Chốn yên bình của người đàn ông từng 20 trốn trong rừng

Thứ Tư, 16/01/2019, 15:53
Mái tóc chải lệch và giọng nói tuy vẫn còn lơ lớ nhưng nhiều câu hóm hỉnh, Ma Seo Chứ, SN 1954, quê ở Bắc Hà, Lào Cai, thật khác xa so với ngày anh ta bị lôi ra khỏi rừng xanh cách đây hơn 8 năm. Dẫu rằng cuộc sống của Chứ bây giờ là thi hành bản án tù chung thân nhưng so với những năm tháng một mình làm bạn với đại ngàn thì cuộc sống của Chứ vẫn “người” hơn rất nhiều.


20 năm một mình chạy trốn giữa đại ngàn

Không còn cảm giác sợ sệt như những ngày đầu tiếp xúc với người lạ, Chứ tự tin kể về quãng thời gian gần nửa đời người làm “vượn” của mình với chất giọng hóm hỉnh. Chứ bảo ngày trốn lên rừng, thằng con út còn chưa biết bò thế mà giờ đã có vợ, 2 con.

Sinh ra trong một gia đình khá giả, năm 1976, Chứ đi bộ đội. Với tố chất thông minh, nhanh nhẹn, chỉ nửa năm sau Chứ được làm tiểu đội trưởng bởi 2 lần lập công bắt thám báo. Sau 6 năm quân ngũ, Chứ phục viên với quân hàm trung sĩ và trở thành Phó chủ tịch UBND xã Nàn Sín, rồi Xã đội trưởng trong 9 năm liền.

Một buổi sáng đầu thu năm 1990, từ ngoài nương trở về, Chứ bắt gặp một thanh niên đang thập thò ngoài cửa liền giữ lại. Nghi thanh niên này trộm cắp, Chứ kiểm tra người kẻ khả nghi nhưng không thấy gì. Hỏi tới làm gì thì anh ta chỉ lắc đầu không nói khiến cho Chứ bực quá mới phát vào vai anh ta một cái, đuổi đi. Mãi đến lúc bỏ chạy, người thanh niên mới ngoái cổ lại bảo sẽ gọi anh em tới trả thù.

“Tôi cũng chẳng để ý đâu vì còn mải đi thu thuế cho Nhà nước mà”, Chứ hồi tưởng. Trong lúc khoác súng đi thu thuế, Chứ mới biết người thanh niên đó có nghề làm ma khô, đang cùng người nhà làm lễ cho một gia đình trong xóm. Chợt nghĩ tới chuyện xảy ra mấy năm trước ở xã Quan Thần Sán, 2 cán bộ xã vì xích mích với một người dân, bị cả bản quây đánh, cướp mất súng phải đi tù, tối đó Chứ không dám về nhà. Anh xuống huyện trả súng vì sợ bị cướp mất súng, phải đi tù.

Hành động lạ của Chứ khiến mọi người tưởng anh bị ma nhập nên hò nhau trói Chứ lại rồi khiêng về giữa sân, mổ bò, giết lợn để cúng tế. Gần chục năm đi lính, Chứ không tin vào việc cúng ma trừ tà nên thấy trâu bò, lợn gà trong nhà cứ lần lượt bị giết thịt thì xót của nên ra sức phản đối. Mà Chứ càng can ngăn thì người ta càng năn nỉ thày mo cúng nhiều hơn. Lợn gà cứ thế bị đem ra giết thịt đến vật nuôi cuối cùng là con chim cảnh Chứ nuôi. 

Hết vật nuôi trong nhà mà Chứ vẫn rên rỉ kêu khóc, người ta bắt đầu chặt cây dâu quật lên người Chứ để “đuổi ma”. Sợ bị đánh chết, Chứ lăn ra giả vờ ngất rồi nhân lúc mọi người sơ hở, Chứ vùng chạy vào rừng.  Kể từ đó, Chứ bắt đầu cuộc sống chui lủi, bầu bạn với muông thú và cây rừng.

Từ một cán bộ có uy tín, đùng một cái  trở thành mục tiêu bị cả bản săn đuổi, Chứ không dám lộ mặt vì sợ bị bắt lại. Ban đầu Chứ còn quanh quẩn gần nhà, đợi mọi người đi vắng thì lén vào ăn cơm, uống nước, không được thì vào chòi canh nương của dân bản mót củ khoai, mẩu sắn mà người ta ăn thừa, kiến, chim chưa tha hết. Trong một lần rình vợ đi làm nương, Chứ ngỏ lời xin vợ bao diêm nhưng khi anh ta đang ngốn ngấu ăn nắm cơm vợ mang theo thì chị này lén về bản, báo dân làng lên bắt. Vậy là mất niềm tin, Chứ lên rừng làm bạn với cây cỏ, từ chỗ chịu “án oan”, Chứ dần trở thành kẻ nguy hiểm khi phạm tội trộm cắp súng quân dụng và giết người.

