Bụi mịn - nỗi ám ảnh ô nhiễm môi trường của người Hàn Quốc

Thứ Tư, 12/06/2019, 11:11
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hàng năm, 18.000 người được cho là đã chết từ các bệnh liên quan đến ô nhiễm ở Hàn Quốc.


Vấn đề này cũng thường xuyên xuất hiện trên mặt báo và được người dân quan tâm, nhưng thường theo mùa. Các chính trị gia chịu nhiều áp lực giải quyết vấn đề mỗi khi tình trạng bụi mịn tồi tệ nhất trong mùa Xuân và mùa Đông.

Chị Hwang Mi-sun thường lắng nghe tiếng thở nặng nề của con trai khi bé vào giấc nồng mỗi đêm trong căn hộ của gia đình chị ở Seoul. Từ nhỏ, bé đã bị bệnh đường hô hấp, giờ bé  đã 4 tuổi và phải dùng nhiều loại thuốc, trong đó có điều trị bằng steroid liều cao. Nhưng sau 4 lần tới bệnh viện, bác sĩ của bé lại khuyên chị Hwang nên giữ con trai trong nhà để đỡ bị ảnh hưởng của không khí ô nhiễm ở Hàn Quốc. 

"Thật là buồn khi con tôi không những học nói những từ như cha, mẹ mà còn học cả từ bụi mịn từ khi còn bé. Tôi thậm chí còn nghĩ đến chuyện chuyển sang nước khác sống nhưng tôi thực sự rất muốn sống ở Hàn Quốc. Vậy nên tôi sẽ làm hết sức để giải quyết vấn đề này", Hwang Mi-sun nói.

"Bụi mịn", cái làm các bà mẹ lo lắng, được hiểu là cát cuốn từ sa mạc Mông Cổ và Trung Quốc theo các đợt gió mạnh tại các thời điểm khác nhau trong năm. Cát này được thổi tới bán đảo Triều Tiên. Nhưng cách mô tả nghe có phần lãng mạn giấu đi thực tế mà người Hàn Quốc đang phải đối mặt. 

Không khí ở đây có chứa các chất gây ung thư, những hạt nano không thấy bằng mắt thường gọi là PM2.5 có khả năng thâm nhập sâu vào hệ hô hấp của chúng ta và là tác nhân gây ra nhiều bệnh trong đó có ung thư. Phổi của trẻ em và người cao tuổi là dễ bị ảnh hưởng nhất. Hồi đầu năm nay, nồng độ bụi mịn PM2.5 đo được là 118 microgram/m3, cao nhất từ khi bắt đầu đo hồi 2015, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Hàn Quốc.

Chị Hwang đưa gia đình rời Seoul ra ngoại ô sống để giúp con trai đỡ hít phải "bụi mịn". Nhưng chị vẫn muốn làm điều gì hơn nữa. Hwang Mi-sun quyết định đi vận động và gia nhập một tổ chức mang tên “Các bà mẹ chống bụi mịn”. Nhóm này được phép trình các bằng chứng về tình trạng ô nhiễm không khí trước các chính trị gia tại Quốc hội.

Buổi điều trần đầy bức xúc khi các bà mẹ thay nhau tả chi tiết tác hại của ô nhiễm tới gia đình họ. Nhiều người đưa con nhỏ theo, chúng đeo khẩu trang và ngồi trên lòng mẹ.

Một bà mẹ bức xúc nói: "Ô nhiễm không khí vi phạm quyền được thở cơ bản của chúng tôi. Tôi không nghĩ đây là một quốc gia nếu chúng ta thậm chí không có quyền để thở. Trẻ em chỉ muốn ra ngoài vui chơi. Chẳng cần gì đặc biệt, chỉ cần được thưởng thức sự thay đổi của các mùa”.

Theo BBC, người dân Hàn Quốc ngày một lo lắng về tác động của ô nhiễm tới sức khỏe của họ - 97% số người được Bộ Môi trường hỏi năm ngoái cho biết ô nhiễm không khí gây đau đớn về thể xác hoặc tâm lý cho họ.

