Lòng tin chiến lược

Thứ Sáu, 17/10/2014, 09:28
Ngày 15/10, tại Viện Koerber (Đức), trước những chính khách, các nhà nghiên cứu hàng đầu của nước Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu về thách thức đối với hòa bình, an ninh, phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Đức trong tổng thể quan hệ Á - Âu. Bài phát biểu một lần nữa nhấn mạnh thông điệp “lòng tin chiến lược” - việc xác lập và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, nhất là những quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế.

Trong thông điệp của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập vấn đề an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khẳng định, khu vực này đang còn tồn tại nhiều vấn đề, nổi lên là diễn biến phức tạp của các điểm nóng như bán đảo Triều Tiên, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là ở Biển Đông và Biển Hoa Đông... Theo Thủ tướng, điều đáng lo ngại là “sự thiếu hụt lòng tin - nhân tố chủ yếu khiến cho hòa bình, ổn định ở đây chưa thực sự bền vững”. Nếu môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của châu Á - Thái Bình Dương bị xấu đi thì sẽ gây tác động rất tiêu cực và hệ lụy khôn lường đối với cả khu vực và toàn thế giới. Từ lý giải căn nguyên gây bất ổn ở khu vực là do “sự thiếu hụt lòng tin”, chìa khóa để giải quyết vấn đề này không gì khác cần có thiện chí và cộng đồng trách nhiệm của tất cả các nước.           

Mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, bên cạnh việc chăm lo lợi ích của riêng mình, đều phải quan tâm đến các vấn đề chung của thế giới và lợi ích chính đáng của các nước khác. Đối với vai trò, vị trí và trách nhiệm của Việt Nam, Thủ tướng khẳng định:“Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng hòa bình và phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình và thịnh vượng chung của cả khu vực. Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tập trung phát triển đất nước và cải thiện đời sống của người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề, các thách thức chung của khu vực và thế giới”.

Khái niệm “lòng tin chiến lược” giờ đây đã trở thành hạt nhân trong đích hướng đến của nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế, là tâm điểm ngoại giao của nhiều quốc gia. Khái niệm này được khởi xướng tại diễn đàn Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á (Shangri-La, Singapore năm 2013). Tại diễn đàn này, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra thông điệp “xây dựng lòng tin chiến lược”.

Để xây dựng lòng tin chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương. Phát biểu của Thủ tướng thể hiện rõ lập trường trong vấn đề hợp tác và giữ ổn định của khu vực. Vào tháng 9/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu với tiêu đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 diễn ra tại New York, Hoa Kỳ. Tại diễn đàn này, thông điệp về xây dựng “lòng tin chiến lược” được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu bật ở phạm vi toàn cầu. Điều đó khẳng định tinh thần trách nhiệm của Việt Nam muốn góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, đóng góp tích cực vào công việc chung của cộng đồng thế giới với hai trụ cột chính là hòa bình và phát triển. Cũng trong năm 2013, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 23, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những nhiệm vụ ưu tiên, quan điểm, định hướng liên quan đến 3 nội dung lớn là: Xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và định hướng Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau năm 2015; vai trò trung tâm và quan hệ đối ngoại của ASEAN; về các vấn đề quốc tế và khu vực.

"Lòng tin chiến lược" được hiểu là sự thực tâm và chân thành, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, bình đẳng giữa các thành viên và đối tác không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ. Nước nào cũng cần xây dựng lòng tin lẫn nhau và khi lòng tin ấy được vun đắp bền vững thì nâng mức lên tầm chiến lược. Lòng tin giữa các quốc gia là bình đẳng, tuy nhiên theo mối quan hệ logic thì sự ảnh hưởng, chi phối của những nước lớn đối với cục diện khu vực và thế giới ở mức cao hơn. Với Việt Nam, chúng ta ý thức sâu xa giá trị của lòng tin chiến lược đối với hòa bình, ổn định và phát triển nên đây là hạt nhân trong xây dựng quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã trở thành Đối tác Chiến lược của 13 quốc gia và Đối tác toàn diện của 11 nước, trong đó có tất cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và điều này còn tiếp tục được phát triển trong tương lai.

“Mất lòng tin là mất tất cả”, nhưng để có lòng tin và là lòng tin chiến lược thì đó là cả quá trình đòi hỏi sự thiện nguyện hướng tới của các quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu, trong đó hơn ai hết cần sự nhập cuộc của các quốc gia lớn. Hành trình đó hẳn còn những thách thức nhưng trong một “thế giới phẳng” của xu thế toàn cầu hóa, của những đối thoại và xung đột, bất ổn định tồn tại đan xen thì không gì khác, tất cả chỉ có thể được hóa giải trên cơ sở lòng tin và sâu xa hơn là lòng tin chiến lược, đặt lợi ích quốc gia trong quan hệ hài hòa với lợi ích toàn cục và tuân thủ luật pháp quốc tế

Đăng Minh
.
.
.