Chứ kể thời gian đầu tưởng bỏ xác ở rừng vì trong tay chẳng có lấy một tấc sắt, nhìn thấy củ mài, muốn ăn mà không làm gì được, bắt được con chim non cũng không có lửa mà nướng. Sống bằng lá, quả rừng không quen, Chứ đánh liều mò vào chòi canh nương của dân bản, ăn trộm dao, rựa, quần áo, ngô khoai, bị mọi người săn lùng ác quá nên Chứ sợ, trốn vào tít trong núi sâu. Ngô, khoai trộm được, tùng tiệm lắm cũng chỉ dùng được vài bữa là hết, Chứ bắt đầu giống khỉ với món ăn chính là lá cây và quả rừng, thậm chí có đào được củ mài cũng phải ăn sống vì bao diêm lấy của vợ dùng hết rồi.

Đang ăn cơm, ăn khoai, giờ chỉ có lá cây, quả rừng nhét bụng, ruột gan tôi cứ lộn tùng phèo, người lâng lâng cảm giác như mơ ngủ nhưng tối đến vẫn phải lết lên cây cao vì sợ thú dữ ăn thịt”, Chứ kể.

Không biết bao nhiêu lần Chứ tưởng chết vì ăn nhầm lá, quả độc, bị rắn rết cắn song nhờ những kinh nghiệm thời gian quân ngũ nên Chứ vượt qua được. Không chỉ tìm được cách trị nọc độc rắn, Chứ còn biết tự châm cứu cho mình mỗi khi ăn nhầm vào lá độc làm méo miệng, liệt tay chân. 

Cuộc sống “người vượn” của Chứ cứ thế trôi qua trong nỗi ám ảnh bị bắt về cúng ma, nỗi sợ bị thú dữ rình rập và sự cồn cào vì nhớ gạo, ngô khoai của cái dạ dày. Chứ không đếm được biết bao lần phải ngâm mình xuống suối hay lăn ra bất tỉnh vài ngày vì ăn phải lá cây lạ. 

Rồi bản năng sống đã dạy cho Chứ khôn ra. Chứ biết hái mộc nhĩ, thảo quả đem ra chợ đường biên, đổi lấy thực phẩm nên từ đó bắt đầu có gạo, có quần áo mặc và có cả đài cát-xét để nghe tin tức cùng một cuốn lịch đếm ngày tháng. 

Theo lời Chứ thì khoảng thời gian sống không gạo độ 5-6 năm, đến khi biết lấy sản vật từ rừng đổi lấy gạo nhưng anh ta cũng chưa bao giờ biết đến bát cơm vì chỉ dám nấu cháo ăn mỗi khi nhớ hơi cơm còn thức ăn chính vẫn là lá, quả rừng. 

Càng trốn vào sâu giữa đại ngàn, tránh được sự lui tới của con người thì Chứ phải đối mặt với những loài thú dữ nên dù trên đường đi hái mộc nhĩ hay đã cuộn tròn giữa đống lá chuối trong hang, Chứ vẫn phải căng tai nghe ngóng, đề phòng hổ, báo,... Đã có lần Chứ gặp gấu nhưng may mắn chạy thoát nên từ đó anh ta liên tục thay đổi chỗ ở. Ven dòng sông Chảy suốt từ Bắc Hà lên Bảo Thắng rồi vòng ra biên giới, có tới hàng trăm túp lều Chứ dựng lên để ở, đấy là chưa kể cũng phải chừng đấy cái hang, Chứ tá túc mỗi khi mưa gió, bão bùng, giá rét.

Đến trộm súng và giết người

Trong quãng thời gian gần nửa đời người sống trong rừng, đã có lần sợi dây tình cảm khiến Chứ nhớ tới vợ, con liền tìm đường về nhà nhưng mọi người đã bỏ đi hết. Đoán chắc bố mẹ về lại quê cũ ở Bắc Hà, Chứ cắt rừng tìm về nhưng không gặp được ai liền quay lại rừng. 

Một ngày cuối tháng 9-1997, trên đường đi, Chứ bị dân quân xã Tả Thàng, huyện Mường Khương tưởng là thám báo liền bắt trói đưa về Ủy ban. Ký ức bị truy đuổi ngày nào bỗng hiện về khiến Chứ sợ hãi. Anh ta vùng vẫy, cố thoát ra khỏi sợi dây trói rồi chạy biến vào rừng, đem theo khẩu AK mà lực lượng dân quân xã Tả Thàng để quên trong phòng.

Sau 20 năm chạy trốn, giờ đây với Ma Seo Chứ những ngày thụ án ở Trại giam Tân Lập là những ngày tháng bình yên.

Có súng trong tay, Chứ bắt đầu có thịt thú rừng ăn, có thêm thứ đổi lấy gạo, quần áo, đạn dược, thuốc men. Cuộc sống tuy không toàn vẹn nhưng vật chất tạm đủ nên Chứ khỏe mạnh, rắn chắc, đi bộ vài chục cây số không biết mệt nhưng cũng vì có súng mà Chứ trở thành kẻ có tội.

