Bắt truy nã từ những trang hồ sơ

Thứ Sáu, 25/03/2022, 07:59

Theo quy luật, các đối tượng phạm tội nói chung, tội phạm truy nã nói riêng thường khai man, che giấu lai lịch, thông tin cá nhân. Song với tinh thần dám nghĩ, dám làm, từ công tác tra cứu hồ sơ và sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ, Cục Hồ sơ Nghiệp vụ, Bộ Công an đã bắt giữ nhiều đối tượng trốn truy nã.

Nhạy bén từ tình huống nghiệp vụ mới

Thêm một đêm không ngủ, các cán bộ Trung tâm Tiếp nhận và xử lý thông tin nghiệp vụ, Cục Hồ sơ Nghiệp vụ tỉ mỉ bên những chồng hồ sơ còn để ngỏ. Khối lượng hồ sơ do Công an các tỉnh phía Bắc gửi về với số lượng lớn, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ của trung tâm đã làm việc thêm ngày, thêm giờ…

Hồ sơ tiếp nhận lần này của đối tượng tự khai tên là Trần Văn Hồng (SN 1980, trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Nếu chỉ tra cứu theo thông tin đối tượng cung cấp thì sẽ bỏ lọt tội phạm. Vì thế, cán bộ trung tâm đã tỉ mỉ tra cứu qua cơ sở dữ liệu nghiệp vụ rồi đối chiếu với thông tin của các đối tượng truy nã. Niềm vui trên gương mặt của các cán bộ đơn vị khi họ xác định Trần Viết Hồng chính là Nguyễn Viết Hoàng (SN 1977), đối tượng bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định truy nã về hành vi “giết người” theo quyết định truy nã số 75, ngày 12/3/2002. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, đối tượng Nguyễn Viết Hoàng đã khai họ, tên giả là Trần Văn Hồng (SN 1980), giảm 3 tuổi; địa chỉ đăng ký thường trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… Ngay sau khi tra cứu được thông tin trên, Cục Hồ sơ Nghiệp vụ đã trao đổi thông tin với Công an tỉnh Cao Bằng, kịp thời bắt giữ đối tượng trốn truy nã sau 19 năm lẩn trốn.

Đó chỉ là một trong 25 đối tượng truy nã bị phát hiện trong số các đối tượng nhập cảnh trái phép. Qua tra cứu hồ sơ, cán bộ Trung tâm Tiếp nhận và xử lý thông tin nghiệp vụ còn phát hiện 6 đối tượng có lệnh truy nã về tội “cướp tài sản”, “chiếm đoạt tài sản”, “cố ý gây thương tích; 4 đối tượng có lệnh truy nã về hành vi liên quan đến tội phạm ma tuý; 4 đối tượng có lệnh truy nã về hành vi mua bán người, mại dâm…

Theo chức năng, nhiệm vụ trong đấu tranh truy bắt đối tượng truy nã, nhiệm vụ của Cục Hồ sơ Nghiệp vụ được giao là tiếp nhận, tra cứu, cung cấp thông tin về đối tượng truy nã cho các đơn vị nghiệp vụ… Những tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới. Từ đó, đã xuất hiện làn sóng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động ở nước bạn nhập cảnh về nước, trong số đó, có những đối tượng nhập cảnh trái phép. Từ tình huống nghiệp vụ mới xuất hiện; đồng thời, trên cơ sở phân tích tình hình, tâm lý tội phạm, Cục Hồ sơ Nghiệp vụ nhận định, nhiều khả năng trong số các đối tượng nhập cảnh trái phép có đối tượng trốn truy nã.

Từ tình huống nghiệp vụ mới xuất hiện, Cục Hồ sơ Nghiệp vụ nhận định sẽ có một số đối tượng truy nã. Vì thế, đã báo cáo lãnh đạo Bộ, có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ Phòng Hồ sơ Công an các tỉnh biên giới phía Bắc, trực tiếp nắm tình hình, kịp thời gửi thông tin về các đối tượng nhập cảnh trái phép về Cục để tra cứu.

