Châu Âu trước nguy cơ làn sóng di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Ba, 03/03/2020, 21:38
Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng người di cư mới khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới để hàng trăm ngàn người tiến về châu Âu.


Ngày 1/3, Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) đã được đặt trong tình trạng "cảnh giác cao độ" tại các khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh hàng nghìn người di cư đang tìm cách tràn vào EU. 

Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan quyết định mở cửa biên giới cho người di cư tràn vào châu Âu, được xem như một cách gây áp lực với chính phủ các nước châu Âu về cuộc xung đột đang leo thang ở tỉnh Idlib của Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các tay súng phiến quân chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad.

Hàng ngàn người đang ở biên giới châu Âu

Ngày 28/2, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này đã mở cửa biên giới cho dòng người tị nạn Syria tìm đường đến châu Âu.

Quyết định mở cửa biên giới và không ngăn chặn người tị nạn đổ tới các nước châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chủ trì ngày 27/2. Động thái này sẽ đảo ngược thỏa thuận đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) hồi năm 2015-2016. 

Theo thỏa thuận này, EU viện trợ 6 tỷ Euro, đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý kiềm chế dòng người di cư đổ sang lục địa này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã tiếp đón khoảng 3,7 triệu người tị nạn từ nước láng giềng Syria, từ lâu vẫn phàn nàn rằng EU không hành động đủ để chia sẻ gánh nặng cho Ankara cũng như không thực hiện các cam kết đã có. 

Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng trọng trách tiếp nhận người tị nạn là "quá nặng để một quốc gia gánh vác". Do đó, ông nhấn mạnh Ankara quyết định sẽ không ngăn cản người tị nạn Syria đến châu Âu. "Chúng tôi vừa quyết định, ngay lập tức sẽ không ngăn dòng người di cư Syria tìm đường đền châu Âu bằng đường bộ hoặc đường biển", ông cho biết.

Chỉ vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới, dòng người tị nạn đã ồ ạt tiến về biên giới EU. Hy Lạp, một trong hai nước có biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ,  gọi những người di cư ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ là "mối đe dọa nghiêm trọng" sau khi có thêm 600 người nhập cư đến chỉ trong 1 ngày. 

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia để bàn cách ứng phó với làn sóng người di cư xâm nhập trái phép vào nước này.

Người di cư đối mặt với binh sĩ Hi Lạp tại một hàng rào biên giới ngày 29-2.

Người phát ngôn Chính phủ Hi Lạp Stelios Petsas cho biết, việc hàng chục nghìn người di cư đang tìm cách tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp là do "được Thổ Nhĩ Kỳ hướng dẫn và khuyến khích". Hy Lạp cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ đơn xin tị nạn mới nào trong 1 tháng và gửi trả lại bất kỳ người nào nhập cư trái phép.

Trên Twitter, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết ông sẽ đi thăm biên giới trên bộ Evros, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Charles Michel vào ngày 3/3.

Trong khi đó, ngày 1/3 đã có thêm 2.000 người di cư tới khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Khoảng 2.000 người, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ, từ Istanbul đã tới khu vực biên giới với Hy Lạp, họ băng qua một cánh đồng để hướng tới cửa khẩu Pazarkule. Trong số những người di cư có cả người Afghanistan, Syria và Iraq. 

Trước đó, hàng nghìn người cũng đã có mặt ở khu vực này và trải qua một đêm dưới thời tiết giá lạnh. Nhiều người phải đốt lửa để sưởi ấm. Một nhóm người di cư đã ném đá vào chiếc xe của Cảnh sát Hy Lạp tại phía bên kia biên giới do chính quyền Hy Lạp không cho những người này tiến vào lãnh thổ của mình.

Theo người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas, nước này đã ngăn cản thành công 4.000 người tìm cách xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp và bắt giữ 136 người nhập cư trái phép tại Evros: "Chúng tôi đang tăng lực lượng cả trên đất liền và trên biển. 

Nhiều cảnh sát và quân đội đang trên đường đến khu vực Evros, biên giới tự nhiên với Thổ Nhĩ Kỳ. Trên các đảo, chúng tôi cũng đang gia tăng lực lượng bảo vệ bờ biển. Hiện có 54 tàu hải quân và tàu bảo vệ bờ biển Hy Lạp đang tuần tra. Chính phủ sẽ làm mọi cách để bảo vệ biên giới đất nước".

