Chùm tản văn của Nguyễn Quang Thiều

Thứ Sáu, 20/02/2015, 10:00
Tôi từ từ nhắm mắt lại chờ một cái gì đó khủng khiếp xảy đến. Một mũi dao nhọn hoắt đâm xuyên ngực tôi chẳng hạn. Nhưng quanh tôi chỉ có sự im lặng như tất cả sự sống này đã chấm dứt từ lâu rồi. Sau một hồi nghĩ kẻ đeo mặt nạ đã bỏ đi, tôi hé mắt. Kẻ đeo mặt nạ vẫn đứng đó nhìn tôi. Đôi mắt toàn lòng đen và đôi môi đỏ chót mỉm cười làm tôi hoang mang tột độ bởi tôi không làm sao có thể xác định được cảm xúc của hắn và không biết hắn sẽ làm gì với tôi.

Một lối đi của thế gian

Lúc nào cũng có một lối đi xuyên qua tất cả mọi lối đi. Nó dẫn chúng ta, chỉ trong chớp mắt, đến được nơi chốn mà hầu hết chúng ta không bao giờ đến được bằng những lối đi thông thường và có vẻ an toàn nhất mà chúng ta thường lựa chọn với một khoái cảm ngu ngốc là chúng ta đã khôn hơn những kẻ khác. Nhưng chúng ta không nhận ra lối đi đó. Và nếu có một lần nào đó, chúng ta bất chợt nhìn thấy nó hiện ra trước mắt thì đôi mắt chúng ta lại chứa đầy sự ngờ vực. Không phải chỉ vì chúng ta thiếu lòng tin mà là chúng ta thật sự không hiểu được nó.

Thuở ấu thơ, tôi sống ở làng quê, nơi có những khu vườn hoang nối nhau từ đầu làng chạy đến cuối làng. Suốt ba năm liền, từ bảy tuổi đến mười tuổi, tôi mắc bệnh mộng du. Đấy là sau này mẹ tôi nói lại với tôi như thế. Suốt ba năm đó, bà nội tôi và mẹ tôi đã lo sợ cho tôi. Cứ đêm xuống, bà và mẹ tôi bắt đầu đóng cửa kỹ lưỡng và canh chừng tôi. Bà tôi để một chiếc thúng đựng đầy tro bếp để tôi đi tiểu vào đó mà không phải ra ngoài.

Vì lần nào cũng vậy, hễ tôi ra ngoài đi tiểu là tôi bắt đầu đi xuyên qua khu vườn hoang trong khi mắt tôi vẫn nhắm nghiền. Mẹ tôi bảo lúc đó tôi vẫn đang ngủ. Trong những khu vườn hoang, cây cối mọc rậm rì. Nhưng chưa một lần nào tôi đâm vào một bụi cây gai hay va vào một thân cây. Thi thoảng, lối đi đó lại chạy sát mép một cái ao hoặc một đầm nước. Tôi đã vừa ngủ vừa đi men theo bờ đầm mà chưa một lần nào rơi xuống nước. Ai đã dắt tôi đi xuyên qua những khu vườn hoang trong đêm tối một cách chính xác như vậy.

Cuối cùng thì bà và mẹ tôi vẫn tìm thấy tôi đang nấp sau một gốc cây, đang ngủ bên một bụi cây gai hoặc đang nhắm nghiền mắt đứng sát mép đầm nước. Tôi được dắt về nhà và bị đánh mấy roi cho tỉnh lại. Lần nào cũng vậy, sau khi tỉnh dậy, tôi cũng không hề biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng một lúc nào đó khi đi qua khu vườn, tôi bất chợt nhìn thấy con đường chạy vòng vèo qua những bụi cây gai và những thân cây. Con đường đó hiện ra rõ nét như tôi đã đi trên con đường đó hàng thế kỷ. Đó chính là con đường tôi vẫn đi trong những đêm tối với một đôi mắt nhắm nghiền.

