Sự thật bất ngờ sau những lời cầu cứu của các nữ tiếp viên

Thứ Sáu, 23/12/2022, 08:52

Thủ đoạn chung của bán băng nhóm lừa các cô gái trẻ là tạo nhiều tài khoản facebook, zalo và đăng thông tin trên các trang mạng để tuyển nhân viên làm việc cho các nhà hàng, karaoke, massage, cà phê với mức lương khá hấp dẫn.

Sau khi trao đổi, nếu thấy nạn nhân có thiện ý các đối tượng này xin hình ảnh cùng thông tin về tuổi tác, chiều cao, cân nặng, số đo các vòng rồi gửi thông tin cho các chủ cơ sở kinh doanh tệ nạn để đặt hàng, thỏa thuận giá tùy theo tuổi tác và nhan sắc.

Sau khi giao kèo xong, chúng sẽ hẹn gặp các cô gái và ru ngủ bằng viễn cảnh màu hồng, đó là công việc nhẹ nhàng, chỉ cần ngồi chơi với khách sẽ kiếm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nghe bùi tai nên rất ít nạn nhân từ chối và chấp nhận trả phí môi giới theo thỏa thuận. 

Sự thật bất ngờ sau những lời cầu cứu của các nữ tiếp viên -0
Cán bộ Công an TX Bến Cát làm việc với anh N.V.L., người báo tin giả.

Về phía các chủ cơ sở, sau khi tạm ứng tiền cho các nạn nhân để trả cho môi giới sẽ buộc các em làm giấy mượn nợ rồi thu giấy tờ tùy thân và biến họ thanh “nô lệ” của mình. Qua thời gian theo dõi, nếu như em nào chấp nhận làm việc, ngoan ngoãn nghe lời thì người chủ sẽ thả lỏng hơn, ngược lại sẽ bị giam cầm, đánh đập hoặc mang bán lại cho các cơ sở khác.

Một điều tra viên Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết, qua điều tra, xác minh từ nhiều vụ lừa bán người vào các cơ sở massage, karaoke cho thấy có người là nạn nhân thực thụ nhưng cũng không ít các cô gái trẻ tự nguyện, chủ động xin vào các cơ sở này. Sau đó, vì nhiều lý do họ muốn rời đi nhưng không thực hiện được nên đã gọi điện, nhắn tin qua các trang zalo tiếp nhận thông tin phản ánh của cơ quan Công an để cầu cứu, nhờ giải thoát.

Điển hình như trường hợp của em Đ.T.X., 19 tuổi, quê tỉnh Gia Lai. Em cầu cứu Công an và cho biết từ quê vào Bình Dương để đi làm công nhân. Một tối em đang đi dạo chơi trên đường thì bị 1 người đàn ông xăm kín hai tay bắt cóc và bán vào điểm karaoke. Tại đây em bị bắt viết giấy mượn nợ, bị đánh đập, bị ép làm việc quá sức.

Từ địa chỉ mà cô gái cung cấp, Công an đã tìm ra một quán karaoke ở huyện Dầu Tiếng. Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy, sau khi từ quê vào Bình Dương, với ý định vào làm việc tại quán karaoke nên X. đã mượn 26,5 triệu đồng của một người đàn ông ở TP Thuận An để làm CMND giả, mua sắm quần áo mới và ăn xài hết số tiền này. Khi vào làm ở quán karaoke nói trên, X. kể hoàn cảnh gia đình nghèo khó, nợ nần nên người chủ thương tình cho X. mượn trước tiền để trả nợ và trừ lương sau. “Vì muốn nghỉ làm ở quán karaoke mà không phải trả lại tiền nợ cho chủ nên em tự bịa ra câu chuyện bị bắt cóc bán vào karaoke và bị đánh đập, ép tiếp khách. Thực chất không có chuyện đó”- X. khai.

Trang Zalo OA Công an thị xã Bến Cát (Bình Dương) và Công an phường Thới Hòa (Bến Cát) tiếp nhận thông tin do N.V.L. (SN 1990, quê Ninh Thuận) cung cấp về việc em gái của L. và nhiều thiếu nữ khác bị môi giới lừa bán vào một quán karaoke trên địa bàn phường Thới Hòa, ép ký giấy nợ. Điều tra, cơ quan Công an xác định, nội dung mà L. phản ánh là sai sự thật. Thực tế, “em gái” mà L. nhờ giải cứu tên là N. (SN 2003, quê Ninh Thuận), người yêu của L..

Qua làm việc, N. cho biết có quan hệ tình cảm và sống cùng với L. tại tỉnh Đồng Nai. Trong quá trình chung sống, cả hai xảy ra mâu thuẫn nên N. bỏ đi và xin làm việc tại quán karaoke chứ không bị ai ép buộc gì. Tuy nhiên, do không muốn N. làm tại đây nên L. đã dựng nên câu chuyện để nhờ Công an giải cứu…

Bên cạnh sự chủ động tìm đến các cớ sở tệ nạn, cũng có không ít các bậc phụ huynh vì đồng tiền đã đẩy con mình vào ngõ cụt. “Khi em đến Bình Dương, gặp người môi giới nói có cơ sở massage làm việc lương tháng 30-40 triệu mà chẳng phải làm gì. Em gọi điện về nhà xin ý kiến thì mẹ hối thúc em xin vào làm. Mẹ nói, nhà mình nghèo, nhà cửa lại hư hỏng nên con ráng kiếm tiền gửi về cho cha mẹ sửa lại nhà. Do vậy mà em đành làm theo.” Em Q., quê Cần Thơ kể trong nước mắt.

Tuy đã chấp nhận số phận nhưng nhiều cô gái vì không chịu đựng nổi sự đối xử tàn nhẫn của chủ cơ sở, báo về cho gia đình để cầu mong được sự giải thoát. Tuy nhiên, do sĩ diện, sợ xóm giềng, người thân biết chuyện nên nhiều bậc cha mẹ chỉ khuyên con mình ráng làm để trả xong nợ rồi về…Có trường hợp vay mượn tiền để chuộc con nhưng sau đó không dám tố cáo với cơ quan Công an vì sợ bị trả thù. Chính yếu tố này mà những kẻ mua bán người vẫn còn đất sống.

Phương Tuyền
.
.
.