Cảnh báo tội phạm mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người

Chủ Nhật, 21/10/2018, 21:45
Liên tiếp trong thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã triệt phá thành công nhiều đường dây mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người. Trong các ổ nhóm này, đối tượng phạm tội có nhiều mánh khóe và thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội, tránh sự phát hiện của cơ quan Công an ...

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, việc mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người là vi phạm pháp luật. Vì thế, người dân có nhu cầu chữa bệnh nên đến các cơ sở y tế có uy tín, không nên tiến hành các giao dịch bất hợp pháp, tránh để tiền mất, tật mang.

Đối tượng cầm đầu đều từng cho hoặc bán đi một quả thận

Từ thực tế các vụ mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người được Công an TP Hà Nội phát hiện trong thời gian qua cho thấy, các đối tượng điều hành đường dây đều đã từng cho hoặc bán đi một quả thận. Đối tượng vì thế nắm bắt được quy trình cũng như nhu cầu về mô hoặc bộ phận cơ thể người hiện nay.

Trường hợp của Trần Văn Phương (29 tuổi, trú tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là một ví dụ. Nhiều năm trước, Trần Văn Phương sang Campuchia bán đi một quả thận, vì thế am hiểu quy trình xét nghiệm, hồ sơ mua bán nội tạng và nhu cầu của thị trường hiện nay.

Để kiếm lời mà không bị lực lượng chức năng phát hiện, Phương đã câu kết với một số đối tượng thiết lập đường dây mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Đường dây hoạt động khép kín, đối tượng triệt để sử dụng mạng xã hội Facebook làm phương tiện giao dịch và ở giữa làm trung gian môi giới giữa người bán và người mua để kiếm lời. 

Dương Văn Lộc (31 tuổi, trú tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và Dương Ngọc Hoàng (29 tuổi, trú tại Bách Quang, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), hai đối tượng trong đường dây mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người do Công an quận Long Biên (Hà Nội) điều tra, khám phá vừa qua cũng vậy.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường và với mục đích kiếm lời, Lộc và Dương đã hình thành đường dây mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người. Từ tháng 3-2018 đến nay, Lộc đã môi giới bán thận cho 4 trường hợp, thu lời bất chính một khoản tiền không nhỏ. Khi đường dây bị phát hiện, bắt giữ, Lộc và Hoàng cho biết, các đối tượng đã từng cho đi một quả thận.

Cũng chính từ việc này, cả hai nắm bắt được nhu cầu của thị trường liên quan đến việc mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người. Dương Ngọc Hoàng vì thế trở thành tay chân đắc lực cho Lộc trong đường dây phạm tội. Mỗi tháng, Lộc trả cho Hoàng 6 triệu đồng, Hoàng có nhiệm vụ dùng trang Facebook cá nhân đăng tin, bài tìm người bán thận; đưa đón người có nhu cầu bán thận đi khám, làm thủ tục ghép thận. Mỗi trường hợp bán thận thành công, Hoàng được Lộc chia số tiền từ 3-5 triệu đồng.

Hai đối tượng lừa bán thận bị cơ quan Công an bắt giữ.

Quá nhiều thủ đoạn “né” pháp luật

Trao đổi với chúng tôi, các cán bộ Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: Trong quá trình điều tra các vụ án này, các trinh sát phải đối mặt với một áp lực rất lớn đó là chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng và đồng phạm, xử lý theo quy định của pháp luật. Với thủ đoạn tinh vi và sự am hiểu về các quy định của pháp luật liên quan đến việc cấy và ghép thận, đối tượng điều hành đường dây mua, bán thận có nhiều chiêu trò tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng, trong đó có việc hợp thức hóa việc mua bán nội tạng bằng các bộ hồ sơ hiến tặng.

Trong khi đó, ở vụ án này, giữa người mua và người bán luôn có sự đồng thuận với nhau. Người bán thì cần tiền còn người mua thì có nhu cầu được thay thận. Vì thế, để thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng cũng như vai trò của các mắt xích khác không dễ dàng. 

Ngoài việc sử dụng thông tin cá nhân giả để lập tài khoản Facebook, các đối tượng mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người còn có nhiều mánh khóe tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng. Theo đó, những kẻ cầm đầu rất cảnh giác, đối tượng này không bao giờ trực tiếp “xuất đầu, lộ diện”. Người mua và kẻ bán muốn thực hiện thành công các giao dịch đều phải qua sự mối lái của các chân rết trong đường dây. Để tiếp cận được với các chân rết, người mua thận cũng phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra.

Theo lời khai của một số đối tượng được triệu tập thì các đối tượng cũng có những thủ thuật riêng để có thể xác định được đâu là người có nhu cầu mua nội tạng thực sự, đâu là không... Vì thế, chỉ những người thực sự có nhu cầu mua và bán thận, các đối tượng mới tiến hành giao tiếp.

Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng còn thành lập các nhóm kín để trao đổi thông tin. Khi người bán và người mua có nhu cầu thì để lại số điện thoại trên Facebook để giao dịch. Nếu có người cần bán, các đối tượng gọi điện thoại cho người đó. Sau khi đồng ý, hai bên thống nhất giá cả, gửi các xét nghiệm ban đầu theo yêu cầu của các đối tượng môi giới. Tiếp đó, các đối tượng thuê nhà nghỉ, để họ ăn và ở trong thời gian chờ người mua thận.

Cùng với việc giao dịch qua mạng xã hội, các đối tượng còn lân la đến cổng các bệnh viện, các khu nhà có đông người chạy thận nhân tạo để nắm tình hình về người bệnh và người nhà của họ. Vì thế, việc dựng chân dung các đối tượng trong ổ nhóm không dễ dàng. Quy trình lách luật cũng rất tinh vi. Sau khi tìm được người mua, tiến hành các thủ tục xét nghiệm theo quy định, các đối tượng yêu cầu gia đình họ viết giấy tờ, đơn xin được hiến thận. Trong trường hợp bị Công an phát hiện đưa về đấu tranh, chúng thường khai là hiến tặng; tự nguyện cho thận. Còn số tiền giao dịch là để cảm ơn, bồi dưỡng...

Được biết, theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người bị nghiêm cấm. Vì thế, để tránh bị các đối tượng móc túi, có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người có nhu cầu hiến tặng và người bệnh cần đến các cơ sở y tế để tiến hành các thủ tục theo quy định.

Xuân Mai
.
.
.