Tôi không có ý định nhờ các nhà tâm lý học hay các bác sỹ chuyên ngành thần kinh lý giải cho tôi vì sao tôi lại có thể đi trong khi ngủ. Nhưng một hiện thực cho thấy, cho dù khi mộng du, đôi mắt tôi nhắm nghiền thì chắc chắn có một đôi mắt khác mở to và dọi thẳng về phía trước con đường mà những bước chân tôi sẽ tới. Đôi mắt đó có thể là của ký ức. Bởi trước đó, khi thức, tôi đã đi biết bao lần trên lối đi đó và toàn bộ cảnh vật trên lối đi đó đã được ký ức hóa trong tôi. Việc ký ức hóa có phải là sự mã hóa sơ đồ con đường không? Đúng là vậy ở một góc cạnh nào đó.

Nhưng nếu chỉ là sự mã hóa sơ đồ con đường một cách máy móc như người ta lập trình cho các máy móc tự động thì tôi sẽ bị rơi xuống hồ nước hoặc đâm vào một bụi cây khi con đường đó thay đổi ở một khúc nào đó và một bụi cây vừa mọc lên. Thực tế con đường chạy qua khu vườn hoang và men theo bờ đầm nước trong những năm tôi mắc bệnh mộng du đã có những thay đổi.

Có một điều kỳ diệu đã hiện ra ở đây. Đó là con mắt của ký ức cũng lại chính là con mắt của tương lai – con mắt của trí tưởng tượng phong phú. Chính cái phần tương lai của con mắt ấy đã chỉ dẫn cho đôi chân của tôi đi qua những thay đổi của con đường. Và một điều tối quan trọng giúp tôi hay bất cứ ai đó đi qua con đường một cách kỳ diệu khi đôi mắt thông thường của chúng ta vẫn nhắm nghiền. Điều tối quan trọng ấy chính là sự không sợ hãi và thấm đẫm tinh thần lãng mạn của chúng ta.

Khi đôi mắt trần tục của chúng ta mở ra thì có quá nhiều những trần tục cũng ùa vào và nhiều lúc làm chúng ta rối loạn. Những rối loạn này sinh ra trong chúng ta một điều vô cùng tồi tệ. Đó là nỗi sợ hãi. Chúng ta thật dễ dàng đi qua một tấm ván đặt trên mặt đất chỉ vừa hai bàn chân. Nhưng chúng ta lại không thể nào đi qua nổi một tấm ván rộng một mét hoặc rộng hơn nữa bắc qua hai tòa nhà cao tầng. Nỗi sợ hãi bị rơi xuống đã giết chết toàn bộ khả năng và cảm hứng của chúng ta.

Một đứa trẻ chạy vô tư và thích thú dọc mép một ban công trên tòa nhà cao giữa bầu trời rộng lớn đầy gió trong khi chúng ta có thể vỡ tim vì kinh hãi. Bởi đứa trẻ kia không nghĩ tới những nguy hiểm có thể xảy ra với nó, còn chúng ta ngập tràn những sợ hãi và tính toán. Và bởi đứa trẻ kia đang tìm thấy niềm hứng khởi và bao điều lạ lùng đang mở ra theo từng bước chạy của nó. Còn chúng ta rúm mình lại bạc nhược và kinh hãi khi nghĩ mình sẽ bị giết chết.

Nỗi đau đớn và trí tưởng tượng càng lớn thì sự sáng tạo của chúng ta càng kỳ diệu trong khi đó nỗi sợ hãi càng lớn thì cái chết của sáng tạo càng đến nhanh. Và bây giờ, không ít người viết trong chúng ta mang quá nhiều nỗi sợ hãi trong mình. Nỗi sợ hãi ấy làm cho trang viết của chúng ta trở nên tẻ nhạt và xa cách.

Ngay cả trong trí tưởng tượng của nhà văn, chúng ta cũng không dám đập cánh một cách quyết liệt và vang dội để bay lên. Bởi chúng ta đang mở quá to, mở đến rách cả khóe mắt đôi mắt trần tục của mình. Chính vì thế, chúng ta nhìn thấy quá nhiều những danh vọng thường ngày, những lợi ích cá nhân, những khó chịu, những ghen ghét, những than thở… Và chính tất cả những điều đó đã làm nên nỗi sợ hãi của chúng ta. Hãy mở một đôi mắt khác trong sáng tạo của mình. Đôi mắt ấy sẽ dẫn chúng ta đi qua những con đường mà chính chúng ta đã từng chùn bước vì sợ hãi.

