Bí mật đen tối của những vụ lạm dụng tình dục trẻ em ở Pakistan

Thứ Hai, 25/06/2018, 07:00
Giống như hàng triệu trẻ em ở Pakistan, Ahmed, 11 tuổi phải làm việc để kiếm tiền giúp đỡ gia đình của mình. Em đã bị ông chủ lạm dụng tình dục tại nơi làm việc. Ahmed cho biết, vì sợ mất việc làm nên em không dám lên tiếng và phải sống trong sợ hãi mỗi ngày đi làm.


"Cháu đã sống trong tình trạng sợ hãi mỗi ngày đi làm"

Awad cho biết, em bị ông chủ lạm dụng tình dục khi mới 12 tuổi. Giờ đây, khi đã tìm được công việc khác trong một nhà máy ở Kasur, ký ức về những lần bị lạm dụng tình dục vẫn ám ảnh cậu bé. Awad nói rằng, sự lạm dụng tương tự khá phổ biến. 

"Sự việc diễn ra trong hơn một năm. Ông chủ thường gọi tên cháu và nói rằng, cháu là món quà của ông ấy", Awad nói. Trong tâm trí Awad, đó là một phần công việc. "Cháu không thể từ chối vì ông ta là người trả tiền. Tất cả những gì cháu nhớ về thời gian đó là cảm giác xấu hổ".

Nhiều chuyên gia cho rằng, thiếu nhận thức và nghèo đói là nguyên nhân chính của nạn lạm dụng tình dục trẻ em ở Pakistan.

Nạn lạm dụng lao động trẻ em ở miền bắc Pakistan là một bí mật đang dần được hé mở. Awad là trẻ mồ côi. Em đã phải sống trên đường phố và làng trẻ dành cho trẻ em không gia đình. Awad nói rằng, em biết nhiều thanh thiếu niên khác bị lạm dụng trong các nhà máy và xưởng ở Kasur, một thành phố cực kỳ bảo thủ ở Punjab.

"Ông ấy từng hôn và làm những việc sai trái với cháu. Ông ấy từng nói rằng, sẽ đuổi việc nếu cháu không cho ông ấy tiếp tục thực hiện hành vi không đứng đắn. Cháu đã sống trong tình trạng sợ hãi mỗi ngày đi làm", Ahmed nói. 

Khi được hỏi vì sao không nói cho cha mẹ biết chuyện, Ahmed cho biết, "cháu sợ mọi người cười nhạo, sợ không thể mang tiền về giúp đỡ bố mẹ. Tất cả mọi thứ đều chống lại cháu".

Cuối cùng, Ahmed cũng quyết định nói toàn bộ sự thật với cha mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ em không báo cáo sự việc với cơ quan chức năng vì xấu hổ và sợ cảnh sát không hành động. Thông qua một người bạn, bố mẹ Ahmed đã tìm được công việc khác trong nhà máy sản xuất giày cho cậu bé.

"Những trường hợp mà chúng ta biết chỉ là đỉnh của tảng băng trôi"

Khoảng 3,8 triệu trẻ em làm việc tại Pakistan, phần lớn trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng cũng có nhiều em làm việc trong các nhà máy sản xuất da giày, nhà hàng, lĩnh vực cơ khí. "Trẻ em rất dễ bị lạm dụng tình dục và đó cũng là đối tượng dễ bị tổn thương", Jawwad Bukhari, Giám đốc điều hành Quỹ Alpha, một tổ chức giúp trẻ em đường phố quay trở lại trường học nói.

Theo Sahil, một tổ chức hoạt động chống quấy rối tình dục trẻ em ở Pakistan, khoảng 9 trẻ em bị lạm dụng trên toàn quốc mỗi ngày. Mamtaz Gohar, quản lý cấp cao tại Sahil cho biết, những con số được công bố phản ánh tính chất, quy mô và bản chất của vấn đề. Các loại lạm dụng bao gồm hôn, đụng chạm không mong muốn, quan hệ tình dục bằng miệng và hiếp dâm.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, các quan chức ở Kasur tiết lộ rằng, nhiều trẻ em đang làm việc, đặc biệt là trẻ em trai bị lạm dụng tình dục để đổi lại có việc làm và chỗ ở. Nạn nhân thường bị đe dọa buộc phải giữ im lặng. 

Bukhari ước tính, ít nhất 90% trẻ em làm việc ở Kasur dưới 14 tuổi bị quấy rối tình dục hoặc các hình thức bóc lột khác. "Rất ít tổ chức của Chính phủ quan tâm giải quyết vấn đề này. Cảnh sát ở Kasur mô tả nó như một vấn đề văn hóa lâu đời", Bukhari nói.

Sajil Ali, người phát ngôn của Quỹ Alpha nói rằng, "vấn đề nghiêm trọng này đang xảy ra ở khắp mọi nơi và chúng ta không thể làm có gì để ngăn chặn cho đến khi các quan chức thay đổi suy nghĩ". Waseem Abbas, nhân viên của Cục Bảo vệ trẻ em và phúc lợi xã hội thì cho rằng, thiếu nhận thức và nghèo đói là "then chốt" của vấn đề.

"Thường thì những đứa trẻ bị lạm dụng tình dục không có gia đình, không nơi trú ẩn. Để có được nơi trú ẩn và thức ăn, những đứa trẻ không có sự lựa chọn nào khác", ông Waseem Abbas nói. Theo Bukhari, giải quyết vấn đề bóc lột tình dục trẻ em dường như không phải là ưu tiên của Chính phủ. 

"Họ biết mức độ phổ biến của nó nhưng quên đặt nó vào chương trình chính của phúc lợi trẻ em. Những trường hợp mà chúng ta biết chỉ là đỉnh của tảng băng trôi. Công việc thực sự chúng ta cần làm là tìm cách để những đứa trẻ được sống an toàn và phát triển toàn diện", ông Bukhari nói.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.