Đòi nợ thuê, vấn đề pháp lý và những hệ lụy

Thứ Tư, 06/09/2017, 09:57
Đòi nợ thuê thường ngụy trang bằng hình thức thành lập các công ty, treo biển, số điện thoại, quảng cáo dịch vụ thông qua mạng xã hội, kèm với đó là những câu “slogan” đại loại như: “Đòi lại tiền là của bạn”, “Sinh ra để đòi nợ”, “Nợ là phải trả”…


Bài 1: Thuê đòi nợ, dịch vụ công khai bất hợp pháp

Với những khoản lợi nhuận lớn từ việc ăn chia % khi đứng ra thu nợ hộ, dịch vụ đòi nợ thuê đang ngày một nở rộ. Để “qua mặt” cơ quan chức năng, các đối tượng đòi nợ thuê thường ngụy trang bằng hình thức thành lập các công ty, treo biển, số điện thoại, quảng cáo dịch vụ thông qua mạng xã hội, kèm với đó là những câu “slogan” đại loại như: “Đòi lại tiền là của bạn”, “Sinh ra để đòi nợ”, “Nợ là phải trả”…

Để hiểu rõ hơn về dịch vụ đòi nợ thuê, chúng tôi liên hệ vào số điện thoại 0983412xxx – chủ một cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ đòi nợ thuê trên mạng Internet với những lời quảng cáo như đúng rồi: “Đòi lại tiền là của bạn”. Theo lời quảng cáo đi kèm thì công ty này có tên: "Công ty TNHH Dịch vụ thu hồi nợ T.T” và luôn có một đội ngũ nhân viên là những luật sư giàu kinh nghiệm, nhân viên đàm phán chuyên nghiệp, có kiến thức và quan hệ xã hội rộng, sẵn sàng can thiệp kịp thời giúp các doanh nghiệp và cá nhân tháo gỡ thu hồi nợ một cách nhanh chóng.

Sau cuộc điện thoại giao dịch, tôi gặp nhân viên của Công ty T.T tại một quán café nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên – Hà Nội). Đó là một nam thanh niên ăn mặc khá bảnh, xách theo một chiếc cặp mới cáu cạnh. Vừa nhìn thấy tôi tới, nam thanh niên trên cất giọng: “Anh T đó à?”.

Thấy tôi gật đầu, cậu ta liền nhanh nhảu nói tiếp: “Em nhìn cái là biết ngay, nên những ai nợ tiền anh có chui xuống đất, em cũng “moi” lên được!”. Qua giới thiệu, tôi được biết nam nhân viên này có tên D. D giới thiệu cho tôi về về dịch vụ mà Công ty T.T đang cung cấp. Nghe những lời chia sẻ của D, tôi mới hiểu vì sao các hoạt động này có thể tồn tại dù cơ quan chức năng siết khá chặt.

Những hình ảnh quảng cáo mời gọi khách hàng nếu cần thu hồi nợ tràn lan trên mạng xã hội…

Sau khi tôi trình bày có một khoản nợ 280 triệu cần đòi, khoản nợ này chỉ đảm bảo bời một tờ giấy cho vay viết tay, D thở dài, rồi trách: “Ở đời chẳng tin được ai hết đâu, anh dại thế… Vụ này khó đây. Mấy tờ giấy mà không có công chứng thì luật sư bên em cũng không làm được, cái này phải nhờ “anh em” thôi, cứ phải “rung lắc” xem thế nào…”. Vừa lắc đầu, chẹp miệng, D nhăn mặt bảo tôi cung cấp thêm thông tin về đối tượng vay. Thấy tôi cho biết, đối tượng nợ tiền là người ở tỉnh xa, D bèn chê và đẩy giá ăn chia % lên cao. Nam nhân viên này bảo, khả năng mất trắng khá cao. Song căn cứ vào tình hình thực tế, “công ty” sẽ đòi nợ giúp và lấy 70% cùng những chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện giao dịch.

Thấy tôi tỏ vẻ không hi vọng, D vội trấn an: “Em chỉ nói anh biết thế. Có vay có trả nên anh đừng lo...”. Cũng theo D cho biết, công ty của anh ta hoạt động đã lâu, có uy tín, nên nếu tôi đồng ý thì cung cấp giấy Chứng minh nhân dân cùng toàn bộ chứng từ cho vay nợ làm bằng chứng (bản phô tô)… và viết Giấy ủy quyền thu hồi nợ/đòi nợ. Tôi đành tìm cách chia tay D với lời hứa hẹn hôm sau sẽ cầm giấy vay tiền của con nợ cũng như lên công ty để bàn bạc cụ thể hơn.