Người di cư tập trung ở vùng đệm tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp ngày 29-2.

Cũng như Hy Lạp, ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố "tháo khoán" biên giới, Bulgaria phải gấp rút tăng cường lực lượng an ninh tới biên giới để không cho người di cư xâm nhập. 

Thủ tướng Bulgaria Boiko Borissov cũng đã ra lệnh cho quân đội và lực lượng hiến binh tăng cường an ninh tại các khu vực biên giới, đồng thời yêu cầu lực lượng hải quân tăng cường tuần tra để đối phó với làn sóng di cư mới. Ông Borissov cũng nói thêm rằng sẽ điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan liên quan đến vấn đề trên.

Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tối 29/2 cho biết khoảng 13.000 người di cư đã tập trung dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. IOM cho biết nhân viên của tổ chức này đã theo dõi sự di chuyển của người di cư từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và đang cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo cho những người dễ bị tổn thương nhất. 

Đến tối 29/2, các nhân viên IOM làm việc dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp dài 212km và chứng kiến ít nhất 13.000 người tập trung tại các cửa khẩu biên giới chính thức và không chính thức giữa hai nước. Các nhóm người di cư có từ vài chục người đến hơn 3.000 người.

Người đứng đầu IOM tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Lado Gvilava cho biết số lượng người di cư di chuyển qua Edirne để đến biên giới tăng lên trong ngày khi các phương tiện như xe hơi, taxi và xe buýt đến từ Istanbul. 

Ông Gvilava cho biết IOM đang phân phối thực phẩm và các nguồn cung cấp cơ bản khác, nhưng nhiệt độ xuống thấp gần như đóng băng. Ông bày tỏ lo ngại trước những người di cư dễ bị tổn thương trong điều kiện thời tiết hiện nay.

Hiện có ít nhất 13.000 người tập trung tại các cửa khẩu biên giới chính thức và không chính thức giữa Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguy cơ một cuộc khủng hoảng di cư mới

Thực tế, nguy cơ người di cư tràn vào châu Âu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ luôn là vấn đề đau đầu của EU những năm gần đây. Tháng 10/2019, Ủy viên EU phụ trách vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos tuyên bố cần chấm dứt ngay lập tức tình trạng dòng người di cư bất hợp pháp từ Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu khi Hy Lạp, quốc gia cửa ngõ châu Âu, đã phải vật lộn để đối phó với làn sóng người tị nạn mới đổ vào nước này gia tăng mạnh. 

Thời điểm đó, phát biểu tại một cuộc họp báo tại Ankara cùng Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ và Đức, ông Avramopoulos khẳng định: "Số người tới Hy Lạp tăng bất thường trong những tháng qua. Cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp ngăn chặn và phát hiện những trường hợp ra đi bất hợp pháp từ Thổ Nhĩ Kỳ". Theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), những người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp bằng đường biển phần lớn là những gia đình Afghanistan và Syria.

Tháng 12/2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng nước này sẽ không thể kiểm soát được làn sóng người di cư mới từ Syria, đồng thời cảnh báo các nước châu Âu sẽ sớm cảm nhận được tác động nếu bạo lực ở phía Bắc Syria không chấm dứt. Theo con số chính thức, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria và đã chi tới 40 tỷ USD cho họ. 

Theo Reuters, ngoài chuyện tiền bạc, việc Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa cho người tị nạn tràn vào châu Âu còn nhằm buộc EU đứng về nước này trong vấn đề Syria và đối đầu với Nga. Sau vụ không kích ở tỉnh Idlib hồi đầu tuần trước đã giết chết hơn 30 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cáo buộc Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn đứng đằng sau vụ tấn công.

Một người di cư vượt qua hàng rào biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước nguy cơ kịch bản cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015 tái diễn, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã bày tỏ sự lo ngại. Theo bà, Liên minh châu Âu sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Hy Lạp và Bulgaria, trong bối cảnh, những quốc gia láng giềng với Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tự triển khai các biện pháp phòng bị. 

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.