Kiềm chế tội phạm mua bán người: Nhận diện thủ phạm

Chủ Nhật, 04/12/2016, 08:12
Thoạt đầu, các "mẹ mìn" người lựa chọn những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, ít hiểu biết, có nhu cầu tìm việc làm, đang sống ở vùng nông thôn, biên giới để dụ dỗ. Khi đó, chúng “khoe môi, múa mép” rằng, có thể tìm kiếm việc làm ở thành phố hoặc nơi khác có thu nhập cao. Khi nạn nhân đồng ý, bọn chúng sẽ bằng đủ mọi cách để bán vào ổ mại dâm hoặc đưa thẳng lên biên giới chuyển cho đồng bọn bán ra nước ngoài.

Từng tham gia triệt phá hàng chục đường dây mua bán người, Đại tá Trần Văn Luận, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, tình trạng mua bán người ra nước ngoài để làm vợ hoạt động không rầm rộ như trước mà kín đáo, chặt chẽ với “lộ trình” nhất định…

Thoạt đầu, đối tượng lựa chọn những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, ít hiểu biết, có nhu cầu tìm việc làm, đang sống ở vùng nông thôn, biên giới để dụ dỗ. Khi đó, chúng “khoe môi, múa mép” rằng, có thể tìm kiếm việc làm ở thành phố hoặc nơi khác có thu nhập cao. Khi nạn nhân đồng ý, bọn chúng sẽ bằng đủ mọi cách để bán vào ổ mại dâm hoặc đưa thẳng lên biên giới chuyển cho đồng bọn bán ra nước ngoài.

Cách đây không lâu, Nguyễn Mai Kiều (28 tuổi, ngụ huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) xuất cảnh sang Trung Quốc lấy chồng. Tại đây, Kiều và chồng tên A.Lê tìm những người đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ Việt Nam để hứa hẹn đưa sang Việt Nam tìm các cô gái bán làm vợ với giá từ 90 đến 120 triệu đồng.

Tại Việt Nam, Kiều phân công Tân, Quý, Nhung làm đầu mối tuyển chọn phụ nữ và hoàn tất thủ tục đưa sang Trung Quốc cho Kiều bán làm vợ. Các đối tượng này được Kiều trả công 5 triệu đồng/người.

Với chiêu bài dụ dỗ, hứa hẹn với các phụ nữ sẽ đưa ra nước ngoài lựa chọn chồng trẻ đẹp, giàu có, thậm chí họ còn được 33 triệu đồng để “báo hiếu” cha mẹ, lo tất cả các thủ tục xuất cảnh, vé máy bay miễn phí khiến nạn nhân mờ mắt. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, họ bị thu giữ hết giấy tờ tùy thân và bị bán cho các đàn ông tật nguyền hoặc có cuộc sống khổ cực vùng đồi núi. Nhóm này đã bán được 15 phụ nữ ra nước ngoài.

Hai đối tượng cầm đầu một đường dây mua bán phụ nữ sang Malaysia.

Không chỉ vậy, đối tượng còn lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, tạo ra sự lệ thuộc về vật chất, tinh thần, buộc nạn nhân phải ra nước ngoài để bán thân. Có trường hợp, đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi bạo lực đối với nạn nhân. Gần đây nhất, bọn chúng dụ dỗ các cô gái trẻ để cho mượn tiền mua sắm quần áo, tư trang rồi ép viết giấy nợ với lãi suất cao. Sau đó, dụ dỗ đưa nạn nhân sang nước ngoài làm việc lương cao để trả nợ. Thực tế, họ vừa đặt chân tới nước ngoài đã bị đối tượng bán vào các động mại dâm.

Điển hình, tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng Đồn Biên phòng Mộc Bài bắt giữ Đỗ Thanh Thúy (35 tuổi) và Đỗ Thị Chi (45 tuổi) tổ chức đưa 5 nạn nhân sang Campuchia để đi Malaysia bán vào động mại dâm.

