Ca mang thai hộ song sinh thành công đầu tiên tại Việt Nam
- Bí quyết giúp anh em song sinh thọ nhất thế giới
- Phương pháp mới phân biệt ADN các cặp song sinh cùng trứng
- Cặp song sinh 'thần đồng' khiêu vũ thể thao
ThS.BS Lê Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh cho biết, người mẹ nhờ mang thai hộ tên H. (29 tuổi, quê huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa). Người mang thai hộ là chị Ngô Thị Mỹ (34 tuổi, cùng quê, là chị họ của chị H.). Do sản phụ mang song thai nên từ tuần 29, thai phụ được chẩn đoán có nguy cơ sinh non nên được tiêm thuốc hỗ trợ phổi.
Nhưng đến tuần 35, sản phụ vỡ ối sớm, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã tiến hành mổ đẻ. Hai bé chào đời lúc 10h35 ngày 16-3-2016, một bé nặng 2,15kg, bé còn lại nặng 1,9kg trong sự vui mừng của các y, bác sĩ và người thân. Cả hai bé được đánh giá là đều khỏe mạnh, khóc to, thở tốt. Sau khi được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh của bệnh viện, vào ngày 23-3-2016, sau đúng một tuần chào đời, hai bé được xuất viện.
Cặp song sinh nhờ mang thai hộ đầu tiên tại Việt Nam mạnh khỏe và kháu khỉnh. |
Theo ThS. BS Lê Thị Minh Châu, người mẹ nhờ mang thai hộ dù vẫn phát triển như một phụ nữ bình thường nhưng từ trước tới giờ không trải qua thời kỳ kinh nguyệt. Sau khi kết hôn 5 năm, chị H. đã chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn không có thai.
Khi đến siêu âm, kết quả cho thấy chị không có tử cung bẩm sinh, nghĩa là không thể mang thai. Sau khi Nghị định cho phép mang thai hộ được ban hành, chị là một trong những người đầu tiên đến bệnh viện xin tư vấn với niềm hy vọng nhỏ nhoi rằng vợ chồng chị sẽ có con.
Điều may mắn, qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện buồng trứng của chị H. vẫn có chức năng tốt, có thể đáp ứng được điều kiện mang thai hộ. Tuy nhiên, dự trù buồng trứng có thể sẽ giảm đi do hai buồng trứng của chị H. chỉ còn 3-4 nang nhỏ, kém hơn bình thường rất nhiều. Nếu để lâu thêm, người phụ nữ này sẽ không còn cơ hội.
Vì vậy, bác sĩ đã sử dụng biện pháp tiêm thuốc kích thích buồng trứng liều cao nhất. Sau đó, các bác sĩ xác định được buồng trứng có bảy nang nở và tỉ lệ trứng đạt 100% (bảy trứng/bảy nang), nếu để càng lâu có thể sẽ mất cơ hội làm mẹ của bệnh nhân. Sau 10 ngày kích buồng trứng, bác sĩ đã dùng thủ thuật chọc hút được sáu trứng, chất lượng đều tốt. Và khi cho số trứng này của chị H. thụ tinh với tinh trùng của chồng trong ống nghiệm đã tạo thành sáu phôi chất lượng rất tốt và được trữ lại cho việc mang thai hộ.
Chính phương cách hợp lý của các chuyên gia đã giúp vợ chồng chị H - là trường hợp đầu tiên mà đơn vị này nhận hồ sơ, đồng thời thực hiện giải pháp mang thai hộ thành công theo đúng quy trình với 12 bước nghiêm ngặt nhằm đảm bảo tính nhân đạo phi trục lợi theo luật định.
Sau thời gian hoàn tất các thủ tục hồ sơ về pháp lý, y tế, tâm lý theo đúng quy định của pháp luật và trải qua hội đồng xét duyệt, các bác sĩ đã chuẩn bị nội mạc tử cung cho người mang thai hộ. Ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên, sản phụ đã may mắn đậu thai với kết quả siêu âm song thai. Với ca mang thai thành công quá đặc biệt này, các bác sĩ đã theo dõi kỹ lưỡng trong suốt quá trình mang thai cho đến ngày khai hoa nở nhụy.
