Tranh cãi về dòng nhạc bolero

Thứ Hai, 14/11/2016, 08:41
Những người dù không mấy quan tâm đến đời sống âm nhạc cũng dễ dàng nhận thấy sự lên ngôi của dòng nhạc bolero trong vài năm gần đây. Lý do rất đơn giản, dòng nhạc bolero xuất hiện dày đặc trên màn ảnh nhỏ cả nước, từ "Tình bolero" đến "Thần tượng bolero". Và giữa cơn sốt bolero, chính những người hoạt động âm nhạc cũng có những phản ứng khác nhau.


Nóng bỏng nhất trên các diễn đàn tranh luận về dòng nhạc bolero là ý kiến của nhạc sĩ Quốc Trung. Khi nhiều người hào hứng đề cao, thì nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng đó là "biểu hiện cho sự bế tác, lười biếng chộp giật của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ".

Đồng thời, nhạc sĩ Quốc Trung cũng không chút e dè đánh giá về công chúng đang tiếp nhận dòng nhạc bolero một cách háo hức: "Những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sở hữu những bộ dàn Hi-End đắt tiền nhưng lại đắm đuối với những ca khúc uỷ mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm có gọi là bình thường hay không?".

Tâm tư thẳng thắn của nhạc sĩ Quốc Trung không phải không đáng trân trọng. Mỗi người có một góc độ riêng và một khuynh hướng thẩm mỹ riêng. Nhạc sĩ Quốc Bảo và ca sĩ Bảo Yến hoàn toàn không đồng tình với nhạc sĩ Quốc Trung, cũng có lý lẽ của họ. Một nền nghệ thuật cởi mở luôn chấp nhận một sự khác biệt. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải cân đong sở thích khán giả, mà phải nhìn trực diện vào giá trị đích thực của dòng nhạc bolero.

Quán quân "Thần tượng bolero 2016".

Dù được gọi bằng mỹ từ "nhạc vàng" hay khinh từ "nhạc sến" thì dòng nhạc bolero vẫn đã hiện diện và chứng minh sức sống dài lâu trong lòng đối tượng bình dân. Bản chất của dòng nhạc bolero là giai điệu chậm buồn và ca từ mộc mạc. Do vậy, dòng nhạc bolero dễ nhớ, dễ thuộc và dễ hát. Người nghe dòng nhạc bolero không nhất thiết phải có trình độ ngôn ngữ cao siêu để nắm bắt ca từ. Còn người hát dòng nhạc bolero không nhất thiết phải có trình độ thanh nhạc điêu luyện để thể hiện giai điệu.

Hai yếu tố đơn giản và thuận lợi này tương tác với nhau mang lại sự cộng hưởng rất nhanh và rất rộng trong xúc cảm đám đông. Vì thế, dòng nhạc bolero giống như cơm bình dân không bị khuôn hẹp phạm vi ở nông thôn lẫn ở thành thị. Nơi nào người ta cần vài câu hát ngọt lạt an ủi lúc trống trải thì nơi ấy dòng nhạc bolero có cơ hội thăng hoa.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng các ca sĩ hát dòng nhạc bolero có biểu hiện "lười biếng chộp giật" không hề quá lời. Xưa nay, cái thói quen "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" rất phổ biến trong giới ca sĩ. Thế nhưng, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng thanh niên có lối sống hiện đại mà nghe dòng nhạc bolero là "không bình thường" thì hơi định kiến chủ quan. Một xã hội càng văn minh thì sở thích càng đa dạng. Và sở thích cá nhân thì không ai có quyền phán xét sang hèn.

Dòng nhạc bolero ở Việt Nam cũng tương tự dòng nhạc đồng quê ở nước Mỹ. Không người nào dám bảo những tỷ phú phố Wall tại New York kém cỏi về năng lực trí tuệ và bản lĩnh văn hóa. Vậy mà những tỷ phú phố Wall thừa sức bỏ tiền đầu tư một dàn nhạc giao hưởng lớn nhất thế giới, vẫn có sở thích nghe nhạc đồng quê!

Nói thật sòng phẳng, dòng nhạc bolero không có tội tình gì để oán trách hay dè bỉu. Điều băn khoăn là cách ứng xử của truyền thông với dòng nhạc bolero. Khi cả Đài truyền hình quốc gia cũng công khai cổ súy dòng nhạc bolero, thì có hai thái độ cần phải hạn chế.

Thứ nhất, không được dùng tâm đắc cá nhân để xưng tụng các ca khúc trong dòng nhạc bolero là "tuyệt phẩm", "đỉnh cao" hoặc "bất hủ". Bởi lẽ, tiết tấu của dòng nhạc bolero không có nhiều tính sáng tạo, còn ca từ của dòng nhạc bolero cũng không có nhiều tính văn học. Thứ hai, không được đánh đồng dòng nhạc bolero với tác phẩm của những nhạc sĩ cùng thời. Bởi lẽ, ca khúc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Hoàng Thi Thơ có màu sắc khác, không thể xếp chung vào dòng nhạc bolero!

Lê Thiếu Nhơn
.
.
.