Vẫn còn nhiều người bị sập bẫy khi vay tiền qua App

Thứ Bảy, 03/08/2024, 08:37

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, thời gian qua, các đối tượng cho vay tín dụng đen đã lập ra các website, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, các App (ứng dụng) cho vay tiền trên không gian mạng để tiếp cận người vay và cho vay với lãi suất “cắt cổ”, gây ra nhiều hệ lụy, gây mất an ninh trật tự. Mặc dù cơ quan chức năng liên tục truy quét nhưng hành vi cho vay tiền qua mạng vẫn có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Gần đây, các đối tượng lợi dụng không gian mạng lập ra các nhóm cho vay tiền nhanh ở miền Trung nói chung cũng như cho vay tiền ở Huế và đăng tải các bài viết với những nội dung: “Hỗ trợ vay tiền giải ngân trong vòng 15 phút, hỗ trợ cả nợ xấu, cam kết bảo mật thông tin 100%”; “Đang vay nhiều ngân hàng vẫn vay tiếp được”; “Hỗ trợ mở ví TNex nhận tiền liền”...

Vẫn còn nhiều người bị sập bẫy khi vay tiền qua App -0
Cơ quan Công an đọc lệnh bắt giữ Lương Hoàng Nhật Nam.

Nhiều người dân khi tiếp cận thấy thủ tục cho vay đơn giản, chỉ cần thao tác đăng ký trên điện thoại và nhận tiền ngay qua tài khoản nên đã đăng ký vay. Trong khi đó, người vay không hề biết các ứng dụng này có tính năng thu thập dữ liệu thông tin chuyển danh bạ người vay về máy chủ.

Nhiều trường hợp khi mất khả năng trả nợ đã bị các đối tượng này gọi điện đe dọa, gọi đến bạn bè, người thân để thông báo, ghép ảnh người vay với hình phản cảm, thông tin sai sự thật rồi đăng lên mạng xã hội để đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây áp lực, buộc người vay phải trả nợ với lãi suất “cắt cổ”…

Thực tế thời gian qua, nhiều người khi vay tiền qua các trang mạng xã hội, qua App dù được thông báo là lãi suất thấp nhưng họ đã phải chịu lãi suất cao ngất ngưởng dao động từ hơn 200 đến khoảng 500%/năm, nhiều người vay đã phải đối mặt với tình trạng nợ nần chồng chất và khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn, bị các đối tượng gây áp lực trả nợ bằng những hành vi uy hiếp, khủng bố.

N.Đ.L (trú tỉnh Thừa Thiên Huế, làm việc tại một công ty xây dựng) với mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng nhưng do sa đà vào đánh bạc trên mạng nên làm được bao nhiêu tiền đều “đội nón” ra đi và phải vay tiền qua App để thỏa niềm đam mê của mình. App đầu tiên, L vay được 11 triệu đồng, thời hạn trả nợ từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, đến thời hạn không có tiền để trả nên L đành vay qua App khác để vừa có tiền trả nợ dần dần vừa có tiền đánh bạc. Và, chỉ trong thời gian ngắn, L vay nợ cùng lúc của 9 App với số tiền khoảng 115 triệu đồng.

Trong đó, App vay cao nhất là 11 triệu đồng, App vay thấp nhất là 3,5 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, số tiền các App buộc L phải trả lên đến gần 400 triệu đồng. Lúc này, L không thể xoay xở để trả nợ nên bị các đối tượng liên tục nhắn tin đe dọa, khủng bố, không dám đến công trường để làm việc. Thấy con ở nhà nhiều ngày không đi làm, bố mẹ L hỏi chuyện thì L mới kể ra toàn bộ sự việc. Không có tiền, bố mẹ L đành cầm sổ đỏ đất đến 1 ngân hàng để thế chấp vay tiền hàng trăm triệu đồng để về trang trải nợ nần cho con… 

