Chuyện cảm động về những cỗ xe chó

Chủ Nhật, 24/12/2017, 16:55
Những ngày đầu đông, hơi lạnh se sẽ tràn vào căn nhà trống huơ trống hoác của bà Châu Thị Mỹ (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) khiến lũ chó co rúm nép mình vào góc bếp. Nhưng để có cái ăn, bà Mỹ vẫn lùa chó ra đồng tìm chuột, lên rừng kiếm củi. Đó là chuyện thường ngày nhiều năm nay của bà lão nghèo khó, đơn độc này.


Bà Mỹ cho biết, cách đây 9 năm, khi con trai bà không may qua đời, để lại một vườn sắn, một mình không thể gánh vác, tìm mỏi mắt cũng chẳng có ai để nhờ, bà mới nghĩ đến mấy con chó. Phương án bất đắc dĩ, không tưởng lại trở thành cứu cánh cho phần đời còn lại của bà. 

Nặng tình yêu thương loài vật

Ban đầu, bà chất thử một rổ sắn lên xe, thấy chó đi ngon lành, bà chất thêm một bó cây nữa. Cứ thế, hai chú chó được bà Mỹ huấn luyện trở thành "ngựa thồ" chăm chỉ, được việc. Nỗi cô đơn tuổi già của bà Mỹ dần được khỏa lấp khi có thêm "bạn". Tuy nhiên, phường cẩu tặc không chừa cho bà lão chút tình thương.

Cỗ xe chó của bà Mỹ thong dong trên đường quê.

Chúng biết bà ở một mình, hay lụi cụi làm vườn đã "xử lý" hai chú chó một cách nhanh chóng, gọn gàng, không để lại dấu vết. Đến bữa cơm, bà gọi chó về không thấy mới tá hỏa đi tìm. Bà hô hào hàng xóm cùng nhau tỏa khắp nơi tìm chó nhưng lực bất tòng tâm. Hai chú chó đã bị hóa kiếp từ bao giờ. Bà Mỹ lại đi tìm mua những chú chó con về nuôi. Bà nhịn phần ăn của mình, dành tất cả cơm ngon, canh ngọt chăm lũ chó mau lớn.

Tầm một năm tuổi, bà bắt đầu huấn luyện kéo xe. Chó sống cùng bà từ nhỏ nên rất thân thuộc, yêu quý chủ, chúng ngoan ngoãn nghe lời và chăm chỉ tập luyện. Mất khoảng hai tháng đầu, hai chú chó kéo xe chưa hiểu ý nhau nên thường chạy chệch hướng, có khi lật xe đổ hết đồ đạc, sang tháng thứ ba, thì ăn ý như cặp bài trùng.

 Bà Mỹ chỉ việc thong dong bước theo sau. Mọi việc từ chở củi, gùi sắn, kéo nước... chó đều có thể thực hiện giúp bà. Việc huấn luyện chó kéo xe đối với bà Mỹ trở thành "nghề" tay phải. Hễ mất con này thì bà lại huấn luyện con khác hoặc chú chó nào yếu đuối, bệnh tật không có sức khỏe, bà luôn có "chiến binh" thay thế.

Bà Mỹ cho biết, tất cả những chú chó bà huấn luyện đều có tài bắt chuột. Đó cũng là kế sinh nhai của bà và đàn chó từ nhiều năm nay. Ngoài 80 tuổi nhưng bà Mỹ vẫn chạy xe đạp cừ khôi. Mỗi ngày ra đồng bắt chuột hoặc đi mót hái, chó kéo xe chạy trước, bà Mỹ đạp xe theo sau. Nếu bà không theo kịp, chó sẽ dừng lại chờ.

Nhiều người nuôi chó từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai tìm tới bà mong chỉ bí quyết, bà xua tay cười lớn: "Ngoài sự yêu quý chó, tôi chẳng có bí quyết gì cả". Chó là con vật trung thành, chúng gần gũi với con người.

