Bao lâu cho một tác phẩm?

Thứ Bảy, 07/12/2019, 07:46
Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ tò mò về thời gian viết một tác phẩm văn học. Ví dụ một cuốn tiểu thuyết được viết trong bao nhiêu thời gian. Và tôi chắc rằng nhiều người sẽ bất ngờ khi được nghe những câu trả lời... thành thật.


Câu trả lời thành thật là gì, đó là khi người viết tiết lộ thời gian thực sự để viết xong một tác phẩm và trước hết hãy xem một ví dụ điển hình với nhà văn Mạc Ngôn. Mạc Ngôn viết “Báu vật của đời” chỉ trong ba tháng. Để bạn đọc dễ hình dung tôi xin dẫn những con số cụ thể.

“Báu vật của đời” là một trong những cuốn trường thiên tiểu thuyết lớn nhất của Mạc Ngôn, gồm hơn năm trăm ngàn Hán tự, khi được dịch ra tiếng Việt, in ở khổ chữ nhỏ  chi chít, cuốn sách dày tới 800 trang, tương đương “Cái trống thiếc” của Gunter Grass hoặc “Linh Sơn” của Cao Hành Kiện.

Bìa tác phẩm “Báu vật của đời” của Mạc ngôn. 

Cuốn sách của Mạc Ngôn rất kì vĩ, nhiều nhân vật, nhiều tình tiết và được đánh giá là cuốn sách xuất sắc nhất của Mạc Ngôn. Vậy mà nhà văn viết nó chỉ trong ba tháng, một kỉ lục khó xô đổ với từng ấy dung lượng. Tất nhiên Mạc Ngôn còn dành thêm một vài tháng nữa để sửa chữa, hoàn thiện cuốn sách nhưng những điểm căn bản nhất được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn, sự sửa chữa chỉ để trau chuốt, làm cho tác phẩm đẹp hơn.

Cũng vì lao động cật lực, gấp rút, trong ba tháng ấy Mạc Ngôn hầu như không ra khỏi cửa, chỉ ăn ngủ và viết. Khi viết xong “Báu vật của đời” ông đã tăng lên mười cân!

Nói như thế nhưng quá trình ấp ủ cho cuốn sách không hề ngắn, Mạc Ngôn viết “Báu vật của đời” trong ba tháng nhưng ông đã ấp ủ nó trong mười năm trời. Mạc Ngôn điển hình cho những nhà văn viết nhanh, năng suất lao động cao. Ngoài “Báu vật của đời” thì cuốn “Cao lương đỏ” ông cũng chỉ mất một tuần để hoàn thành! Điều đó lí giải tại sao Mạc Ngôn có hàng trăm tác phẩm, có năm xuất bản gần chục cuốn sách đủ các thể loại.

Một tác phẩm lừng danh của nhà văn Thổ Nhĩ Kì Orhan Pamuk “Tên tôi là đỏ” được viết trong vòng hai năm. Đây cũng là một cuốn tiểu thuyết với sáu trăm trang khổ lớn, rất phức tạp và tỉ mỉ. Orhan Pamuk viết sách trong hai năm nhưng ông đã dành tám năm để nghiên cứu tài liệu và tìm hiểu về lịch sử tiểu hoạ Thổ Nhĩ Kì. Nhờ thời gian nghiên cứu lâu như vậy, hai năm để viết cho một cuốn cỡ “Tên tôi là đỏ” cũng có thể nói là hiệu suất cao.

Nhưng cũng cần rạch ròi, không phải cứ thời gian nghiên cứu thật lâu, viết thật chậm thì tác phẩm đạt đến độ hoàn mĩ. Thực tế không phải bao giờ cũng đúng như vậy. Nhà thơ lớn người Anh Tes Hughes kể rằng những tác phẩm ông hài lòng nhất là những tác phẩm được viết trong thời gian nhanh nhất. Những tác phẩm viết trong thời gian dài và sửa chữa nhiều ít khi khiến ông hài lòng. Nhà văn Raymond Carver người Mỹ chuyên viết truyện ngắn cũng chung nhận định với Tes Huhges khi ông có những truyện rất ngắn mà sửa chữa mấy năm ròng cũng chưa thấy hài lòng.

