Ảo giá cátsê

Thứ Năm, 01/08/2019, 08:04
Một nhà sản xuất đã cố mọi cách bằng được để có được một ngôi sao lớn trên ghế giám khảo và chỉ khi cuộc đua giá lên tới con số gần 500 triệu cho một số phát sóng, nhà sản xuất mới đành buông tay khi không còn chịu nổi nhiệt...


Nhạc sỹ Lê Quang tổ chức một chương trình ca nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã phải thảng thốt kêu trời khi nhận được báo giá cátsê của một nam ca sỹ danh tiếng.

Đã lâu không tham gia tổ chức, biên tập, dàn dựng chương trình, người nhạc sỹ gạo cội này nghĩ rằng thù lao nghệ sỹ nếu có biến động thì cũng chỉ phần nào so với cách nay vài năm. Vậy mà khi trình bày với nam ca sỹ kia về nội dung chương trình, đặc biệt nhấn mạnh đây là chương trình bán vé đơn thuần chứ không phải làm phục vụ nhãn hàng cụ thể nào, ông ngã ngửa khi nhận được mức giá "khô khốc": 25 ngàn USD (chưa kể thuế) cho một phần trình diễn chỉ 3 ca khúc.

Được biết, đó là một ca sỹ thành danh, được xem là một trong những người làm nghề rất nghiêm túc, tâm huyết và có lượng khán giả thuộc hàng "sang trọng, chịu chi tiền mua vé". Nhưng mức cátsê ngất ngưởng lên tới hơn 500 triệu chỉ cho 3 bài hát thì kinh khủng quá.

Song, nam ca sỹ ấy không "cô đơn" trong "hành trình" báo giá trên trời. Hiện nay, thù lao cho ca sỹ trong các chương trình ca nhạc có bán vé lẫn các sự kiện có sự xuất hiện của nhãn hàng là rất cao. Để có thể có được sự xuất hiện của một ngôi sao hạng A, nhà tổ chức chắc chắn sẽ không thể nào không chi ra tối thiểu một khoản 250 triệu đồng, chưa kể phần tạm khấu trừ thuế thu nhập.

Và mức giá này, nếu so sánh với các nghệ sỹ quốc tế, chúng ta chắc chắn sẽ thấy rất phi lý. Tất nhiên, sự so sánh này là đối chiếu với những nghệ sỹ quốc tế không phải diện hạng A hay B toàn cầu và cũng nên nhớ, sao hạng A ở Việt Nam thì tên tuổi trên trường quốc tế nhiều khi cũng thực sự vô cùng khiêm tốn, nếu không nói nhiều khi là vô danh.

Gần đây nhất, khi Sơn Tùng M-TP ra mắt bản ghi âm và MV "Hãy trao cho anh" với sự xuất hiện của rapper hạng A toàn cầu Snoop Dogg, nhiều người đồn đoán rằng chắc chắn nhà sản xuất sẽ phải chi tới tiền tỷ, thậm chí có ý kiến cá biệt còn nói tới con số chục tỷ.

Nhưng thực chất, thù lao mà Snoop Dogg nhận về chỉ ở mức 40 ngàn USD. Trong khi đó, tên tuổi Snoop Dogg đã là một thương hiệu thực sự và nếu so sánh thương hiệu toàn cầu của anh với nam ca sỹ đã báo giá 25 ngàn USD cho nhạc sỹ Lê Quang, chúng ta sẽ thấy rõ cách định giá của ca sỹ Việt Nam rất phi thực tế, nhất là khi điều kiện sống, thu nhập ở Việt Nam so với Bắc Mỹ là thua xa.

Dĩ nhiên, việc Snoop Dogg nhận lời tham gia cùng Sơn Tùng M-TP không hẳn chỉ vì thù lao. Lý do có thể đến từ việc chính Sơn Tùng M-TP đã hấp dẫn Snoop Dogg bởi khả năng đạt lượt nghe, xem khủng khiếp thế nào và hơn nữa, cũng không thể loại trừ sự can thiệp từ chính nhãn hàng Oppo.

Có một đơn vị đang ấp ủ thực hiện một festival âm nhạc thường niên vào cuối năm nay. Và trong danh sách khách mời của họ có 2 nghệ sỹ quốc tế: 1 nghệ sỹ tên tuổi tầm cỡ toàn cầu và 1 nghệ sỹ indie người Anh. Tổng thù lao mà hai nghệ sỹ kia báo giá chưa bằng một phần năm những gì Sơn Tùng M-TP nhận được cho 3 buổi trình diễn trong "Sky Tour 2019". Vậy thì đến lúc này, kết luận rằng đang thực sự tồn tại cái gọi là "ảo giá cátsê" ở Việt Nam có hoàn toàn đúng?

Nhưng điều đáng nói nhất ở hiện tượng ảo giá này chính là sự thoả hiệp của những nhà tổ chức. Để giành được hợp đồng với nhãn hàng, nhà tổ chức sẵn sàng "dồn lực" cho một ca sỹ hạng A và cắt, bóp lại chi phí ở các hạng mục khác. Chính cuộc đua giá này là cái cớ, là cái đà để các ca sỹ hạng A cho rằng "mình được cái quyền báo ra một cái giá như thế".

Trong khi đó, những nhà sản xuất vốn dĩ thiếu tự tin với suy nghĩ chỉ có mỗi ngôi sao lớn mới có thể mang lại sức hút cho chương trình (thay vì đầu tư vào chất lượng nội dung) lại càng tạo đà "hưng phấn báo giá" hơn cho nghệ sỹ. Đơn cử như ở một TV show sắp tới phát sóng chẳng hạn.

Một nhà sản xuất đã cố mọi cách bằng được để có được một ngôi sao lớn trên ghế giám khảo và chỉ khi cuộc đua giá lên tới con số gần 500 triệu cho một số phát sóng, nhà sản xuất mới đành buông tay khi không còn chịu nổi nhiệt. Nhưng sau khi buông tay, họ vẫn giữ sự thiếu tự tin kia khi tiếp tục săn lùng ngôi sao mà quên mất rằng thực chất với nội dung mới lạ của mình, họ chỉ cần một giám khảo có trí tuệ, hoạt ngôn và duyên dáng là đủ rồi.

Suy cho cùng, để báo một cái giá ngất ngưởng như vậy, ca sỹ luôn có lợi. Họ tính toán thà một tháng hát 2 sự kiện với giá trên trời còn hơn là tuần nào cũng phải đi "cày" như ngày xưa với một mức cátsê được coi là dễ thương. Còn phía nhà sản xuất, kêu than thì vẫn kêu than nhưng cuối cùng vẫn quay về với con đường thoả hiệp để mức cátsê đã ảo ngày lại càng ảo hơn.

Văn Đoàn
.
.
.