Tại Thừa Thiên Huế, trong 7 tháng đầu năm 2024, cơ quan Công an đã triệt phá nhiều đường dây cho vay lãi nặng. Điển hình là triệt phá đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với tên gọi “hộ kinh doanh DNM” do Lương Hoàng Nhật Nam và Huỳnh Văn Trường Phát (cùng SN 1996, trú tại TP Huế) chủ mưu. Các đối tượng trong đường dây này đã thực hiện hơn 2.000 hợp đồng vay với số tiền lên đến 35 tỷ đồng, lãi suất 109,5% - 420%/năm, thu lợi bất chính trên 7 tỷ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, Nam và Phát đăng quảng cáo hoạt động cho vay trên mạng xã hội Facebook với nội dung: lãi suất thấp, giải ngân nhanh, không cần thẩm định, vay với hạn mức tối đa, hỗ trợ nợ xấu… với tiền lãi cho vay từ 3.000 - 11.500 đồng/triệu/ngày. Để thực hiện hành vi, các đối tượng đã sử dụng phần mềm Mecash quản lý các hợp đồng cho vay tiền cũng như tính toán lãi suất, nhắc nợ. Các đối tượng còn dùng thủ đoạn chia nhỏ lãi suất vay bằng 2 hợp đồng và phân chia tiền lãi thành nhiều khoản phí khác nhau để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Chị P.T.H. (trú tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, do cần tiền làm ăn nên chị được bạn bè giới thiệu và thông qua mạng xã hội nên biết đến “hộ kinh doanh DNM”. Sau khi được tư vấn, thấy thủ tục đơn giản nên chị H mang cavet xe SH BKS 75D1-456... của mình đến thế chấp để vay tiền. Sau khi nghe tư vấn, chị H. quyết định vay 30 triệu đồng, với lãi suất 105 nghìn đồng/ngày/30 triệu đồng.

Khi hoàn thành xong thủ tục, chị H được Phát yêu cầu ký vào 2 hợp đồng. Sau đó, chị H được giải ngân số tiền 26,9 triệu đồng (do phải cắt lãi và các loại phí của 30 ngày) và lái xe ra về; còn cavet xe các đối tượng cho vay giữ lại. Theo thỏa thuận, chị H đóng lãi theo chu kỳ 10 ngày hoặc 20 ngày thông qua tài khoản ngân hàng mang tên “hộ kinh doanh DNM”.

Tổng số tiền lãi chị H đã đóng là 35,7 triệu đồng. Ngoài ra, chị H. cho biết có một lần quá hạn chưa trả kịp nên các đối tượng đã theo dõi vị trí xe của chị và tìm về tận nhà chị gái của chị H ở xã Hương Phong (TP Huế) để đòi siết xe. Sau khi được Công an xã Hương Phong giải thích và người nhà giúp trả nợ toàn bộ số tiền gốc và lãi còn lại thì nhóm đối tượng đòi nợ của “hộ kinh doanh DNM” mới đồng ý và tháo định vị khỏi xe.

Theo TAND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm 2023 đến nay, TAND 2 cấp của tỉnh đưa ra xét xử hàng chục vụ án về “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Với chiêu thức cho vay không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, đơn giản, chỉ cần giấy phép lái xe hoặc chứng minh nhân dân đã làm cho nhiều người dân rơi vào bẫy “tín dụng đen” với mức lãi suất cao, cùng nhiều ràng buộc bất lợi, các khoản phạt cao khi nộp lãi chậm làm nhiều người dân lâm vào cảnh tán gia, bại sản…

Trước thực trạng trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các hoạt động cho vay trên không gian mạng. Khi cần nguồn vốn làm ăn, kinh doanh, người vay nên liên hệ các tổ chức tài chính được Nhà nước cấp phép hoạt động, các ngân hàng để được vay với lãi suất phù hợp theo quy định. Và tuyệt đối không nên vay tiền qua các website cho vay tiền, các hội nhóm cho vay tiền trên các trang mạng xã hội, vay tiền qua App…

Cơ quan Công an cũng đề nghị người dân khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây có biểu hiện bất hợp pháp liên quan đến việc cho vay qua App, các trang mạng xã hội thì cần kịp thời trình báo, tố giác ngay với Công an địa phương để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Hải Lan
.
.
.