Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023: "Được mùa" văn xuôi

Thứ Sáu, 08/03/2024, 07:15

Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức lễ trao các giải thưởng văn học năm 2023 bao gồm: Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam với các hạng mục: Văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, Giải thưởng văn học thiếu nhi, Giải thưởng tác giả trẻ, Giải thưởng nhà văn nữ ấn tượng và Giải thưởng cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi (đợt 1).

Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 được đánh giá là năm “được mùa” văn xuôi khi có tới 3 tác phẩm được vinh danh nhưng lại không có giải thưởng ở hạng mục văn học dịch.

Lý giải về việc tại sao giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 trao cho tới 3 tác phẩm văn xuôi, nhà thơ Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, lựa chọn trao cho cùng lúc cả 3 tác phẩm “thể hiện bản lĩnh” của Ban Chấp hành. Bởi, động thái này, dù muốn hay không cũng phần nào khiến giới yêu văn học có dịp gợi liên tưởng và so sánh với sự kiện trao giải văn xuôi năm 1991.

Giải thưởng ở hạng mục văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 cho đến nay vẫn được coi là một trong những sự kiện văn học đáng chú ý khi cùng lúc trao giải cho 3 tác phẩm: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng. Sau hơn 30 năm, đây vẫn là những tác phẩm có sức sống bền bỉ trong đời sống văn học, được chuyển thể thành các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, sân khấu và chủ nhân của các tác phẩm này đều trở thành những tên tuổi lớn trên văn đàn.

Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023:
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho các tác giả đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương khẳng định: “Hạng mục văn xuôi, việc trao cho cùng lúc 3 tác phẩm, 2 tiểu thuyết, “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà, “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của Nguyễn Một và tập truyện ngắn “Một mùa hè dưới bóng cây” của Nguyễn Tham Thiện Kế với ba phong cách khác nhau, thậm chí ba quan niệm nghệ thuật khác nhau, cho thấy tinh thần phóng khoáng của Ban Chấp hành trong nhìn nhận, chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách nghệ thuật.

Nhìn cụ thể ở từng tác phẩm, ta sẽ thấy, bằng bản lĩnh người viết, mỗi tác giả đều mang đến dấu ấn riêng biệt trong sáng tác của mình. “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà cho thấy bản lĩnh của người nắm chắc kỹ thuật, dám bước những bước dài tới sự pha trộn thể loại để tìm ra một công thức cho riêng mình, cả trên phương diện phản ánh những vấn đề nhân sinh trong xã hội đương thời lẫn mĩ cảm nghệ thuật. “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của Nguyễn Một thể hiện bản lĩnh qua góc nhìn nhận độc lập, khách quan trước những vấn đề vốn đã được mặc định, từ đó soi chiếu về sự tồn tại đầy kiên cường, cũng đầy tính may rủi, của cá nhân con người trong những giai đoạn, những tình thế lịch sử bất trắc, hiểm nguy. “Một mùa hè dưới bóng cây” của Nguyễn Tham Thiện Kế can đảm ở sự phá vỡ cấu trúc câu và làm mới ngôn ngữ theo cách của riêng mình mà vẫn tạo được sự thấu cảm với người đọc...”.

Giải thưởng ở hạng mục Tác phẩm Lý luận phê bình cũng gây chú ý khi năm 2023, số lượng sách lý luận, phê bình văn học gửi đến dự xét giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là 22 cuốn và giải thưởng được trao cho “Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do” của Phùng Ngọc Kiên (chủ biên) - Đoàn Ánh Dương. Nhà phê bình Đoàn Ánh Dương chia sẻ: “Nhà văn Bảo Ninh từng chia sẻ với chúng tôi: “Giờ đây chính là lúc chúng ta cần tái hiện đầy đủ về Việt Nam thời thuộc địa và nhà văn Việt Nam hiện nay có thể tìm thấy cái mới, động lực sáng tác và thành công bằng chính việc chiêm nghiệm, suy tư và sáng tạo từ những câu chuyện xưa cũ còn luôn mới mẻ và thách đố đó!”. Tôi rất vui mừng vì Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải cho cuốn sách của chúng tôi - cuốn sách tìm về và tái tạo không gian văn học Việt Nam thời thuộc địa cách nay gần một thế kỷ. Như ai đó từng nói, lịch sử không phải câu chuyện về thời đã qua, lịch sử là một vấn đề lịch sử. Hiểu như vậy thì cuốn sách của chúng tôi đang nói về và gắn liền với văn chương của ngày hôm nay...”.

Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thời gian qua, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhận thấy rõ những “khoảng trống cần được lấp đầy” của văn học dành cho thiếu nhi. Vì thế, Ban Chấp hành hội đã mạnh dạn tạm gác cuộc thi sáng tác tiểu thuyết lần thứ VI, thay vào đó là “Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi” kéo dài trong 5 năm. Cuộc vận động chia làm 2 đợt, tính đến ngày 15/6/2023, ban tổ chức đã nhận được 246 tác phẩm tham dự, trong đó có 102 tác phẩm thơ, 144 tác phẩm văn xuôi. Điều này cho thấy sự quan tâm, hào hứng của giới sáng tác dành cho văn học thiếu nhi khi có những “sân chơi” hay những “cú hích” từ các cuộc thi. Ở đợt 1 này đã có 16 tác phẩm đoạt giải, bao gồm: 1 giải A cho tác phẩm văn xuôi; 2 giải B cho 1 tác phẩm văn xuôi và 2 tập thơ; 5 giải C, trong đó có 3 tác phẩm văn xuôi và 2 tác phẩm thơ; 7 giải khuyến khích với 4 tác phẩm văn xuôi và 3 tác phẩm thơ. Trong số các tác phẩm đoạt giải đợt này, có 5 tác phẩm đã in thành sách, còn lại là ở dạng bản thảo.

Nhận định về chất lượng các tác phẩm đoạt giải trong cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi đợt 1, nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho biết: “Điểm nổi trội nhất là đã hạn chế những bài học gượng ép, giáo điều to tát, mà chú trọng đến khơi gợi trí tưởng tượng trong từng chi tiết nhỏ của đời sống để giáo dục về nhân tính. Điều này thể hiện qua nỗ lực của các tác giả, tiến sát với thế giới tâm hồn thiếu nhi bằng các sáng tác nổi trội tính gợi mở, vừa ngộ nghĩnh, vừa gần gũi, qua đó mang tới cho các em những bài học định hướng giàu tinh thần nhân văn...”. 

Nhà văn Nguyễn Một:

Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023:

“Tiểu thuyết của tôi và các tác giả được trao giải thưởng năm nay có thể chưa phải là những cuốn sách hay nhất của văn học Việt Nam trong năm 2023, bởi hầu hết sự lựa chọn nào cũng chỉ mang tính tương đối. Nhưng, tôi tin rằng, sự lựa chọn của Hội đồng và Ban Chấp hành là nhận diện được tiếng nói của những trái tim, là ánh mắt nhân văn và “Tâm trạng của đời sống” trong các tác phẩm. Các nhà văn chúng ta đều biết chức năng văn học không chỉ là phản ánh hiện thực đời sống mà phải phản ánh tâm trạng đời sống như câu nói của nhà triết học Krishnamurti trong tác phẩm “Tự do đầu tiên và cuối cùng” rằng: “Chúng ta phải phát hiện lại các giá trị trên nền móng bền vững hơn bằng sự thông hiểu tâm trạng của đời sống”.

Nhận giải thưởng này, tôi cảm thấy vô cùng tự hào nhưng cũng đầy trách nhiệm và sẽ không ngừng nỗ lực, tiếp tục viết nên những câu chuyện đầy ý nghĩa, chứa đựng tâm trạng của đời sống, của thời đại chúng ta đang sống để làm cầu nối giữa con người với con người, làm cho thế giới trở nên gần gũi và yêu thương hơn. Tôi tin rằng, qua mỗi trang sách, con người có thể hiểu nhau hơn, thông cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn...”.

Nhà văn Đức Anh:

Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023:

“Tôi tương đối bất ngờ khi được Hội Nhà văn trao Giải thưởng Tác giả trẻ. Giải thưởng này mang ý nghĩa rất lớn đối với con đường viết lách của tôi. Nó là một sự công nhận quan trọng về tài năng và tiềm năng của các nhà văn lớn lên trong thế giới toàn cầu hóa. Giải thưởng Tác giả trẻ đem đến cho tôi một cảm giác vui mừng và tự hào. Nó chứng tỏ rằng, những nỗ lực và thành tựu của tôi đã được đánh giá cao và tạo được sự chú ý trong cộng đồng văn chương. Giải thưởng cũng mang ý nghĩa về mặt xã hội bởi nó là một cách để tôi được công chúng biết đến, thu hút sự quan tâm từ độc giả và những người có ảnh hưởng trong ngành văn học. Điều này cũng mở ra cho tôi nhiều cơ hội mới như: được xuất bản nhiều hơn, được tham gia vào các dự án văn học quan trọng và xây dựng mạng lưới các tác giả và các chuyên gia trong ngành. Tuy nhiên, đó đồng thời cũng là áp lực mà tôi cần phải vượt qua...”.

Nguyệt Hà
.
.
.