Các nạn nhân cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn và bản thân không có việc làm nên họ vay mượn tiền của Thúy – Chi. Họ bị đối tượng dụ dỗ ra nước ngoài làm việc trong quán bar, karaoke có thu nhập cao, mọi thủ tục chi phí có chủ ở Malaysia chi trả.

Tại Malaysia, Thúy bán các cô gái cho A Bin để thu lợi. Đối tượng này lại bán các cô gái cho chủ quán bar khác, ép bán dâm cho khách để trả nợ. Nếu họ không đồng ý thì gia đình ở Việt Nam phải đem 40 triệu đồng qua chuộc thân. Cả hai đã đưa 15 phụ nữ ra nước ngoài để bán vào động mại dâm.

Trong nội địa, cũng với hình thức dụ dỗ các cô gái trẻ để cho mượn tiền rồi ép viết giấy nợ với lãi suất cao, khi không trả hết nợ thì chúng bắt làm tiếp viên karaoke hoặc bán sang tay cho các chủ khác.

Công an tỉnh Bình Phước và Tây Ninh đã bắt khẩn cấp 22 đối tượng, giải cứu 6 nạn nhân bị bán qua huyện Bù Đốp (Bình Phước).

Núp dưới “vỏ bọc” chăn dắt tiếp viên karaoke, massage, nhiều phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, thích đua đòi “chưng diện” bị chúng dụ dỗ cho mượn tiền mua quần áo, điện thoại, xe máy… Sau đó, chúng bắt nạn nhân viết giấy nợ với lãi suất 20%/tháng, buộc đóng trả góp từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, cuối tháng cộng lại nếu không đủ tiền vốn thì nạn nhân tiếp tục chịu 20% lãi suất phần tiền còn thiếu.

Ngoài ra, tiếp viên còn chịu sự điều động của chúng khi có yêu cầu. Vào những ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật, họ không tiếp khách thì bị chúng “phạt” 1 triệu đồng, ngày thường 500.000 đồng. Nếu họ không đóng tiền phạt sẽ bị đánh đập. Nhiều nạn nhân đã bỏ trốn nhưng bị chúng bắt lại và bán sang cho chủ khác.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, nhiều đối tượng đang câu kết với nhau tạo thành đường dây khép kín, quy mô xuyên quốc gia, các đối tượng ở Tây Ninh móc nối với một số đối tượng ở phía Bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội… và ở phía Nam như Long An, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng… và các đối tượng người nước ngoài để hoạt động.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, bọn chúng còn lên mạng giả vờ yêu đương để dụ dỗ các cô gái. Sau đó, thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động, thuê khách sạn, nhà nghỉ hoặc nhà tại TP Hồ Chí Minh để tập kết “con mồi”.

Cả bọn ít gặp mặt nhau mà chủ yếu liên lạc qua điện thoại di động để hoạt động phạm tội.  Từng thành viên “thêu dệt” về cuộc sống khá giả, có thể gửi tiền về giúp gia đình, viễn cảnh giàu sang của các cô gái từng xuất cảnh.

Thực tế, đối tượng còn cho người “đóng vai” cô gái từng được chúng cho xuất cảnh có cuộc sống giàu có trực tiếp tư vấn để tăng thêm tin tưởng của nạn nhân. Sau đó, chúng giúp đỡ các thủ tục, giấy tờ kết hôn, thậm chí còn cho tiền, quà hay cho ứng tiền trước để làm thủ tục, đồng thời không quên ngỏ ý để nạn nhân rủ thêm người thân hoặc hàng xóm.

Từ năm 2011 đến nay, cả nước phát hiện hơn 2.100 đường dây mua bán phụ nữ, lừa bán hơn 4.300 nạn nhân ra nước ngoài với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Đáng buồn, một số thủ đoạn cũ rích như đưa người lao động ra nước ngoài, môi giới hôn nhân… từng bị cơ quan chức năng lật tẩy nhưng nhiều nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi, biên giới vẫn mắc bẫy. Trong đó, một số thủ đoạn mới cũng được đối tượng sử dụng “ăn theo” sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đức Mừng
.
.
.