Để tìm hiểu rõ hơn những mánh khóe của dịch vụ đòi nợ thuê hiện nay, tôi gặp T với biệt danh T “gà tây” (36 tuổi). T có “thâm niên” trong nghề đòi nợ thuê. Khi tôi chia sẻ câu chuyện mới gặp D và có thỏa thuận miệng qua sự việc, T bảo, với 70% cùng chi phí phát sinh quá trình thực hiện khách hàng chi trả, khả năng thu hồi tiền nợ là không nhiều, thậm chí chẳng còn gì.

Theo T, với dữ liệu mà tôi cung cấp, dù ít ỏi song chắc chắn D sẽ cho “ong thợ” đi check thông tin, nếu người vay tiền thuộc dạng dễ đòi (như cán bộ, làm ở các công ty lớn...) thì % sẽ hạ xuống, có thể là 50/50; công ty có thể từ chối nhận hợp đồng này nếu đến nhà và thấy gia cảnh con nợ không có khả năng chi trả hoặc đối tượng thuộc dạng “bất hảo”.

Với T, hoạt động thu hồi nợ giờ Công an làm khá “rát”, vậy nên khi xác minh con nợ, cứ phải có giấy ủy quyền cũng như một số giấy tờ liên quan của chủ nợ mới yên tâm. Khi tôi hỏi T đã từng đi thu nợ vụ nào dễ nhất, cậu ta cười và bảo, đó là những đối tượng thuộc diện cán bộ, viên chức, làm việc tại các công ty lớn. Vì những người này tâm lý sợ mang tiếng nên cứ đến cổng công ty làm um xùm, lớn hơn thì cho vài anh em tới trước cửa nhà làm vài ba bãi, Công an có sờ đến thì chầy cối với lý do đau bụng không kìm được bản thân... những đòn đánh tâm lý như thế, con nợ sẽ sớm hoang mang và mang tiền trả.

Những chiêu thức đòi nợ cổ điển như mắc màn, trồng cây si hay ăn ngủ tại nhà con nợ giờ ít khi được thực hiện vì vừa tốn thời gian, nhân lực mà hiệu quả không cao. Tuy nhiên mục đích là phải đòi được tiền, vì vậy trong một số trường hợp vẫn  sẵn sàng phải đổ máu, T cho biết, nhưng phần việc giao chiến này sẽ cho đám đàn em mới vào nghề, có “hồ sơ” còn trong sạch hoặc đám nghiện hút nhiễm HIV…

Câu chuyện của tôi với T bị cắt ngang khi có một “ong thợ” của cậu ta phi xe máy đến, cầm một cọc tiền lấy ra từ chiếc túi đeo chéo vai đưa cho T. Trong câu chuyện xen lẫn những câu văng tục đó, tôi phát hiện ra T còn đang làm thêm nghề “cho vay nặng lãi” và hằng ngày có vài người đi thu tiền cho anh ta… Có thể nhận thấy, nhiều năm qua, để thực hiện các hợp đồng thu nợ thuê, các băng nhóm với những tay anh chị hung hãn sẵn sàng sử dụng hung khí đe dọa, hoặc sử dụng những chiêu trò bẩn buộc người khác phải trả tiền.

Hiện tại còn hiện tượng các “công ty ma” nhận thu hồi nợ và cho vay tài chính bắt đầu mọc lên như nấm với đội ngũ nhân viên học luật, xách cặp, đi ôtô bóng lộn đến xuất trình giấy tờ và rủ rỉ nhẹ nhàng… đòi nợ. Thế nhưng, đã có không ít con nợ bị giam lỏng, đánh đập, bức bách dẫn tới thắt cổ tự tử như trường hợp tại ông Đỗ Mạnh Hoan (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) vay 460 triệu đồng…

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, sau khi triển khai Kế hoạch 231 của Giám đốc CATP Hà Nội và Công văn số 504 của Phòng Cảnh sát hình sự về quản lý các đối tượng hình sự, tính từ tháng 10-2016 đến nay, các đơn vị trong Công an thành phố đã khởi tố 43 vụ án hình sự, bắt 112 đối tượng (trong đó có 80 đối tượng có biểu hiện hoạt động kinh doanh tài chính); có 4 vụ việc nghiêm trọng giết người có liên quan đến các đối tượng cho vay tài chính, trong đó 3 vụ có nguyên nhân từ mâu thuẫn do vay nợ. Theo cán bộ điều tra Công an TP Hà Nội, các vụ việc trên đều có chung một kịch bản gần giống nhau như sau thời gian dằn mặt, cho người theo dõi, các đối tượng nhắn tin đe dọa và sử dụng “bom bẩn”…
Thảo Vy
.
.
.