Châu Á: Nỗi lo khách du lịch phương Tây đến… ăn xin

Thứ Ba, 06/08/2019, 14:17
Họ là những người đi du lịch vòng quanh thế giới với ngân sách hạn chế và phải nhờ đến giúp đỡ của người dân địa phương ở mỗi nơi mình đến để tiếp tục hành trình.


Xu hướng này cũng diễn ra cả trên mạng. Nhiều người sử dụng các trang web từ thiện hoặc gây quỹ để xin tiền du lịch. Mới đây, trên Internet xuất hiện lời rao nhan đề "David và Bash, Tây ba-lô cực kỳ tiết kiệm đi Đông Nam Á", trong đó xin 1.000 tới 2.850USD tiền vé máy bay, 850USD tiền ở và khoảng 1.000USD tiền… tiêu vặt.

Trước đó, ông Benjamin Holst, một người Đức bị chứng bệnh hiếm macrodystrophia lipomatosa với cẳng chân bị sưng to như bị phù chân voi, đã ăn xin ở khắp các ngã tư đường ở Bali. Người dân thoạt đầu rất cảm thông với Holst, nên chia sẻ hình ảnh ông này khắp các mạng xã hội.

Một cặp đôi  phương Tây ăn xin để lấy tiền đi du lịch.

Tuy nhiên, cũng nhờ mạng xã hội, người ta phát hiện ra Holst đã lang thang ăn xin ở nhiều nước châu Á để kiếm tiền và sống cuộc sống sung sướng hơn nhiều người địa phương đồng thời đi du lịch khắp nơi. Ông này cuối cùng bị lực lượng gìn giữ trật tự công cộng ở Surabaya bắt và trục xuất. Nhà chức trách cho biết, từ nay họ sẽ nghiêm túc thực hiện luật này, du khách ăn xin sẽ không được chấp nhận ở Bali. Nếu vi phạm, họ sẽ phải chịu hậu quả.

Setyo Budiwardoyo, cán bộ hải quan ở sân bay quốc tế Ngurah Rai tại Bali cho biết, theo Luật Di trú 2017, nhà chức trách có quyền bắt người nước ngoài ăn xin trên đường vì họ đã sử dụng visa du lịch của mình không đúng mục đích.

Báo Jakarta Post dẫn lời ông I Gusti Agung Ketut Surya Negara - trưởng Cơ quan gìn giữ trật tự công cộng Badung, cho biết họ sẽ xử lý nghiêm khắc bất kỳ du khách nào phạm luật, bao gồm người ăn xin, bán hàng rong trên các chuyến xe hay trên đường phố. Mức phạt tối đa sẽ là 3 tháng tù hoặc phạt tiền đến 25 triệu Rp (khoảng 1.769 USD). Đối với người nước ngoài, sau khi thi hành án tù hoặc trả tiền phạt, họ sẽ bị trục xuất và cấm nhập cảnh trở lại.

Trước đây, chính quyền Bali thường tránh vận dụng luật này, ngay cả khi có du khách nước ngoài công khai vi phạm. Maisarah Abu Samah, ở Singapore, đã đăng 2 tấm ảnh về những khách "Tây ba-lô" ăn xin trên Twitter, một người bán bưu ảnh và một người chơi nhạc.

"Đây là lần đầu tiên, tôi thấy những kiểu như vậy. Ở Singapore, có những quy định chặt chẽ đối với việc bán đồ lặt vặt hay chơi nhạc trên đường phố", Samah phẫn nộ nói với France24. "Và nếu bạn tình cờ thấy người bán rong hay các nghệ sĩ đường phố, họ thường tập trung ở trung tâm thành phố thay vì đứng gần các trạm xe buýt tại các khu vực trung lưu như vậy. Tôi chưa từng thấy người da trắng làm như vậy".

Việc ngày càng có nhiều "Tây ba-lô" ăn xin ở các nước châu Á để trang trải chi phí du lịch đã khiến nhiều người dân địa phương bất bình. Những người phản đối hiện tượng xã hội trên cho rằng, các khách du lịch "Tây ba-lô" giàu có đang tước mất tiền của những người khó khăn thật sự tại khu vực bị coi là nghèo trên thế giới này.

Theo họ, một người nào đó buộc phải ăn xin trên đường là vì đói nghèo, bệnh tật và nhu cầu cần tồn tại, chứ không phải là để trang trải cho một thú vui mà nhiều người coi là xa xỉ như đi du lịch. Ngoài ra, những du khách kiểu này dường như đã phớt lờ các quy định nghiêm ngặt về ăn xin trên đường phố ở những nước họ tới thăm. Ví dụ, ở Singapore, chỉ có những du khách có visa làm việc mới được phép kiếm sống bằng cách chơi nhạc, vẽ tranh trên đường.

"Chúng tôi thấy cực kỳ lạ lùng khi hỏi xin tiền ai đó để đi du lịch. Bán hàng trên hè phố hay ăn xin để đi du lịch là hành vi không đúng đắn. Người nào đó đi ăn xin chỉ khi họ thực sự cần. Họ xin tiền để mua đồ ăn, trả học phí cho con hay trả nợ chứ không phải ăn xin để làm việc gì đó xa xỉ", Samah nói thêm. Để ngăn chặn tình trạng khách du lịch nước ngoài đến rồi ở lại “ăn vạ”.

Trang thông tin trực tuyến của Thái Lan, Thaivisa, cho biết hải quan tại một số cửa khẩu tại Thái Lan yêu cầu khách du lịch phải chứng minh tài chính với số tiền khoảng 13 triệu (20,000 baht) khi nhập cảnh vào Thái Lan.

Đây không phải câu chuyện mới tại Thái Lan nhưng lại xuất hiện trong thời gian trở lại đây khi một vài du khách chia sẻ câu chuyện mình phải chứng minh mang theo 20,000 baht khi qua cửa hải quan. Theo một số nguồn tin, đây là cách để chính phủ nước này kiểm soát số người vào Thái Lan làm việc bất hợp pháp hay ăn xin. Biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt này đặc biệt được áp dụng với những người vào Thái Lan nhiều lần với visa du lịch, học sinh sinh viên.

Thaivisa cũng cho biết, đơn vị nhập cảnh tại Padang Besar (biên giới Thái Lan và Malaysia) đã gạt hộ chiếu của du khách sang một bên và yêu cầu họ xuất trình 20,000 baht. Những người không mang đủ tiền sẽ bị giữ lại để thẩm vấn. Mới đây, một du khách đã bị giữ tại sân bay Suvarnabhumi sau khi bị nghi ngờ là người lao động bất hợp pháp tại Thái Lan.

Một nhân viên hải quan trao đổi với Thaivisa cho biết, việc kiểm soát tài chính của du khách nước ngoài khi vào Thái Lan là cách để biết chắc chắn họ có phải khách du lịch hay là người lao động trái phép. Tuy nhiên, hiện tại chưa có thông tin chính thức về khoản tiền này. Nhiều người cho rằng đây có thể chỉ là thủ tục tại một số điểm hải quan chứ không phải trên cả đất nước.

Nguyễn Hưng
.
.
.