Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt hơn 73 tỷ USD

Chủ Nhật, 04/12/2022, 17:30

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 10, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 20,62 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 6,6 % tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

10 tháng đầu năm có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,57 tỷ USD; dệt may 2,86 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 2,78 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,32 tỷ USD. 3 trên 4 nhóm hàng chủ lực duy trì được tăng trưởng khả quan, trong khi máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam đạt 53 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng chiếm 17,5% kim ngạch nhập khẩu cả nước. 10 tháng qua có tới 10 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng lớn nhất với 20 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thương mại Việt Nam- Hàn Quốc đạt hơn 73 tỷ USD -0
10 tháng, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện sang Hàn Quốc đạt 4,57 tỷ USD.

Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ). Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng đạt 73,62 tỷ USD, kết thúc năm 2022, thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc khả năng đạt khoảng 84 tỷ USD.

Về quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, cơ cấu xuất khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Hiện, Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang tận dụng tốt các cam kết từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), qua đó đóng góp tích cực vào mối quan hệ song phương giữa hai nước về thương mại và đầu tư.

Để tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với Hàn Quốc, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về ưu đãi và tiêu chuẩn cho hàng hóa xuất khẩu trong Hiệp định VKFTA. Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền về VKFTA để từ đó có những tương tác hiệu quả với cơ quan chức năng nhằm tiếp cận thành công thị trường Hàn Quốc cũng như đóng góp ý kiến để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố cốt lõi để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường Hàn Quốc.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp, chủ động vận hành theo cơ chế thị trường, linh hoạt để thay đổi bắt kịp xu thế đặc biệt là việc áp dụng công nghệ thông tin, phát triển hình thức thương mại điện tử trên nền tảng trực tuyến.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng lưu ý cộng đồng doanh nghiệp nên liên kết với nhau và có giải pháp tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng phân phối của doanh nghiệp Hàn Quốc để tận dụng những thế mạnh về thị trường, thương hiệu, cách thức tổ chức, quản lý, kinh nghiệm phát triển trong cạnh tranh. Điều này góp phần tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Lưu Hiệp
.
.
.