Bà Mỹ kể: "Không hiểu sao lũ chó tôi huấn luyện đều thương tôi hết mực. Những hôm tôi ốm nằm liệt giường, chúng cũng nằm quây xung quanh, ủ rũ, có con ứa nước mắt. Rồi khi tôi bị té xe, chúng đang chạy phía trước liền quay lại, lao tới chân tôi kêu rất lớn như thể gọi người tới cứu. Nhiều lần tôi được chó cứu bằng cách như vậy".

Buổi tối, bà Mỹ mặc quần áo cho chó để tránh muỗi cắn. Trước khi đi ngủ, bà cẩn thận trải một lớp chăn xuống đất rồi căng màn cho chúng ngủ. Bà khẳng định, tình thương của bà dành cho chó giống như mẹ với con. Bà từng khóc nức nở, buồn da diết khi chứng kiến một chú chó lìa đời.

Tính đến nay, bà Mỹ đã có thâm niên gần 10 năm huấn luyện chó kéo xe. Hạnh phúc, sướng khổ trong cuộc sống của bà Mỹ đều có đàn chó bên cạnh. Bà tự nhận, cuộc đời bà sinh ra để làm bạn với chó. Từ năm 16 tuổi, bà đã phải đau đớn gào thét khi chứng kiến lính Tây bắt con chó duy nhất trong nhà đi làm thịt.

Sau này, sở hữu những chú chó khôn ngoan, tinh ranh, bà lại nhiều phen "chảy máu ruột". Đầu tiên là con Lô, trong một lần chạy ngang qua căn lều vịt có đám bợm nhậu, cơn thèm khát trỗi dậy, chúng hè nhau bắt con Lô làm thịt uống rượu. Ít tháng sau, con Mimi không hiểu sao đổ bệnh, chữa mãi không khỏi đã lặng lẽ "đi theo" đàn anh.

Trong những nỗi buồn mênh mang vì mất chó, bà Mỹ cũng có kỷ niệm ngọt ngào với con Pháo. Pháo thông minh, nhanh nhẹn nhất đàn, có bộ giò chắc khỏe, khả năng phi nước đại nên bà đặt tên là Pháo. Hôm đi bắt chuột do mải đuổi theo con mồi tận trong rừng nên nó không biết đường quay trở ra. Bà Mỹ ngồi bờ ruộng chờ đến tối mịt không thấy con Pháo trở về đã khóc hết nước mắt. Sáng hôm sau, bà lặn mò ra ruộng với hy vọng tìm thấy nó trở về.

Bà Mỹ có thể nhịn phần ăn của mình cho chó.

Suốt 15 ngày như thế, đêm bà ngủ chập chờn, ngày tha thẩn ra đồng tìm Pháo. Bà gầy như thanh củi khô, héo úa như chiếc lá vàng. Nghĩ rằng Pháo đã bị cẩu tặc chén thịt hoặc lạc trong rừng không có cái ăn cũng chết. Đùng một cái, vào đêm khuya, đang thiêm thiếp trong liếp chăn ấm thì nghe tiếng chó sủa vang trước sân.

Bà Mỹ nghe thêm vài tiếng nữa thì nhận ra giọng con Pháo. Nó có chất giọng đặc trưng không lẫn vào đâu được, vừa âm vang lại vừa trầm khàn. Đêm ấy, bà Mỹ đã hạnh phúc không sao tả xiết. Bà ôm con Pháo vào lòng, ve vuốt bộ lông xù xì, cáu bẩn của nó, ngủ cùng nó một giấc thật êm ái, thanh thản. 

Tâm nguyện cuối đời của bà Mỹ là sau khi bà chết, nếu ai thương thì chăm sóc đàn chó và tuyệt đối không được bán, không được ăn thịt.

