Xuất khẩu thủy sản có hồi phục?
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1/2023, xuất khẩu (XK) thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm 2022 cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ước tháng đầu năm 2023, XK thủy sản giảm 31% đạt khoảng 600 triệu USD.
Trong 3 quý đầu của năm 2022, XK thủy sản liên tục tăng trưởng dương ở mức cao từ 34%-46% so với cùng kỳ năm trước. Bước sang quý IV, xu hướng XK đã đảo chiều, tăng trưởng âm hơn 9% và giảm sâu ở tất cả các ngành hàng do tác động của lạm phát ở các thị trường. Sang tháng 1/2023, XK thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước, cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo thống kê của VASEP, ước trong tháng 1/2023, XK thủy sản giảm 31%, đạt khoảng 600 triệu USD, trong đó cá tra giảm mạnh nhất 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%. Riêng mặt hàng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%. Các thị trường XK chính trong tháng đầu năm cũng đều giảm mạnh như: Mỹ giảm 56%, Trung Quốc - HK giảm 55%, EU giảm 35%...
Dự báo năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn. Bối cảnh đó cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU… Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà ở các thị trường khác khi du lịch và giao thương được thông suốt. Sự hồi phục thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý II/2023. Bên cạnh đó, ngành thủy sản vẫn có thể lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông…
Trước tình hình đó, để khai thác hiệu quả các thị trường XK, vấn đề quan trọng nhất là các doanh nghiệp (DN) thủy sản cần đảm bảo "sức khỏe" tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung. Đồng thời, các DN cũng mong muốn các cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách quản lý chuyên ngành đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, XK, để hỗ trợ kịp thời cho DN.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP: Năm 2023, các DN thủy sản vẫn còn những vướng mắc tồn tại mà VASEP và DN đang tiếp tục kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hợp pháp và hợp lý. Đó là vướng mắc lớn về quy định ngưỡng phospho (quá nghiêm ngặt) tại QCVN 11-MT:2015 cho nước thải chế biến thuỷ sản cũng như tại Dự thảo QCVN nước thải công nghiệp 2021 và chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn nước thải ao nuôi tôm-cá tra thâm canh. Thứ hai, đó là bất cập về việc bùn thải thủy sản chưa được phân loại là mã TT-R (là mã cho chất thải rắn công nghiệp thông thường). Thứ ba, là bất cập về quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, NK vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Ngoài ra, vướng mắc về quy định sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm quy định tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được sửa đổi và chưa nhận được phản hồi cụ thể từ Bộ Y tế. Liên quan đến ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm, Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo, trong đó có nhiều quy định chưa phù hợp với khu vực và quốc tế, chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro, không phù hợp với Nghị định 111/2021/NĐ-CP, thực tiễn Việt Nam, và thông lệ quốc tế, gây tốn kém, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của DN.
Bên cạnh đó, 2 vấn đề hiện cũng đang là gánh nặng chi phí với DN thủy sản, đó là: Quy định mức thu kinh phí công đoàn 2% quỹ lương và quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao. Hai vấn đề này đều được VASEP và các Hiệp hội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị và trao đổi tại các cuộc họp với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ LĐTB&XH nhưng chưa được xem xét.
Cũng theo bà Lê Hằng, năm 2023 được dự báo là năm khó khăn đối với DNXK vì kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm. Cộng đồng DN kỳ vọng môi trường kinh doanh trong nước sẽ bớt áp lực hơn với DN, để sức khỏe DN được duy trì ổn định đối phó với lạm phát và các chi phí đầu vào tăng cao và để có đà hồi phục khi thế giới ổn định trở lại.