Kiểm soát chặt và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử

Thứ Hai, 27/05/2024, 06:25

Để đảm bảo thị trường thương mại điện tử (TMĐT) kinh doanh được minh bạch và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hoạt động TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn

Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên TMĐT vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này tăng trên 25% so với năm 2022 và đạt 20,5 tỷ USD. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam 2023 đã đạt gần 61 triệu người và ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm 336 USD/năm. Sự phát triển nhanh của TMĐT gắn liền với sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực liên quan.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT-Bộ Công Thương) cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT, đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng TMĐT để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên truyền và phổ biến các sản phẩm cấm, có cả những sản phẩm xâm phạm đến chủ quyền, an ninh quốc gia... Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Bộ Công Thương đã triển khai và tham mưu cho Chính phủ nhiều hoạt động cụ thể để giảm thiểu vấn nạn này nằm hướng tới việc phát triển TMĐT lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng.

Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, chỉ tính riêng năm 2023, Bộ Công Thương đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ đã ban hành 14 văn bản yêu cầu các đơn vị là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, website/ứng dụng TMĐT rà soát gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật. Kết quả đã gỡ bỏ 23.359 sản phẩm và chặn 6.254 gian hàng vi phạm.

Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Văn Hoàn cho biết, dự báo tình hình buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo về SHTT và hàng xâm phạm quyền SHTT, giả mạo nguồn gốc xuất xứ năm 2024 tiếp tục có những thay đổi, diễn biến khó lường. Các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo về SHTT là hàng tiêu dùng; hàng điện máy, linh kiện điện tử, điện và điện tử gia dụng; thực phẩm chức năng, đường cát, tân dược; thuốc lá...

Đáng chú ý, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hiện được công khai trên các website TMĐT. Điều này đã tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước, gây tác hại cho nền kinh tế, làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương Mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, chợ bán hàng online đang phát triển mạnh mẽ thu hút được đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm nhưng việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hầu như chưa được quản lý chặt chẽ. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đề nghị ngành Công Thương cần có biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh online chặt chẽ hơn, qua đó tạo điều kiện cho siêu thị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cho biết, trên không gian mạng phát triển rất mạnh mẽ, nhiều khi người tiêu dùng không theo kịp và thậm chí kiến thức, kỹ năng để gia nhập môi trường mạng vẫn còn hạn chế do đó phải làm sát và làm mạnh hơn nữa.

2-1.jpg -0
Lực lượng quản lý thị trường thu giữ hàng hoá vi phạm kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đang tiếp diễn ngày càng tinh vi, mở rộng với nhiều hình thức mới. Do đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ, đột phá và toàn diện để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về phía Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động TMĐT phù hợp, hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua…

Để đảm bảo thị trường kinh doanh được minh bạch và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước cũng như tạo cơ chế thuận lợi trong giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh, giám định sản phẩm hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hoạt động TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích TMĐT Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.

Một số vấn đề Bộ đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi như bổ sung khái niệm mới phù hợp với quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT. Cùng đó, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về TMĐT cho địa phương trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong TMĐT; tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu nền tảng số/nền tảng số trung gian, người có ảnh hưởng; trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ TMĐT như logistics, ISP, dịch vụ tiếp thị liên kết... Chính sách quản lý mạng xã hội có hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT; quy định quản lý đối với các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam; trách nhiệm quản lý nhà nước về TMĐT...

Ông Nguyễn Văn Hoàn cho biết thêm, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để xác định địa bàn, đối tượng, hành vi, loại hình trọng điểm để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo về SHTT, hàng xâm phạm quyền SHTT đối với các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá. Trong đó, tập trung chú trọng vào các mặt hàng, địa bàn trọng điểm; các lĩnh vực trọng điểm; loại hình trọng điểm; đối tượng trọng điểm…

Phan Đức
.
.
.