình anh đã dành được khoản tiền sang nhượng được một nhà kho để chứa và xử lý rác. "Lúc đầu, chúng tôi phải phân loại bằng tay, bằng mắt. Mùa hè, nhiều ngày nóng nực, nhiệt độ trong kho lên đến gần 40 độ, rác bốc mùi khó chịu. Vất vả lắm nhưng vẫn phải ráng làm cho kịp các hợp đồng đã ký với các cơ sở xử lý rác thải" - David Dương cho biết.

Không nản lòng, với ý chí làm giàu chính đáng ở xứ người, sau khi mua sắm được phương tiện vận chuyển, sang nhượng được nhà kho, những người trong gia đình David Dương nghĩ ngay đến đầu tư mua sắm thiết bị máy móc và dây chuyền phân loại rác, nhờ vậy mà năng suất tăng lên gấp nhiều lần, làm dịu vơi những vất vả, cơ cực trong nghề dọn rác nơi xứ người. Cũng nhờ có phương tiện phân loại rác nên trung bình mỗi ngày cơ sở của gia đình David Dương xử lý, phân loại được từ 40 - 50 tấn rác. Lợi nhuận mỗi tháng, trừ chi phí cũng bỏ ra được từ 40.000-50.000 USD.

Với thành công này, năm 1987, gia đình anh mở thêm một cơ sở xử lý rác thứ 2 ở thung lũng điện tử nằm ở ngoại ô thành phố Cali. Tại đây, rác được phân loại, làm sạch và bán cho một công ty chế biến rác của Italia. Thấy các loại rác do gia đình anh thu gom và sơ chế đều đạt tiêu chuẩn, đáp ứng tiến độ các hợp đồng đã ký kết, ông chủ công ty người Italia kia đã chủ động mời David Dương về làm tổng quản lý cho cơ sở xử lý rác của ông ta.

Theo đó, công ty này sử dụng nguồn rác đã được xử lý chế biến thành phân bón để bán rộng rãi ra thị trường. Do khát khao làm chủ công nghệ và học hỏi kinh nghiệm, David Dương chấp nhận làm thuê cho ông chủ người Italia với mức lương 100.000 USD/năm. Làm việc ở đây được 2 năm, David Dương xin thôi việc với lý do mà anh đưa ra là ở đó còn có sự kỳ thị những người da màu như anh.

(Còn tiếp)

.
.
.