Cùng chung quan điểm này, một nhà phê bình bạn tôi, người chuyên nghiên cứu về văn bản và tiểu sử nhà văn cũng cho rằng những tác phẩm viết trong thời gian quá dài và sửa chữa quá nhiều thường không thành công như mong đợi, anh rút ra kết luận này từ những nghiên cứu thực tế của anh trên văn bản và đối chiếu với thời gian tác giả thực hiện công việc.

Tôi sẽ dừng lâu hơn ở điểm này. Tại sao một tác phẩm viết trong thời gian dài và sửa chữa nhiều chưa chắc đã thành công? Vấn đề nằm ở cảm xúc và tư duy. Trước hết cần phân biệt thời gian chuẩn bị và thời gian thực viết. Nếu thời gian chuẩn bị càng dài, kĩ lưỡng, công phu, tư liệu và cảm xúc chín muồi thì quá trình viết rất nhanh.

Bìa tác phẩm “Cơ hội của chúa” của Nguyễn Việt Hà.

Mạc Ngôn viết “Báu vật của đời” nhanh như thế vì ý tưởng viết một cuốn sách tri ân về người mẹ đã hình thành trong ông rất lâu, ông không ngừng bồi đắp những ý tưởng  về nó. Khi cảm xúc và năng lượng đã tràn đầy và đến đúng thời điểm thì ông bắt tay vào viết.

Đối với Orhan Pamuk với “Tên tôi là đỏ” có lẽ cũng tương tự. Nhưng ở chiều ngược lại, khi người viết chưa chuẩn bị kĩ lưỡng, đặc biệt với những thể loại mang tính dài hơn và đòi hỏi trường sức như tiểu thuyết thì sự viết sẽ rất chậm và khó khăn. Người viết sẽ lần dò từng bước, vừa viết vừa tìm tòi, suy nghĩ thì năng suất khó mà cao được.

Hơn nữa, khi quá trình viết quá dài hoặc gián đoạn vì thiếu ý tưởng hoặc thiếu thời gian thì mạch cảm xúc rất dễ bị mất đi. Những tác phẩm được tạo ra từ quá trình không đồng nhất này, nhược điểm dễ nhận thấy là mạch cảm xúc không đều hoặc bị gián đoạn, càng về sau càng đuối, ít sự liên kết hoặc liên kết gượng gạo. Những tác phẩm bị sửa chữa quá nhiều cũng thế, sự sửa chữa lớn có thể làm tác phẩm mất đi hình dáng ban đầu cùng với những bố cục, tình cảm dành cho nó. Sự uốn nắn và can thiệp quá nhiều khiến tác phẩm thiếu tính tự nhiên, khiên cưỡng, ít độ “phiêu” hoặc rất trúc trắc.

Tất nhiên sự viết nhanh hay chậm với mỗi tác phẩm còn tuỳ thuộc vào năng lực và sở trường của mỗi người, không ai giống ai. Cũng không thể nói viết nhanh là dở, viết chậm là hay và ngược lại. Có những người mỗi ngày chỉ nhúc nhắc được vài dòng, người khác thì viết được cả chục trang. Và có thể cùng một con người ấy, ở mỗi thời điểm, tốc độ viết cũng thay đổi. Thông thường các nhà văn thường viết nhanh trong khi họ còn trẻ hoặc giai đoạn mới viết, càng có tuổi và có kinh nghiệm họ thường viết chậm dần.

Tại sao lại có sự mâu thuẫn này, chẳng phải càng có kinh nghiệm người ta càng viết dễ hơn sao? Không. Trong sáng tạo nghệ thuật, kinh nghiệm chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, điều quan trọng hơn là cảm xúc và năng lượng. Ở thời tuổi trẻ, người viết có nhiều cảm xúc, năng lượng tràn trề, hứng khởi mạnh mẽ, họ có thể viết nhanh, đặc biệt với thể loại “lao động nặng” là tiểu thuyết.

