1001 chuyện về nữ Cảnh sát trên thế giới

Thứ Sáu, 18/03/2016, 11:00
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã gần như "phát cuồng" sau khi nhìn thấy loạt ảnh của nữ cảnh sát tương lai Trương Bảng, sinh ngày 25-5-1993 bởi cô đang là sinh viên năm cuối của Học viện Cảnh sát Bắc Kinh. Một số cư dân mạng còn phong cho Trương Bảng biệt danh "nữ cảnh sát xinh đẹp nhất Trung Quốc".


Từ trở thành hình tượng

Được biết, Trương Bảng là nữ sinh có thành tích học tập, rèn luyện tốt, năng động, chăm chỉ tham gia các hoạt động tập thể, thích ca hát, vũ đạo và đã có người yêu. Ước mơ của nữ cảnh sát tương lai là được làm việc theo đúng chuyên ngành đã học.

Trương Bảng.

Hạ tuần tháng 9-2015, cư dân mạng Hàn Quốc và nhiều nước châu Á đã chia sẻ hình ảnh của Kim Miso, 23 tuổi, bởi cô không những là nữ cảnh sát, mà còn là người mẫu nổi tiếng nhờ ngoại hình gợi cảm, xinh đẹp, biểu tượng sexy khiến nhiều đàn ông châu Á khao khát. 

Kim Miso xinh đẹp không kém bất kỳ hot girl nào ở xứ sở Kim chi.

Trước khi trở thành cảnh sát, Kim Miso là người mẫu có tiếng của nhiều hãng thời trang nội y, và từng là gương mặt đại diện của một hãng nội y nổi tiếng tại Hàn Quốc. Sau khi trở thành cảnh sát, tuy phải tạm dừng công việc người mẫu nội y, nhưng Kim Miso vẫn tham gia các sự kiện người mẫu thời trang khi có thời gian.

Đầu tháng 4-2013, lực lượng cảnh sát Dubai đã cho ra mắt 2 đội siêu xe Lamboghini Aventador và Camaro, sau khi khoe loạt siêu xe mới Ferrari FF ngay trước tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa. Được biết, loại Ferrari FF có tốc độ tối đa lên tới 334km/h, và giá khoảng 300.000 USD, được Dubai dành riêng cho nữ cảnh sát đi tuần ở các khu đông khách du lịch.

Những rào cản, trắc trở

Mặc dù trở thành nữ cảnh sát là niềm đam mê và mơ ước từ nhỏ, nhưng cô Megawati đã gặp phải quá nhiều quy định nghiêm ngặt trên con đường thực hiện ước vọng này. Bởi ngoài trình độ, vốn kiến thức, ngoại hình, tuổi đời không quá 22, phải theo 1 trong 6 tôn giáo quy định, chưa kết hôn, những ai muốn trở thành nữ cảnh sát ở Indonesia đều phải kiểm tra trinh tiết. 

Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) từng yêu cầu lực lượng cảnh sát Jakarta loại bỏ thủ tục kiểm tra trinh tiết gây xúc phạm nhân phẩm nặng nề với các cô gái muốn trở thành nữ cảnh sát Indonesia. Thậm chí HRW còn coi đây là thủ tục mang tính kỳ thị và xúc phạm nhân phẩm nặng nề.

Nữ cảnh sát Ashley Guindon cùng hai đồng nghiệp.

Ngày 27-2, nữ cảnh sát Ashley Guindon thuộc Sở Cảnh sát Prince William, bang Virginia, Mỹ đã bị bắn chết sau khi cô vừa bắt đầu ca trực đầu tiên được vài giờ. Nghi phạm Ronald Hamilton đã bị bắt hôm 28-2 và bị buộc tội giết người cấp độ 1, hành hung và sở hữu súng bất hợp pháp. Ashley Guindon bị bắn cùng với 2 nhân viên cảnh sát khác (họ chỉ bị thương) sau khi tham gia giải quyết vụ bạo lực gia đình của Ronald Hamilton - chồng bắn chết vợ.

Quan hệ Washington-Kabul đã trở nên căng thẳng sau vụ nữ cảnh sát Afghanistan Nargis bắn chết cố vấn quân đội Mỹ Joseph Griffin, ngay tại trụ sở cảnh sát ở thủ đô Kabul hôm 24-12-2012. Mặc dù chi tiết về hành động của Nargis đã được công bố, nhưng người ta rất khó xác định động cơ giết người của nữ cảnh sát này. 

Bởi Nargis đang có một công việc tốt, được hưởng các khoản viện trợ quốc tế của cả Mỹ và châu Âu, được đề cập tới các vấn đề về nữ quyền, nên không có lý do gì khiến nữ cảnh sát phải chống đối chính quyền. Do đó, người ta đã đặt câu hỏi: phải chăng Nargis là điệp viên của Iran bởi cô là người gốc Iran, và người ta tìm thấy hộ chiếu Iran của nữ cảnh sát này ở nhà riêng.

Ngày 1-3-2015, tờ The New York Times (Mỹ) đăng bài phóng sự về thảm cảnh của nữ cảnh sát Afghanistan Parveena - cô bị bắn chết khi đang trên đường về thăm bố mẹ. Parveena bị trúng tới 11 viên đạn từ khẩu Kalashnikov của 2 người đàn ông đi xe máy chặn đường và chết ngay tại chỗ. Parveena là 1 trong 6 nữ cảnh sát bị giết giữa ban ngày trong năm 2013, và điều này cho thấy mối nguy hiểm, cũng như khó khăn mà nữ cảnh sát Afghanistan phải đối mặt hằng ngày. 

