Tín dụng tiêu dùng đẩy lùi “tín dụng đen”

Thứ Sáu, 19/07/2024, 09:15

Với dư nợ lên tới 2,8 triệu tỷ đồng, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

Số liệu thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh cả về quy mô dư nợ, số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia và mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các TCTD. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

Dù vậy, theo Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn để thấy rằng hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và sự suy giảm tổng cầu. Gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho công ty TCTD; các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.

Tín dụng tiêu dùng đã trải qua một năm 2023 đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng khoảng gần 11% so với năm trước - mức tăng khiêm tốn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010-2020. Dư nợ trong các tháng đầu năm 2024 tiếp tục suy giảm so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, tập trung vào nhóm công ty tài chính tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm này.

Đánh giá về vai trò của tín dụng tiêu dùng, bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhận định trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm, cầu thế giới còn yếu, giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn gặp những khó khăn nhất định thì việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước, phát huy lợi thế của một thị trường có quy mô dân số lớn và tương đối trẻ trở thành một trong những chiến lược quan trọng để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn mà còn củng cố vững chắc nền tảng tăng trưởng trong dài hạn, phát huy tối đa yếu tố nội lực và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Việc các TCTD có thể cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phù hợp, hấp dẫn cũng sẽ là một động lực quan trọng để thúc đẩy các hoạt động tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hoạt động tín dụng ngân hàng phục vụ mục đích tiêu dùng là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen”. Sự phát triển của hoạt động tín dụng tiêu dùng sẽ mở ra một cơ hội tiếp cận vốn cho khách hàng với nhiều ưu điểm vượt trội so với các dịch vụ “tín dụng đen” như sự công khai, minh bạch trong hợp đồng, lãi suất, thể hiện rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của khách hàng và TCTD. Quan trọng hơn hết là việc giao kết giữa khách hàng và TCTD được công nhận và bảo vệ bởi pháp luật, hạn chế phát sinh những biến tướng có thể tác động tiêu cực tới tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Ngoài ra, phát triển hoạt động tín dụng tiêu dùng, đặc biệt là các hình thức cấp tín dụng trên các nền tảng điện tử, nền tảng số hoàn toàn phù hợp với định hướng hiện đại hóa ngành ngân hàng thông qua việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại. “Qua đó, có thể thấy việc tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển là rất cần thiết, xuất phát từ thực tế khách quan, phù hợp với xu hướng vận động của nền kinh tế và nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp, phát triển tín dụng tiêu dùng cũng là chiến lược phù hợp để đóng góp vào sự phát triển chung của ngành ngân hàng cũng như hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác”, bà Trang nhấn mạnh.

hdb2-1.jpg -0
Đa dạng sản phẩm cho vay tiêu dùng để kích cầu nền kinh tế.

Ứng dụng dữ liệu quốc gia để phát triển cho vay tiêu dùng

Một trong những giải pháp phát triển tín dụng tiêu dùng, theo Vụ Chính sách tiền tệ là phải tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng, đồng thời thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, NHNN cũng tăng cường khuyến khích các TCTD cần chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lí hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn.

Một điểm quan trọng đó là triển khai các giải pháp theo Đề án 06, trong đó có giải pháp ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân; xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong đánh giá khách hàng vay do Bộ Công an cung cấp, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Có cùng quan điểm, từ góc độ người thực hiện trực tiếp, ông Lê Hồng Phúc - PTGĐ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đề xuất, cần sớm cho phép và hướng dẫn các TCTD trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán…

Hà An
.
.
.