Bài tập của mỗi người

Chúng ta đã nói với nhau nhiều lần về chuyện được thua trong cuộc đời này. Nhưng khi chúng ta còn đang sống, đang lao động, chúng ta chưa thể nào nói được chúng ta được hay thua trong cuộc đời mình. Ngạn ngữ Pháp có câu: 70 tuổi chưa ai dám chắc mình không đui, không què. 70 tuổi cũng chỉ là một con số ước lệ mà thôi. Nói chính xác, chỉ khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng thì cái bảng điện tử cuộc đời mới hiện lên chữ ĐƯỢC hay THUA mà thôi.

Một ngày mới lại đến. Chúng ta lại thức dậy. Ánh mặt trời trải rộng trên mặt đất. Trang giấy của thời gian mở ra. Và giống như một cậu học trò nhỏ bé, chúng ta bắt đầu làm bài tập của mình. Một ngày sống là một bài tập. Mỗi người có thể làm những bài tập khác nhau. Nhưng ai cũng phải làm. Không ai trốn làm những bài tập được. Ngay cả sự trốn ấy cũng là một bài tập và đều bị cuộc đời này chấm điểm.

Nếu ví cuộc đời chúng ta là một năm học thì mỗi ngày giống như một bài tập hay bài kiểm tra 15 phút như khi chúng ta đi học. Mỗi năm là bài kiểm tra học kỳ. Mỗi chúng ta có số lượng bài kiểm tra học kỳ khác nhau phụ thuộc vào thời gian chúng ta sống trên thế gian này. Và cuối cùng là bài thi hết năm học. Chúng ta chỉ có thể kết thúc bài tập này khi chúng ta giã từ thế gian. Đến lúc đó, điểm trung bình cho cuộc đời chúng ta mới được công bố.

Nhưng có một điều kỳ lạ là: có những người tưởng rằng họ sẽ có một hệ số điểm trung bình cho cuộc đời rất cao vì họ nghĩ rằng những bài kiểm tra 15 phút luôn được điểm cao bởi họ giành được quá nhiều danh tiếng và lợi ích vật chất so với người bên cạnh, nhưng họ đã sai lầm. Điểm tổng kết cho bài thi cuộc đời của họ lại rất thấp, đôi khi là điểm 0. Đây là cách tính điểm hoàn toàn khác lạ so với cách tính điểm thông thường và ngốc nghếch của chúng ta.

Và một điều kỳ lạ nữa là: có những kẻ tự cho là rất thông minh (sự thông minh này hầu như chỉ chứa đựng những mưu mô, thủ đoạn, độc ác...) lại không bao giờ được điểm cao nếu chỉ dùng sự thông minh như vậy. Với những kẻ như thế, bài thi cuộc đời của họ sẽ được chấm hai lần: lần thứ nhất khi họ còn sống. Lần thứ hai khi họ đã chết. Và họ hãy nhớ rằng: điểm chấm lần thứ hai mới thực sự công bằng và kết quả chấm lần thứ hai mới chính thức được gửi đến cho những người ruột thịt đang sống của họ và gửi cho toàn bộ thế gian.

Bạn có thấy kỳ lạ và có vẻ đầy mâu thuẫn khi có người luôn luôn được điểm trung bình và thậm chí điểm dưới trung bình trong những bài kiểm tra 15 phút hoặc kiểm tra học kỳ lại có điểm tổng kết rất cao. Bởi cứ khi thức dậy, họ lại kiễn nhẫn và đầy lòng tin làm bài tập của mình. Họ có thể làm sai một vài câu hỏi nào đó, nhưng họ không sợ sự sai ấy, không tức tối với những thiệt thòi, không tuyệt vọng với những thất bại... Họ bình tĩnh sống trọn một ngày của họ với lòng tin cao nhất về những gì mình làm. Họ sống trong sự thua thiệt giống như điểm bài kiểm tra của họ thường xuyên thấp hơn người bên cạnh. Nhưng chính sự bền bỉ, kiên nhẫn, tự tin, chân thành và khát vọng đẹp đã tích điểm cho cả cuộc đời họ.

Thực tế cho thấy, có quá nhiều người luôn tìm cách ăn hơn người khác từng ngày, nhưng cả cuộc đời của họ cộng lại sẽ là một thất bại. Những ai hiểu được điều đơn giản mà tôi đang nói đến sẽ là người có điểm tổng kết cao. Nghĩa là, họ mới là những người tìm ra được hạnh phúc đích thực.

