Nở rộ dòng sách tản văn: Nơi tâm hồn lưu trú

Thứ Sáu, 21/09/2018, 08:02
Khoảng chục năm trở lại đây, thị trường sách chứng kiến sự nở rộ của dòng sách tản văn. Nhiều tác giả đã thành danh và kể cả những tên tuổi còn mới đã tỏ ra rất hào hứng với thể loại này. Sự đón đợi của độc giả đối với những cuốn tản văn trong thời gian gần đây cũng cho thấy, tản văn luôn là món ăn tinh thần nhẹ nhàng, thư giãn và dễ tìm kiếm độc giả.


Trong cuộc sống hiện đại xô bồ hôm nay, nỗi cô đơn của con người giữa phố thị tiện nghi ngày càng lớn hơn, hình như nhiều người đọc và cả người viết đã tìm thấy sự chia sẻ, sự an yên, thậm chí là một chốn "lưu trú" trong những trang viết đầy tâm cảm vốn là ưu thế của thể loại này...

Hồi tháng 4-2017, sự kiện NXB Trẻ ra mắt tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” bằng việc ra mắt đồng thời 4 cuốn tản văn của họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn đã thu hút sự chú ý của dư luận. Đều chung một chủ đề về Hà Nội, 4 cuốn tản văn của họa sĩ Đỗ Phấn lần lượt là: “Bâng quơ một thời Hà Nội”, “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”, “Ngẫm ngợi phố phường”, “Đi chơi bờ Hồ” đã thực sự khiến độc giả yêu Hà Nội thích thú. Trước đó, nhà văn Đỗ Phấn từng cho ra mắt một cuốn tản văn cũng về Hà Nội và cũng vẫn do NXB Trẻ ấn hành (2013), đó là “Hà Nội không có tuyết”.

Tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả.

Trong khoảng 5-6 năm, Đỗ Phấn có tới 5 cuốn sách về Hà Nội thực là một sự lạ lùng với nhiều người. Bởi lẽ, có những người mới chỉ viết 1 cuốn về Hà Nội thôi là đã “cạn vốn”. Con số ấy nói lên nhiều điều: Nhà văn Đỗ Phấn phải có một tình yêu Hà Nội đủ lớn với rất nhiều trải nghiệm, phải có óc quan sát tinh tế và đúng là một ngòi bút sắc sảo của “người hay chuyện” thì mới có thể viết ra từng ấy trang chỉ về một chủ đề Hà Nội mà không thấy nhàm chán, không lặp lại chính mình.

Tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” được NXB Trẻ kỳ vọng sẽ có sức sống dài hơi, bởi lẽ nguồn bản thảo để duy trì tủ sách khá phong phú: rất nhiều người muốn viết về Hà Nội, bao gồm cả những nhà văn đã thành danh và cả những cây viết mới vào nghề. Trong số đó, thể loại yêu thích của các cây bút viết về Hà Nội chính là tản văn.

Bên cạnh Đỗ Phấn, một cây bút khác viết tản văn về Hà Nội rất được chú ý - đó là nhà văn Nguyễn Việt Hà. Với “Mặt của đàn ông”, “Con giai phố cổ” và “Đàn bà uống rượu”, nhà văn vốn là “giai phố cổ” Nguyễn Việt Hà lại trình làng một giọng điệu tản văn đậm chất đời sống phố thị, giữa sự đan xen hiện đại và quá khứ.

Tản văn về Hà Nội của Nguyễn Việt Hà có thể không duyên dáng, ý nhị như Đỗ Phấn, song nó khiến nhiều độc giả trẻ tuổi thích thú bởi sự thông minh, dí dỏm và cũng không ít trầm tư. Nhiều người sống ở các thành phố khác nhau sẽ tự hỏi, Hà Nội có những gì mà nhiều người viết tản văn về nó đến vậy? Và tôi tin, đây là câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng, bởi mỗi người sẽ “cảm” Hà Nội, sẽ yêu Hà Nội theo những góc rất khác nhau và chỉ có một điểm chung là Hà Nội nhìn chung rất “tình” trong con mắt người viết.

Mỗi mùa hoa, mỗi kiểu thời tiết, mỗi tháng năm, mỗi giai đoạn và mỗi sự dịch chuyển của phố phường đều đem lại cho người ta những hương vị, cảm nhận, dự cảm và sự lay động khác nhau. Chen giữa đó là ký ức, là kỷ niệm, là tuổi trẻ, là vương vấn yêu thương, là nỗi xót xa khi những giá trị xưa cũ bị mai một, bị bào mòn...

Bởi thế, tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” của NXB Trẻ sẽ không phải quá lo lắng về vấn đề nguồn bản thảo cũng như sự khan hiếm độc giả. Bởi lúc nào cũng có sẵn rất nhiều người viết yêu Hà Nội và dư giả về số lượng độc giả yêu Hà Nội theo cách của riêng mình. Sự xuất hiện của Trương Quý với những tập tản văn như “Ăn phở rất khó thấy ngon”, “Hà Nội là Hà Nội”, “Tự nhiên như người Hà Nội” được tái bản nhiều lần cũng là những minh chứng sinh động cho điều đó.

Có thể nói, tản văn là thể loại yêu thích với khá nhiều người cầm bút chính bởi sự tự do, phóng khoáng của nó. Dường như mọi thứ trên đời, từ những chuyện bé tí ti đến những vấn đề thời sự quốc tế ngang tầm “dời non lấp bể” đều trở thành những cái cớ cho những nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên khởi sự để viết tản văn.