Triển khai tra cứu trên thực tế, họ phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo quy luật, các đối tượng phạm tội nói chung, đối tượng truy nã nói riêng thường khai man, che giấu lai lịch, thông tin cá nhân. Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào thông tin họ, tên, bố mẹ, năm sinh, quê quán…, do đối tượng khai với thông tin trên cơ sở dữ liệu và tàng thư do Cục quản lý sẽ không thể phát ra đối tượng. Trong khi đó, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác tra cứu đã cũ và lạc hậu, thời gian tra cứu đòi hỏi thời gian lâu; họ vừa làm lại phải “chạy đua” với thời gian để làm rõ một yêu cầu.

1.jpg -0
Cán bộ Cục Hồ sơ Nghiệp vụ tra cứu hồ sơ.

Phối hợp tra cứu thông tin

Trong công tác tra cứu thông tin đối tượng nhập cảnh trái phép, Cục Hồ sơ Nghiệp vụ đã huy động toàn bộ cán bộ, chiến sỹ của 7/9 đơn vị tham gia. Quá trình thực hiện đã quán triệt phương châm “tranh thủ thời gian, khẩn trương nhưng chính xác, không để xảy ra nhầm lẫn, sai sót”. Trung tâm Tiếp nhận và xử lý thông tin nghiệp vụ được lãnh đạo Cục giao làm đầu mối tiếp nhận, tiến hành tra cứu và trao đổi ngay với các phòng khác theo chức năng. Khi có những thông tin cần xác minh, mở rộng, trực tiếp trao đổi trước khi có Cục có văn bản gửi phòng hồ sơ Công an các địa phương và các đơn vị có liên quan, trong đó có đơn vị ra quyết định truy nã.

Sau khi có kết quả ban đầu, trung tâm tiếp tục “kiểm tra chéo”, “tái kiểm” độ chính xác của thông tin trước khi cung cấp cho đơn vị liên quan. Với phương pháp và cách làm như trên, từ tháng 8/2020 đến ngày 31/8/2021, Cục Hồ sơ Nghiệp vụ đã tra cứu, phát hiện, trao đổi để Công an các đơn vị, địa phương truy bắt 25 đối tượng truy nã.

Cùng với việc phát hiện, cung cấp thông tin để Công an các đơn vị, địa phương truy bắt đối tượng truy nã và bổ sung thông tin, tính toán công tác nghiệp vụ với số đối tượng đã có từng có tiền án, tiền sự trong số đối tượng nhập cảnh trái phép… Cục Hồ sơ Nghiệp vụ còn chủ động, tích cực rà soát thông tin, mở rộng tra cứu. Qua đó, phát hiện hàng chục đối tượng truy nã khác đang lẩn trốn ngoài xã hội; kịp thời trao đổi, phối hợp cùng các đơn vị liên quan truy bắt, trong đó có nhiều đối tượng đặc biệt nguy hiểm.

Điển hình trong số đó có trường hợp của Nguyễn Văn Kỳ (SN 1955, ở tại tỉnh Bạc Liêu bị truy nã về tội “giết người”; án tù chung thân, trốn khỏi Trại giam Cây Dừa ngày 5/6/1989). Sau khi trốn trại, đối tượng đã thay tên, đổi họ và làm CMND với họ tên là Trần Văn Sơn (SN 1950), tăng 5 tuổi về cư trú tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2012, đối tượng tiếp tục phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị xử phạt 3 năm án treo.

Qua kết quả kiểm tra, Cục Hồ sơ Nghiệp vụ đã phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Kỳ (SN 1955) là đối tượng Trần Văn Sơn (SN 1950) và thông báo cho Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ thông tin do Cục Hồ sơ Nghiệp vụ cung cấp, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt được đối tượng Nguyễn Văn Kỳ sau 32 năm lẩn trốn.

Xuân Mai
.
.
.