Điều cuối cùng tôi muốn nói với bạn là: hãy làm bài tập hằng ngày của mình với lòng đắm mê và bền bỉ cho dù ngày nào chúng ta cũng sẽ làm sai một câu hỏi trong bài tập ấy.

Cái bóng

Có lúc, bạn nhìn cái bóng của mình trên bức tường và tự hỏi: Cái bóng có phải là một sinh linh không hay có phải là một phần của bạn không. Rất nhiều người nghĩ bạn có vấn đề thần kinh trầm trọng. Nhưng tôi thì không. Mọi điều ở quanh bạn đều chứa đựng một chút gì đó của bạn. Chắc chắn là như vậy. Hồi con gái tôi còn bé, nếu con gái tôi bị ốm trong lúc tôi đi vắng, vợ tôi lại dùng chiếc áo cũ của tôi ủ lên ngực con gái tôi. Và con gái tôi sẽ khỏi ốm.

Tôi còn nhớ khoảng 20 năm về trước, tôi gặp một khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng. Tôi không thể nào tìm được cách để vượt qua. Một đêm, tôi tỉnh giấc vào khoảng 2 hay 3h sáng bởi một tiếng gọi. Tôi nhìn xung quanh căn phòng nhưng chẳng có một ai ở đó ngoài cái bóng của tôi. Và tôi nhận ra, cái bóng của tôi hoàn toàn khác những ngày trước đó.

Từng bước và từng bước, tôi đến gần chiếc bóng. Tôi nhận thấy hơi thở ấm áp từ chiếc bóng tỏa ra. Tôi đứng bất động một lúc lâu. Rồi tôi rụt rè cất tiếng: Xin chào. Và cái bóng nói: Xin chào. Tôi thật sự kinh sợ. Sau khi trấn tĩnh, tôi kể cho chiếc bóng nghe về câu chuyện của tôi. Tôi xin cái bóng hãy cho tôi biết tôi phải làm gì để đi qua cơn khủng hoảng đó. Tôi nghe thấy một giọng nói mơ hồ nói cho tôi những điều tôi phải làm.

Hôm sau, theo lời khuyên của cái bóng, tôi đã làm tất cả và tôi đã đi qua cơn khủng hoảng. Nhiều đêm sau này, tôi thường đứng trước cái bóng và cất tiếng: Xin chào. Tôi đã cất tiếng chào nhiều lần. Nhưng tôi không nghe thấy gì nữa. Có phải cái bóng đã rời bỏ bạn ra đi không? Hay chẳng có một giọng nói nào cả mà đó chẳng qua chỉ là một diễn biến nào đó bên trong bạn mà thôi hay chỉ là một ảo giác?

Không phải là một ảo giác. Không phải là cái bóng rời bỏ chúng ta. Và không phải do một diễn biến tâm lý quá phức tạp trong chúng ta. Mà là có một chúng ta ở trong chúng ta. Một chúng ta luôn luôn theo dõi mọi hành động của chúng ta và phản biện chúng ta. Nhưng phần lớn hay hầu hết chúng ta chối bỏ cái chúng ta ở bên trong. Chúng ta tìm cách thỏa hiệp có lợi cho chúng ta với một chúng ta ấy. Nếu không thỏa hiệp được mà thực tế là không thỏa hiệp được thì chúng ta tìm cách khống chế hay giam cầm chính một chúng ta ở bên trong.

Nhưng có một điều mà tôi phát hiện ra trong câu chuyện này. Đó là đôi khi một chúng ta tìm cách hiện ra trong một người khác bên cạnh chúng ta. Một chúng ta trong thân xác người khác nói cho chúng ta về những điều sai trái hay tồi tệ của chúng ta. Tất cả vẫn là chúng ta mà thôi chứ không phải là Vương, là Thủy, là Hương, là Quốc...