Cảm thấy mãn nguyện, vui mừng khi sinh ra hai đứa con khỏe mạnh, chị Mỹ vui vẻ chia sẻ: “Mấy ngày nay chuyện tôi mang thai hộ rồi sinh đôi hai bé trai đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao trong bệnh viện. Ai cũng bàn luận, hỏi han, nhưng việc tôi làm chỉ nhằm giúp đỡ người cần được giúp đỡ, trong khi người đó lại chính là em họ tôi.
Việc này tôi biết là khó khăn, nhưng vì thương cho hai đứa em họ nhiều năm không có con nên tôi mới quyết định thế. Giờ đây mọi chuyện đã ổn thỏa, tôi cảm thấy vui mừng hơn ai hết. Sau này hai con không được ở cùng tôi, nhưng tôi vẫn sẽ thương yêu nó. Ba mẹ chúng cũng sẽ kể cho các con nghe về câu chuyện kỳ diệu này”.
Theo lời chị Mỹ, nhiều năm nay chị chứng kiến nỗi khổ dằn vặt của đứa em họ khi không thể sinh con do dị tật bẩm sinh không có tử cung. Là phụ nữ, chị hiểu được hoàn cảnh của H. “Do gia đình tôi ở sát nhà vợ chồng H. nên tôi hiểu được nỗi khổ tâm của người phụ nữ khi lập gia đình mà mãi không có con, hơn nữa nó còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Cuộc sống của tôi vốn đã khó khăn nhưng vợ chồng H. cũng không khá hơn bao nhiêu bởi chúng cũng chỉ có đồng lương công nhân ít ỏi. Dù vật chất không đủ đầy như bao người, nhưng ít ra tôi còn có đứa con bầu bạn, đằng này với hai vợ chồng H., đứa con là niềm mong mỏi vô bờ bến”, chị Mỹ cho biết.
Chị Mỹ chia sẻ về quá trình mang thai hộ của mình. |
Hơn một năm trước, khi đi khám và được bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ tư vấn về phương pháp mang thai hộ, vợ chồng chị H. đã đắn đo cân nhắc rồi quyết định mở lời với chị Mỹ. “Thấy hai đứa nó cứ ấp úng mãi, tôi hỏi có chuyện gì thì một lúc sau chúng bảo vợ chồng em muốn nhờ chị mang thai giúp. Ban đầu tôi rất bất ngờ và hoang mang vì chưa bao giờ nghe đến việc mang thai hộ là gì, và hơn nữa tôi còn nghĩ làm sao mình có con với em mình được.
Nhưng khi nghe chúng giải thích rồi bác sĩ tư vấn, tôi đã quyết định sẽ giúp H. thực hiện ước mơ làm mẹ của mình với điều kiện chỉ cần chúng lo cho con trai tôi ăn học bằng khoản tiền mỗi ngày tôi đi làm mướn là được”, chị Mỹ vui vẻ kể lại.
Dù là quyết định có phần đơn giản và không đòi hỏi gì đáng kể nhưng đằng sau nó là không ít khó khăn mà chị Mỹ phải đối mặt. Nhớ lại quyết định của mình, chị Mỹ tâm sự: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình làm chị giúp được em cái gì thì cố gắng, chứ không đòi hỏi gì cả. Hạnh phúc của chúng cũng là niềm vui của tôi”.
Tuy nhiên, khi đã được cấy phôi và bắt đầu thời kỳ thai nghén, ngoài những khó nhọc chung của phụ nữ trong thời kỳ mang thai, chị Mỹ còn gặp phải không ít điều tiếng. Người hiểu chuyện thì cảm thông chia sẻ, nhưng người “độc mồm, độc miệng” lại xì xào bàn tán vì cho rằng chị lăng nhăng nên có thai rồi kiếm cớ để ngụy tạo. Và theo chị Mỹ thì việc khó khăn nhất là phải giải thích câu hỏi “Sao mẹ lại có bầu?” của đứa con nhỏ…
Cũng theo chị Mỹ bộc bạch thì trước khi quyết định mang thai hộ, chị đã có chồng và hai đứa con. Tuy nhiên, đứa con trai đầu lòng đã mất sớm (lúc được 6 tuổi) và cuộc sống hôn nhân của vợ chồng chị cũng đổ vỡ bởi nhiều lý do. Một mình tần tảo nuôi con, chị phải làm thuê, làm mướn vất vả để sống qua ngày, hạnh phúc nhỏ nhoi còn lại với chị là được thấy đứa con trai (10 tuổi, hiện đang học lớp 4) ngoan ngoãn, lớn khôn từng ngày.