Ngày 4-8-1998, Chứ đang lúi húi nấu cơm trong hang Khỉ thì bị mấy người dân đi cắt cỏ tranh phát hiện. Nhận được tin báo, Công an huyện Mường Khương tổ chức lực lượng bao vây. Lúc ấy vì vừa mua được can rượu nên Chứ mang ra uống, chếnh choáng hơi men nhưng đôi tai luôn phải dỏng lên đề phòng thú dữ của Chứ vẫn nghe được tiếng cành cây gẫy phát ra gần đó. Nhanh như cắt, Chứ chụp lấy khẩu súng, lia liền mấy phát ra ngoài, vô tình đã cướp đi sinh mạng anh Tráng Sín Pá, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Thanh Bình. Vậy là từ đó, ngoài tội trộm súng, Chứ còn khoác thêm tội bắn chết người, trở thành đối tượng truy nã.

Rút vào sâu trong rừng nguyên sinh ở các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Chứ sống được bởi vô vàn củ quả và muông thú. Những thứ săn bắn, hái được, anh ta không dám xuống chợ gần mà lặn lội sang hẳn bên kia biên giới đổi lấy nhu yếu phẩm. Ngày 31-1-2010, trên đường đi chợ về, Chứ bị người dân xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai phát hiện, bắt giữ.

Chốn yên bình ở Trại giam Tân Lập

20 năm sống kiếp người rừng khiến Chứ thời gian đầu không nói được, nghe tiếng người cũng rất khó khăn. Chứ bảo ngày mới bị bắt, nghe mọi người hỏi, Chứ hiểu nhưng không biết phải nói thế nào vì đã quá lâu không nói. Vả lại ngày trước nói mà chẳng ai tin nên giờ có nói chắc cũng chẳng ai tin nên Chứ nghĩ tốt nhất là không nói nữa.

Nhớ lại ngày còn ở trại tạm giam, Chứ bảo sau mấy ngày được cán bộ Pao (Đại tá Giàng Ly Pao, khi đó là Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai) hỏi chuyện bằng tiếng Mông, Chứ dần dần nhớ ra cách phát âm và câu đầu tiên mà Chứ nói sau gần 4 tháng câm lặng là "Cám ơn cán bộ, may mà được các anh bắt về, tôi mới có ngày gặp lại vợ con". 

Một điều nữa khiến Chứ không mở miệng là vì ngại, sợ sắp sếp câu từ sai. Anh ta còn hóm hỉnh bảo tại củ quả và lá cây rừng làm lưỡi anh ta cứng ra, không chịu tuân theo sự điều khiển của suy nghĩ. Ngay cả tiếng mẹ đẻ là tiếng Mông bây giờ Chứ cũng chỉ nhớ được vài từ.

Bỗng Chứ khóc, nước mắt của người đàn ông lục tuần trông thật tội. Chứ bảo được gặp mẹ, gặp các con rồi, biết con cái đã lấy vợ, lấy chồng hết rồi nên vui lắm nhưng mà vẫn buồn. “Giá như ngày ấy không có sự hiểu lầm thì tôi không phải sống ở rừng, con cái tôi không dở dang học hành. Vợ tôi cũng không bỏ đi lấy người khác”, Chứ khắc khoải nhưng đôi mắt đang bi lụy chợt vui ngay được. 

“Ngày tôi bỏ đi, chúng còn bé tí, có đứa còn bế ẵm vậy mà giờ đã trưởng thành hết rồi. Từ ngày tôi vào Tân Lập cải tạo, mấy đứa con bồng bế cả cháu nội, cháu ngoại lên thăm tôi, chúng bảo tôi cố giữ gìn sức khỏe để sớm trở về với gia đình”, Chứ hồ hởi.

Từ ngày lên Tân Lập cải tạo ở đội trồng rau, Chứ thay đổi hẳn, nhanh nhẹn và hay cười nói chứ không lầm lỳ, chậm chạp như hồi mới vào. Nói về phạm nhân Ma Seo Chứ, Trung tá Vương Thế Huynh, Đội trưởng Đội giáo dục Trại giam Tân Lập cho biết từ ngày vào trại, Chứ luôn chấp hành tốt nội qui của trại, tham gia các buổi cải tạo lao động với tinh thần tự giác. Do hoàn cảnh gia đình nhà xa, đi lại khó khăn nên ít được gia đình thăm gặp. Với những phạm nhân có hoàn cảnh như Chứ, trại đều có phần quà riêng trong những dịp lễ, tết để động viên.

Còn Chứ, nói về cuộc sống của mình trong trại, tủm tỉm: “Dẫu vẫn phải sống xa gia đình, không được hàng ngày nhìn thấy con cháu lớn lên nhưng đây là chốn bình yên của mình sau nửa đời người sống trong trốn chạy”. Nói xong câu ấy, gương mặt Ma Seo Chứ giãn ra, thanh thản.

Thu Trinh
.
.
.