Hãy nhìn lại chúng ta những năm tháng trước đó mà xem. Chúng ta từng công bằng, từng vị tha, từng biết lắng nghe, từng sám hối, từng chia sẻ, từng vui vẻ chấp nhận thiệt thòi, từng hy sinh cho người bên cạnh... Thế mà bây giờ những phẩm chất đẹp đẽ ấy của chúng ta lại biến mất. Thực ra một chúng ta của những điều tốt đẹp ấy không hề biến mất. Một chúng ta ấy vẫn ở trong chúng ta nhưng bị chúng ta giam cầm hoặc ở trong hình dáng và gương mặt người khác để tiếp tục hiển hiện và đối thoại, phản biện, khuyên răn chúng ta. Đôi lúc, chúng ta chỉ còn là một cái xác trống rỗng và giá lạnh giống như ngọn lửa đã rời bỏ ngôi nhà và nhóm lên ở một ngôi nhà khác. Và khi đọc xong những điều dù rất thô lược tôi vừa viết, bạn hãy nhắm mắt lại và nhớ về những khoảng khắc đẹp đẽ có trong cuộc đời của bạn, bạn sẽ thấy “một bạn” trở về đứng trước cửa hoặc ngồi xuống bên bạn. Bạn hãy vòng tay ôm chặt người đó và tức khắc bạn sẽ đổi thay.

Nguyễn Quang Thiều

Vương thân mến,

Có nhiều lúc tôi trở thành một kẻ xa lạ với chính tôi. Và tôi thực sự không hiểu tôi là ai nữa. Anh có tin rằng chính tôi đã có những đêm đứng trên ban công nhìn mãi về phía một ngôi sao và ước có một phi thuyền từ ngôi sao bay về. Đó là những ngày tháng lòng tôi cô đơn khủng khiếp cho dù tôi vẫn ngày ngày sống giữa gia đình và bao người khác. Và đó là những năm tháng tôi không thể nào trả lời được bao câu hỏi do chính tôi đặt ra. Đó là những năm tháng tôi thấy cuộc sống của mình tẻ nhạt biết nhường nào. Vì thế, tôi đợi chờ như một kẻ tâm thần sự xuất hiện của những con người từ một hành tinh xa xôi trong vũ trụ đến và mang tôi đi.

Câu trả lời của bầy kiến

Anh có biết rằng có biết bao lần trong khuya khoắt tôi thường cúi cái đầu to nhưng nhiều ngốc nghếch của mình xuống nhìn những con kiến có cái tí hon vĩ đại và hỏi tại sao những con kiến lại biết được tất cả những con đường trên thế gian này kể cả những con đường chạy qua bóng tối. Và chúng chẳng bao giờ nhầm lẫn khi lựa chọn con đường.

Những con kiến là những kẻ mộng du, những kẻ cô đơn hay là những kẻ mất ngủ hay là những kẻ không muốn ngủ. Suốt đêm, bất cứ khi nào tỉnh giấc tôi đều nhìn thấy những con kiến đi lang thang. Tôi chưa bao giờ thấy chúng ngủ. Khi còn bé, tôi đã hỏi mẹ tôi vì sao những con kiến không ngủ. Mẹ tôi không trả lời được câu hỏi của tôi. Tôi đã hỏi câu hỏi này từ khi tôi 5 tuổi. Bây giờ tôi đã là một lão già, nhưng tôi vẫn hỏi câu hỏi ấy và vẫn không có câu trả lời. Có một nhà khoa học đã giải thích cho tôi vì sao lũ kiến không ngủ. Nhưng mọi lời giải thích như vậy thật chẳng có ý nghĩa gì.

Bao đêm, tôi không ngủ ngắm nhìn bầy kiến. Và tôi ao ước nói được ngôn ngữ của bầy kiến. Như vậy, tôi có thể trò chuyện với chúng. Như vậy, tôi sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi kéo dài hơn nửa thế kỷ của tôi từ chính bầy kiến. Tôi muốn kiếp sau là một con kiến để được hòa vào đội ngũ của chúng và thực hiện những cuộc hành hương vô tận trên thế gian này. Những cuộc hành hương như thế sẽ làm cho tâm hồn thường trống rỗng, vô cảm và nhạt nhẽo của tôi thay đổi.

Đã không ít lần tôi bò trên sàn nhà theo bầy kiến. Bây giờ nhớ lại, tôi thấy  lúc đó tôi thực sự là một côn trùng nhưng lại chẳng có được một đặc tính nào của côn trùng. Tôi vừa bò theo chúng vừa lảm nhảm với những câu hỏi của tôi và nói đi nói lại ao ước của tôi như không có một chút khả năng kìm chế nào.

