Cảnh giác trước “bẫy lừa” xuất khẩu lao động

Thứ Năm, 08/06/2017, 09:30
Lợi dụng nhu cầu cần tìm việc làm tại nước ngoài, nhiều đối tượng đã tạo ra những chiếc “bánh vẽ” đầy hấp dẫn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Đối với không ít sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường chưa có việc làm ổn định, thì việc ra nước ngoài làm việc, lao động thu nhập mức lương cao luôn là niềm mơ ước. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã tạo ra những chiếc “bánh vẽ” đầy hấp dẫn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Khi Nguyễn Chiến Thắng (35 tuổi, trú tại 22/281 Chi Lăng, phường Phú Hiệp, TP Huế), Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn dịch vụ Anzen (gọi tắt Công ty Anzen, trụ sở tại 94B Trường Chinh, TP Huế) bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt giam để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên tục có nhiều nạn nhân của Thắng đến cơ quan Công an trình báo việc bị Thắng lừa tiền làm hồ sơ xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

Chị Tống Thị V. (24 tuổi, trú đường Hàn Mặc Tử, TP Huế) cho biết, chị vừa tốt nghiệp đại học, chưa xin được việc làm nên khi biết thông tin Công ty Anzen thường đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh kỹ năng, chị đã đến gặp Thắng để được tư vấn.

Theo yêu cầu của Thắng, chị V. muốn đi Nhật thì phải làm hồ sơ xin việc và đóng 4.000 USD. Đến ngày hẹn phỏng vấn, Thắng nói với chị V. rằng, chị thuộc diện “đặc cách”, không cần phỏng vấn và đến cuối tháng 1-2017 sẽ có lịch bay.

“Để hoàn tất các hồ sơ, bảo hiểm kèm theo vé máy bay, Thắng yêu cầu tôi nộp thêm 185 triệu đồng. Do tin tưởng nên tôi giao thêm số tiền này cho Thắng. Tuy nhiên khi mọi thứ đã sẵn sàng, gần đến ngày bay thì tôi không thể liên lạc được với anh ta, lúc đó mới hay là mình đã sập bẫy lừa...”, chị V. ngậm ngùi kể lại.

Tương tự, anh Phạm Xuân T. (23 tuổi, trú huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng bị Thắng lừa, hứa hẹn ngon ngọt sẽ giúp anh làm hồ sơ để sang Nhật lao động, với “việc nhẹ lương cao”. Gia cảnh khó khăn, phải chạy vạy khắp nơi bố mẹ T. mới kiếm đủ số tiền gần 160 triệu đồng để giao cho Thắng làm hồ sơ xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên sau một thời gian giao tiền, anh T. không thể liên lạc được vào số máy Thắng nên đã làm đơn trình báo cơ quan Công an…

Qua đơn tố cáo của nhiều bị hại ở các tỉnh, thành gửi đến, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành xác minh làm rõ thủ đoạn lừa đảo của Nguyễn Chiến Thắng.

Cụ thể, từ giữa năm 2016 đến đầu 2017, do thua cá độ bóng đá và nợ một khoản tiền lớn nên Thắng lợi dụng việc có nhiều người đến Công ty Anzen làm hồ sơ sang Nhật theo diện thực tập sinh kỹ năng để lừa đảo.

Với chi phí 6.000 USD/người, Thắng đã “ẵm” gần 2,5 tỷ đồng của nhiều học viên, nhưng không làm hồ sơ xuất cảnh cho những người này. Thắng đã dùng số tiền trên để trả nợ và chơi cá độ bóng đá.

Đối tượng Vũ Việt Dũng và đối tượng Trần Thị Thanh Phương phải chịu hình phạt án tù thích đáng khi lừa đảo xuất khẩu lao động.

Thượng tá Đoàn Minh Hải, Chánh Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo xuất khẩu lao động ra nước ngoài để chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo tuy không mới nhưng đã đánh vào sự nhẹ dạ cả tin, nhu cầu muốn xuất khẩu sang nước ngoài lao động để “đổi đời”, từ đó khiến không ít người “sập bẫy”.

Điển hình như vụ án Vũ Việt Dũng (27 tuổi, trú tại 26 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Để thực hiện hành vi lừa đảo, Dũng tự giới thiệu mình là Giám đốc Công ty CP DeTaNon có trụ sở tại quận Ba Đình (Hà Nội) tuyển lao động đi làm đầu bếp tại các nước Phần Lan, CHLB Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, với chi phí 7.000 USD/người.

Nhằm tạo lòng tin, Dũng thuê một văn phòng tại TP Huế và tuyển nhân viên thu hồ sơ, phỏng vấn, thu phí ban đầu từ 200 - 250 USD/người. Bằng các thủ đoạn tinh vi, Dũng đã khiến nhiều người ở Huế, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh... sập bẫy lừa và chiếm đoạt số tiền hơn 2 tỷ đồng, trong đó người bị lừa nhiều nhất gần 200 triệu đồng, ít nhất dưới 30 triệu đồng. Vừa qua, Dũng đã bị TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xét xử tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù giam.

Hay như đối tượng Trần Thị Thanh Phương (57 tuổi, trú tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Du lịch Hà Tây (Hà Nội) đã sử dụng hợp đồng cung ứng lao động hết giá trị rồi liên kết với đối tượng Lê Minh Toàn ở Huế tuyển 60 lao động tại Thừa Thiên - Huế đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Séc.

Bằng thủ đoạn gian dối, Phương đã thu tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng của nhiều người có nhu cầu xuất khẩu rồi chiếm đoạt. TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tuyên phạt Phương mức án nghiêm khắc: 11 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

“Khi có nhu cầu tìm việc làm hoặc xuất khẩu lao động ra nước ngoài, người dân cần tìm hiểu thông tin kỹ càng và đến các trung tâm, cơ sở giới thiệu việc làm có uy tín, được cơ quan chức năng ủy thác tuyển chọn, đào tạo đưa người đi lao động để được tư vấn, hỗ trợ. Đồng thời khi bị các đối tượng dụ dỗ, lừa đảo thì cần đến cơ quan Công an trình báo để cơ quan CSĐT cũng cố hồ sơ phục vụ công tác điều tra, truy bắt đối tượng”, Thượng tá Hải khuyến cáo.

Nhóm PVĐT
.
.
.