Càng có tuổi, cảm xúc và sức lực giảm đi và đôi khi chính sự tích luỹ kinh nghiệm lại ngăn cản người ta viết nhanh, viết khó hơn vì càng viết càng thấy sợ, ít dám phóng bút như hồi trẻ. Nhà văn Kazuo Ishiguro, người đoạt giải Nobel năm 2017 đã phát biểu rằng, đa số các kiệt tác được các nhà văn tạo ra trước tuổi bốn mươi, sau quãng thời gian đó, rất ít những tác phẩm lớn được sinh ra. Và nhận định này không phải không có lí nếu ta xem tiểu sử các nhà văn và thời điểm những tác phẩm lớn được ra đời.

Bìa tác phẩm “Faust” của Goethe

Quay trở lại với vấn để ở đầu bài là có phải khi nào nhà văn cũng tiết lộ thời gian thực sự viết một tác phẩm cụ thể. Rất nhiều người tránh né vấn đề này hoặc trả lời theo một hướng khác. Hướng khác là người ta thường có xu hướng “khai tăng” thời gian viết thực tế. Vì sao lại như vậy, tôi nghĩ đa số người viết đều nghĩ rằng nếu bạn đọc biết được tác phẩm viết trong thời gian dài, họ sẽ có cảm tình và trân trọng hơn. Đó là một thực tế, vì cơ bản trong tiềm thức độc giả ai cũng nghĩ rằng, viết chậm sẽ hay hơn viết nhanh và viết văn đâu có dễ như thế!

Chính nhà văn Ma Văn Kháng đã tiết lộ chuyện này trong một bài viết của ông. Nhà văn kể rằng thời gian ông viết thực tế ngắn hơn thời gian ông ghi trong sách vì không muốn độc giả có cảm giác rằng ông viết quá nhanh, quá dễ. Đó có lẽ cũng là tâm lí hầu hết của người viết vì lí do kể trên. Nhưng sự thực, nhanh hay chậm không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng sản phẩm mà quan trọng nhất là tài năng, cảm xúc và năng lượng của người viết.

Văn chương Việt cũng chứng kiến những cuốn sách được viết trong thời gian khá dài, bộ “Cửa biển” của Nguyên Hồng viết trong hơn chục năm nhưng liệu nó có phải là những tác phẩm đáng kể nhất của ông? Không phải, những tác phẩm khiến người ta nhớ đến Nguyên Hồng nhiều hơn là “Những ngày thơ ấu”, “Bỉ Vỏ” mà tôi cho rằng với những tác phẩm này nhà văn viết khá nhanh.

Cho nên, sự đánh giá thời gian với chất lượng tác phẩm chỉ ở một mức tương đối. Nguyễn Việt Hà viết “Cơ hội của Chúa” trong gần mười năm, những cuốn sau, như “Khải huyền muộn” nhà văn trong viết trong bảy năm nhưng điều đặc biệt là dường như càng về sau, tốc độ viết của nhà văn càng nhanh hơn. Sau “Ba ngôi của người” Nguyễn Việt Hà cho ra mắt “Thị dân tiểu thuyết” với một thời gian ngắn hơn nhiều so với những cuốn ở giai đoạn trước.

Sự nhiều hay ít thời gian dành cho một tác phẩm đôi khi cũng chỉ mang tính cơ học, điều quan trọng nhất là sự dồn nén, ý tưởng và sự tập trung. Sự viết có khi dồn tụ một quãng cao độ để bung và bật trào cảm xúc hoặc đôi khi có sự dềnh dang cho những câu văn, câu chuyện chín dần. Goethe viết “Faust” trong gần bốn mươi năm và trở thành kinh điển, “Báu vật của đời” của Mạc Ngôn viết trong ba tháng cũng không hề là cuốn nhỏ.

Nhanh hay chậm đó đều là sự lao động nghiêm túc và hết mình. Mỗi con chữ viết ra đều đọng tụ những tình cảm, suy nghĩ, trăn trở của người viết. Sự nhanh hay chậm phụ thuộc vào người viết nhưng khi đứa con tinh thần ra đời thì người đọc chỉ quan tâm đến những gì tinh hoa nhất, cả quá trình vất vả cùng thời gian đằng đẵng để lại phía sau, đó vừa là vinh quang, vừa là thách thức của người viết.

Uông Triều
.
.
.