Nhiều biện pháp đẩy mạnh triệt xóa “tín dụng đen”

Thứ Năm, 11/06/2020, 06:57
Ngày 10/6, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nhóm đối tượng cho vay nặng lãi.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị, ngày 5/3/2019, Bùi Đức Thái (SN 1986, trú phường Đa Phúc, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) vào TP Đông Hà, Quảng Trị thuê nhà trọ tại 27/14 Tôn Thất Thuyết, để tổ chức cho vay nặng lãi. 

Sau khi ổn định chỗ ở, đồng thời in sẵn các tờ quảng cáo với nội dung “cho vay tiền”, kèm số điện thoại để dán lên các trụ điện, Thái gọi Nguyễn Văn Dũng (SN 1987, tên gọi khác là Cu, trú thôn An Dương, xã An Đồng, huyện An Dương) và Nguyễn Văn Đức (SN 1984, trú phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) vào làm thuê cho mình và được 2 đối tượng này đồng ý. 

Thái phân công Dũng đi xác minh nhà ở của người vay tiền, thu nợ của người vay tại các địa điểm mà người vay hẹn đến trả rồi mang tiền về giao cho Đức. Đức ở nhà ghi vào sổ đồng thời thu nợ của những người mang tiền đến đây trả và đi chợ nấu cơm cho cả nhóm. Đến cuối ngày, Đức chốt sổ và bàn giao lại tiền thu được cho Thái. 

Riêng Thái khi có người gọi điện thoại đến muốn vay, đối tượng đến gặp trực tiếp người đó, tiến hành thỏa thuận về hình thức, lãi suất cho vay, rồi hẹn làm hợp đồng và giao tiền. Sau khi Dũng xác minh xong nơi ở của người vay, Thái trực tiếp giao tiền cho người vay. 

Mỗi tháng, Thái trả cho Đức và Dũng 6 triệu đồng/người, trong đó Đức đã nhận 24 triệu đồng, Dũng 18 triệu đồng. Thái đã sử dụng thủ đoạn: Người vay phải viết vào bản hợp đồng do Thái đã chuẩn bị sẵn. 

Nếu vay 5 triệu đồng, thì viết số tiền vay 6 triệu đồng; 10 triệu, thì viết 12 triệu; 15 triệu, thì viết 18 triệu đồng…. Thời hạn vay 40, 50 hoặc 60 ngày phải trả hết số tiền ghi trên giấy vay, thời hạn vay ngắn hoặc dài hơn thì mức lãi suất sẽ theo thỏa thuận…

Các đối tượng hoạt động địa bàn tương đối rộng, đến ngày 18/7/2019, thì bị lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện và lập biên bản sự việc khi cả nhóm đang ở nhà bà H, trú phường 1, TP Đông Hà để đòi nợ. 

Tại cơ quan CSĐT cũng như trước Tòa, các bị cáo khai nhận trong thời gian từ ngày 10/3 đến 18/7/2019, Thái được Dũng và Đức giúp sức đã thông qua 57 giao dịch dân sự cho 23 người trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vay với số tiền trên 550 triệu đồng, với mức lãi từ 114,062%/năm đến 536%/năm, cao gấp 5,7 đến 26,8 lần mức lãi suất cao nhất cho phép quy định tại Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015. 

Chỉ trong thời gian ngắn, Thái đã thu lãi bất chính gần 94 triệu đồng. Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Thái 24 tháng cải tạo không giam giữ; Đức 15 tháng, Dũng 12 tháng đều cải tạo không giam giữ về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; đồng thời truy thu 552 triệu đồng tiền gốc và buộc nộp lại số tiền lãi bất chính. 

Các bị cáo Thái, Đức, Dũng tại phiên tòa ngày 10-6-2020.

Tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra một thời gian dài. Trước đó, vào giữa tháng 8/2018, Nguyễn Thắng Lợi (SN 1991, trú Thanh Trì, Hà Nội) cũng đã vào thuê trọ tại TP Đông Hà để tổ chức cho vay nặng lãi. 

Bằng thủ đoạn in tờ rơi dán các trụ điện với nội dung “Hỗ trợ người tiêu dùng”, Lợi trực tiếp gặp những người cần vay tiền, dùng tên giả để trao đổi, giao dịch. Lợi yêu cầu người vay viết và ký vào giấy vay tiền hoặc hợp đồng mua bán ĐTDĐ trả góp theo mẫu đã chuẩn bị sẵn. 

Theo đó, có 2 hình thức trả góp cả gốc lẫn lãi hàng ngày hoặc trả lãi hàng ngày không trả tiền gốc. Sau khi cho vay, hàng ngày Lợi trực tiếp đến nhà hoặc điện thoại đến điểm hẹn để thu tiền. 

Đối tượng cũng tính tiền lời gồm lãi vay cùng tiền xăng xe theo từng trường hợp, dao động từ 146% đến 365%/năm, tương đương cao gấp 7,3 lần đến 18,25 lần mức lãi suất cao nhất khi cho vay. 

Chỉ trong hai tháng 3 và 4/2019, Lợi đã cho 14 trường hợp cư trú tại địa bàn Cam Lộ vay với 22 giao dịch; tổng số tiền vay là 483 triệu đồng, thu lợi bất chính gần 70 triệu đồng. 

Công an huyện Cam Lộ đã phát hiện sự việc, khởi tố bị can đối với Lợi do đối tượng đã có về hành vi phạm vào tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. TAND huyện Cam Lộ đã đưa vụ án ra xét xử, buộc Lợi nộp ngân sách Nhà nước hơn 337 triệu đồng, buộc trả lại số tiền thu lợi bất chính.

Tương tự, tháng 5/2020, Công an huyện Vĩnh Linh cũng đã khởi tố bị can đối với Phạm Đức Anh (SN 1993, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đồng bọn đã thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi với 27 hợp đồng trên địa bàn huyện này; mức lãi suất từ trên 180% đến hơn 600%, trong đó có người thực hiện nhiều lần vay. 

Cụ thể, Phạm Đức Anh và Văn Thế Công (SN 1997, trú quận Long Biên, Hà Nội) vào thuê trọ tại xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình để thực hiện cho vay nặng lãi ở địa bàn Lệ Thủy và Vĩnh Linh. Từ tháng 7 đến tháng 10/2019, Anh và Công đã cho 20 người vay với 27 hợp đồng, số tiền cho vay hơn 216 triệu đồng, thu lợi bất chính hơn 57 triệu đồng… 

Theo Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, “tín dụng đen” đã xuất hiện tại 9/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh Quảng Trị, gây hậu quả xấu trong nhân dân.

 Hiện tại, lực lượng Công an tỉnh Quảng Trị và Công an các đơn vị địa phương trong tỉnh đang tích cực điều tra triệt xóa các nhóm, ổ cho vay lãi nặng, ổn định ANTT địa bàn.

Thanh Bình
.
.
.