Có nhiều người viết tản văn đơn giản chỉ như một cách ghi nhật ký, là cách viết tự sự đầy cảm hứng cá nhân rồi lại xoay ra chiêm nghiệm, suy tư với những vấn đề lớn hơn hoặc những vấn đề đầy tính thời sự không của riêng ai nữa. Sở dĩ tản văn vẫn có cho mình một chỗ đứng riêng, vẫn có một lượng độc giả đáng kể, bởi người đọc vẫn tìm thấy chính họ trong những tản văn ấy, những suy tư và cảm nhận, những nỗi vui buồn của một người giống họ.

Khoảng 10 năm trở lại đây, những cuốn tản văn của các tác giả xuất bản độc lập nở rộ. Trước đó, nhiều cuốn ở thể loại tản văn thường được tập hợp bởi các nhà sách, NXB với nhiều tác giả về cùng một chủ đề nào đó. Có thể kể ra đây những cái tên viết tản văn rất “được lòng” độc giả như: Đỗ Bích Thúy với “Tôi đã trở về trên núi cao” vừa ra mắt tuần trước và “Trên căn gác áp mái”, “Đến độ hoa vàng”; Nguyễn Nhật Ánh với “Người Quảng đi ăn mì Quảng”, “Sương khói quê nhà”; Trần Nhã Thụy với “Cuộc đời vui quá, không buồn được” và “Triều cường, chân ngắn, rau sạch”; Nguyễn Vĩnh Nguyên với “Những đồ vật trò chuyện cùng ta” và “Tivi, xe máy, nhạc chế, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác”; Nguyễn Ngọc Tư với “Yêu người ngóng núi”; Y Phương với “Tháng giêng, tháng giêng, một vòng dao quắm”; Cấn Vân Khánh với “Lỗi tại đàn ông”...

Những cuốn tản văn được độc giả đón đọc.

Trước đó, năm 2004 cuốn tạp văn “Nhân trường hợp chị thỏ Bông” của Thảo Hảo (tức Phan Thị Vàng Anh) đã từng nhận được nhiều phản hồi tích cực của độc giả, trở thành cuốn sách hấp dẫn và được tái bản nhiều lần. Tản văn của Thảo Hảo đã “lấn sân” sang những vấn đề thế sự một cách rất tự nhiên và đầy hấp dẫn với cách đặt - lý giải vấn đề của tác giả. Nó đã mang đến cho thể loại tản văn một diện mạo mới đầy sức sống, đầy tiếng cười nhưng cũng không kém phần sâu cay trong đó. Sau này, có thể tìm thấy những điều tương tự trong tản văn viết về Hà Nội của nhà văn Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà. Và điểm chung của 3 tác giả này - đó là các tản văn đều có “tính báo chí và thế sự” rất đậm nét.

Ngoài ra, còn rất nhiều cuốn tản văn xuất hiện sau này của các cây bút trẻ như Anh Khang, Iris Cao, Phan Ý Yên, Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương... Đây là những tên tuổi tác giả ra đời sau phong trào xuất bản sách từ các trang viết được chia sẻ trên internet trước đó. Lợi thế của các tác giả trẻ này là thường có lượng fan hay lượt theo dõi trên facebook rất lớn.

Vì thế, mặc dù các bài viết được tập hợp thành sách thường đã được đăng trên blog hay trang cá nhân của tác giả đó rồi, nhưng khi in thành sách vẫn có lượng phát hành khá lớn (trên 10 ngàn bản), được tái bản nhiều lần. Mặc dù các đầu sách ấy được các nhà làm sách săn đón, được các bạn trẻ tìm mua, nhưng lại không được giới chuyên môn hay các nhà phê bình đánh giá cao như “Thương nhau để đó” của Hamlet Trương và Iris Cao, “Truy tìm tay níu tay” của Hamlet Trương, “Ngày trôi về phía cũ” của Anh Khang, “Người yêu cũ có người yêu mới” của Iris Cao, “Chênh vênh 25” của Phạm Ngọc Thạch, “Tình yêu không ai muốn bỏ đi” của Phan Ý Yên...

Bởi dường như những cuốn sách quá thiên về tự sự cá nhân hay thương khóc những mối tình đã mất... vốn là đặc điểm chung của nhiều cây bút trẻ. Bởi thế, có một cụm từ mà nhiều người sau này hay đề cập đến đó chính là “trách nhiệm của người cầm bút” - tức là anh viết ra tác phẩm ấy để làm gì? Và đúng vậy, với tản văn người viết vẫn phải đưa ra được một thông điệp nào đấy chứ không thể chỉ viết để thỏa mãn sự giãi bày cảm xúc của cá nhân mỗi người.

Sách tản văn, có lẽ sứ mệnh hoàn hảo của nó chính là trở thành “nơi lưu trú của tâm hồn” con người, bởi với những trang viết tự sự đầy tình cảm, người đọc luôn tìm được sự vỗ về, an ủi, sẻ chia. Nhưng nếu những cuốn tản văn đó có thể khiến người ta sống lương thiện hơn, đẹp đẽ hơn, an lành hơn, thậm chí tìm ra một phương cách sống ở đời, thì đó quả là một điều tuyệt vời.

Nguyệt Hà
.
.
.