Nữ cảnh sát Dubai cưỡi Ferrari đi tuần.

Trong khi nhiều người cho rằng, vì phụ nữ Afghanistan phải đối mặt với bạo lực hằng ngày, nên trình báo hoặc nhờ sự giúp đỡ của nữ cảnh sát hơn là nam cảnh sát, nhưng họ lại bị coi chẳng khác gì gái mại dâm. 

Theo báo cáo của Liên hợp quốc gửi Bộ Nội vụ Afghanistan năm 2013, có tới 70% trong số 130 nữ cảnh sát được phỏng vấn cho biết, họ bị lạm dụng tình dục, thậm chí bị hiếp dâm nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù. Còn theo lời kể của nữ cảnh sát Aziza, ở miền Đông Afghanistan, có một số nữ cảnh sát vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lương thấp cùng sự đe dọa của cấp trên nên đã chấp nhận bán dâm cho nam cảnh sát. Bởi mỗi lần bán dâm có thể kiếm 100 USD, gần bằng 50% lương tháng của một nữ cảnh sát (khoảng 240 USD).

Tới những bê bối

Ngày 1-3, tờ Telegraph đăng tin gây xôn xao dư luận khi cho biết, một nữ cảnh sát đã thản nhiên làm tình với một cựu cảnh sát khác ngay ngoài ban công tại một toà nhà ở trung tâm thành phố Manchester, Anh, và hành động này bị nhân viên phục vụ bắt gặp. 

Nhiều nhân chứng nói rằng, họ không thể tin nổi những gì đã nhìn thấy. Và việc này lập tức được gửi tới đường dây nóng tố giác tội phạm của lực lượng cảnh sát Manchester, nhưng danh tính của cặp đôi kể trên vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, cảnh sát Manchester đang điều tra, trong đó có lấy lời khai từ nhân viên phục vụ, nhân chứng có mặt tại bữa tiệc, hình ảnh camera… 

Theo tờ Telegraph, hôm 12-2, cảnh sát Manchester đã thuê phòng để tổ chức tiệc cho khoảng 60 người đã và đang phục vụ trong lực lượng cảnh sát Manchester. Ở Anh, quan hệ tình dục nơi công cộng bị coi là hành vi quấy rối trật tự công cộng và nếu bị phát hiện, thì ngoài việc bị giam giữ, người vi phạm còn bị phạt.

Liên quan tới những vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 1-2015, cảnh sát Pháp đã bắt nhiều nghi can, trong đó có nữ cảnh sát Emmanuelle, làm việc tại Rosny-sous-Bois, ngoại ô thủ đô vì cô bị nghi có liên quan tới Amedi Coulibaly, kẻ đã thực hiện vụ khủng bố tại siêu thị của người Do Thái ở thủ đô nước Pháp, bắn chết 1 nữ cảnh sát không vũ trang hôm 7-1-2015. Được biết, Emmanuelle đã cải đạo sang đạo Hồi năm 2013 và tại thời điểm xảy ra vụ khủng bố, cô đang làm nhiệm vụ tại một trung tâm chỉ huy của cảnh sát Pháp ở ngoại ô Paris.

Sau khi bị cáo buộc đóng vai chính trong nhiều bộ phim khiêu dâm, nữ cảnh sát Sabine Raymonvil ở Miami, Mỹ, đã phải giải trình với cơ quan chức năng xung quanh vấn đề này. 

Raymonvil trong trang phục cảnh sát Miami.

Theo thông tin của kênh truyền hình Nam Florida WPLG hồi thượng tuần tháng 7-2015, Sabine Raymonvil vẫn đóng phim khiêu dâm trong nhiều năm sau khi trở thành cảnh sát. Thậm chí Sabine Raymonvil còn bị tình nghi có quan hệ bất chính với Emerson Callum, kẻ đã bị kết án tù chung thân năm 2012 với tội danh đánh thuốc mê và cưỡng hiếp những nữ diễn viên tham gia thử giọng cho các bộ phim khiêu dâm. Ngoài ra, Sabine Raymonvil còn bị cáo buộc có quan hệ với Lavont Flanders, cựu cảnh sát thành phố Miami và tên này cũng bị kết tội và lĩnh án giống Emerson Callum.

Thượng tuần tháng 12-2014, giới truyền thông từng đưa tin về việc có hàng chục phụ nữ Anh trẻ tuổi dùng mạng xã hội khoe đã gia nhập lực lượng cảnh sát toàn nữ Al-Khansa của IS. 

Nữ cảnh sát IS.

Theo tờ DailyMail, lực lượng cảnh sát nữ này được cho là chuyên đánh đập dã man, phạt roi, thậm chí xử tử, cũng như điều hành mạng lưới nhà thổ, nơi có hàng nghìn nô lệ tình dục Yazidi bị giam và bị hãm hiếp mỗi ngày, sau khi được bán với giá 27 bảng Anh. Điều đáng nói là những nữ cảnh sát IS này đều là phụ nữ phương Tây có học, nhưng lại thích đàn áp, và trừng phạt dã man bất cứ ai không đi giày màu đen hoặc đeo mạng không làm từ chất liệu quy định. 

Theo ước tính của Hiệp hội Phân tích và Nghiên cứu khủng bố (TRAC), có khoảng 60 công dân Anh hiện là thành viên của Al-Khansa và chỉ huy số nữ cảnh sát này là Aqsa Mahmod, mới 20 tuổi.

Trịnh Huyền My
.
.
.