Khi thấy tôi như vậy, một con kiến không chịu nổi, dừng lại nhìn tôi bực mình và nói: “Này lão già, có im đi không. Cho dù ước mong của lão được thực hiện thì cũng chẳng giải quyết được việc gì đâu. Lão không thấy là có biết bao kẻ quanh lão nói cùng ngôn ngữ với lão nhưng chưa bao giờ hiểu đúng lão là cái quái gì à?”.

Nói xong nó lại kiên nhẫn bò đi như chưa bao giờ dừng lại. Tôi chợt nhận ra một điều gì đó thật lớn lao. Điều đó bỗng thay đổi tôi. Và lần đầu tiên tôi đã tìm ra được một trong những câu trả lời của mình. Mà có khi đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi mà anh đã đợi chờ suốt bao năm tháng. Chỉ có điều anh đã giấu được câu hỏi ấy trước những đám người đang nói cùng ngôn ngữ với anh.

Kẻ đeo mặt nạ

Kẻ ấy chẳng hề rời bỏ tôi, có lẽ đến tận cuối đời.

Đó là kẻ đeo mặt nạ. Tôi đã khao khát đến sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để được một lần nhìn thấy cái mặt thật sau cái mặt nạ ấy.

Có một thời gian dài gần hai mươi năm, tôi thường có một cơn ác mộng kinh dị và nặng nề nhiều lúc ngạt thở tưởng mình sẽ chết ngay trong những đêm đó. Trong những cơn ác mộng đó, một kẻ đeo mặt nạ săn đuổi tôi. Săn đuổi nhưng không trực tiếp giết tôi. Săn đuổi với một nụ cười không bao giờ tắt mà lại làm tôi hoảng sợ và mang một cảm giác giống như một người biết chắc trong mình mang một căn bệnh nan y mà không biết phát ra lúc nào.

Một chiếc mặt nạ không thay đổi cảm xúc.

Không phải một chiếc mặt nạ có đôi mắt đỏ lòm hay một cái miệng đầy răng nhọn như răng bọn ma cà rồng.

Không phải một chiếc mặt nạ phừng phừng nổi giận hay xanh lét như một hồn ma.

Mà là một chiếc mặt nạ có vẻ mặt thật nhẹ nhõm với một đôi mắt chỉ có lòng đen, một đôi môi đỏ chót và lúc nào cũng mỉm cười.

Tôi cảm thấy có ai đó đang nhìn tôi từ phía sau. Cái nhìn giống như một mũi khoan máy khoan thẳng vào gáy tôi. Tôi hoảng hốt quay lại và nhận ra một kẻ đứng trước mặt tôi với một chiếc mặt nạ. Một người không quen hay một người quen? Tôi không thể nào biết. Vì vậy, tôi bỏ đi. Và kẻ đeo mặt nạ bắt đầu đi theo tôi. Tôi vội dừng bước và quay lại. Chiếc mặt nạ mỉm cười với tôi. Tôi nghĩ ai đó quen biết mình đang trêu đùa mình. “Người là ai? Có việc gì không?”, tôi cất tiếng hỏi. Chiếc mặt nạ không trả lời tôi, cái mặt không hề có một chút gợn đổi thay, chỉ cười và cũng không hề lúng túng hay bỏ đi. Tôi có vẻ cáu: “Thôi đừng đùa nữa, có chuyện gì thì nói đi”. Không trả lời, không nhún vai hay huơ tay. Chỉ mỉm cười. Tôi vừa khó chịu, vừa khó hiểu và vừa sờ sợ.

Tôi rảo bước thật nhanh và rẽ vào một lối ngõ. Kẻ đeo mặt nạ vẫn bám theo tôi với một khoảng cách chính xác không hề thay đổi. Trong khi đi như trốn chạy, tôi nhìn thấy một khoảng tối trong ngõ nhỏ và ẩn mình vào đó. Kẻ đeo mặt nạ bước từng bước từ tốn về phía tôi. Tôi nghĩ hắn sẽ không thể nào biết được tôi đang nấp trong khoảng tối đó. Nhưng khi bước chân hắn vừa đặt xuống ngang nơi tôi ẩn mình thì đột ngột hắn quay người đối diện với tôi. Tôi lạnh người vì kinh sợ. Tôi thở gấp và đầu buốt nhức vì máu không kịp nhồi lên não. Tôi thu mình lại. Tôi cảm thấy kiệt sức và tuyệt vọng khi nghĩ không còn lối thoát nào cho mình nữa.