"Chiến binh" kéo xe

Ở Việt Nam, huấn luyện chó kéo xe phục vụ công việc vẫn chưa được phổ biến. Trường hợp bà lão nghèo Châu Thị Mỹ ở Tây Ninh được xem là "đặc sản". Người ta cảm thông, thương cảm về hoàn cảnh của bà nhiều hơn là khâm phục tài huấn luyện chó kéo xe. Còn ở Bình Dương, hai năm nay, ông Nguyễn Văn Dũng lại nổi lên là người huấn luyện chó kéo xe trở thành chiến binh thực thụ. Ông Dũng sở hữu chú chó Alaska thuần chủng rất dũng mãnh.

Ông đặt tên là Bin và dành hết tình cảm cho chú chó của mình. Lúc đầu ông nuôi con Bin chỉ để làm bạn vui thú điền viên. Bin thừa hưởng đặc tính của giống chó vùng Alaska, một trong những giống chó lao động mà chủ yếu là dùng để kéo xe, chính vì thế Bin sở hữu một bộ khung cao to, chắc khỏe, đặc biệt là xương chân và các khớp xương rất phát triển.

Ông Dũng cho biết, chó Alaska là một trong những giống chó thông minh nhất thế giới. Chúng có bề ngoài hình dáng giống như một con chó sói hung dữ và khó gần. Tuy nhiên chó Alaska rất hiền lành, gần gũi, tình cảm. Nó tinh nghịch nhưng lại biết nghe lời chủ, đặc biệt rất quý trẻ em.

Chú chó Alaska kéo xe cho ông Dũng.

 Bởi những đặc tính như vậy mà ông Dũng càng quý mến con Bin. Ông quyết định phải huấn luyện Bin thành "chiến binh" kéo xe như những chú chó ở vùng Bắc Cực lạnh giá. Thời gian đầu, ông Dũng đã phải vật lộn với Bin, vì cứ quàng dây xích vào cổ là nó nhảy chồm lên. Hôm nào ghìm được đầu thì nó cũng chạy loạng quạng, lúc đâm vào bờ khi lại lao ra giữa đường, hoàn toàn không theo sự chỉ dẫn của chủ. Ông Dũng kiên trì, bền bỉ tập luyện.

Cùng với đó, ông quan sát thật kỹ xem Bin có thói quen gì khi kéo xe. Sau đó ông Dũng phát hiện Bin không thể chạy bên trái được, theo bản năng nó luôn tạt qua phải khiến việc điều khiển gặp nhiều trở ngại. Ông Dũng nghĩ ra cách buộc hai nẹp bên sườn của Bin, nhằm giữ thẳng hướng chạy. Khi Bin làm được việc đó, ông Dũng tiếp tục huấn luyện Bin phải xác định được khi nào đèn xanh mới đi và đèn đỏ phải dừng lại, tuyệt đối không được chạy ngược chiều.

Mỗi ngày, khoảng 8h sáng, ông Dũng lại đánh xe chó ra đường dạo phố và cũng để cho Bin có không gian "luyện chân". Sau hai năm bền bỉ tập luyện, giờ thì Bin có thể kéo xe chạy băng băng ngoài đường tham gia giao thông và ông Dũng có thể ung dung ngồi trên xe ngắm cảnh phố phường mà không sợ bị đâm cột. 

Để nuôi được Bin khỏe mạnh và trưởng thành như ngày hôm nay, ông Dũng đã tốn không ít tiền của. Riêng chế độ ăn, mỗi ngày Bin ngốn hết 2 lạng thịt nạc và 1kg xương heo, gà, bò.

Việc kéo xe đã vào guồng, trở thành thói quen mỗi ngày, Bin đã rất thích. Hôm nào không được kéo xe ra đường là nó buồn chán, ủ rũ. Bản năng kéo xe và di chuyển trên những quãng đường dài dường như đã ngấm vào máu của dòng chó này.

Ngọc Hoa - Hoàng Phạm
.
.
.