Hơi thở nhẹ trong “Bức tranh tình” của Nguyễn Trọng Tạo

Thứ Hai, 28/08/2017, 08:00
Có những tình yêu đi vào huyền thoại với những cảm xúc mãnh liệt nồng nàn. Có những người đàn bà đi vào trong tranh không đẹp dáng đẹp hình mà bằng làn hương quyến rũ, hơi thở nhẹ nhàng. Có những bức tượng đá trở thành huyền thoại bởi đó là Tình yêu cuộc sống. Nếu Nguyễn Trọng Tạo không phải là hoạ sỹ, không bao giờ viết được một “Bức tranh tình” hoà quyện giữa thơ và hoạ như thế này.


Không vẽ mắt không vẽ môi không vẽ dáng hình
tôi vẽ hơi thở em thơm tho lộc biếc
căng cứng vú đồi và chiếc gương trời
ai vừa đánh rơi xuống mặt hồ trong vắt
Không vẽ trái tim em không vẽ trái tim anh
tôi vẽ cây Bạch Nhân thân trần cắm chân vào trái đất
cành vươn tay ghì riết mùa xanh
tôi vẽ mong manh mảnh trăng giêng
hằn dấu môi non ai vừa cắn vào da trời sung sướng
Không vẽ người đàn bà hồi xuân
tôi vẽ mùa xuân vĩnh hằng trên toan trắng
em!
bức tranh tình không năm tháng
em!
mùa xuân chiếm hữu sắc màu tôi

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Mở cuốn “Thế giới không còn Trăng” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ký tặng, bài thơ đầu tiên đập vào mắt tôi là “Bức tranh tình”:

không vẽ mắt không vẽ môi không vẽ dáng hình
tôi vẽ hơi thở em thơm tho lộc biếc

Có lần tôi viết:

Ta nợ nhau một mùi hương quyến rũ
Một vòng tay khi đưa đón nhau về

Tự dưng tôi bắt gặp một Nguyễn Trọng Tạo cũng chìm đắm trong mùi hương như tôi ngày ấy. Đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai, thế mà người hoạ sỹ già này nhớ người tình của mình bằng “hơi thở em thơm tho lộc biếc”. Tôi vẫn thường tâm tưởng rằng, hơi thở của một con người cho biết anh ta là ai, là người lịch lãm thanh tao hay kẻ vũ phu, bần hàn.

Tôi nhớ đến truyện ngắn “Hơi thở nhẹ” của nhà văn Nga Bunhin, không biết nhà thơ yêu văn hoá Nga này có bị ảnh hưởng của nó khi viết bài thơ này? Khi xa nhau người ta thường nói đến môi hôn, đến những đường cong nhục dục cơ thể của người mình yêu. Ít người nói đến hơi thở thơm tho và chính điều lạ lùng đó đã đưa tôi vào một bức tranh tình tuyệt diệu, một bức tranh chỉ có hoa thơm cỏ lạ, cái xứ sở của ảo giác, của một tình yêu lâng lâng cảm xúc mà không vương vấn chút nhục cảm nào: “tôi vẽ mong manh mảnh trăng nghiêng/ hằn dấu môi non ai vừa cắn vào da trời sung sướng”.

Thật khó có ai nói rằng tình yêu chỉ là cảm xúc mà không có những phút giây hoà quyện vào nhau để đam mê nhau đến tận cùng. Nhưng cái đam mê trong bài thơ này  của Nguyễn Trọng Tạo cũng rất thánh thiện, nhẹ nhàng mà không kém phần cuồng nhiệt. Điều này tôi đọc nhiều ở thơ nước ngoài hơn ở thơ Việt Nam khi người ta luôn né tránh những điều mình muốn nhưng không dám thừa nhận. Tôi không phải là người theo trường phái thơ sex, nhưng tôi cho rằng tình dục là tình yêu ở điểm thăng hoa nhất, khi mà những giá trị cảm xúc và thân thể tan vào nhau đến tận cùng cùng yêu. “Bức tranh tình” của anh Tạo cũng vậy, nó dắt ta đi từ cảm xúc đến sự hiến dâng ngọt ngào sung sướng.

Không vẽ người đàn bà hồi xuân
tôi vẽ mùa xuân vĩnh hằng trên toan trắng
em!
bức tranh tình không năm tháng
em!
mùa xuân chiếm hữu sắc màu tôi

Người ta bảo người đàn bà hồi xuân là người đàn bà đẹp nhất khi tất cả những vẻ đẹp tâm hồn và thể xác là đàn bà nhất. Người đàn bà hồi xuân cảm nhận được tình yêu của người đàn ông với sự hưởng thụ cao nhất có thể, biến anh ta thành người đàn ông thực thụ. Đó là tình yêu, đó là mùa xuân vĩnh hằng, để rồi năm tháng dù qua đi, để tình yêu ở lại và mãi còn trên toan trắng tinh khôi.

Có những tình yêu đi vào huyền thoại với những cảm xúc mãnh liệt nồng nàn. Có những người đàn bà đi vào trong tranh không đẹp dáng đẹp hình mà bằng làn hương quyến rũ, hơi thở nhẹ nhàng. Có những bức tượng đá trở thành huyền thoại bởi đó là Tình yêu cuộc sống. Nếu Nguyễn Trọng Tạo không phải là hoạ sỹ, không bao giờ viết được một “Bức tranh tình” hoà quyện giữa thơ và hoạ như thế này.

Tôi đã đọc bài thơ trong một buổi chiều trước ngày giông bão để thấy lòng mình dịu lại. Để mùi hương ngày đó lan toả trong tôi và tôi biết rằng đó là một cảm xúc không bao giờ nhạt phai, cho đến khi ánh sáng cuối cùng trong mắt tôi đã tắt. Tôi cũng là một người đàn bà sống trên đời để yêu và được yêu thương, rằng mỗi chúng ta sẽ vẽ lên những bức tranh tình của riêng mình hay nhất. Tôi không có ý định bình bài thơ này vì thơ hay không cần có lời bình. Người bình công minh và hay nhất đó là thời gian và độc giả, nhưng tôi vẫn muốn ghi lại cảm xúc ùa đến khi đọc bài thơ.

Bài thơ cho người tình của anh, cho những người đàn bà đang yêu và được yêu đầy khao khát. Bài thơ cho những cảm xúc ngọt ngào và niềm đam mê bất tận. Bài thơ cho những người đàn bà hồi xuân, một bức tranh tình của tình yêu vĩnh hằng.

Nguyệt Vũ (bình)
.
.
.