Hỏi về cảm xúc sau khi sinh sẽ không được ở bên cạnh hai con, chị Mỹ nhẹ nhàng cho biết: “Từ trước khi sinh, tôi và vợ chồng H. đã được tư vấn rất kỹ, nên tôi sẽ không sốc hay có cảm giác mất con. Hơn nữa hai đứa con do tôi mang nặng đẻ đau, tôi sẽ thương yêu chúng. Mỗi ngày tôi vẫn có thể nhìn chúng lớn lên, bởi hai gia đình sát vách nhau. Có lẽ chẳng có gì khó xử cả, và tôi thấy đây là một điều may mắn, góp phần mang lại hạnh phúc cho vợ chồng H và cả gia đình là tôi vui lắm rồi”.
Trong khi đó, chị H. với niềm hạnh phúc vô bờ khi chứng kiến hai con chào đời khỏe mạnh, cho biết họ mong chờ từng giây từng phút để nhìn thấy hai con, được nghe tiếng khóc của chúng… “Ngay khi biết tin chị Mỹ mang song thai, chúng tôi vui mừng lắm. Trước đó, tôi cứ cầu nguyện sẽ có hai đứa cho vui, không ngờ mơ ước ấy đã trở thành sự thật. Giờ đây, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần nuôi dưỡng các con.
Cũng may mắn là vợ chồng tôi được sự giúp đỡ từ gia đình chồng nên việc chăm con tôi nghĩ sẽ không có gì phải quá lo lắng cả. Hơn nữa tôi được nghỉ thai sản 6 tháng nên tôi sẽ chăm con bằng tất cả tình yêu thương của người mẹ dành cho con. Sau này tôi cũng sẽ kể cho các con nghe về chuyện nhờ mang thai hộ. Các con tôi sẽ gọi chị Mỹ là bác. Vì mẹ chúng gọi chị Mỹ là chị thì các con tôi sẽ gọi bác”, chị H. vui mừng cho biết.
Chị H. cho biết thêm, hành trình vượt cạn của chị Mỹ không hề đơn giản. Bởi nhà ở Khánh Hòa nên mỗi lần có hẹn khám thai, chị H. đều phải xin nghỉ việc để đưa chị Mỹ vào TP Hồ Chí Minh thăm khám. Hơn nữa, vấn đề chi phí cũng là nỗi lo lớn. Với những người khá giả thì chi phí cho việc mang thai hộ có phần bình thường, nhưng với thu nhập ít ỏi từ công việc công nhân viên tại siêu thị của vợ chồng chị H. quả là khó khăn. Nhưng với mong ước có con cháy bỏng, vợ chồng chị H. đã tìm cách vay mượn thêm tiền để cùng nhau tìm kiếm đứa con. Và hai đứa bé chính là thành quả mỹ mãn cho vợ chồng chị sau một hành trình dài.
Theo BS. Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ: “Ca mang thai hộ song sinh có kết quả tốt đẹp chính là thành công lớn về luật, về chính sách. Mang thai hộ đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay, còn đối với bệnh viện đó là thành công lớn của người làm công việc chuyên sâu, đây thật sự là một điều rất đáng mừng”.
Có thể nói, cùng với phía Bắc, nơi đã có tiếng khóc trẻ chào đời trước đó nhờ giải pháp mang thai hộ, Bệnh viện Từ Dũ đã thổi bùng ngọn lửa niềm tin vào sự tiến bộ của y học hiện đại. BS. Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Từ tháng 7-2015 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 33 trường hợp đến bệnh viện đăng ký mang thai hộ. Trong đó có 20 trường hợp được hội đồng chuyên môn duyệt. Đến nay có 11 trường hợp đã được chuyển phôi và có 6 trường hợp có thai. Ca mang thai hộ của chị Mỹ cho vợ chồng chị H. là trường hợp mang song thai thành công đầu tiên tại Việt Nam”.