Tôi từ từ nhắm mắt lại chờ một cái gì đó khủng khiếp xảy đến. Một mũi dao nhọn hoắt đâm xuyên ngực tôi chẳng hạn. Nhưng quanh tôi chỉ có sự im lặng như tất cả sự sống này đã chấm dứt từ lâu rồi. Sau một hồi nghĩ kẻ đeo mặt nạ đã bỏ đi, tôi hé mắt. Kẻ đeo mặt nạ vẫn đứng đó nhìn tôi. Đôi mắt toàn lòng đen và đôi môi đỏ chót mỉm cười làm tôi hoang mang tột độ bởi tôi không làm sao có thể xác định được cảm xúc của hắn và không biết hắn sẽ làm gì với tôi.

Tôi vùng bỏ chạy. Càng chạy tôi lại càng nghe tiếng chân của hắn vang lên ngay phía sau tôi đều đều như không để tôi chạy thoát, nhưng lại không gần hơn và cũng không xa hơn.

Tôi chạy vào phòng và đóng chặt cửa. Tim tôi đang đập bình thường trở lại. Khi yên trí cửa đã khóa chặt, tôi quay vào định nằm xuống giường nghỉ vì quá mệt mỏi và căng thẳng. Và… tôi kinh hoàng tưởng vỡ tim khi nhận ra kẻ đeo mặt nạ đang đứng ở góc phòng nhìn tôi từ lúc nào. Tại sao kẻ đeo mặt nạ lại vào được phòng tôi. Đôi mắt toàn lòng đen, đôi môi đỏ chót và chỉ mỉm cười.

Tôi nghĩ đêm tối sẽ giúp tôi xóa đi cái mặt nạ ấy. Nhưng cả những đêm tối đen nhất và tôi đã trùm chăn kín đầu thì kẻ đeo mặt nạ vẫn đứng trước tôi rõ như ban ngày. Đầu óc tôi bắt đầu có rối loạn và có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó mình sẽ phát điên. Giá kẻ đó tháo chiếc mặt nạ ra, tím hay đỏ mặt giận dữ và đe dọa tôi, hoặc kể cả rút một con dao chọc tiết lợn đâm tôi thì có lẽ tôi còn thấy dễ chịu hơn là một bộ mặt như thế.

- Ngươi là ai? Là ai? Là ai ? – Tôi gào lên.

Kẻ đeo mặt nạ không hề phản ứng gì, chỉ mỉm cười với đôi môi đỏ chót.

- Sao ngươi không bỏ cái mặt nạ ra? Ngươi sợ à? – Tôi lại gào to hơn.

Vẫn chỉ mỉm cười. Đôi môi đỏ chót bất động.

- Sẽ có ngày ta lột được cái mặt nạ của ngươi ra. Ta sẽ biết người là ai. Ta sẽ giết ngươi – Tôi rít lên.

Chẳng có gì làm kẻ đeo mặt nạ thay đổi sắc mặt. Vẫn đôi mắt toàn lòng đen như luôn luôn vô tư và như luôn luôn chẳng có ẩn ý gì, vẫn đôi môi đỏ chót và chỉ mỉm cười ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh.

Sau khi gào lên như thế, tôi chợt nhận ra tôi chẳng có lý do gì để tấn công hắn. Hắn đâu có tức giận với tôi, đâu có sỉ vả tôi, đâu có đe dọa tôi và đâu có mang vũ khí gì khi đi theo tôi và chưa lần nào hắn chạm vào tôi.

Nhưng tôi khao khát được biết cái mặt thật của hắn sau cái mặt nạ kia đến phát điên lên được. Bởi nếu không biết được sự thật sau cái mặt nạ kia một cách rõ ràng thì còn tồi tệ hơn tất cả.

Nhưng cuối cùng, tôi đã thực hiện được khao khát ấy. Tôi đã tiếp cận được kẻ đeo mặt nạ. Tôi chộp lấy cái mặt nạ của hắn để lật tung ra. Nhưng tôi kinh hãi hơn bao giờ hết khi nhận ra: Cái mặt nạ ấy đã dính liền vào da mặt hắn vì hắn đã đeo cái mặt nạ ấy quá lâu. Và ngay cả bây giờ, cho dù chính hắn muốn tháo cái mặt nạ ấy ra thì hắn cũng không thể nào tháo được.

.
.
.