Phản ứng của Chính phủ là tuyên bố "bụi mịn" là thảm họa xã hội và duyệt chi tiền từ quỹ khẩn cấp. Nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới đã chi hàng tỷ đô la trong vài thập kỷ qua để bảo vệ mình trước nguy cơ chiến tranh, giờ đây nước này chuyển mối quan tâm sang tác hại của không khí ô nhiễm đến người dân.

Nhưng câu hỏi đặt ra là kẻ thù mới này là từ bên trong hay bên ngoài? Các chuyên gia không nhất trí. Một số người nói không khí ô nhiễm đến từ Trung Quốc - các nghiên cứu cho thấy tới 60% ô nhiễm không khí của Hàn Quốc đến từ các nhà máy than và khu công nghiệp của nước láng giềng phía Tây. Những người khác lại cho rằng vấn đề là ở ngay tại Hàn Quốc.

Người già và trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng sức khỏe nhiều nhất vì bụi mịn.

Để tìm hiểu rõ hơn, một nhóm quan chức từ Bộ Môi trường đã lên một chuyến bay điều tra trên Biển Vàng, bay giữa khu vực bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc. Bên trong chiếc máy bay nhỏ được thiết kế đặc biệt màng theo các thiết bị đo lường các loại. 

Các thiết bị có thể nhận biết loại hạt bụi nào đến từ những ngành công nghiệp như nhà máy nhiệt điện chạy than, và những chất gây ô nhiễm nào là do gió cuốn. Điều này giúp các nhà khoa học có căn cứ để biết liệu không khí ô nhiễm bắt nguồn từ đâu.

Sau khi bay một giờ trên Biển Vàng, không khí không những mờ mịt, mà còn rất đặc nên chỉ có vài tia sáng có thể xuyên qua. Ở độ cao cách mặt biển 500m, các nhà khoa học đang bận rộn ghi lại các thông số về sulphur dioxide và chất mà họ tả cho tôi là carbon đen. Nhà nghiên cứu trưởng Ahn Joon-young đang chỉ vào một vài kết quả. 

"Mục tiêu nghiên cứu của tôi là: ô nhiễm này là từ đâu đến, ô nhiễm chừng nào là đến từ Hàn Quốc, và chúng ta cần hợp tác điều gì với các nước khác để làm giảm ô nhiễm không khí của chúng ta."Tôi thấy có mật độ carbon đen và sulphur dioxide cao hơn trên biển so với trên đất liền. Như vậy có nghĩa là một số chất gây ô nhiễm đã đi từ những khu vực khác tới Hàn Quốc", ông nói

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bổ nhiệm cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon là người phụ trách giải quyết tình trạng bụi mịn. Vị tổng thống nhấn mạnh sự cần thiết phải xác định nguồn gốc của bụi mịn trước khi hoạch định chính sách mới. Chúng ta sẽ chờ kết quả từ các chuyến bay khảo sát trên Biển Vàng trong một tháng liền.

Các nhà hoạt động môi trường ủng hộ quyết định bổ nhiệm này cũng như nghiên cứu đang được tiến hành, nhưng họ cho rằng những động thái này vẫn là quá ít và quá muộn đối với những người đang có vấn đề sức khỏe trầm trọng.

Nhưng những người như chị Hwang Mi-Sun luôn luôn ý thức rằng gia đình họ gặp rủi ro. Chị tin rằng cần có hành động quyết liệt ngay bây giờ nếu Hàn Quốc muốn bảo vệ sức khỏe cho thế hệ sau. "Tôi không đòi hỏi nhiều. Tôi chỉ muốn con tôi được chạy chơi bên ngoài dưới bầu trời xanh và có thể nghịch đất. Đó là mong muốn lớn nhất của tôi", Hwang nói. 

Quý Đức
.
.
.