“Nợ đọng” lòng tin

Thứ Sáu, 01/07/2016, 08:17
Chúng ta thường nghe Nhà nước đang tập trung giải quyết "nợ đọng", "nợ xấu" trong lĩnh vực ngân hàng, trong hoạt động của các doanh nghiệp, trong sử dụng quĩ công… Khoản nợ nào cũng quan trọng vì nó có liên quan đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó có một khoản nợ đọng thiết tưởng cũng cần phải hết sức quan tâm giải quyết, đó là nợ đọng về... lòng tin. Khoản nợ này cũng rất quan trọng liên quan đến vấn đề an sinh xã hội.


Mỗi ngày qua đi có bao nhiêu sự việc xảy ra. Xã hội càng phát triển, nhiều yêu cầu của cuộc sống đặt ra, lại thêm có nhiều tệ nạn, tiêu cực nảy sinh bám theo càng tăng thêm số lượng vụ việc, càng làm cho lòng dân thêm bức xúc. Đó là những vụ việc liên quan đến quyền lợi, đến cuộc sống hàng ngày của người dân, chẳng hạn như ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, chiếm dụng đất đai, chính sách xã hội…

Có những vụ việc xảy ra rất oái oăm cứ tưởng như ở xứ ta mới có, chẳng hạn người dân dùng tiền của mình mua nhà ở hẳn hoi thế mà lại bị dọa cắt điện cắt nước, thậm chí dọa đuổi đi, truy ra mới hay chủ đầu tư đã đem nhà của người dân bí mật đi thế chấp ngân hàng?

Hay như chuyện người dân hàng chục năm kêu cứu vì sống trong vùng bị ô nhiễm nặng mà chẳng có một hồi âm. Còn rất nhiều, rất nhiều vụ việc khác nữa. Mỗi vụ việc bị chìm xuống, qua đi để lại trong lòng người dân một nỗi niềm trăn trở, khiến cho món nợ lòng tin của chúng ta đối với người dân ngày một tăng hơn.

Gần đây do có sự ráo riết chỉ đạo của cấp trên nên có một số vụ việc đã được giải quyết nhanh chóng, khiến người dân phấn khởi. Tuy nhiên, kết quả đó còn quá khiêm tốn so với những gì mà thực tế đang đòi hỏi, những gì mà người dân đang nóng lòng. Tiếc rằng chưa có những thống kê để nói rõ chỉ số của loại nợ đọng này là bao nhiêu?

So với thế giới và khu vực là như thế nào? Chỉ biết có rất nhiều vụ việc người dân vẫn còn mỏi mắt trông chờ. Chỉ biết rằng trên các diễn đàn, trong các phát biểu các đồng chí lãnh đạo cũng đã từng cảnh báo lòng tin của người dân đã và đang có chiều hướng giảm sút, thậm chí có đồng chí còn thẳng thắn chỉ ra, nếu không chấn chỉnh thì chúng ta sẽ phải đối mặt với những nguy cơ mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn đẩy thuyền lên là do dân mà lật thuyền cũng là dân. Chúng ta phải thấm thía điều đó. Vô cảm với nợ đọng lòng tin chính là thiếu trách nhiệm với chính mình.

Chúng ta đã có nhiều phát biểu rất hay về xây dựng lòng tin. Về những việc cần làm để nâng cao lòng tin của người dân. Những phát biểu đầy tâm huyết, sâu sắc về ngôn từ. Nhưng có lẽ những phát biểu đó vẫn chưa đủ sức mạnh.

Có đại biểu Quốc hội đã từng bộc bạch rằng nghe quá nhiều những từ "đẩy mạnh" "tăng cường"… đến mức như là quá nhàm. Phải chăng chúng ta còn thiếu đi một sự đột phá xuyên suốt từ lời nói đến việc làm trong tiến trình giải quyết những vụ việc liên quan đến yêu cầu của người dân. Phải chăng có sự nể nang, bao che, có những yếu tố tiêu cực, lợi ích nhóm đang đan xen vào. Đó là nguyên nhân làm ùn tắc các vụ việc đáng ra cần phải được giải quyết nhanh chóng.

Với khẩu hiệu xây dựng một chính phủ liêm chính, minh bạch đang được Thủ tướng đề ra và khẩn trương triển khai làm cho chúng ta hi vọng về một giải pháp hữu hiệu để giải quyết nợ đọng về lòng tin đối với người dân. Phải có cơ chế rõ ràng để ràng buộc chặt về trách nhiệm, phải xây dựng ý thức tôn trọng lời hứa và phải làm đúng theo lời hứa. Phải luôn có thông tin với người dân về lời hứa của mình. Đây là một việc làm cần duy trì thường xuyên.

Khi mà người dân biết được người cán bộ đang làm theo lời hứa của mình thì dẫu cho kết quả vụ việc đến sớm hay muộn thì lòng tin của người dân càng được nâng lên. Không được hứa suông, không xem lời hứa là biện pháp xoa dịu. Phải coi lời hứa là mục tiêu hành động của mình. Có như thế thì chúng ta mới có hi vọng xóa nhanh nợ đọng về lòng tin.

Phạm Văn Thạch

.
.
.